P3 - Chương 17
So với Huế mà Luân từng qua lại nhiều lần, sống nhiều ngày trước Cách mạng tháng Tám, bề ngoài Huế thay đổi tuy chậm song rõ rệt. Bờ phải sông Hương dần dần khoác chiếc áo hiện đại với con đường dọc sông rộng thoáng và với những ngôi nhà cao tầng quét vôi – thật sự chưa hài hòa trong một không gian vẫn đậm nét xa xưa. Cái màu xam xám của khu hoàng thành bên bờ trái sông chập chờn như cố chứng minh một sức sống nào đó không chịu lui về vị trí di tích, nhưng lại phơi bày nỗi bất lực. Kì đài bị sụp trong xung đột Việt – Pháp đầu năm 1947, tuy được hội đồng chấp chính Trung phần khôi phục, vẫn trơ trọi, buồn bã.
Cơn sóng phế hưng hủy phá đất Thần Kinh hơn đâu hết. Cái ẻo lả của cành liễu, lững lờ của dòng Hương Giang và da diết của giọng hò mái đẩy không đương cự nổi với trùng trùng lớp lớp biến thiên – càng về sau càng hung hãn. Kể từ khi Vua Anh Tông nhà Trần, vào những năm đầu thế kỉ XIV thiết lập cơ chế hành chính châu Hóa – bên nầy và bên kia đèo Hải Vân, vốn là châu Lý mà Chế Mân đổi lấy Công chú Huyền Trân – trải buổi thịnh suy của các Chúa Nguyễn, triều Tây Sơn, Vua Nguyễn. Chưa bao giờ Huế đứng trước những thử thách ghê gớm như mấy chục năm trở lại đây. Tất nhiên, Huế hiên ngang trong cơn bùng dậy mãnh liệt mùa thu 1945 và đã tồn tại với tư cách đó suốt một năm rưỡi trời, nhưng những người làm ra một Huế như thế không phải là những người định đoạt cuộc sống của Huế mười năm năm qua. Trước kia, Huế dưới ách của “hùm xám” Phan Văn Giáo. Bây giờ, đến ách của cụ “Cố Trầu”…
Trời tháng ba không âm u, song từ trường bay Phú Bài về trung tâm thành phố, Luân và Dung tiếp xúc lập tức với một bầu không khí nặng nề, trên 14 cây số ngắn ngủi ấy.
Mới lần đầu đặt chân lên cố đô, Dung lặng lẽ quan sát. Cô cảm thấy một cái gì man mác, bùi ngùi dù cho đoàn công xa nối đuôi như bất tận, tung bụi mịt mù. Bởi vậy, cô khen nức nở mấy đoạn thơ của Đông Hồ mà Luân thuộc lõm bõm:
“Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ.
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vướng áo nàng Tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ…
…
Lá liễu lơ thơ mưa thúy dịch
Bông đào e ấp gió đan đình
Vàng xây ngọc dựng đền vương bá
Một ảnh tàn xuân nỗi mỏng manh…”
Ngồi chung xe với hai người, ngoài Thạch – anh chàng ít nói, mà hễ nói thì khen chê từ góc độ ruộng đất tốt xấu, người lành rách – còn một thiếu úy, tên Đặng Sĩ, một con người cao lêu đêu và lạnh lùng hơn cả cố đô. Từ Phú Bài về đến thành phố, anh ta im ỉm.
Xe qua nhiều ngôi chùa tuy nhỏ mà cổ kính, Dung trầm trồ:
- Đẹp quá! Chùa tên gì, hở anh?
Luân không nhớ tên chùa. Đặng Sĩ cau mày:
- Ở Huế, không thể nhớ hết tên chùa. Chùa nhiều hơn nhà thờ, không tốt!
Luân mỉm cười, Dung cãi liền
- Tại sao không tốt?
- Thưa bà thiếu tá, nhiều chùa có nghĩa là nhiều ổ Việt Cộng!
Dung lắc đầu:
- Tôi không tin như thế!
- Thưa bà, tôi nói điều đó với tư cách một sĩ quan chịu trách nhiệm an ninh công cộng ở tỉnh Thừa Thiên. Nếu Tổng thống ra lệnh, tôi cam đoan không dưới một nghìn sư bị nhốt, ra tòa…
Dung vẫn hoài nghi – một hoài nghi thích thú:
- Lẽ nào đông đến thế?
- Tôi đã giảm con số đến mức thấp nhất. Ngoài sư, ni, còn cư sĩ, tín đồ…
- Thưa bà, Huế bị tràn ngập! – Đặng Sĩ nói với giọng hậm hực.
- Nếu thiếu úy nói đúng, ta phải làm sao? – Luân hỏi.
- Thưa thiếu tá, đó là việc ngoài quyền hạn của một sĩ quan an ninh địa phương. Thiếu tá trong tham mưu biệt bộ, kề cận Tổng thống, nhất định rõ hơn tôi về việc phải làm…
- Thiếu úy muốn dùng xe tăng với Phật tử? – Luân châm biếm.
- Tất nhiên, không loại trừ xe tăng! – Đặng Sĩ dứt khoát. Luân kinh ngạc, chăm chú nhìn anh ta.
- Nhưng chúng ta cũng có nhà thờ! – Luân thăm dò.
- Chừng nào tất cả tượng Phật được thay bằng tượng Chúa, Huế và Thừa Thiên mới thật sự an toàn!
Luân không tranh luận với Đặng Sĩ nữa. Té ra, không có khẩu Mi Mas trên cao nguyên. Đất Thần Kinh nổi tiếng hiền lành vẫn uy hiếp “chế độ.” Có điều, một khẩu Mi Mas hỏng hóc, còn hàng vạn con người, không phải là máy, biết lúc nào nên nổ và nổ ra trò.
Bỗng nhiên, Luân nhận thức rằng Huế không chỉ là cố đô, không chỉ biểu tượng bằng Tử cấm thành và Phu Văn lâu…
*
Được điện mật từ mấy hôm trước báo Tổng thống, giám mục, cố vấn Ngô Đình Nhu và thân tộc sẽ về Huế, cậu Út Cẩn vẫn coi như chẳng có gì phải bận tâm. Thì họ về, chi mà lăng xăng! Cậu không ưa bà chị dâu lắm tai tiếng. Thật ra, cậu chẳng để ý lắm về đức hạnh của Trần Lệ Xuân, bởi cậu cũng có hai con không chính thức phải gán làm con nuôi bà Cả Lễ. Cậu ghét thói làm kinh tài phỗng tay trên của Lệ Xuân.
Quan viên to đầu sở tại, trái lại, sợ quá chừng. Nếu Tổng thống, đức giám mục, Ngài cố vấn và phu nhân giận cá chém thớt thì sao? Ai đời, Tổng thống vinh quy mà nhà không trang hoàng, đường xá không sửa sang, việc tiệc tùng chưa đâu ra đâu, còn nơi nghỉ, nơi chơi của cả bộ sậu trăm người là ít – thì chắc bị dần đến mềm xương. Bởi vậy, đại biểu Chính phủ ở Trung phần, tỉnh trưởng Thừa Thiên, thị trưởng Huế phải lòn cửa hậu bẩm với tổng đống phu nhân Ngô Đình Khôi và nhờ tổng đốc phu nhân đạo đạt lên cụ cố, xin cho nhân viên vào khu nhà riêng - một dinh cơ kín cổng cao tường, vừa là từ đường họ Ngô Đình, vừa nơi ở và làm việc của Ngài cố vấn chỉ đạo các đoàn thể miền Trung, cách nhà thờ Phú Cam hai trăm thước – để quét dọn, treo đèn, bày hoa. Cậu Út Cẩn miễn cưỡng đồng ý:
- Bọn mi mần chi thì mần, song nhà tao chật chội, tao với cụ Cố, chị tổng đốc ghét ồn ào. Bọn mi dọn tòa đại biểu Chính phủ để ông bà cố vấn ăn ở, riêng anh Tổng thống tao, nếu ảnh ưng thì ở đây, trong ngôi nhà mới xây đó… Anh giám mục tao chắc về Phú Cam.
Sáng hôm sau, trước ngày gia đình tụ hội, cậu Cẩn vẫn dùng thì giờ như cậu đã dùng từ khi họ Ngô Đình giành được quyền bính. Tờ mờ, cậu vào phòng vấn an mẹ, rồi sang vấn an chị dâu. Thói quen mới tập vài năm, tuy bực bội song vẫn được đền bù: nhà Ngô Đình nổi tiếng nào văn hay, nào đạo cao, nào học rộng, nào đủ tài kinh bang tế thế, thì cậu cũng phải nổi tiếng một đứa con chí hiếu, một đứa em chí thành. Bởi vậy, cậu không dám công khai nhận hai giọt máu của cậu – anh Thục của cậu hiến mình cho Chúa, anh Diệm hiến mình cho nước, cậu không lấy vợ bởi cậu đã nguyện hiến mình cho nhà – ngoài cái lẽ bà thượng thư, mẹ cậu không thể nào chấp nhận nổi một con ở dở hơi y như cậu, nhan sắc xấp xỉ cậu làm dâu họ Ngô Đình.
Xong chuyện “thần thỉnh mộ khang” rồi, cậu Út Cẩn ra vườn. Khu vườn rộng như một thảo cầm viên nho nhỏ. Con két trong lồng ré lên “Tui méc cậu Cẩn! Tui méc cậu Cẩn!” Cậu cười sặc sụa, phun cả cổ trầu vấy lem chiếc áo bà ba cổ bâu.
- Chu cha, mi khôn hỉ!
Cậu phì phà điếu thuốc lá quấn sâu kèn to bằng ngón ta, cho thức ăn vào lồng két. Quanh cậu, hàng trăm lồng đủ cỡ, sơn phết màu mè.
Rồi, cậu sang cũi trăn. Những con trăn to, cuộn tròn, ưỡn ẹo, cạnh đống trứng gà mơn mởn. Cậu tiếp bước theo con đường rải sỏi, giữa hàng hoa rực rỡ, dưới tàn cây còn đọng sương.
Cậu thỏa mãn. Các anh cậu xông pha đây đó, cậu chỉ thích mảnh vườn, ngôi nhà cổ với mùi mốc nằng nặng.
- Con chào ông cố vấn chỉ đạo!
Ngô Đình Cẩn không ngoảnh lại, dù tiếng chào gần như đột ngột.
- Hỉ? Thằng Đông hỉ? – Cậu mải trẩy mấy lá khô trên cành cây mãn đình hồng – quà của viên tỉnh trưởng Quảng Trị.
Một người vận Âu phục loại hàng đắt tiền, màu xám tro, nghiêng mình:
- Thưa, xong xuôi…
- Như ri mà xong xuôi? – Cẩn vẫn chăm chú cành cây – Giống ni trồng khó. Mi hỏi cho tau cách trồng…
- Thưa ông cố vấn chỉ đạo để đó cho con… Còn vụ đó, đêm hôm…
- Ừ! Cái khách sạn mi đừng để tên tau. Để tên chị tổng đốc, được không?
- Thưa, được!
- Khen mi mau chân lẹ tay đó! Mi về!
Sau tiếng “Dạ” nho nhỏ, người bận Âu phục rón rén theo các lối quanh co của khu vườn, mất dạng.
*
Nhà thầu Nguyễn Đắc Phương đang thoi thóp. Ông bị đánh bằng gậy sắt đến gãy xương đùi, xương vai. Trên tầng lầu khách sạn Soar, cửa sổ che màu kín như bưng, ba người ngồi quanh thân thể đẫm máu của ông Phương, nốc những li Whisky sec, nhắm đậu phộng rang. Đã quá nửa đêm. Trên bàn, một tờ cung viết sẵn, nhưng chưa có chữ kí.
- Tóe nước vào nó để nó còn kí tên trước khi chết chứ! - Phan Quang Đông ra lệnh.
Nhà thầy Nguyễn Đức Phương tỉnh dần. Ông từ từ mở mắt, rên khẽ:
- Đau quá, trời ơi!
- Mầy là gián điệp Pháp. Mầy buôn á phiện… Mầy… Thôi, bấy nhiêu là đủ. Mầy kí tên vào đây.
Phan Quang Đông nhét cây bút vào tay nhà thầu, chìa