P5 - Chương 4
- Nghiêm!
Khẩu lệnh của đại tá lữ đoàn trưởng ngân dài. Ông đứng trước hàng quân, đưa tay lên vành mũ. Chiếc xe mui trần chở Tổng thống lăn bánh chầm chậm rồi dừng hẳn. Tổng thống rạng rỡ trong bộ quần áo màu trắng mà ông ưa thích, tì tay lên thành vịn, thẳng người. Tiếng chập gót chân như một nốt nhạc uyển chuyển vang lên đều đặn suốt hàng quân và rừng mũ đỏ cùng màu loang lổ của bộ quần áo lính Dù khẽ động đậy - khẩu tiểu liên được xốc dưới vai trái, còn cánh tay phải thì đặt vào nịt. Ngực cả lữ đoàn ưỡn về phía trước. Cổ ngước cao. Công phu tạo hình chữ thành tựu mĩ mãn: một quần thể tượng đắp nổi sừng sững dưới tàn điệp chói chan hòa trong tia nắng vàng mùa xuân.
Không đợi các bài báo kèm ảnh phát hành sau đó giới thiệu, mà khí thế đặc biệt hùng tráng của buổi lễ gieo một ấn tượng sâu đậm vào những người trực tiếp chứng kiến trên lễ đài dựng sau nhà thờ Đức Bà và trong đám đông tụ tập quanh quảng trường.
Tổng thống tỏ ra có lí khi mời đoàn ngoại giao, các nhân sĩ - nên hiểu là nhóm chống ông, công khai hoặc ngấm ngầm - dến dự lễ duyệt binh này. Gọi lễ duyệt binh là theo giấy mời của văn phòng Tổng thống, kì thật, nó là lễ ra mắt của một lực lượng thôi: lính Dù. Lính Dù ra mắt với quy mô lớn nhất từ khi binh chủng được chào đời ở Việt Nam Cộng hòa. Còn vì sao Tổng thống hết sức hân hoan thì phải nghe thông điệp của ông mới rõ.
Tổng thống không khệnh khạng trên lễ đài như bao nhiêu lần đọc thông điệp trước. Ông đứng trên xe, chắc chắn để tạo liên tưởng chính ông chỉ huy - chứ không chỉ là người lãnh đạo - ở tầng xa xôi với những lính, những sĩ quan được tuyển chọn chặt chẽ này, những người mà lòng trung thành với cá nhân Tổng thống nhất định phải tuyệt đối. Tổng thống trả lại bằng sự tin cậy cũng tuyệt đối, những người hội đủ bốn tiêu chuẩn do Tổng thống quy định: thiện chiến, gan dạ, quê miền Trung, theo đạo Thiên Chúa.
Máy quay phim, máy ảnh, máy thu thanh rình cái phút Tổng thống cất tiếng phá lệ trên chiếc xe mui trần, cạnh ngọn hiệu kì của lính Dù, trước hàng quân mà số sĩ quan xếp thành hình chóp, đỉnh chóp là Đại tá Nguyễn Chánh Thi, các Thiếu tá Phan Trọng Chinh, Trần Xuân Soạn gần như đối mặt với Tổng thống.
Tổng thống rút tờ giấy. Mắt ông vào tuổi năm mươi chín còn rất tinh tường để nhìn khắp lượt hàng quân. Trong một giây, Tổng thống cau mày và trong một giây, Tổng thống tìm được cái ý thay cho lời mở đầu khô khan của thông điệp viết sẵn. Lần nữa, Tổng thống phá lệ:
- Hỡi các thiên thần mũ đỏ! Hỡi những đứa con yêu của ta!
Nhiều bức ảnh sau này cho thấy cả những giọt nước mắt trên má không chỉ của vài người lính, sĩ quan Dù…
Luân đứng sau dãy ghế dành cho quan khách, trên lễ đài. Vị trí đó cho phép anh được nhìn toàn cảnh hàng quân, Tổng thống và những người chứng kiến. Hàng quân bỗng chốc đờ đẫn như bị thôi miên, Tổng thống tiếp tục thỏa mãn, dân chúng hẳn vì hiếu kì nên sự trầm trồ, Luân đoán, tựu trung ở cái dáng man rợ của hàng quân. Còn quan khách, cả một bí ẩn. Đại sứ Pháp Jean Payart khoanh tay ngang ngực, gần như không cử động. Phan Khắc Sửu vuốt mãi hàng ria mép, ông và bạn bè thừa hiểu lễ duyệt binh này nhằm uy hiếp ai. Các địa phú thương người Hoa khép nép - đáng lí họ có quyền thẳng lưng bởi chính họ nhận đỡ đầu lữ đoàn Dù. Tình cờ, Bá Thượng Đài lại ngồi ngay trước Luân - ông ta càng co ro hơn, không dám ngoảnh nhìn chung quanh; vụ đảng Rừng Xanh còn sờ sờ đó! Đại sứ Durbrow sóng đôi với tướng Williams, hai người duy nhất tỏ rõ thái độ: họ hồ hởi vẫy chào lính Dù. Thỉnh thoảng Durbrow ngoái cổ, nheo mắt với Luân, miệng cười thật hào phóng. Tất nhiên, Luân không thể nào đoán ra ý nghĩa của cái nheo mắt và nụ cười kia. Fanfani bước qua lễ đài. Cô ta gương máy, chỉnh cận cảnh và bấm - ảnh đại sứ Mỹ đùa với Luân đã được ghi nhận.
Mặt trời phía đông xô cái bóng đồ sộ của vương cung thánh đường trùm lên khu lễ đài nơi Tổng thống Diệm đang nhấm nháp quyền uy của mình. Có lẽ ông ta không còn một mực tin ở chỗ dựa cố hữu nữa - đằng sau ông là nhà thờ và nước Mỹ - mà tìm kiếm một đảm bảo mới. Luân nghĩ như vậy. Gần gũi Diệm, anh hiểu ra vị Tổng thống thích được sùng bái ngang với thích quyền lực. Trên một danh nghĩa nào đó, ông ta ngây thơ. Chính Luân chứng kiến buổi lễ ông viếng Trịnh Minh Thế.
Ông ta hoàn toàn và thành thật nuối tiếc viên sĩ quan - ông gọi Thế là “hổ tướng” - bị Nhu sớm phát hiện khả năng phản bội… Bây giờ, ông có bao nhiêu là Trịnh Minh Thế. Nếu Nhu không ngăn, Nguyễn Chánh Thi hôm nay đã đứng trước hàng quân với hàm thiếu tướng rồi.
“Đôi khi người ta vui vẻ sửa soạn đào huyệt tự chôn mình!” - Luân chợt nghĩ khi lính Dù đều bước qua mặt Tổng thống… “Họ đang bị thôi miên. Và nếu họ tỉnh ra?”
*
Buổi chiều, trong trại Lê Văn Duyệt - trước kia, tên gọi là Camp Chanson, viên tướng viễn chinh Pháp bị du kích Sa Đéc giết chết ngay trong lễ duyệt binh năm 1951 - đại tá lữ trưởng mở tiệc rượu. Quan khách không đông lắm. Điều đó dễ hiểu thôi. Sự ưu ái quá mức của Tổng thống đối với lữ đoàn đã buồn lòng nhiều sĩ quan cầm đầu các quân chủng khác. Người ta thấy hiện diện trong buổi tiếp tân các sĩ quan thuộc Liên binh phòng vệ Phủ Tổng thống dưới quyền của Đại tá Lê Quang Tung - vừa lãnh nhiệm vụ thay Đại tá Nguyễn Thế Như thất sủng, các sĩ quan chỉ huy quân biệt động. Có hai vị cấp tướng: Trung tướng Thái Quang Hoàng và Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, ngoài Trung tướng Trần Văn Đôn thay Đại tướng Lê Văn Tỵ vắng mặt vì lí do sức khoẻ. Khách dân sự, ngoài các nhân vật ai cũng biết và lúc nào cũng muốn được quay phim, chụp ảnh như Phan Quang Đán, Hoàng Cơ Thụy, một số nhà báo, một số nghệ sĩ - nghệ sĩ nữ, “em” của lữ đoàn - còn các thương phú trong Chợ Lớn - như Bá Thượng Đài, Tần Hoài… - muốn noi gương Tổng thống bày tỏ tâm tình với các đứa con cưng của người…
Đại tá lữ trưởng tươi cười chạm cốc hết người này đến người khác. Vây quanh đại tá là Đại tá Lê Quang Tung, các sĩ quan Liên binh phòng vệ, các sĩ quan Biệt động quân - hai lực lượng cùng được Tổng thống thương yêu như con đẻ. Các chánh khách ngồi gần nhau, hai sĩ quan tiếp họ.
Rượu