P6 - Chương 3
Bài của Helen Fanfani trên Financial Affairs:
LỰC LƯỢNG CHÍNH TRỊ MỚI Ở NAM VIỆT - CÁC NHÀ SƯ.
Ngày 21-5-1961, Giáo hội tăng già kỉ niệm lễ Phật Thích Ca ra đời đặc biệt rầm rộ tại một địa điểm ít ai có thể ngờ: sân vận động quân đội. Giáo hội gồm các nhà sư quê Bắc Việt di cư vào Nam. Họ có trong người chiếc hộ chiếu chống Cộng và kể từ 1954, họ vẫn bị mai một dưới một chính thể được mô tả như là trấn áp các tôn giáo để đạo Thiên Chúa La Mã độc tôn.
Cờ Phật rợp sân vận động và vài nghìn tín đồ - nữ nhiều hơn nam và trong nam, tuy khó kiểm kê song quân nhân mặc thường phục phải chiếm một tỉ lệ nào đó - kính cẩn nghe các nhà sư thuyết pháp. Chưa chắc tín đồ đã hiểu những câu triết học Phật giáo hàm súc quá tầm đối với trình độ văn hóa trung bình, nhưng một cuộc tập hợp công khai khá quy mô của những người di cư theo đạo Phật trên lãnh địa của quân đội hẳn có nhiều ẩn ý. Chỉ nửa năm trước đây thôi, cũng quân đội đã làm cho chế độ ông Ngô Đình Diệm choáng váng. Tập tục của các thể chế độc tài mà người ta quen thuộc ở Nam Mỹ sau Đệ nhị thế chiến - liên quan chặt chẽ với bước tiến của đồng dollar Mỹ - quảng bá khá nhanh ở Đông Á. Nước Thái Lan hiền lành thế kia mà vẫn có đảo chính và dĩ nhiên quân đội dùng súng do Mỹ trang bị “xếp đặt lại trật tự nội bộ” theo ý các tướng tá. Quân đội nhà nghề trở thành một lực lượng chính trị - điều bị cấm tuyệt đối ở Mỹ lại được khuyến khích rộng rãi bên ngoài. Dẫu sao, chuyển một đạo quân trong doanh trại, trong đội hình, chịu kỉ luật nghiêm ra một chính đảng vẫn ít tốn tiền và thời gian hơn xây dựng một chính đảng. Vấn đề là ở Nam Việt, không phải chỉ có ông Diệm hiểu điều đó. Những người theo đạo Phật di cư, chống Cộng quyết liệt, hiểu điều đó có vẻ trước ông Diệm.
Việt Nam là một đất nước Phật giáo - chúng ta có thể khái quát như vậy nếu không quá câu nệ. Đạo Phật đến xứ này ngắn nhất cũng trên mười lăm thế kỉ, dưới triều đại các vua Trung Quốc đời Đường nổi tiếng sùng Phật. Đạo Phật lại là tôn giáo châu Á, rất gần gũi với tình cảm người Việt. Còn đạo Thiên Chúa, mãi thế kỉ XV mới có mặt trên một số vùng của Việt Nam. Và, có mặt với những nhà truyền giáo dị tộc.
Người viết bài này dự buổi lễ tại sân vận động và các bức ảnh có thể giúp bạn đọc hình dung cuộc chạy đua giành quyền binh khó tránh ở Nam Việt mà các nhà sư nghiễm nhiên thành đối thủ của Tổng thống tín đồ đạo Thiên Chúa Ngô Đình Diệm. Một nhà sư nổi tiếng vừa - nhưng qua buổi giảng đạo này, ông sẽ nổi tiếng hơn - tên là Thích Tâm Châu, giống hệt các linh mục: minh họa một câu kinh Phật bằng khái niệm chính trị mà ai cũng có thể hiểu. Ông nói: Phật dạy chúng ta vị tha, còn một số người cầm quyền thì chỉ lo ăn ngon mặc đẹp. Ông cố gắng phơi bày cái mà ông gọi là “sự ngược đãi đạo Phật,” với lời lẽ khéo léo và rất hấp dẫn. Tôi đã trông tận mắt một số nữ tín đồ khóc nức nở.
Cách đây ba tuần lễ, tôi dự một cuộc tập hợp đông hơn ở trụ sở một tổ chức nghiệp đoàn Thiên Chúa giáo với vị lãnh đạo di cư hách dịch - người ta nói ông Trần Quốc Bửu, tên của vị lãnh đạo ấy, hành nghề quản lí nghiệp đoàn như nghề cai thầu. Diễn văn soạn sẵn, ông Bửu nhai lại câu phù chú: “Thăng tiến Cần lao, đồng tiến xã hội.” Có vẻ câu phù chú của ông Bửu bí hiểm hơn cả câu kinh Phật. Ông Bửu thích nghi không khí sôi động của Sài Gòn chậm hơn nhà sư. Tôi biết còn một nghiệp đoàn nữa, thuộc hệ thống quốc tế các đảng xã hội, gọi là Lực lượng thợ thuyền mà ông Vân, người cầm đầu, chuyên lo điều đình để ông Diệm trả lương hưu trí cho công chức thuộc guồng máy cai trị Pháp trước kia; nghiệp đoàn đó quá già nua. Một nghiệp đoàn khác, gọi là Tổng liên đoàn lao động, na ná CGT của Pháp, do ông Thốt cầm đầu, bị khủng bố liên miên và chỉ được tổ chức lễ 1-5 trong khuôn viên trụ sở chật hẹp. Liệu rằng nếu những người công đoàn viên này liên mình với những người Phật giáo bất mãn kia thì ông Diệm có thể tránh khỏi nguy cơ không? Không chỉ các trí thức, mà đã đến lượt các nhà sư, các tín đồ đạo Phật - hầu hết là người nghèo - tỏ thái độ bực dọc. Hiện nay, các nhà sư chưa đủ lực lượng - họ là di cư, cô lập trong dân chúng tại chỗ, nhưng mọi việc không đứng yên mãi. Nhất là khi họ khám phá ra cái kho của cải đầy ắp - quân đội - đang muốn ngoi lên thành thực thể chính trị. Tính cách tôn nghiêm của triều đình ông Diệm bị trần tục hóa qua vụ 11-11. Và một khi ông Diệm hiện thân như một Tổng thống bằng xương bằng thịt thì quyền lực thuộc về ai có súng trong tay.
Nhà thờ đã là lực lượng chính trị. Tại sao nhà chùa không làm như thế? Các nhà sư đặt câu hỏi như vậy. Câu hỏi của các nhà sư đặt ra tại một doanh trại quân đội - bao quát luôn câu hỏi kèm: Tại sao không phải là quân đội? Bảng tổng kết bảy năm ông Diệm chấp chánh cung cấp nhiều tư liệu để nhà chùa tố cáo ông. Nhà chùa sẽ được dư luận hậu thuẫn tình cảm không thích đạo Thiên Chúa vốn ăn sâu ở đây hàng trăm năm, ông Diệm kích động thêm tình cảm đó và chính nhà cung cấp cho tình cảm đó những cơ sở và cơ hội rất hào phóng.
*
Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công bố danh sách thành viên, tuyên ngôn, chương trình hành động và bài hát chính thức.
Ngô Đình Diệm không quan tâm lắm đến nhân sự của Mặt trận. Hầu hết xa lạ với ông, trừ luật sư Nguyễn Hữu Thọ và kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát mà ông nghe tiếng. Chính ông đã bắt giam luật sư Nguyễn Hữu Thọ ngay khi ông vừa chấp chánh.
Ngô Đình Nhu khác Diệm. Anh ta để hằng buổi nghe các chuyên viên báo cáo về từng nhân vật của Mặt trận. Anh hỏi thêm Luân những chi tiết. Và, ngay Luân cũng không biết hết lai lịch các ủy viên Mặt trận: Võ Chí Công, Trần Nam Trung, Huỳnh Đàng, Nguyễn Thạch v.v… là ai?
Khi được tin luật sư Nguyễn Hữu Thọ thoát khỏi nơi quản thúc ông - một làng trung du - Nhu khiển trách tỉnh trưởng Phú Yên thậm tệ, song chủ yếu là vì Nhu nhìn việc đó như báo hiệu tình hình an ninh Phú Yên trở nên quá xấu. Bây giờ, Nhu thấm đau: anh ta đã để sẩy một nhân vật có tầm cỡ.
Cộng sản công bố danh sách Mặt trận - Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đối đầu từ nay không phải với một bóng ma mà với một tổ chức có con người cụ thể.
Nhu vỗ bàn giận dữ khi thiếu tướng Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia không trả lời được vì sao, lúc nào, bằng cách gì mà nhà soạn kịch Trần Hữu Trang, bác sĩ Phùng Văn Cung vô mật khu. Sẽ còn ai nữa? Nhu ra giá cái đầu của thiếu tướng nếu Cộng sản lại công bố thêm một nhân vật Sài Gòn tham gia Mặt trận.
Nhu đã nghe tin tức về lễ thống nhất các lực lượng vũ trang chống Chính phủ - bây giờ gọi là Quân giải phóng - và anh ta hiểu đối thủ xuất hiện theo một kế hoạch dự tính.
Trần Kim Tuyến cho là Nhu đánh giá Mặt trận hơi cao. Tuyến so sánh danh sách Mặt trận với Chính phủ vừa cải tổ. Nhu cười thương hại Tuyến:
- Ông bác sĩ nghèo kiến thức quá. Ông cứ ngỡ các ông Trương Công Cừu, Nguyễn Đình Thuần, Bùi Văn Lương, Huỳnh Hữu Nghĩa, Ngô Trọng Hiếu… là có giá lắm sao? Ta thừa, quá thừa các gương mặt mập ú, cách biệt với dân, ngoài bằng cấp, tiểu sử, không có gì để ghi. Nếu có, lại là thứ không thể ghi. Cộng sản đưa người nào thì người đó có ảnh hưởng trong dân chúng. Ông kiếm cho tôi một người từng vào tù ra khám thời Pháp về tội chính trị và lương thiện để tôi bổ sung vào Chính phủ ta. Không có!… Ông thử mời Giáo sư Dương Minh Thới, Bác sĩ Nguyễn Xuân Bái tham gia nội các xem? Họ không thèm. Mà không chừng họ đã là thành viên của Mặt trận. Hòa thượng Thích Thiện Hào là ai? Ông không biết! Joseph-Marie Hồ Huệ Bá là ai? Ông không biết! Đại đức Sơn Vọng là ai? Ông không biết! Trung tá Võ Văn Môn? Ông không biết! Tôi mách giúp ông: Bảy Môn đó. Bảy Môn từng làm tham mưu trưởng cho Bảy Viễn đó. Việt Cộng lôi kéo được cả một lãnh tụ người Rhađê, tên là Ibih Aléo. Chớ có coi thường!
Gần đây, Nhu hay bực dọc. Chuyện không đáng gì cũng khiến anh ta rống lên, quát tháo, mất dần cái điềm đạm, thâm trầm cũ. Một trong những cơn tính khí thất thường ấy trút lên đầu vị linh mục xứ đạo Bình An.
Sau vụ gánh hát Kim Thoa bị ném lựu đạn, cách nay ngót năm năm, linh mục Hoàng gần như không nói chuyện với Nhu lần nào, mặc dù linh mục vẫn luôn chạm mặt Nhu ở các cuộc họp. Linh mục đinh ninh có lúc Nhu phải phủ phục trước ông cầu sự giúp đỡ. Ông nắm trong tay khối Thiên Chúa giáo di cư đồ sộ, gồm các linh mục và con chiên từ Xóm Mới, Bắc Hà lên đến Hố Nai, Gia Kiệm. Các nhà thờ lớn trong thành phố đều do các linh mục thân tín của ông cai quản. Thế lực của ông không chỉ có ngần đó. Quốc hội, các bộ, các tướng, các ngân hàng, công ty… Nhu phải biết ông là hạng người nào. Ngày xưa, Nhu dọa cắt viện trợ cho quỹ di cư, ông sợ mất mật. Bây giờ, ông thách Nhu - mấy trăm triệu dollar đã hóa thân vào guồng vận động của bao nhiêu ngân hàng, công ty, bao nhiêu xứ đạo. Con số viện trợ vẫn còn song thật chẳng thấm vào đâu so với cơ ngơi mà ông chi phối hiện nay. Tổng đoàn Bùi Chu - Phát Diệm xưa kia không ra cái mẽ gì - mấy con gà, con lợn thu vét, mấy bộ quần áo, mấy thùng thịt hộp của quân nhu Pháp, mấy trăm nghìn đồng bạc Đông Dương… sao mà nhỏ bé đến thế. Ông không ngờ cung cách làm ăn mới mang tiền về cho ông như nước.
Tóm lại, ông bỗng thấy mình cao lớn hẳn khi bước vào phòng làm việc của Nhu. Đợi mãi, không thấy Nhu mời, ông phải gửi danh thiếp báo là ông muốn gặp Nhu. Riêng cái danh thiếp cũng có lịch sử của nó. Lúc đầu, danh thiếp rẻ tiền, in ba dòng: Linh mục Hoàng - Cha sở Bình An - Sài Gòn. Nửa chừng, danh thiếp được in tốt hơn, chữ phủ kín: Linh mục Hoàng - Cựu Tổng chỉ huy lực lượng phòng vệ Bùi Chu - Phát Diệm - Cố vấn ủy ban Trung ương công dân Công giáo - Chủ tịch Hội cựu chiến binh Công giáo Bắc Việt - Hội trưởng Hội ái hữu Công giáo Bắc Việt.
Gần đây, ông bỏ hết các danh thiếp đó, bảo nhà in Kim Lai in cho loại mới, trên giấy quý, chữ nổi. Và danh thiếp chỉ ghi vỏn vẹn: Linh mục Phaolồ Hoàng, không đề tên, địa chỉ và số điện thoại.
Chưa chắc Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, nếu tước bỏ cái tên