VÂN DÃ

Chương 36


trước sau

Đơm cái nút áo cuối cùng lên, áo len đan cho Văn Dã cũng đã được hoàn thành. Cổ áo tròn tròn, hoa văn hình thoi được đan từng đường kim mũi chỉ cẩn thận tinh tế, không khác đồ mua bên ngoài là mấy. Vân Nhạc giúp hắn mặc áo lên người để thử xem có vừa vặn hay không, chiều dài của tay áo cùng bề rộng của lưng đều hoàn hảo ôm dáng người. Văn Dã đột nhiên hiểu ra lý do tại sao Vân Nhạc hôm đó không nỡ cởi áo len ra. Hắn cầm lấy điều khiển từ xa điều chỉnh nhiệt độ trong phòng thấp xuống, hai người cứ vậy mặc áo len, ngớ ngẩn mà ngồi trên ghế sofa xem phim. Bật lên một bộ phim hài được nhiều người nhận xét là khá hay, nhưng có nhiều phân cảnh chọc cười Vân Nhạc không hiểu được. Những lúc như vậy, Văn Dã tạm dừng phim, ngồi giải thích cho cậu hiểu bằng được bằng thôi, mãi đến khi cậu hiểu ra, cười lên thành tiếng mới tiếp tục coi phim tiếp. Bộ phim chỉ hơn nửa tiếng nhưng coi nom cả nửa ngày, hai người như vậy mà có thể cùng ôm nhau cười đến không ngậm miệng lại được.

Không biết từ lúc nào, nụ cười của Vân Nhạc đã có nhiều biến chuyển, ánh mắt híp cả lại, miệng toe toét cả ra, phát ra âm thanh “khanh khách”, lanh lảnh thuần khiết, không hề che giấu một chút nào.

“Ngày mai cậu muốn ra ngoài đi tìm việc sao?” Đêm nay Văn Dã trổ tài nấu ăn, xem như là quà cảm ơn Vân Nhạc. Vân Nhạc giúp hắn mặc tạp dề vào, trên tấm thớt để hai viên cà chua tròn vo, còn có thịt bò đã được thái lát, dự định nấu món bò kho với cà chua (1). “Ừm.” Vân Nhạc đáp: “Tôi đã tra thử trên di động, thấy có rất nhiều nơi tuyển học sinh đi phát tờ rơi. Cái này thì cũng dễ dàng, không cần phải đủ tuổi.”

Văn Dã cắt đôi mấy quả cà chua, chọn lấy miếng ngọt nhất trong đám, đút vào miệng cho cậu, nói: “Vậy phải mặc nhiều đồ lên một chút. Đúng rồi, tôi mua thêm cho cậu một cái áo khoác nha?”

“Cũng được.” Vân Nhạc không do dự, liền gật đầu nói: “Nhưng đừng mắc tiền quá.” Cậu tìm hiểu được, người yêu tặng quà cho nhau là một việc rất bình thường, vậy nên cậu sẽ không từ chối tâm ý của Văn Dã, thực tế cũng không nỡ cự tuyệt thêm nữa.

“Ừm… Vậy khoảng bao nhiêu tiền?”

Vân Nhạc nghiêm túc suy nghĩ một lát mới nói: “Năm mươi Nguyên (2).” Bản thân cậu mua quần áo toàn loại mười mấy Nguyên thôi, nhưng lại nghĩ đến điều kiện xuất thân của Văn Dã, cảm thấy quan điểm tiêu xài giữa hai người bọn họ nhiều khả năng là không giống nhau. Cũng không biết cậu học theo tài liệu dạy về tình yêu nào, mà trên đó nói là nếu có sự khác biệt quá lớn giữa mức độ tiêu xài, có thể sẽ ảnh hưởng đến tình cảm giữa hai người yêu nhau. Thế là cậu nỗ lực thêm chút nữa, hào phóng mà bổ sung thêm chút đỉnh: “Một trăm Nguyên đi.”

Văn Dã mở to mắt nhìn, tay đem dầu đổ vào nồi. Vân Nhạc đưa ra cho hắn một vấn đề khá là nan giải. Hắn lớn đến như vầy, nhưng từ trước đến nay cũng chưa mua áo khoác nào giá độ một trăm Nguyên. Nhưng thực ra hắn cũng rất ít đi mua sắm, phần lớn là do mẹ mua cho, hoặc là đi cửa hàng có niêm yết giá cố định. Tuy nhiên, chính là hắn hỏi ý Vân Nhạc, thành ra cũng không bất ngờ lắm, chủ yếu chỉ để cậu ấy đồng thuận đi mua áo mà thôi, “Vậy ngày mai tụi mình cùng nhau đi mua? Sau đó cùng cậu đến chỗ xin việc làm luôn?”

“Có được tính là một buổi hẹn hò không?” Vân Nhạc hỏi hắn.

Văn Dã đem cà chua bỏ vào trong nồi vừa cười nói: “Chính là hẹn hò.”

Địa điểm cần đến là nơi Vân Nhạc lựa chọn, một khu chợ bán sỉ cách không xa chợ rau của dì Trần Xảo Ngọc là bao. Nơi này có bán rất nhiều quần áo giá rẻ, trước kia khi cậu cần mua sắm đều sẽ ghé lại đây. Ngôi chợ này được mở ngoài trời, rất đông người. Những gian hàng được dựng lên bằng tôn thiết, quây lại bằng vải bố, tạo thành một cái sạp be bé. Chỗ này chủ yếu thu hút khách trung niên và người cao tuổi, rộn rộn ràng ràng tiếng cò kè mặc cả. “Cậu có thấy quá ồn ào không?” Hai người đi dọc theo lối đi, ngang qua một gian hàng nhỏ. Văn Dã dừng lại, xem xét một chiếc áo khoác phao màu trắng, đáp lời: “Không sao đâu. Cậu thấy cái áo này như thế nào?” Trong mắt hắn không có một tia ghét bỏ, bất kể là khu trung tâm thương mại cao cấp hay quầy hàng bên cạnh con đường đất đều không có sự khác biệt.

Vân Nhạc nhìn hắn, trả lời: “Nhìn được.”

Nói là áo khoác phao, nhưng bên trong nhồi bông cotton rất nhẹ nhàng, vải lại dầy có thể chống được giá lạnh, phía trên còn có nón gắn theo mấy đám lông lòa xòa. Vân Nhạc mặc lên người nhìn cứ như cái bánh bao tròn nhỏ trông rất bụ bẫm, Văn Dã cảm thấy thật dễ thương, liền hỏi chủ quầy: “Ông chủ ơi, cái này bao nhiêu tiền vậy?”

Chủ quầy đã dõi theo họ từ nãy đến giờ, Văn Dã mặc trên người một bộ quần áo cao cấp lại thêm giầy thể thao mắc tiền, rõ ràng cho thấy đây là người có tiền. Gã liền há miệng như sư tử vồ mồi (3) mà ra giá: “Tám trăm.”

Tám trăm? Cũng không mắc mỏ gì lắm, nhưng thần sắc của gã chủ quầy kia lộ ra một bộ dáng gian thương rõ rành rành. Hắn quay sang hỏi Vân Nhạc: “Cậu có muốn thử trả giá không? Nếu như giá cả không chênh lệch lắm thì mua cái này có được không?”

Vân Nhạc nghiêm túc gật đầu, như là lãnh nhiệm vụ. Cậu đi đến trước mặt gã chủ quầy, mở miệng nói: “Tám mươi.”

Văn Dã thiếu chút nữa bước hụt chân dù đang đứng trên mặt đất phẳng lỳ. Nhạc Nhạc nhà hắn cũng quá là vô tình rồi, trả giá lần đầu mà đã chặt từ hàng trăm chặt xuống luôn sao?!

Chủ quầy trợn mắt lên nói: “Không thể nào. Ít nhất cũng phải năm trăm.”

Văn Dã lại được dịp kinh ngạc lần nữa, gã chủ quầy cũng hào phóng như vậy sao? Mới trả giá một lần đã bớt nhiều đến như vậy?!

Vân Nhạc vẫn nói: “Tám mươi.”

Văn Dã rất muốn mở miệng nói, năm, năm trăm cũng được đó.

Chủ quầy không thể để vuột con mồi béo bở này, gã thay đổi ngữ khí mà nịnh bợ: “Ba trăm đi, áo khoác này mặc lên người nhìn trông rất Tây nha, hơn nữa cậu lại đẹp trai như vậy. Mấy cậu trai mặc màu trắng ít có ai mà đẹp được như cậu.” Còn quay sang Văn Dã làm bộ hỏi: “Tôi nói có đúng hay không?”

Văn Dã thập phần tán thành, muốn trực tiếp rút tiền ra trả ngay, nhưng Vân Nhạc liền nhanh chóng nắm lấy tay hắn, liên tiếng: “Tám mươi. Cái áo khoác này đã được treo lên từ năm ngoái. Đến giờ mà vẫn còn sạch sẽ được như vầy khẳng định là đã giặt không ít lần.”

Gã chủ quầy chột dạ: “Cậu đừng có mà nói bừa nha. Cái áo này là mẫu mã mới được tung ra thị trường trong năm nay thôi.”

“Không đúng.” Vân Nhạc nói: “Ông có giặt qua rồi. Trên cổ áo còn có mùi của nước giặt đồ này.”

“Cậu…” Chủ quầy nhất thời nghẹn lời. Ngàn tính vạn tính cũng không nghĩ tới việc thằng nhóc này lại có cái mũi thính như vậy. Mà cũng không thể nào chứ, gã đã giặt mấy ngày trước rồi, làm sao vẫn còn mùi cơ chứ? Vân Nhạc bắt đầu cởi cái áo khoác ra: “Ông đã treo nó suốt hai năm rồi, tôi cũng không muốn mua nữa.”

“Ôi
chao ôi chao!” Chủ quầy cuống quít hết cả lên, muốn cậu cứ mặc vào tiếp: “Tám mươi thì ít quá. Áo này tôi lấy giá gốc cũng hết một trăm rưỡi rồi.”

Vân Nhạc thẳng thừng: “Cũng là hàng cũ rồi, chẳng phải mới mẻ gì. Cũng đều đã là hàng phải giảm giá cả.”

“Vậy cậu cũng thương tình cho tôi hai mươi Nguyên tiền công cán đi chứ. Tôi còn giặt thật sạch nữa đó, cũng chưa từng có ai mặt qua.”

Vân Nhạc vẫn lạnh lùng: “Không được thì thôi.”

Gã chủ quầy cũng không thể kiên trì được thêm nữa, dù sao cũng thực sự là đã treo hai năm rồi không bán được. Gã liền thay đổi sắc mặt, làm ra cái vẻ miễn cưỡng nói: “Bán lỗ cho cậu luôn vậy! Thực sự tôi không lời được một xu luôn đó!”

Vân Nhạc lập tức quay đầu hướng Văn Dã thì thầm: “Trả giá hoàn tất!” Khóe miệng của cậu nhếch lên, lộ ra chút đắc ý.

Văn Dã cười rồi đem tiền ra trả, xong mới dẫn cậu đi ra ngoài. Hắn dắt cậu quẹo ở một góc vắng người phía ngoài chợ, rồi đột nhiên nghiêng đầu ngửi một chút ở cổ áo của Vân Nhạc, nghi ngờ hỏi: “Chỗ nào có mùi của nước giặt quần áo đâu?”

Vân Nhạc đáp: “Là tôi lừa ổng thôi.”

“Lừa ổng?”

Vân Nhạc: “Ừa, vì đồ màu trắng treo ở ngoài như vậy rất dễ bị dơ. Hơn nữa năm ngoái tôi đi chợ xác thực đã nhìn thấy cái áo tương tự, nên mới cố tình nói như vậy.”

Văn Dã xoa xoa đầu của cậu cười nói: “Nhạc Nhạc nhà ta thật thông minh quá đi.”

Vân Nhạc rất thích nghe hắn khen mình như vậy, liền toét miệng cười vui vẻ nói: “Cảm ơn Đại Bảo Bảo đã tặng tôi món quà này.”

Ban ngày ban mặt bị gọi như vậy vẫn có chút ngượng đỏ mặt, Văn Dã che sống mũi lại, nghiêng đầu về một bên rồi tằng hắng nói: “Đừng khách sáo như vậy.”

Quẹo ở một giao lộ nữa là đến khu bán đồ của Trần Xảo Ngọc, Vân Nhạc dẫn theo Văn Dã tiến vào. Giờ này cũng đã trưa trời trưa trật, Trần Xảo Ngọc đem theo cơm đã nấu ngon lành mang ra cho Vương Tùng. Dì đang ngồi trên chiếc ghế đẩu ăn bánh màn thầu (4), liền nhìn thấy từ phía xa đi tới hai người. Nhanh chóng đứng lên nhìn, dì trước hết nhận ra được Văn Dã. Chờ đến lúc thấy rõ người đi bên cạnh, dì hoảng hốt đến độ bánh màn thầu thiếu chút nữa rơi ngay xuống đất.

“Dì cả.” Vân Nhạc đứng trước sạp hàng kêu lên một tiếng. Trần Xảo Ngọc lắp bắp, còn chưa dám nhận thức: “Nhạc, Nhạc Nhạc?”

“Dạ.” Cậu thực ra cũng không biến đổi nhiều lắm. Nhưng chính là đã cắt tóc, lại thêm thay đổi quần áo, thành ra không chỉ ngoại hình, mà tựa hồ khí chất cả người đều không còn như xưa nữa. Trước đây cậu cứ lạnh như băng, phía trong đôi mắt như ẩn chứa kim châm, chỉ cần liếc một cái cũng khiến người khác phải điếng người. Nhìn kỹ cậu lần nữa, Trần Xảo Ngọc lại muốn rơi nước mắt, đôi mắt đỏ hết cả lên nói: “Được nghỉ à?”

Vân Nhạc gật gật đầu, giới thiệu Văn Dã cho dì. Trần Xảo Ngọc vừa định lên tiếng nói mình có biết hắn thì thấy Văn Dã hướng dì hấp háy mắt mấy cái, xong gọi một tiếng: “Dì cả.”

Trần Xảo Ngọc hiểu ngầm ý hắn, lau khóe mắt một cái rồi thốt lên: “Ôi chao.”

Hàn huyên sơ xịa vài câu, Trần Xảo Ngọc từ đâu đó rút ra một chiếc chìa khóa, nói: “Còn có mười mấy ngày nữa là Tết tới nơi rồi. Dì với lại bác Vương của bây tính hai ngày nữa phải về quê. Dì Cả sợ bây không có chỗ để ăn Tết, còn tính đem chìa khóa này giấu ở dưới cửa cho con. Vừa hay lần này con qua đây, con cầm lấy đi, về nhà mà ăn Tết. Đến ngày thì mua mấy món ngon ngon mà ăn, chớ đừng giống như mấy năm về trước…”

Những năm trước đây, loại lễ Tết toàn gia đoàn tụ như thế này, dường như không có can hệ gì đến cậu. Vân Nhạc nhận lấy chiếc chìa khóa, cậu thực tế sẽ không trở về lại nơi đó, nhưng cũng không thể để dì Trần Xảo Ngọc cứ phải qua lại phụ giúp quét tước hoài được. Khi họ định ra về, Trần Xảo Ngọc cố dúi vào tay hai người mấy dây lạp xưởng mới mua, nói là đem về nhà làm quà ăn năm mới. Vân Nhạc cầm theo chiếc túi, quay sang hỏi: “Cậu có muốn mua đồ về chuẩn bị Tết không?”

Văn Dã đáp: “Tất nhiên rồi. Năm nay chúng ta sẽ sang nhà ông bà nội ăn Tết, còn phải giúp bọn họ dán câu đối Tết nữa đó.”

“Tôi chưa bao giờ dán qua.” Vân Nhạc hỏi: “Phải dùng hồ dán sao?”

“Ừa, ông nội sẽ tự chế hồ dán, hai người họ còn muốn giới thiệu cậu với ba mẹ tôi nữa.”

Vân Nhạc đột nhiên lắp bắp: “Muốn, giới thiệu bọn họ sao?”

Văn Dã cười híp mắt đáp: “Đúng vậy.”

“Vậy tôi… Sẽ nói cái gì đây?” Tuy rằng đã trải qua một lần, nhưng vẫn còn rất căng thẳng.

“Cậu cảm thấy nói điều gì sẽ thích hợp?” Văn Dã không giúp đỡ, nhìn cậu vặn óc suy nghĩ, còn lén lút cười xấu xa.

“À có rồi.” Vân Nhạc đi tới trước rồi đột nhiên dừng lại, tại chỗ cúi người xuống, hướng không khí mà nghiêm túc nói: “Thưa chú thưa dì, ăn Tết vui vẻ ạ.”

“Ha ha ha.” Văn Dã bị cậu chọc cười ra thành tiếng, nâng mặt của cậu lên vừa xoa vừa nắn. Vân Nhạc như từ cuộc sống đen tối kia mà hồi sinh lần nữa. Khoảng thời gian mười năm trống rỗng kia bị cậu dứt khoát mà vứt bỏ, kỳ thực cũng không khó khăn gì, dù sao cũng chẳng có thứ gì trong đó khiến cậu phải để tâm đến nữa. Ngoại trừ Đoạn Phỉ, nhưng đến lúc này, cậu cũng buông bỏ nốt. Cậu như là từ khoảng thời gian bảy tuổi năm đó mà một lần nữa lớn lên, biết cười nói, biết náo loạn, không gì bình thường hơn được.

~ Hoàn Chương 36 ~

Chú Thích

(1) Bò kho với cà chua: Giống món Bò kho của Việt Nam.

(2) Nguyên (Yuan): đơn vị tiền tệ căn bản ở Trung Quốc, hay còn được gọi là khối (kuai).

(3) Há miệng như sư tử vồ mồi: Thành ngữ Trung Hoa, ý nghĩa tựa như buôn bán cắt cổ, chém.

(4) Màn thầu: một thức ăn quen thuộc của Trung Hoa, một dạng bánh bao không có nhân (thường xuyên xuất hiện trong phim kiếm hiệp).

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện