Hắn ngồi bật dậy, hai tay ôm đầu thở dốc. Mệt quá, chưa bao giờ mệt như bây giờ, cảm giác hư nhược và khốn khổ hoàn toàn đánh bại hắn, giống như kẻ đánh bạc suốt mười ngày đêm không ngủ nghỉ, rốt cuộc vẫn thua sạch túi, đó là một cảm giác rất đáng sợ. Gót chân đau nhói, gợi lại đoạn đường chạy trốn hơn mười ngày qua đầy gian khổ của hắn.
Điều duy nhất an ủi hắn được, là mình vẫn còn sống.
Hắn từ từ buông hai tay xuống, ngưng thần lắng nghe, nhưng chỉ có tiếng ve kêu vang, thầm thở phào một hơi, hắn bắt đầu nhìn quang cảnh bốn bên.
Hắn đang ngồi trên một sườn đồi cỏ ướt có mùi mốc, ở chân đồi là một dòng suối trong, cỏ cao và cây thấp mọc um tùm bên bờ, đối diện bên kia suối là rừng xanh dày đặc. Hắn nhìn lên đỉnh đồi, cao hơn chỗ hắn chừng bốn, năm trượng, thầm nghĩ có lẽ mình ngất đi, nên đã lăn từ trên đỉnh xuống dưới đây.
Ánh nắng chiếu từ phía hữu, mặt trời vừa lên quá đường chân trời.
Nhìn về hướng nam, nằm chắn ngang là một dãy núi liên tục, cây mọc xanh rì.
Đây là chỗ quái quỷ nào đây?
Thật là xui xẻo! Không phải xui xẻo, mà là xui tận mạng, lãnh họa tày trời. Với kinh nghiệm hành tẩu giang hồ phong phú của hắn, tại sao lại có thể làm chuyện ngu xuẩn như thế? May mà đã tránh khỏi truy binh, từ lúc qua sông xong, hắn có cảm giác đã thoát hiểm, hy vọng không sai!
Ngay lúc ấy, tai hắn bắt được tiếng ngựa hí rất nhỏ, như có như không.
Ô Tử Hư sợ run lên, đứng bật dậy như chim sợ cung, bỗng hai chân nhũn ra, hắn mất thăng bằng té lăn xuống đồi, xuống đến dưới cùng, xém chút rơi luôn xuống suối.
Tiếng ngựa kêu càng lúc càng rõ hơn.
Ô Tử Hư quên cả mệt nhọc, bò dậy thất thểu chạy trốn về hướng nam.
Từ lúc hiểu chuyện trở đi, dường như hắn chưa từng gặp may, bây giờ lại sắp đối diện đại họa, nếu bị kẻ địch bắt được, hắn sẽ hối hận đầu thai làm người.
Lúc này hắn chỉ có một ý niệm, ấy là trốn được xa chừng nào hay chừng nấy, hắn không muốn chết chút nào.
o0o
Vô Song Nữ mình mặc khinh trang màu đen, tay dắt con hắc mã đen tuyền, lẳng lặng rời khỏi khu trại của Bách Hí Đoàn ở ngoài thành. Đã chín năm rồi, nàng theo đoàn đi từ hương thôn đến thị trấn, qua thành đô biểu diễn kiếm ăn, nhờ thân thủ hơn người mà trở thành cột trụ của Bách Hí Đoàn, và cũng là nữ đệ tử đắc ý nhất của trưởng đoàn, tức vua hề An Giới. Thế nhưng đêm nay nàng bỏ đi không lời từ biệt, lại chẳng tỏ vẻ gì lưu luyến, bởi lòng nàng chưa bao giờ ký thác ở Bách Hí Đoàn.
“Vô Song!”.
Vô Song Nữ thở ra, dừng bước trong vùng tối nằm ngoài ánh đuốc của khu trại, thân ảnh hòa trong bóng đêm.
An Giới bước đến sau lưng nàng, thở dài một tiếng. Ông biết rõ cá tính của nàng, có nói gì cũng không khiến nàng từ bỏ ý định ra đi.
Vô Song Nữ nói khẽ: “An thúc đã đọc thư Song nhi để lại”.
An Giới trầm giọng: “Từ lúc rời huyện Ninh An, con cứ như kẻ đãng trí, trầm mặc làm ta lo sợ, nhưng vẫn không ngờ con nói đi là đi. Thực chẳng ngờ đã qua mười năm mà con vẫn nghĩ không thông, buông không được”.
Vô Song Nữ lạnh nhạt: “An thúc hiểu tâm sự của Song nhi chăng?”.
An Giới cười buồn: “Con không nói thì ta làm sao rõ được. Từ chín năm trước lúc cữu phụ của con gửi con vào Bách Hí Đoàn của ta, ta đã biết sự việc chẳng phải tầm thường, cữu phụ con với ta là sinh tử chi giao, y không kể thì ta cũng không truy rõ nguồn cơn”.
Vô Song Nữ bình thản hỏi: “Tại sao cữu phụ không trở lại tìm Song nhi?”.
An Giới thở dài: “Ta không định nói ra, thuở ấy cữu phụ của con trước lúc rời đi, có nói với ta để giữ an toàn cho con, y quyết định ẩn tính mai danh, không đến thăm con nữa. Y đành đoạn làm thế là vì con. Hãy ở lại đây, đừng phụ kỳ vọng của cữu phụ, cũng đừng phụ kỳ vọng của ta đối với con, một nữ tử tài nghệ như con, hơn bốn mươi năm ta đi khắp đại giang nam bắc, mới gặp đây là lần đầu”.
Vô Song Nữ nhỏ giọng: “Đại ân đại đức của An thúc, Song nhi chẳng bao giờ dám quên, nhưng Song nhi phải đi ngay, xin An thúc tha lỗi”.
An Giới bỗng nghiến răng: “Được! Con đã quyết ý đi, thì để ta cho biết một bí mật ta cất giấu chín năm nay, đó là làm cách nào tìm đến cữu phụ con”.
Vô Song Nữ quay phắt lại đối diện An Giới, cặp mắt linh hoạt đen láy vụt sáng lên.
o0o
Mỗi lần Cô Nguyệt Minh đặt chân vào đại cung giám phủ của “Hoàng Kim Thái Giám” Phụng công công, y đều có cảm giác toàn thân không thoải mái. Có lẽ vì y phải để lại bên ngoài thanh kiếm mà bình thường là vật bất ly thân. Trong kinh thành có người bảo không ai giết được Cô Nguyệt Minh với kiếm trong tay, đấy chẳng phải lời tâng bốc, mà thực sự là đến nay chưa ai làm được. Tiếng ho của Phụng công công từ trong thư phòng vọng ra. Chắc có lẽ y cảm thấy khó chịu vì y không thích Phụng công công, lão thái giám thâm trầm hỉ nộ vô thường, quyền uy bao trùm triều đình có thể khiến đại thần mãnh tướng run sợ. Nhưng điều mà y không thích nhất là mỗi lần Phụng công công lại đưa ra một việc mà y không thể không đáp ứng.
Ký Thiện, vị thái giám dẫn đường, không quay đầu lại mà hạ giọng nói: “Đêm nay tinh thần đại công công rất khá, hai ngày trước bỗng bị cảm, dùng hết ba thang thuốc của thái y, đến nay đã đỡ nhiều”.
Cô Nguyệt Minh khẽ ừ, tỏ ý đã nghe. Ký Thiện chẳng phải tốt bụng chi, gã là thuộc hạ đáng sợ nhất của Phụng công công, sát thủ hàng đầu, hai tay nhuộm đầy máu tanh. Không phải gã đối đãi đặc biệt với Cô Nguyệt Minh, mà chỉ vì đã nhận không ít tiền của họ Cô.
Bên ngoài thư phòng có hai tên lính gác, Ký Thiện đưa mắt ra hiệu cùng Cô Nguyệt Minh, ý bảo đợi ngoài cửa, phần gã bước vào trong, một lúc sau gã quay ra, kéo Nguyệt Minh sang bên kề tai bảo: “Thật lạ, đại công công tâm tình rất vui, như đang mong Cô gia, cơ hội này khó kiếm, Cô gia chớ nên bỏ lỡ; tại hạ đã ra công mở đường cho Cô gia rồi đấy”.
Trong lòng Cô Nguyệt Minh bất giác không an, tim đập nhanh, đối với y điều này rất hiếm xảy ra. Hít một hơi dài, Cô Nguyệt Minh nói lời cảm tạ Ký Thiện, bước vào thư phòng.
Người kinh thành thường nói, thà đắc tội Hoàng thượng, chớ nên đắc tội Phụng công công. Nếu chọc giận Hoàng thượng, may ra còn nhờ Phụng công công xin tha giùm, còn như đắc tội Phụng công công thì kể như chết chắc. Không ai dám chọc giận vị lão thái giám từng trải tam triều, hầu qua ba vị hoàng đế này.
Thoạt nhìn, Phụng công công trông như một lão nhân hư nhược, mặt đầy nếp nhăn. Thuở còn thanh niên chắc lão cũng cao lớn, song bây giờ vì lưng còng nên thân hình trông suy yếu hẳn. Dưới mái tóc dày bạc trắng bồng bềnh, là một vầng tráng cao, khuôn mặt hóp, gò má nhô lên làm nổi bật đôi môi mỏng như hai sợi chỉ căng ngang. Nhìn qua nhìn lại, Phụng công công trông không khác một kẻ gần đất xa trời, sức khỏe như đèn leo lét trước gió, nhưng Cô Nguyệt Minh biết rất rõ cảm quan ấy sai lầm. Tương truyền từ nhỏ Phụng công công luyện tập một loại khí công huyền diệu mà chỉ có thái giám mới luyện thành được, ngày nay đã đạt đến cảnh giới chí cao vô thượng, còn như lợi hại đến bực nào thì không ai biết. Riêng Cô Nguyệt Minh vẫn có thể thoáng thấy trong mắt lão một ánh tinh quang lạnh như băng, sắc bén vô song, làm bằng chứng cho một trí tuệ đã trui rèn qua bao năm tháng. Một người có thể đạt đến tột đỉnh quyền uy như thế chắc chắn không phải chuyện đơn giản. Phụng công công mình mặc trường bào màu lam có thêu vân viền vàng, ngồi trên ghế thái sư đặt phía nam, tay cầm ống điếu dài bằng vàng, đang phì phà khói thuốc. Cô Nguyệt Minh nghĩ thầm, ống điếu bằng vàng này có trọng lượng không dưới mười cân, mà vị lão thái giám có vẻ suy nhược này cầm trong tay thấy nhẹ như không, chỉ điểm này cũng đủ khiến người không dám xem thường lão.
Phụng công công nhìn Cô Nguyệt Minh thi lễ thỉnh an, gật đầu: “Ngồi đi! Nguyệt Minh làm việc rất giỏi, Hoàng thượng hết sức đẹp dạ với món quà mừng lễ đại thọ của ngươi”.
Cô Nguyệt Minh ngồi xuống ghế bên tả phía dưới Phụng công công, nghĩ thầm phần quà này phải mạo hiểm với sinh mệnh của mình mới lấy về được. Y tốn hết nửa năm truy lùng một bọn cướp ngang dọc vùng đông bắc, mới chém lấy thủ cấp của đầu mục Chu Hổ Thành, cũng lãnh thêm ba vết sẹo trên mình.
Ánh mắt như soi thấu của Phụng công công dò xét Cô Nguyệt Minh một hồi, bèn thong dong thốt: “Ta muốn hỏi ngươi một điều”.
“Xin công công cứ hỏi, Nguyệt Minh này không giấu một điều gì cả”.
Phụng công công đặt ống điếu xuống chiếc bàn nhỏ bên cạnh, động tác ung dung. Trên bàn còn có một túi da hẹp dài độ hai thước, không biết bên trong chứa vật gì. Ký Thiện nhìn không lầm, tâm tình Phụng công công đang sảng khoái, đêm nay quả là cơ hội hiếm có. Rất hiếm khi Phụng lão được như hôm nay, quanh năm ở giữa trường tranh đấu ngấm ngầm của triều đình, ai mà vui được?
Phụng công công vì sao tâm tình vui vẻ?
Lão nhìn ánh trăng ngoài cửa sổ, nói bâng quơ: “Bất luận là mãnh tướng hay đại thần, ai ai gặp ta cũng sợ run, chỉ có ngươi, ta cảm thấy ngươi chẳng có mảy may ý khiếp sợ, ấy là do đâu?”.
Cô Nguyệt Minh thầm thở ra, mỗi người đều có điều muốn hỏi, bên bị hỏi có thể chọn đáp hay không đáp, mà y thì chẳng bao giờ trả lời. Chỉ có khi Phụng công công hỏi thì không thể không đáp. Có thể y không sợ Phụng công công, nhưng chắc chắn y sợ câu hỏi của lão. Thậm chí y cũng không thể biểu lộ sự không khứng của mình. Y so vai: “Giả như kẻ này nói là vì tự vấn mình vẫn một lòng vì công công hành sự, chẳng có gì phải lo sợ, nên chẳng hề nghĩ đến sự sợ hãi, công công tin chăng?”.
Ánh mắt Phụng công công chiếu như tên bắn vào Cô Nguyệt Minh, tỏ ý vui vẻ: “Ngươi là một kẻ thú vị, chẳng những thẳng thắn mà còn dám nói chuyện ngang với ta, làm ta có cảm giác kỳ lạ như đang trò chuyện với bằng hữu. À! Đã lâu lắm rồi ta không có cảm giác này. Nói cho ta nghe, tại sao ngươi không sợ ta?”.
Cô Nguyệt Minh nghĩ bụng Phụng công công có thể là người duy nhất nhận thấy y là một kẻ thú vị, y nói thẳng: “Công công có thể không thích câu trả lời của kẻ này. Tại hạ là một kẻ không luyến tiếc sinh mệnh, chẳng những không sợ cái chết mà còn khát vọng tử vong”.
Phụng công công như bất động, chỉ có tiếng nói rít ra qua kẻ răng: “Tử vong có thể chia ra chết nhẹ nhàng hay chết đau đớn, hoặc thà chết sướng hơn sống, ngươi nghĩ sao?”.
Cô Nguyệt Minh ung dung nói: “Công công cứ xem như tại hạ tự tin mù quáng, tại hạ tin chắc không ai có thể bắt sống tại hạ”.
Phụng công công bật cười: “Giỏi! Giỏi! Nói hay lắm! Ta sống đến chừng này tuổi, mới nghe có kẻ nói không sợ chết”.
Nói xong lão nhìn lên trần nhà, lộ vẻ trầm tư.
Cô Nguyệt Minh nhìn bốn bức sơn thủy thư họa treo giữa tường phía sau lưng Phụng công công, ngay lúc y thốt ra câu “không ai có thể bắt sống tại hạ”, liền nghe thấy tiếng thở gấp truyền lại từ phía sau tường, y lập tức hiểu ra. Chắc chắn đàng sau bức tường là nơi ẩn mình của vệ sĩ của Phụng công công, trong nhóm có một người tưởng rằng câu nói này sẽ khiến Phụng công công nổi giận hạ lệnh giết ngay, nên trong lúc khẩn trương đã thở gấp, nhưng không tránh được đôi tai thính của y. Bức tường này chỉ là giả tạo, thực chất hẳn mỏng như giấy, các vệ sĩ ẩn mình phía sau có thể phóng ra bất cứ lúc nào.
Tiếng của Phụng công công lọt vào tai Cô Nguyệt Minh: “Ta thật không hiểu, với võ công và tài trí của ngươi, bề ngoài lại tuấn tú phong lưu, bao nhiêu thứ tốt đẹp của cuộc đời đang chờ ngươi thưởng thức, mà ngươi cứ xăm xăm một lòng tìm cái chết. Ngươi chán sống rồi chăng? Năm nay ngươi bao nhiêu tuổi rồi? Hai mươi lăm hay hai mươi sáu?”.
Cô Nguyệt Minh thành thật đáp: “Hai mươi lăm”.
Trong lòng y nảy sinh cảm giác như đang đi trên băng mỏng, cần cẩn thận. Thật ra mỗi lần gặp Phụng công công, y đều có cảm giác mình đang ở trong chốn hiểm nguy. Lần này Phụng lão nói nhiều câu “dư thừa”, càng là một điều trước nay chưa từng xảy ra, chứng tỏ lần này có việc khác thường.
Phụng công công không nói gì, im lặng chờ câu trả lời của Cô Nguyệt Minh.
Y bình tĩnh nói: “Tại hạ chỉ nói sự thật tình trạng bản thân. Tại hạ là một kẻ thích mạo hiểm, chỉ thích đặt mình giữa nguy cơ bị giết hoặc giết người, điều đó không thể giải thích được. Nếu có một ngày có kẻ tiễn được tại hạ ra đi, tại hạ sẽ rất cảm kích đối phương. Nhưng tuyệt đối tại hạ không tự tận, trừ phi đến đường cùng sống không bằng chết vì lúc ấy tử vong là một sự giải thoát”.
Phụng công