Phía tây nam dãy núi nối liền mấy chục dặm, ở giữa có một giòng sông uốn khúc vắt ngang, dưới ánh tà huy rực rỡ, nước xanh in bóng núi, cảnh sơn thủy như thi như họa, khiến người mơ hồ tưởng đang ở nơi giáp giới tiên cảnh.
Tương Thủy.
Ôi! Tương Thủy.
Nữ lang kia rất có thể vào Vân Mộng Trạch. Từ đáy lòng Cô Nguyệt Minh trỗi lên cảm giác lạnh người trước vận mệnh. Tình cờ gặp gỡ nơi bến đò, truy tầm theo cả trăm dặm, dường như có một đôi tay vô hình đẩy hai người lại với nhau. Nửa giờ trước đây, y theo đến bên bờ suối thì mất dấu nữ lang, không chừng nàng đã phát hiện bị theo dõi, nên bước xuống nước đi để che dấu vết vó ngựa. Y lại hy vọng mất luôn dấu nữ lang, từ nay không gặp lại nữa, chứ không mong bị mệnh vận trói chung hai người. Thời gian sẽ làm phai mờ tất cả, đến một ngày kia, nữ lang ấy chỉ còn là một ký ức mơ hồ trong đời y. Nhưng y biết mình sẽ không quên được nữ lang, không quên được cảm giác thâm khắc ấy. Y cảm nhận được nữ lang sẽ đi vào Vân Mộng Trạch, nàng có liên quan đến Sở hạp.
Cô Nguyệt Minh lại thở dài, đưa tay vuốt nhẹ ngựa quý Khôi Tiễn, tay vô tình chạm trúng chiếc túi dài đựng kiếm Thất Phản cùng mật lệnh của Phụng công công. Tâm tư dấy động, y mở túi da, đưa tay vào cầm trúng ống tre đựng mật lệnh, bèn bỏ lại trong túi, rồi lấy ra cây thần kiếm Thất Phản mà Phụng công công hình dung là có thể trừ yêu trấn ma. Y cầm kiếm nhìn kỹ, liền thấy ngờ vực.
Đó là một thanh đoản kiếm dài nửa thước không vỏ, chuôi kiếm tròn loe to phần đầu, thân chuôi thon, đốc kiếm lõm, thân kiếm phía mũi uốn cong lên, làm bằng đồng pha sắt, song chỉ có một vài dấu vết đồng, hiển nhiên không giống loại kiếm đồng thường thấy, nhưng vẫn cho người cảm giác rất bén nhọn và cứng rắn.
Cô Nguyệt Minh nhìn đến khó hiểu, đây rõ ràng là một thanh kiếm được chế tạo từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, kiểu cổ xưa, so với kiếm thời nay rất khác biệt về hình thể và chất liệu chế tạo, tại sao Phụng công công lại bảo tên kiếm là Thất Phản.
Nói đến “thất phản cửu hoàn”, ấy là danh từ tu luyện của người trong Đạo môn, mà Đạo môn chưa xuất hiện vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, tại sao Phụng công công nói dối lai lịch tên kiếm, chẳng lẽ Phụng công công không biết y là đại hành gia sử dụng kiếm sao? Về lai lịch danh kiếm, Cô Nguyệt Minh có kiến thức khá sâu rộng.
Cô Nguyệt Minh cầm kiếm thuận tay múa vài đường. Khôi Tiễn như cảm ứng điều gì, quay đầu lại nhìn, cất tiếng hí nho nhỏ.
Cô Nguyệt Minh bỗng chấn động toàn thân, vội ngưng ngay, nhưng cảm giác dị thường lan khắp châu thân.
Sao thế nhỉ? Cầm thanh đoản kiếm chuyển động, y có cảm giác như đang sử dụng thanh Bạch Lộ Vũ đeo bên mình, rất quen thuộc, tự nhiên, chẳng có một chút cảm giác mới lạ khi thử kiếm. Chừng như y có thể biết trước làm thế nào phát huy uy lực của thanh kiếm này trong nhiều tình huống khác nhau, như thể y hoàn toàn nắm được đặc tính của cổ kiếm. Cảm giác ấy gây rúng động, tay của y cùng cổ kiếm nối nhau, thì như hợp thành một thể.
Cô Nguyệt Minh nhìn kỹ cổ kiếm, cảm giác quen thuộc càng mạnh hơn.
Thừ người ra một lúc sau, Cô Nguyệt Minh cất cổ kiếm vào túi da, trong lòng có cảm giác không đành, hết sức quái lạ.
Y không hiểu nổi.
Tất cả mọi chuyện xảy ra gần đây, đều khiến y có cảm giác bối rối hoang mang, cũng như nữ lang kia, và thanh kiếm này.
Cô Nguyệt Minh đi xuống núi, Khôi Tiễn đi theo phía sau cách chừng mười bước, hướng về phía khoảng rừng thưa dưới chân núi.
Qua khoảng rừng thưa thì đến đông ngạn sông Tương, ven theo bờ đi thêm hai giờ, rồi rẽ sang hướng đông là đúng chỗ Vân Mộng Trạch, nơi ấy là một vùng đất kỳ dị như thế nào?
o0o
Ô Tử Hư chiếm một bàn riêng trong quán ăn, hắn gọi một bình Nữ Nhi Hồng, lại kêu thêm món lươn nướng nổi tiếng vùng Động Đình, ra chiều hưởng thụ khoan khoái như thể vừa tìm được chút giờ rãnh giữa lúc bận rộn sinh kế.
Đến bây giờ hắn mới thấy nhẹ nhõm. Sau khi thu dọn hàng, hắn tìm đến một ngôi miếu rất ít người viếng, trả chút ngân lượng đổi lấy chỗ tá túc, rồi thả bộ khắp Lạc Dương Thành để nắm vững địa bàn. Đây là thói quen trước nay của hắn, mà cũng là nguyên tố thành công của hắn.
Trong mắt người chung quanh, Ô Tử Hư ăn uống khá cầu kỳ, sự thực không phải thế, vì hắn không có thói xấu kén ăn, mà hầu như thứ gì ăn được hắn đều cảm thấy ngon, do đó dù là món ngon đắt giá hay món rất bình dân, hắn đều chịu ăn. Hắn tự nhận là một kẻ cổ quái, trong lúc đang tiến hành kế hoạch trộm báu, hắn sẽ hóa thân làm nhiều nghề khác nhau, hắn hoàn toàn nhập vai từ cách sống đến cách suy nghĩ, kể cả những thói quen do nghề nghiệp mà có, như thể hắn biến thành nhiều người khác nhau, mà qua đó cuộc sống đơn điệu trở nên phong phú, nhiều màu sắc và đầy cảm giác mới lạ. Có lúc hắn hoài nghi bản thân phải chăng là một kẻ đa nhân cách.
Hắn thích nhất là đóng vai một hào khách vung tiền như nước, để nhìn thấy ánh mắt sáng rỡ của kỹ nữ khi nhận tiền trọng thưởng của hắn, cảm giác ấy không cách nào hình dung được. Hắn không bận tâm đối phương có chân tình hay giả ý, chỉ thích cảm giác lúy túy trụy lạc tầm hoan trong chốc lát để quên khuấy mọi thứ. Sau đó hắn sẽ cảm thấy rất vô vị, chỉ muốn mau chóng rời bỏ nữ nhân xa lạ đang nằm cạnh. Chẳng được bao lâu sau, hắn lại tiếp tục tìm đến một nữ nhân khác, để che lấp sự trống rỗng trong tim.
Hắn biết mình gan nhỏ, điểm mâu thuẫn là hắn đam mê cách sinh nhai đầy mạo hiểm, đầy tính kích thích vì có thể bị người bắt bất cứ lúc nào. Nhưng khi hắn “biến” ra Ngũ Độn Đạo, lẻn vào nhà giàu có người canh và chó dữ để trộm báu, hắn lại hết sợ mà bình tĩnh ra tay, suy tính chu đáo tường tận, sau khi xong việc thường nghĩ lại, hắn cảm thấy lúc ấy hắn khác thường như thể đã “biến” ra một kẻ khác hoàn toàn.
Cứ nghĩ sẽ có một ngày thất thủ bị bắt, hắn càng muốn hưởng thụ cuộc sống hiện tại, “hảo hoa kham chiết trực tu chiết, mạc đãi vô hoa không chiết chi ”.
Nếu hái được đóa hoa tươi Bách Thuần, khi tỉnh dậy hắn có phá lệ lần đầu, không muốn bỏ đi chăng?
Ô Tử Hư tự cảnh cáo, trước khi bán được dạ minh châu, hành động hái đóa hoa kia sẽ là một việc làm vô cùng ngu xuẩn chẳng khác nào tự nạp mạng cho quan phủ. Theo quy luật hắn tự đặt cho bản thân, trước khi trộm được bảo vật tuyệt đối không thể phóng túng, sau khi xong việc thì phải rời xa nơi trộm báu, không bao giờ trở lại, do đó chỉ có thể gặp Bách Thuần một lần trong đời, không còn có lần khác.
Khâu Cửu Sư cùng Nguyễn Tu Chân xuất hiện tại thành Lạc Dương, đúng với dự đoán của hắn, kẻ địch cho rằng hắn muốn ra tay trộm Ngọc kiếm của Tiền Thế Thần, hẳn đã bố trí thiên la địa võng chờ hắn đâm đầu vào. May là hắn còn có một ưu điểm, ấy là hắn không cần đột nhập Bố chính sứ ti phủ để trộm đồ, mà chỉ cần tìm cơ hội gặp riêng Tiền Thế Thần, nên có thể gặp bất cứ nơi đâu. Hắn ngồi tại đây để chờ một cơ hội như thế, bằng không hắn đã trốn đi từ lâu.
Khâu Cửu Sư còn chưa dùng đến Phong Thần côn uy chấn thiên hạ, mà thân thủ của họ Khâu đã khiến hắn giật mình, hắn biết chắc nếu công bình mà đấu với Khâu Cửu Sư là tự tìm tử lộ. Người này quả là danh bất hư truyền.
Chỗ quán ăn hắn đang ngồi cách Bố chính sứ ti phủ bên trong thành khoảng vài ngàn bước, không thể trực tiếp theo dõi tình hình ngựa, xe ra vào cổng chính của phủ, phải đi qua khu kỹ viện phía bắc thành, nếu Khâu Cửu Sư phái người theo dõi chung quanh phủ thì sẽ không bắt được gì. Nguyễn Tu Chân có mưu trí đến đâu cũng sẽ tính sai, không thể nào biết hắn chẳng cần dò xét địa bàn sứ ti phủ.
Bách Thuần!
Một mỹ nữ hấp dẫn như thế bình sinh hắn mới thấy lần đầu, nếu không hái được hoa này, thì các hoa khác phải chăng sẽ trở nên vô vị? Nghĩ đến đấy, trong tim hắn lại hiện lên mỹ nữ trên cỗ chiến xa, so với nàng, Bách Thuần như kém bớt vài phần.
Ngay lúc ấy, một đoàn người ngựa đi ngang qua.
Ô Tử Hư chú ý nhìn ra, vội mừng vận may, vì hắn đã nghe ngóng rất rõ về dung mạo và ngoại hình của Tiền Thế Thần, nên vừa nhìn đã nhận ra họ Tiền trong đoàn người. Hắn vội trả tiền rời quán, bám theo đoàn