– 1 2 3 dzô. 2 3 dzô. 2 3 uống. Cạn ly nhé,thằng nào để long đền bị đục phù mỏ. Bé Hộ!
– Hở.
– Làm ly mày. Đi đâu đó.
– Đi mua gói mì cho thằng nhỏ nó ăn tối cha. Uống gì giờ này cha. Đâu đưa coi rượu ngon không. Chuối hột của ai vậy,chiết tui nửa chai mấy cha.
– Rượu chùa hả mày. Uống ly nữa rồi chút tao chiết cho. Lần đầu cũng như lần cuối đó.
– Bữa sau có cho thêm nghe.
– Ờ.
Xóm Mỹ Quang chiều nào cũng vậy,cứ tầm chạng vạng là rượu bia cướp diễn đàn,tạo sân chơi hoành tráng cho các nghệ sĩ nhân dân trổ tài. Không giới hạn khả năng,không quan trọng xuất thân,uống được thì uống,không được thì thôi. Ai nôn về thì ra sau ói. Ở đây truyền thống đến nỗi có hai câu thơ tương truyền mà khi nhắc đến,đều biết là ở địa phương nào.
– “Sướng như khối phố Mỹ Quang
Sáng làm chiều nhậu xâm xoàng đến khuya”
Thật đúng vậy,ít khi có kẻ rời bàn với vẻ tỉnh táo. Về đến nhà,mở cửa ra đèn sáng,đóng cửa lại đèn tối,kéo phẹc ba tuy xuống,xè một lúc xong lăn ra ngủ. Sáng ra dọn cái tủ lạnh mệt nghỉ. Đó chỉ là một trong số những giai thoại bất hủ về các bô lão thần men đại hiệp được nhân gian tương truyền.
– Á Á Á.
– Cái gì vậy. Đợi tao. Mẹ cha cái gì vậy.
– Xoảng
Cái hủ rượu bị hất tung rơi thẳng xuống đất. Cả đám người bỏ chạy tán loạn,có bô lão còn đánh rơi cả dép. Con búp bê vẫn đang nằm chễm chệ trên bàn,ngoái đầu nhìn theo cảnh tưởng hỗn tạp trước mắt. Phía trên cây vú sữa cổ thụ,những tiếng cười khúc khích bắt đầu vang lên,tán lá xào xạc,rung lắc dữ dội.
– Mẹ cha tui bây. Chơi trò mất dạy vậy. Bước xuống đây.
– Haha haha thôi con giỡn mà ông Ba.
– Mẹ mày làm vậy lỡ tụi tao đứng tim hưởng dương sao.
– Ông thì có hưởng thọ chứ hưởng dương gì nữa.
– Đi xuống… Ma bắt bây giờ. Nhanh lên.
Mấy bô lão ôm ngực thở hổn hển,mặt cắt không còn giọt máu,vừa tức vừa buồn cười. Thì ra là đám nhóc con trong xóm,dẫn đầu bởi thằng Nhân con bà Hai vịt lộn,mới chút tuổi đầu thôi nhưng bao nhiêu trò nghịch đều do nó một tay khởi xướng. Con búp bê gớm ghiếc,đầu tóc rối bù,hai mắt bị khoét ra,khuôn mặt đày vệt sơn đỏ,được ném xuống từ trên cây vú sữa rậm rạp. Quả thực giờ nhìn từ xa,còn thấy rợn,huống gì là đang yên đang lành,tự dưng nó bay xuống nằm giữa bàn,không chết cũng bị thương.
– Lần sau không có chơi trò đó nữa nghe chưa. Ông không la tụi bây thì không được. Chỗ người lớn đang đàm đạo,chơi ác ôn vậy lỡ có chuyện gì thì sao.
– Dạ dạ con biết rồi.
– Bể mẹ hủ rượu rồi. Mấy cái đứa nhỏ này. Thôi qua mua mấy lon bia về nhậu anh Thìn. Mỗi người năm chục đi. Làm mấy lon cọp xanh rồi về ngủ. Tối nay cây mãng cầu này say luôn rồi,khỏi cần tưới nước.
– Haha haha
Bốn năm thằng nhóc con từ từ trèo xuống,trong những cái lắc đầu ngao ngán của các bô lão,xen lẫn điệu cười ngặt nghẽo của mấy
bà trong xóm. Mấy ổng dân biển,chân chất đó giờ,nên những chuyện nghịch ngợm này không bao giờ chấp nhặt. Có điều đôi lúc quá đáng cũng phải la cho có cái uy,bằng không tụi nhỏ leo lên đầu mà ngồi.
Sau khi ổn định lại đội hình,dọn dẹp đống chiến trường,các bô lão bắt đầu tư thế khoan thai,đón nhận một nguồn men mới vừa ập đến,bởi đôi tay của thằng Nhân. Nó mau chóng chuộc lỗi bằng việc xung phong đi mua bia và ẩn luôn mớ tiền thừa.
– Anh tính làm lại chỗ này xây dãy nhà trọ hả anh Ba.
– Đúng rồi. Giờ con bé con tui nó dở dang đời chồng,công việc không ổn định,của cải thì có chứ phải không,tính đường dài cho đặng chứ tội nó. Tui thì chừ biển dã gì nữa,bả thì có quán chay qua ngày rồi,để cái dãy nhà trọ này cho con bé,lỡ đâu nó đi bước nữa,còn có cái mà nương tựa.
– Còn hai vợ chồng thằng Khôi thì khỏe rồi đúng không anh.
– Ừ thằng anh đầu thì cuộc sống viên mãn,đâu có ảnh hưởng gì đến cha mẹ đâu,tội là tội con Út Dung. Thôi dzô cái đi.
– Bởi ta nói,cuộc sống nó như lon bia vậy. Mẫu mã thì đẹp,khui ra uống thì đắng ngắt,tống xuống cổ nhiều thì say mèm,đã vậy còn phải tốn tiền mới có được. Nhưng cũng đáng lắm,lúc say nhất lại là lúc tỉnh táo nhất,bao nhiêu cái hư cái thực phân biệt được hết,cái sai cái đúng hiểu thấu được hết.
– Nhưng để làm gì. Hả ông Năm. Để sáng mai tỉnh dậy,vẫn phải lo cơm áo gạo tiền,lo tình thân máu mủ lầm than. Bởi ông Phật ổng nói đúng,chết đi mới bắt đầu sự sống. Cấm có sai được. Làm hết ly này nữa rồi về. Tui mệt quá rồi. Ông Ba dọn giúp nhé.
– Rồi rồi mấy ông về đi.
Ngồi thẩn thờ nhìn lên cây vú sữa cổ thụ,đã gắn bó với dòng đời của ông gần năm mươi năm nay mà thầm quyến luyến bịn rịn. Nó được cha ông trồng lúc trẻ,đến khi sai trĩu quả thì qua đời và như một của hồi môn,được ông chăm sóc,nâng niu cho đến tận bây giờ.
– Chắc là tao phải chặt mày rồi. Anh em như máu mủ,đừng trách tao nhé,coi như là phụ tao một tay,giúp con Út Dung ổn định cuộc sống.
– Xoẹt
– Ơ hả..
Vừa dứt lời lẩm nhẩm,tự nhiên một quả vú sữa rơi thằng xuống đầu,làm ông bất thình lình nhìn lên và bắt gặp một thứ gì đó lấp lánh đục ngầu,như hai con mắt đang nhìn chằm chằm về phía mình.
– Ông…ông…sao vậy…