Mặc Tức hoàn toàn không biết Mộng Trạch đã phát hiện dây lụa có điều khác thường, gió đêm nhẹ thổi, hắn rời khỏi vương thành, nhưng lại không lập tức trở về phủ Hi Hòa.
Ngoại trừ báo cáo với Quân thượng, Mặc Tức vội vã đến vương thành còn vì một nguyên nhân rất quan trọng khác —— Manh mối thu thập trong gương Thời Gian khiến hắn nóng lòng muốn lật lại án cũ, mà về vụ án năm đó, hắn có ba chuyện nhất định phải điều tra rõ ràng:
Thứ nhất, người mặc áo đen.
Trước khi làm phản Cố Mang từng tiếp xúc với một người mặc áo đen, người áo đen đó dùng thế cục của Trọng Hoa để xúi giục Cố Mang làm phản, mà Cố Mang cũng hoàn toàn không bài xích hắn ta.
Vậy thì người áo đen này có thân phận gì đây?
Thứ hai, núi Chiến Hồn.
Trước khi làm phản Cố Mang từng lên núi Chiến Hồn một chuyến với người mặc áo đen, kết hợp với những gì trước đó Cố Mang nói với hắn, y cảm thấy cấm địa của núi Chiến Hồn “dường như đã từng quen”, vì vậy rất có thể năm đó Cố Mang đã tìm cách đột phá kết giới của cấm địa để vào trong làm chuyện gì.
Thế nhưng rốt cuộc bên trong cấm địa của núi Chiến Hồn có cái gì?
Thứ ba, âm lao.
Qua việc tiếp xúc với Lục Triển Tinh trong gương Thời Gian, Mặc Tức đã xác định được Cố Mang từng đến âm lao lén lút gặp gỡ Lục Triển Tinh trước khi làm phản.
Vậy thì năm đó Cố Mang vào âm lao đã có cuộc đối thoại thế nào với Lục Triển Tinh?
Chỉ cần tra rõ ba chuyện này, chân tướng của tám năm trước ắt hẳn sẽ trồi lên mặt nước.
Ngặt nỗi những chuyện này xảy ra quá bí mật, người biết chuyện ngoại trừ chính Cố Mang thì chỉ còn một kẻ không rõ thân phận và một kẻ đã thành vong hồn dưới suối vàng.
Mặc Tức không trông chờ Cố Mang chịu tiết lộ, thế thì điều tra ba chuyện này còn lại hai cách:
Một, quay ngược thời gian.
Hai, tư liệu năm đó.
Muốn quay ngược thời gian cần có gương Thời Gian, song uy lực của gương thần thượng cổ mạnh khủng khiếp, thân xác người phàm trong vòng mười năm chỉ vào được một lần, bằng không tất sẽ bị gương cắn nuốt, tan thành bột mịn.
Vì vậy con đường gương Thời Gian không thể đi được rồi.
Thế thì chỉ còn cách lấy tư liệu năm đó…
Bước chân của Mặc Tức chậm lại, hắn đưa mắt nhìn phía Bắc vương thành, đó là hướng của điện Ngự Sử.
Mỗi điện mỗi các của Trọng Hoa đều khảm một khối đá ghi sử, bắt đầu từ ngày đăng cơ, trên người Quân thượng sẽ đeo một chuỗi vòng xâu từ đá ghi sử, chưa đến ngày chết không thể nào tháo xuống.
Những viên đá này ghi lại một cách trung thực từng chuyện xảy ra ở đế quốc, hằng năm sử quan sẽ tập hợp chúng thành ngọc giản, niêm phong cất vào điện Ngự Sử.
Mặc Tức có thể thử tìm ghi chép bí mật liên quan đến việc Cố Mang làm phản từ trong đó.
Nhưng vấn đề của điện Ngự Sử nằm ở chỗ giả tạo.
Tuy vương thất vẫn luôn tuyên bố với bên ngoài những gì đá ghi sử ghi lại hoàn toàn chân thực đáng tin cậy, nhưng trong lòng mọi người đều rõ ràng, đá sẽ không nói dối, người lại có thể xóa phân đoạn.
Nếu quân chủ một nước lệnh cho sử quan tiêu hủy vài sự kiện nào đó, làm gì có sử quan nào dám nói một chữ không?
Thế nên thật ra con đường này cũng mong manh mịt mù.
Sắc trời ngày một tối dần, cuối cùng một chút ánh sáng còn lại cũng bị bóng đêm nuốt trọn, ánh sao trên trời và ánh nến dưới đất cùng lập lòe tỏa sáng.
Mặc Tức nhìn điện Ngự Sử, đằng xa có một hàng cung nữ trực đêm xách đèn lồng lũ lượt đi qua, hệt như một con rắn uốn lượn trườn dài bên lan can bạch ngọc.
… Ngọc giản của điện Ngự Sử đích thực có thể ngụy tạo, nhưng chí ít cũng tồn tại một tia hy vọng.
Tối nay Quân thượng bị bệnh, cấm vệ quân đa số tập trung canh giữ gần tẩm cung, đúng là thời cơ tốt để lẻn vào điện Ngự Sử, thật sự có thể thử một lần.
Mặc Tức nhìn dãy đèn lồng kia xa dần, trầm ngâm suy tư chốc lát, cuối cùng đi về phía điện Ngự Sử.
Điện Ngự Sử có tổng cộng hai lối vào, tất cả đều thiết lập kết giới che đậy, còn có thủ vệ canh chừng nghiêm ngặt, nhưng với tướng soái hàng đầu đế quốc mà nói thì không phải trở ngại gì quá lớn.
Mặc Tức chẳng phí bao nhiêu sức đã lẻn được vào trong đại điện.
Không giống những cung điện nguy nga tráng lệ khác, kết cấu của điện Ngự Sử hết sức đặc biệt, thay vì nói nó giống cung điện, chi bằng nói nó giống huyệt mộ hơn (huyệt chôn quan tài).
Lối vào đại điện có dựng một tấm bia, được tượng Bí Hí đứa con thứ sáu của rồng vác trên lưng, trên bia viết bốn chữ: “Hôm qua đã chết”.
(1) Bí Hí: là một sinh vật thần thoại trong văn hóa Trung Quốc và một trong chín đứa con của rồng.
Bí Hí mang hình dáng mình rùa đầu rồng, ngày nay chúng thường được chạm khắc trang trí làm bệ đỡ cho các cột đá, bia đá.
Bốn chữ này do vị Quân thượng thứ hai của Trọng Hoa viết lên, khi ấy Trọng Hoa vừa dựng nước, quân chủ khai quốc lại đột ngột bỏ mạng vì bệnh cũ thời chinh chiến.
Lúc đó chưa nghĩ di chiếu, chưa lập dòng chính, cũng chưa quyết định nên lập con trưởng, lập hiền tài, huynh chung đệ cập hay kế thừa nghiệp cha, thế là đám anh em vương thất lẫn quyền thần quý thích đều nhìn chằm chằm ngai vàng bỏ trống kia như hổ đói.
(2) Huynh chung đệ cập: Anh trai chết em trai lên kế thừa.
Quý thích: hoàng thân quốc thích.
Sau đó mưa máu gió tanh tranh quyền đoạt thế hoành hành ở Trọng Hoa suốt mười bốn tháng trời.
Trong mười bốn tháng đó, vô số người chịu oan ngồi tù, biết bao linh hồn chết không nhắm mắt, mãi đến khi công tử thứ bảy của Tiên vương kế vị, trận mưa gió này mới từ từ dừng lại.
Dưới triều cục như thế, cho dù Quân thượng đăng cơ cũng chẳng thể yên lòng.
Ngày nào quân vương đời thứ hai này cũng sống trong quyền mưu và tính kế, vương hậu và con trai nối dõi của lão, thậm chí chính bản thân lão cũng bị ám toán đủ đường, suốt ngày như đi trên băng mỏng, đến mức khiến lão mắc phải chứng rối loạn tâm thần —— Lão nhất định phải thường xuyên đến điện Ngự Sử lục xem quá khứ được ghi lại, kiểm tra hết lần này đến lần khác.
Chẳng hạn như, hôm nay vương huynh nào đó đi nơi nào?
Rồi chẳng hạn như, hôm qua trọng thần nào đó đã gặp gỡ những ai.
Chỉ cần bị lão tóm được một chút manh mối, lão nhất định sẽ tra tận gốc rễ, nắm hết chân tơ kẽ tóc trong lòng bàn tay.
Dưới trạng thái tinh thần như thế, quân vương đời thứ hai sống một cuộc đời mệt mỏi đến cùng cực.
Tận khi về già rời ngôi truyền lại cho con trai, cuối cùng lão mới được nhẹ nhõm.
Bấy giờ lão mới nhận ra những chuyện hôm qua đã chết ở hôm qua, chuyện gì qua rồi chi bằng cứ để nó qua đi.
Lão bèn đến trước cánh cửa cung điện cực kỳ quan trọng với Trọng Hoa, cũng là nơi ngày xưa mình thường xuyên giá lâm, lập bia khắc để lại bốn chữ đó:
Hôm qua đã chết.
Nếu hôm qua đã chết, người cần gì chấp nhặt, cớ sao chẳng quay đầu?
Đến đời thứ ba, tân vương đăng cơ nhìn thấy tấm bia đó thì cảm động vô cùng, quyết định trùng tu điện Ngự Sử thành hình dạng huyệt mộ, một vì tưởng niệm phụ vương, hai vì tuân theo di nguyện của Tiên vương.
Trong tòa cung điện đặc biệt này, lầu gác là huyệt mộ, chuyện cũ là người chết, nhằm khuyên bảo chúng dân “rộng lòng, buông bỏ”, không có gì thì đừng cố truy cứu, gặp chuyện gì cũng đừng quá chấp nhất.
Nhiều năm như vậy, gần như không còn ai vào điện Ngự Sử tra xét chuyện cũ nữa, canh phòng tuy nhiều nhưng tinh thần lơi lỏng, đó cũng là nguyên nhân vì sao Mặc Tức có thể dễ dàng vào đại điện mà không cần bẩm báo.
Cạch cạch…
Quân ủng khảm lát sắt của Mặc Tức giẫm trên nền gạch đá, phát ra những tiếng vang quạnh quẽ.
Điện Ngự Sử vô cùng sâu rộng, kết cấu tương tự huyệt mộ đích thực, dọc đường đi xây mười hai con thú đá trấn mộ, nơi sâu nhất có thể lên đến hơn một trăm năm mươi thước dưới lòng đất.
Hai bên lối đi chính toàn là “phòng mộ”, cũng chính là nơi niêm phong cất giữ ngọc giản của đế quốc, chúng được sắp đặt theo năm, bên ngoài có đá phong ấn, mặt đá khắc ấn triều đại nào.
Mặc Tức nhanh chóng đi tới “phòng mộ” của tám năm trước, hắn nhìn tấm bia lấp lóe ánh vàng, nâng tay lên cảm ứng thử, lập tức cảm nhận được một luồng thuật kết giới mạnh mẽ.
Tiếp theo phù điêu thú trấn mộ trên cửa đá phát ra tiếng vang nặng trịch lạ thường, thú đá mở miệng hỏi: “Người đến ——”
(3) Phù điêu: Loại hình điêu khắc lồi lên thế này.
Giọng nói ầm ầm uy nghiêm liên tục vang vọng khắp đường mộ.
“Là —— ai ——?”
Đây cũng là một loại ấn phù mà Quân thượng đời thứ hai bố trí, điện Ngự Sử ghi lại năm tháng xuân thu, theo lý phải nên công bằng liêm chính, nhưng nếu người người đều có thể tùy tiện ra vào tra xét chuyện xưa của người khác, chỉ e vương thành sẽ càng sóng gió hơn.
Do vậy, Quân thượng đời thứ hai đã dựng nên lớp kết giới này, mỗi người vào “huyệt mộ” tra cứu quá khứ đều phải khai báo tên thật cho thú trấn mộ biết, để nếu có gì bất trắc sẽ tiến hành tra xét, ngay cả quân vương cũng không ngoại lệ.
Mặc Tức thừa hiểu chuyện này là sai lầm nghiêm trọng, nhưng vì biết được chân tướng, cái giá này chẳng thấm vào đâu cả.
Hắn đặt tay lên linh thạch nằm giữa ấn đường của thú trấn mộ, nói:
“Phủ Hi Hòa, Mặc Tức.”
Con ngươi khảm bằng linh thạch đỏ của thú trấn mộ tỏa hào quang rực rỡ, dường như đang nghiệm chứng xem Mặc Tức có nói dối hay không, lát sau hào quang ấy lụi tắt, đá phong ấn khổng lồ phát ra tiếng vang nặng trình trịch.
Giọng nói như truyền đến từ thời xưa cất lên: “Hôm —— qua —— đã —— chết ——”
Theo lời cảnh cáo cuối cùng của Quân thượng đời thứ hai dành cho con nối dõi vang lên, cửa mở ra.
Một gian phòng đá đặt ba trăm sáu mươi lăm chiếc quan tài tỏa khí lạnh thấu xương, hiện rõ rành rành ngay trước mắt Mặc Tức.
Ba trăm sáu mươi lăm chiếc quan tài đại diện cho ba trăm sáu mươi lăm ngày của năm đó, những chuyện xảy ra ở Trọng Hoa đều được tập hợp thành ngọc giản, phân chia riêng biệt đặt gọn trong quan tài.
Mặc Tức nhớ rõ như in quãng thời gian mà mình cần điều tra, tuyệt nhiên