Cô tắt điện thoại đi sau khi đọc tất cả những tin tức vì cái chết của mình.
Cô chết vì một sợi dây thừng! Điều đó là sự thật, mọi người có mặt ở Lúc Chiều Tàn khi ấy đều chứng kiến cái chết của cô.
Ngọc đã dùng một sợi dây để treo cô lên trần nhà.
Nhưng cái chết đó là một cú lừa với Thuỵ Nhiên.
Thuỵ Nhiên muốn cô chết vì bị đâm, hoặc là gì đó thật thảm thiết.
Con bé đó đã lừa cô! Nó không giết cô theo cách của một kẻ sát nhân, mà nó đã nguỵ tạo thành một vụ tự tử.
Nhưng tất cả giờ đây đã chẳng còn quan trọng gì nữa, khi mà Thuỵ Nhiên thức dậy và nhìn mình trong gương.
Một diện mạo khác hoàn toàn lấp đầy đôi mắt của cô.
Không phải mái tóc ngắn, không phải bộ ngực phẳng, không phải cái eo lõm sâu, không phải là thân hình khẳng khiu, gầy gò như mọi khi.
Mà là Ngọc.
Phải, cô đang ở trong xác thân của Ngọc.
Thuỵ Nhiên đã từng tự hỏi liệu có tồn tại thế giới song song hay không? Nhưng nếu như vậy, thì cô vẫn phải là cô.
Cô có thể sống trong một thế giới khác, hoàn cảnh khác, song cô không thể là một ai khác.
Vậy mà cô đã thức dậy trong một bộ quần áo ở nhà sờn cũ, mái tóc dài quê kệch, trong một căn phòng hẹp không bằng cái nhà vệ sinh trong căn biệt thự của mình, với sách vở chất thành chồng xung quanh.
Trần nhà thì ẩm thấp, lấm tấm những chấm mốc.
Cửa sổ với song sắt được uốn hoa văn đã han gỉ, nằm trên giường có thể thấy mảnh trời xanh trong vắt và nhành hoa giấy đung đưa qua lại.
Tủ quần áo bằng vải xập xệ, nhưng lại được gấp rất gọn gàng và ngăn nắp.
Chăn nệm đều đã cũ, chúng thơm mùi nước xả vải - thứ mùi mà cô luôn cảm thấy buồn nôn.
Chỉ có đám nhà nghèo mới cố đổ đầy nước xả vào để tạo ra thứ mùi hương kinh dị này thôi.
Thuỵ Nhiên nhìn ngắm những ngón tay của mình.
Lạ lẫm! Mọi chuyện cứ như một giấc mơ.
Hoặc là cô đang ở trong một giấc mơ thật.
Một ảo mộng của cõi chết.
Về lý mà nói thì cô không thể nào còn sống.
Cô đã cảm nhận rất rõ về nó.
Về cái siết mạnh trên cổ họng.
Về hơi thở tàn dần trong cuống phổi.
Về hồi quang phản chiếu lại trong não cô khi màn đêm dần buông lên đôi mắt.
Có thể cho rằng đây là một giấc mơ.
Cô không phải là Thuỵ Nhiên, mà là Ngọc chăng? Nhưng mọi ký ức của cô đều là về Thuỵ Nhiên.
Thậm chí, cô còn chẳng nhớ nổi thân xác mình đang mang tại sao lại có những vết sẹo ngoằn nghèo này, những vết thâm trên mắt là sao!
"Con này mày giỏi nhỉ? Giờ còn nằm đây.
Không định đi học à?" Tiếng nói lanh lảnh của một mụ đàn bà lạ hoắc vang lên.
Bà ta đứng ở lối ra vào, đặt tay lên một bên tường và xéo xắt nhìn cô.
Trông bà ta cứ như mấy ả chủ quán rượu.
Trang điểm như đi hát hội, váy xống lồng lộn không cần thiết.
Không thấy Ngọc trả lời lại, bà Tuyết chau màu quát lớn hơn: "Con ranh, giờ đủ lông đủ cánh rồi mất nết phải không? Tao nói mà mày không trả lời à?"
"Bà là ai?" Thuỵ Nhiên hỏi thật lòng.
"Cái gì cơ?" Bà Tuyết như không nghe ra đứa cháu nói gì.
"Mày giả ốm, ngủ li bì hai ngày trời, giờ tỉnh dậy lại chơi trò mất trí nhớ à?"
Thuỵ Nhiên lẩm nhẩm tính.
Cô đã ngủ hai ngày rồi.
Hai ngày chìm trong bóng tối.
Vậy có nghĩa là tang lễ đã được tổ chức xong xuôi?
Sau đó Thuỵ Nhiên vội vàng lật chăn, mang tạm cái áo khoác vứt ở ngay dưới chân rồi chạy ra bên ngoài.
Theo thói quen thường ngày, Thuỵ Nhiên đẩy bà Tuyết đang đứng chắn lối mình ra khiến bà loạng choạng ngã.
Cô chẳng thèm quan tâm đến tiếng la ó của bà ta mà xỏ đôi giày cũ vào chân và chạy ra khỏi nhà.
Bà Tuyết trợn tròn mắt, không tin nổi những gì vừa diễn ra.
Nhưng rồi bà đã tự tìm được câu trả lời.
Rất có thể con bé đang chơi bài ngửa với vợ chồng bà.
Rằng số tiền tiết kiệm của mẹ nó đã bị lấy mất, nên nó chẳng cần phải nể nang gì nữa.
Nghĩ vậy lòng bà Tuyết lại chộn rộn một nỗi tức giận.
Đáng ra bà nên nắm tóc nó lại mà cho nó một cái bạt tai như thường ngày bà vẫn làm chứ!
"Về mày chết với tao con ranh." Biết là Ngọc đã đi khỏi, nhưng bà Tuyết vẫn phải hét lên cho hả lòng hả dạ.
Cơn đau ở xương cụt lại nhói lên, nhắc cho bà nhớ cú đẩy tay vừa rồi của Ngọc không hề nhẹ.
Thuỵ Nhiên không có tiền! Bình thường cô cũng ít khi mang theo tiền mặt trong người.
Thường sẽ quẹt thẻ, mua gì lặt vặt thì đều có Vĩnh thanh toán nên khi đứng trân trân giữa phố sá đông người, cô chợt nhận ra bản thân mình từ lâu đã không thuộc về thế giới này.
Những con người đang bước đi kia đều có một sự liên kết nào đó.
Họ đan vào nhau, tạo nên một xã hội độc lập.
Còn cô, cô không biết mình là ai, mình ở đâu trong cái xã hội độc lập đó.
Ngày hôm ấy, Thuỵ Nhiên không có người đưa kẻ đón, không có nơi nào để đi, không có một ai để gọi.
Ngày trước cô chỉ cảm nhận được việc bản thân là kẻ bị bỏ rơi.
Giờ đây cô mới hiểu được ý nghĩa thật sự của lạc lõng.
Không còn ai nhận ra cô là Thuỵ Nhiên.
Làm gì có kẻ nào tin nổi chuyện cô đã sống lại vào thân xác của một kẻ đã giết mình kia chứ?
À không, theo như báo chí thì Ngọc không giết cô.
Người giết cô là Q.
Rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra vậy?
Không khí Tết đã ngập tràn khắp thành phố này, những biển hiệu quảng cáo đều nhuộm một sắc đỏ.
Những bài hát mừng xuân, mừng Tết vang liên hồi.
Đứng ở bến xe bus cũng thấy được