Mùa xuân đang ở rất gần, Thuỵ Nhiên có thể cảm nhận được nó qua những cơn mưa phùn dai dẳng bên ngoài cửa sổ.
Qua hơi ẩm cứ lẩn quất trong không khí.
Qua những ngọn chồi non bé tí teo trên cành cây khô khốc.
Qua tiếng nhạc mừng xuân vang vọng đâu đó quanh khu nhà giàu này.
Mặt trời không ló rạng, những tầng mây xám xịt ở rất gần trong đôi mắt, cảm tưởng như chỉ cần đưa tay ra là chạm tới được.
Tuy là mùa xuân đang tràn về thật đấy, nhưng trong lòng Thuỵ Nhiên sẽ chẳng còn mùa xuân nào nữa.
Cuộc đời cô đang đến rất gần với hồi kết rồi.
Căn nhà luôn luôn im lặng như vốn vậy, thi thoảng Thuỵ nhiên mới nghe thấy vài tiếng động của xoong chảo, của nấu nướng, của dọn dẹp từ căn bếp – nơi vị quản gia già hằng ngày vẫn chôn cuộc đời bà từng chút một.
Cô nghe nói bà ta từng là quản gia của năm gia tộc khác nhau, là một người chọn công việc phục dịch người khác để nuôi sống chính mình.
Bà không có gia đình, nên việc neo đậu ở căn biệt thự nào với bà cũng chỉ giống như là chuyển nhà mà thôi.
Chỉ có điều, không biết trước kia bà từng học qua những gì, nhưng kiến thức của bà rất phong phú.
Bà biết từ chứng khoán, cho đến chuyện thêu vá.
Biết giải toán, cho đến làm thơ.
Đôi lần Thuỵ Nhiên thấy bà ghi chép vào một cuốn sổ bìa xanh, cô giả bộ đi tới và liếc mắt qua thì biết được đó là những vần thơ ngắn ngủi.
Bà quản gia cũng giống như Vĩnh, chỉ nói những điều cần nói, luôn tỏ ra không quan tâm đến đời tư của người khác.
Chính vì vậy mà Thuỵ Nhiên cũng chẳng có thiện cảm với bà, nhưng ít nhất thì cô vẫn còn một chút kính nể.
Ở bà có gì đó điềm tĩnh hơn, trải đời hơn Vĩnh.
Khi đối diện với bà, Thuỵ Nhiên lại có cảm giác cô đang soi mình trong gương và tự thấy hổ thẹn vì những thói xấu, nhỏ nhen của mình.
Thuỵ nhiên cười nhạt, cô nhận ra mình đã sống một cuộc đời bị người khác coi thường và thương hại mà không kịp vùng lên.
Dù cô đã cố là một kẻ đáng ghét, thì trong mắt người khác, trông cô vẫn thật thảm bại và đáng thương.
Ngồi co chân bên cửa sổ, Thuỵ Nhiên châm thuốc nhưng không hút.
Cô cứ nhìn nó cháy hết điếu này đến điếu khác, rồi bị cô thả trôi xuống bên dưới.
Cay đắng làm sao khi những đầu thuốc cứ thế rơi vô định lại khiến cô liên tưởng cuộc đời của mình.
Một cuộc đời đang sống nhưng cái chết đã xâm chiếm từng tế bào bên trong.
Ung thư.
Hai từ này giờ cứ loanh quanh trong đầu cô, nó chạy vòng tròn như một đứa trẻ, hấp háy cái mắt, lè cái lưỡi trêu chọc hòng khiến cô tức điên lên.
Tuy nhiên cô đã hết muốn làm gì nữa, kể cả phản kháng.
Khi mọi nỗi sợ và nỗi thất vọng qua đi, cô chỉ thấy chán nản.
Cô muốn buông xuôi.
Nhìn xuống bên dưới hiên nhà, nơi đài phun nước đang làm công việc nhàm chán của nó, Thuỵ Nhiên tự tưởng tượng đến viễn cảnh mình rơi tự do xuống đó.
Cơ thể đập vào những bức tượng đá kia, rồi vỡ nát từ bên trong.
Có thể cô sẽ đau, hoặc là chết trước cả khi cơn đau ùa đến.
Nhưng rồi Thuỵ Nhiên hơi lắc đầu.
Cô từ chối kiểu chết man rợn và bạo liệt ấy.
Hơn hết, cô không thể chết trong căn nhà này được.
Bố sẽ không thích!
Thuỵ Nhiên chép miệng, cô ôm đầu suy nghĩ.
Một mong muốn đang dần khởi sắc trong cô, đẩy lui những chán nản về cái chết mà cô đang mắc kẹt.
Phải chết thế nào để trông thật ngầu mà không đau đớn nhỉ? Phải, nếu mà đằng nào cũng chết, tại sao không chết theo ý mình kia chứ!
Nghĩ đến đó, Thuỵ Nhiên vội nhảy xuống khỏi bậu cửa sổ.
Cô tới bàn trang điểm, mở chiếc Macbook và bắt đầu tìm kiếm cho mình một kiểu chết ngoạn mục nhất.
Chỉ cần không đau đớn, thì chết cũng chỉ giống như một trải nghiệm thôi mà.
Vậy là Thuỵ Nhiên bắt đầu cuộc tìm kiếm cái chết.
Cô đi những bước đầu với các từ khoá ngô nghê qua thanh tìm kiếm Google, rồi đến những đoạn cắt từ phim ảnh, sau đó lại tìm đến những lời khuyên của các chuyên gia về Thức Tỉnh, về Vũ Trụ nhân sinh trên Youtube...!Cả ngày hôm đó, Thuỵ Nhiên gần như chìm đắm trong cái chết được người khác bày sẵn.
Sự say mê đến mức quên ăn, tự nhốt mình trong phòng của cô khiến vị quản gia già thấy hết sức lạ lùng.
Vì cô chủ sẽ chỉ ở nhà khi bị bắt ép, khi buồn ngủ, khi ông Việt Quang cũng ở nhà...!Con người không thể nào thay đổi nhanh như cách chúng ta chớp mắt nếu không thực sự gặp một cú sốc nào đó, hoặc họ đang điên cuồng ham muốn thứ gì đó.
...
"Bà mợ lại đánh mày đấy à?"
Ngọc giật mình vì câu hỏi của Trâm – cô bạn thân từ hồi cấp hai.
Cô vội vàng lắc đầu và nhìn đám bạn đang chạy hai vòng quanh sân trường với vẻ buồn bã.
Họ đang ở hồi cuối cùng một tiết thể dục mệt mỏi.
Trâm không nói không rằng, cô ta cúi người kéo mạnh một bên ống quần thể dục của Ngọc lên.
Ngọc giật mình kêu: "Á".
Những vết thương như mấy con rắn con nằm đè lên nhau trên chân cô hiện ra.
Thâm tím lại dưới ánh nắng hiếm hoi của một ngày cận xuân ẩm ướt.
"Mày còn chối?" Trâm bất bình nói.
"Bà ta đánh mày đến nỗi chạy không nổi mà mày còn giấu giếm cái gì? Sau giờ học, tao với mày đi báo công an phường.
Không thì để tao post bài bóc phốt, thế này mà người ta không rần rần lên thì hơi phí."
Ngọc chép miệng, cô lo lắng khi nghe những phương áp tố cáo bà Tuyết của Trâm.
Không phải là cô đau đến mức không chạy được, mà là khi chạy, vải quần sẽ cọ vào vết thương làm cho nó bong ra và rỉ máu.
Như vậy sẽ rất khó lành.
"Mày đừng có lo cho tao.
Tao quen rồi."
"Mày sợ không ai nuôi mày à? Chẳng phải tìm được việc rồi đó sao? Sợ cái gì nữa!"
"Không phải là tao sợ."
"Thế thì vì sao?"
"Vì đó là di nguyện của mẹ tao.
Mẹ tao muốn tao ở nhà của cậu mợ."
"Trời, nếu mẹ mày mà biết bà tao đối xử với mày thế này, tao chắc mẹ mày chả để lại cái di nguyện đó đâu."
"Mày không hiểu à? Cậu mợ tao không có con!"
"Thì sao?" Trâm vênh mặt lên, nhếch môi khinh khỉnh.
"Nghĩa là mẹ tao muốn tao trở thành con của họ để họ bớt tủi thân ấy."
Trâm cười nhạt, cô cúi xuống phủi phủi gấu quần đã bạc đi vì bụi của mình.
"Mắc mệt, tao biết thừa mày không muốn sống cùng họ."
"Tao sắp mười tám tuổi rồi.
Khi tao học đại học, tao sẽ dọn ra ở riêng."
"Ờ ha, vậy