Trong vương phủ có tất thảy năm chỗ cần thi công, bốn căn lầu độc lập làm lại mái và xây thêm tường, và một tòa lầu ba tầng có mái hiên tiểu vương gia có ý muốn cải tạo thành một tòa nhà kiểu Âu. Ishida Hideyoshi bảo Shuji chịu khó một chút, hoàn thành nốt công trình bên Ngân hàng Phụng Thiên đồng thời bố trí công trình cho vương phủ, nếu tiểu vương gia đã bằng lòng muốn Shuji làm việc cho mình thì mong anh cũng sẽ dốc sức ứng phó, làm hài lòng vị bô thiếu này, tạo cơ hội cho công trình về sau.
Trong vòng một tháng tiếp đó, thời gian của Shuji bị chia ra làm ba: Mỗi ngày anh đều phải đến công trường Ngân hàng Phụng Thiên hai lần, giám sát chất lượng công trình và an toàn thi công; phần lớn thời gian anh dành cả vào vương phủ số hai tám phố Vũ Lộ, tự mình giám sát tu sửa và bảo vệ công trình; cứ cách hai ngày, anh trở về văn phòng công ty một lần, họp với đồng nghiệp, thảo luận phương án thiết kế cải tạo tòa lầu của vương phủ. Ishida Hideyoshi phân cho anh một chiếc xe con để anh thuận tiện di chuyển giữa các địa điểm làm việc trong khoảng thời gian bận bịu. Giữa nhịp độ công việc khẩn trương và bộn bề, Shuji vẫn giữ vững thói quen sinh hoạt thường ngày suốt nhiều năm nay của mình, ngày đủ ba bữa, chạy bộ trước khi mặt trời lặn, mười giờ lên giường ngủ.
Để bảo đảm cho sự an toàn của người và của cải trong vương phủ, Shuji đặt ra quy định và trình tự thi công rất nghiêm khắc và chi tiết, trong khoảng thời gian tiến hành công trình ở sân viện nào, phải thiết lập lối đi tốc hành chuyên dụng từ cổng vào đến công trường đó, dọc đường khép kín, có người chuyên canh gác. Gia quyến phải tránh khỏi đó, người ngoài không được đi vào. Xe vận chuyện nguyên vật liệu thi công từ cổng vào công trường phải xuất trình thẻ công tác ba lần. Nhân viên thi công được tuyển chọn từ những người lành nghề đã làm việc cho công ty nhiều năm, mà vị trí giám sát phụ trách an toàn là hai nhân viên người Nhật bậc trung, đều không biết nói tiếng Trung, chỉ nhận thẻ công tác.
Shuji cẩn thận từng li từng tí như vậy cũng đến từ sự khẩn trương của Ishida Hideyoshi. Ông kể cho Shuji nghe về tin đồn một chuyện bất hạnh từng xảy ra ở vương phủ trước đây: Khoảng bốn năm trước, trong quá trình trùng tu một đình viện nào đó của vương phủ, tiểu cách cách chưa đầy ba tuổi, con gái duy nhất của vương gia đã bị kẻ xấu bắt cóc, đến nay vẫn sống không thấy người, chết không thấy xác. Đó cũng là lí do vì sao nhiều năm qua vương phủ không thay đổi sửa chữa gì.
Shuji từng nghe tăng lữ trong chùa trên núi nói, đại ý là bình quân của cải, trí óc, may mắn hoặc trắc trở mà trời cao ban xuống cho mỗi người là bằng nhau, mặt nào trội hơn sẽ phải hoàn trả lại bằng một mặt khác, không ai là toàn diện về mọi mặt, không ai mãi mãi bất hạnh mà đều nửa khổ nửa vui, bi hỉ đều có.
Đối với lời này, Shuji dẫu không tin Phật cũng phải đồng ý, bởi vậy nên trong tất cả các loại xúc cảm của con người, anh cảm thấy có hai loại là hoang đường nhất: ước ao và thương cảm. Thấy người khác sống tốt, đai vàng áo ngọc, một tay che trời thì sinh lòng thèm muốn, đó là ngu xuẩn mà không có khí phách, sao anh biết được sau lưng người ta có những phiền não đau thương gì. Thấy người khác sống không tốt, không được no ấm hoặc nghèo bệnh xấu xí thì nảy lòng thương cảm, và thế là những cảm xúc này sẽ đẩy bản thân lên một vị trí cao hơn, không hiểu được đau đớn của mình hơn kém người ta thế nào. Bởi vậy, mỗi người đều là một cá thể bình đằng, bình phàm và vô năng. Trong chốn nhà cao cửa rộng nguy nga lộng lẫy này không thiếu gì vận rủi, người đàn ông cao quý kiêu ngạo kia cũng chỉ là một vị vương công mạt thời hư trương thanh thế mà thôi.
Chờ chút.
Quý vị độc giả đọc đến đây có thể sẽ đồng ý với lời dạy bảo đầy tầm vóc khoa học cao cấp này, với lời đánh giá về một quý tộc triều Thanh của vị kiến trúc sư Nhật Bản làm việc cẩn thận này?
Hoặc là trước đó bạn đã có hảo cảm với tiểu vương gia trong câu chuyện nên không đồng ý với quan điểm ấy, nhưng vẫn cảm thấy luận điệu của Azuma Shuji về ước ao và thương cảm có vẻ cũng có lý?
Chúng ta cần phải chải vuốt lại câu chuyện này một lần nữa, để bạn có thể hiểu được rõ hơn về cục diện này: Người phụ nữ của Hiển Sướng, Uông Minh Nguyệt mà chàng bá chiếm từ nhỏ đã quen biết Azuma Shuji ở Nhật Bản, anh nảy sinh tình cảm với cô gái dị quốc dễ thương xinh đẹp, họ gặp lại nhau trên chuyến tàu hỏa trở về Phụng Thiên, nhưng sau đó anh không tìm thấy nàng, chỉ gặp được nam chủ nhân Hiển Sướng kênh kiệu vênh váo.
Sự đánh giá của anh đối với một người đàn ông khác nhìn thì có vẻ lô-gích khách quan, nhưng trong đó lại ẩn giấu địch ý và mầm mống tai vạ mà đến bản thân anh có lẽ cũng không nhận ra. Giống như mỗi một bài hịch trước ngày xuất trận vậy, cấu tứ đâu ra đó, lời lẽ chắc như đinh đóng cột, khiến bản thân trở nên thật quang minh chính đại, kỳ thực cũng chỉ là cái cớ và lời tuyên bố mà con người kiếm lấy cho có vẻ chính đáng đường hoàng trước khi tiến hành một cuộc tranh đoạt đậm chất thú vật mà thôi.
Một người đàn ông ngắm trúng món đồ độc quyền sở hữu của một người đàn ông khác. Phần sau của câu chuyện này là quá trình giành giật cắn xé của họ.
Đơn giản là vậy.
Hạ tuần tháng Mười một, ba bản phác thảo cải tạo tòa lầu được xét duyệt hoàn thiện, Azuma Shuji giao cho Lý Bá Phương. Sau khi xem xong họ Lý tỏ ra vô cùng hài lòng, nói hiện tại vương gia không có nhà, sẽ trình lên mời phu nhân đánh giá. Căn lầu này vốn cũng là xây cho phu nhân, chỉ có điều cần phải đợi xem khi nào phu nhân có thì giờ, y sẽ thông báo với Shuji sau. Năm ngày sau, Lý Bá Phương tới mời, nói sáng mai phu nhân có nửa canh giờ rảnh, mời Azuma tiên sinh đến trình bày vấn đề.
Lúc Shuji đến, được dẫn vào nội viện vương phủ gặp Thải Châu. Đó là một tứ hợp viện nho nhỏ độc lập, trước cổng có một bức tường phù điêu vẽ cảnh buông cần trên sông lạnh, phía sau trồng hai cây ngọc lan lá vẫn còn xanh mướt. Cửa sổ, mái đỉnh, thềm đá, hàng hiên ở nơi này đều