Hiển Sướng rời Phụng Thiên đặt chân tới Thiên Tân đã là mười ngày sau. Chàng mang theo Lý Bá Phương và hai tùy tùng, bốn người dừng chân ở khách sạn Lợi Tư trước, tối đó sai Lý Bá Phương đến Vườn Liễu, nơi ở tạm thời của tiểu hoàng đế, gửi thiếp báo danh cầu kiến. Bên phía Phổ Nghi phúc đáp rất nhanh, gọi điện tới khách sạn Lợi Tư, lấy danh nghĩa của Tiền tiên sinh mời Hiển Sướng bảy giờ tối hôm sau tới phòng nhã tầng hai phòng khiêu vũ Lệ Bối ở tô giới của Pháp gặp mặt.
Hiển Sướng nghĩ sắp gặp vua, bèn cẩn thận chỉnh trang một lượt: trường bào bằng gấm màu xanh ngọc, ba-đờ-xuy màu vàng quả hạnh, mã quái gấm hoa văn mãng xà, ngón cái còn đeo chiếc nhẫn ngọc bích gia truyền do Cao Tông ngự ban, thắt lưng đeo thẻ bài kỳ lân vàng khảm ngọc, chân đi ủng vào chầu đen dày. Chàng nhìn gương, thấy mình ăn mặc trịnh trọng khác thường, không cầm được mà thấy vui vui, nói với Lý Bá Phương: “Hay là ta đổi sang mặc triều phục của a mã nhỉ.”
Hiển Sướng đến chỗ hẹn trước nửa giờ, uống ba chén trà, đợi đến tám giờ, người thanh niên kia rốt cuộc cũng tới. Ngoại hình cũng không phải là xấu xí, nhưng gương mặt gầy gò tái nhợt, thần sắc khó coi. Hiển Sướng thành thành thật thật quỳ xuống được y đỡ dậy, người thanh niên khẽ giọng nhẹ nhàng nói: “Anh họ đứng lên đi, chúng ta không cần phải hành cái lễ cũ kỹ này nữa.” Lúc đó Hiển Sướng cảm thấy hơi kỳ quặc, không biết nên trả lời thế nào.
Trên người y mặc đồ thể thao, áo len mỏng cổ chữ V, quần soóc ngắn đến đầu gội, bít tất cao màu trắng, giày đánh gôn nâu nhạt đi trên chân còn chưa thay. Y vừa sai lão thái giám cởi giày cho mình, vừa giới thiệu từng người bạn đi cùng với Hiển Sướng. Họ đều là con cái nhà thương gia ở Bắc Kinh và Thiên Tân, tuổi tác xấp xỉ Phổ Nghi, ngồi nằm ăn nói không chút cẩn trọng lịch sự, hoàn toàn không coi người nọ là hoàng thượng, cũng không coi người bạn mới tới từ Phụng Thiên này là vương gia.
Phổ Nghi chỉ vào một người tóc rẽ ngôi ba bảy, mày tỉa mảnh như con gái: “Vị này là Liễu Dĩnh.”
Người tên Liễu Dĩnh lấy từ trong túi áo ra một cái mùi soa, che miệng ho một tiếng, ngước mắt nhìn Hiển Sướng, cũng không chào hỏi, xưng hô gì, giọng điệu ẽo ợt hệt ánh mắt: “Phụng Thiên còn lạnh à?”
“Lạnh cũng chẳng lạnh hơn được nữa, các cụ vẫn chịu được.”
“Tôi từng qua đó.” Liễu Dĩnh nói, “Đàn ông đều cao lớn như anh.”
“Phụ nữ cũng cao lớn, bắp ngô quan ngoại cũng to hơn quan nội.” Hiển Sướng nói.
Một người từ đằng sau chen lên, dựa vào lưng Liễu Dĩnh cười nói: “Phụ nữ và bắp ngô? Cậu này có xem phụ nữ bao giờ đâu.”
Liễu Dĩnh không để ý tới lời đùa cợt của người khác, chỉ nhìn Hiển Sướng hỏi: “Anh trọ ở đâu?”
Hiển Sướng nghĩ bụng, hạng như ngươi sao xứng nói chuyện với ta, lập tức quay mặt đi, tự mình uống trà, là Phổ Nghi trả lời Liễu Dĩnh: “Anh họ ta ở khách sạn Tư Lợi.”
“Khách sạn không thoải mái, ở nhà mới tốt nhất.” Liễu Dĩnh nói.
Lời hắn nói là có nguyên do, Phổ Nghi sau khi thoái vị ở lại Tử Cấm Thành mấy năm, năm 1924 bị đuổi ra, dẫn hai người vợ trẻ Uyển Dung và Văn Tú sống trong căn lầu nhỏ ba tầng của nhà họ Liễu phú hào dân gian ở tô giới, Vườn Liễu kia nói đúng ra thì là sân viện mà nhà họ Liễu dùng để thu nhận tiểu hoàng đế. Liễu Dĩnh là con trai thứ ba của phú hào, là một trong những người bạn hoàng đế Phổ Nghi chơi thân nhất.
Phổ Nghi nói: “Cậu nói có lý.” Sau đó lại nắm tay Hiển Sướng khuyên nhủ: “Anh họ chuyển sang chỗ ta ở đi thôi, dù sao cũng tốt hơn bên ngoài, ta còn có thể cùng ngài tâm sự vài lời.”
Hiển Sướng chỉ cảm thấy người thiếu niên này có gì đó quái dị khó xuôi không nói ra được, nhưng thói quen tư duy và tín ngưỡng chàng tôn sùng xưa nay khiến chàng vẫn coi lời Phổ Nghi nói là thánh chỉ, tức khắc trầm ngâm, không buông lời từ chối.
Chiều hôm sau, Hiển Sướng dẫn Lý Bá Phương và hai tùy tùng đi theo chuyển vào Vườn Liễu ở, thấy nơi này tuy không uy nghi bằng Tử Cấm Thành, nhưng có quân cảnh luân phiên bảo vệ, kẻ hầu người hạ rất nhiều, vườn tược lầu gác trang hoàng lộng lẫy xa xỉ, bản thân tiểu hoàng đế cũng không cảm thấy có gì uất ức, sống rất tự tại vui vẻ, trên bàn tiệc tối kiểu Tây Âu còn rất hứng khởi, cứ cầm bím tóc đuôi sam của lão thái giám theo hầu y từ sau khi rời khỏi cung nghịch ngợm suốt, nói đùa: “Vương công công, tối qua ta lắc chuông gọi ông, sao ông không nghe thấy? Đang ngủ à? Ông cứ chờ đấy, lần sau ông ngủ, ta sẽ cắt bỏ bím tóc này của ông.”
Lão thái giám quỳ xuống xin tha, nước mắt lưng tròng.
Tiểu hoàng đế nói Đừng khóc đừng khóc, nào, cái này ta cho ông. Y vừa nói vừa gỡ cái nhẫn khảm một viên hồng ngọc lớn đeo trên ngón tay xuống, đặt vào cái hõm trên vành mũ của lão thái giám. Lão thái giám run rẩy lấy cái nhẫn kia ra, soi trước ánh đèn, gương mặt già nua lập tức nín khóc mỉm cười, dồn thành một cái khe mọc đầy hạt táo, người trên bàn phá ra cười ngặt nghẽo. Chỉ có mình Hiển Sướng là sầm mặt một mình uống rượu.
Tiệc liên tục có khách mới vào, Liễu Dĩnh đó giờ vẫn ngồi cạnh Hiển Sướng trở thành vị chủ nhà ân cần nhất. Phổ Nghi bên trên giới thiệu đây là ai, xưng hô thế nào, Liễu Dĩnh sẽ thấp giọng nói với Hiển Sướng người này buôn cái gì, đã giao du với hoàng thượng được mấy năm. Nói nhiều, Hiển Sướng bắt đầu cảm thấy mất kiên nhẫn, nhìn hắn bảo: “Nói với ta những cái này làm gì? Ta không quan tâm.”
Liễu Dĩnh khi nói rất chú ý tư thế, luôn cầm mùi soa che miệng, sợ mùi rượu phả sang Hiển Sướng: “Đều là bạn cả mà, tôi giúp anh làm quen với hoàn cảnh.”
“Cảm ơn, ăn cơm của cậu đi.”
Những người bạn mới bưng ly tới kính rượu vị vương gia kỳ chủ đến từ Phụng Thiên, chàng chỉ cúi đầu dùng bữa, hoàn toàn không nể mặt một ai. Đám người mời rượu bị mất mặt, nhưng hoàng thượng làm chủ tiệc lại chẳng thấy ngại ngùng, cứ thế thản nhiên hí hoáy với cái máy hát ở đó.
Buổi tiệc mãi không tàn, hóa ra hoàng thượng muốn đợi người. Khách cuối cùng tới là ba, bốn tay người Nhật, mặt trắng phớ, nụ cười trôi nổi trên da mặt, cơ thịt bên trong căng chặt. Phổ Nghi chào hỏi nói chuyện với họ đều dùng tiếng Nhật. Hiển Sướng đang ngồi ở sảnh lớn uống trà, thỉnh thoảng lại liếc về phía hoàng thượng và đám bạn của y. Liễu Dĩnh lại sáp