Việt Hùng Diễn Nghĩa

98: Đấu Với Trời 6


trước sau


“Outside, daylight was bleeding slowly toward dusk.


- Stephen King, The Running Man
“Ngoài trời, ánh sáng đã đang chầm chầm ngã máu hoàng hôn.


- Trích từ The Running Man của Stephen King.

(P/s: [The Running Man] được Stephen King xuất bản dưới bút danh [Richard Bachman] năm 1982, đến năm 1987 thì được dựng thành phim với vai chính Ben Richard do Arnold Schwarzenegger đóng.

Cốt truyện [The Running Man] xảy ra ở một tương lai khi người cùng khổ bị chính phủ xem là một mối nguy, là kẻ gặm nhấm phá hoại thay vì con người, khá giống [The Hunger Game].

Ở mà tác chưa đọc truyện, cũng chưa xem phim!:)
- ----------
Triều hội hôm nay mãi đến xế chiều mới kết thúc.

Một phần là vì Lưu Hoành lấy cớ ban đêm có thích khách xâm nhập cung khiến hắn thất kinh mất ngủ, cần phải ngủ bù, thành ra triều hội bắt đầu trễ hơn 1 canh giờ (>2 tiếng).

Nhưng phần lớn là vì đám thế gia dù nhịn đói nhịn khát vẫn cố kỳ kèo mặc cả, hết trích sách cổ lại viện lời thánh hiền, nói nhăng nói cuội không thôi.

Dù vậy, bởi vì ưu thế vốn nằm hoàn toàn ở phe Lưu Hoành, từ chứng cứ trong tay Chu Trung cho đến nhân chứng Mã Nguyên Nghĩa, lại thêm người lãnh đạo phe thế gia là Viên Phùng có vấn đề,
Vậy nên cuối cùng thì kết cục của triều hội vẫn nghiêng hẵn phần lợi về phía phái bảo hoàng.

Còn phần thế gia, có kẻ thở phào may mắn, có người đại nạn đè đầu, có người nuốt tức vào bụng, cũng có kẻ nở hoa trong bụng.

Hôm ấy cũng là một trong những lần hiếm hoi trong lịch sử triều Hán, hoàng đế ban lệnh cả nước bước vào ‘tình trạng chiến tranh’.

Một trong những đặc điểm của ‘tình trạng chiến tranh’ là chiếu chỉ được viết, xét duyệt và ban bố ngay trong triều hội thay vì kéo dài quy trình ra 3-5 ngày qua 7-8 cơ cấu như lúc bình thường.

Ở một mức độ nhất định, ‘tình trạng chiến tranh’ là một phương thức tập trung quyền lực về tay hoàng đế bởi vì mệnh lệnh của hoàng đế có thể ngay lập tức có hiệu lực tối cao mà không cần sự nhúng tay của các phe phái chính trị khác.

Cũng phải thôi, bởi vì người chế biến ra chiêu này chính là kẻ vẫn thường bị Nho gia đương thời ngầm chê bai là Doanh Chính của Hán triều, Hán Hiếu Vũ Đế, Lưu Triệt, nổi tiếng là một kiêu hùng độc đoán.

Trước đây Bắc Hung Nô cường thịnh tuyệt luân, nhiều lần đánh tới tận kinh đô Trương An, Lưu Triệt lấy cớ ấy để phát động ‘tình trạng chiến tranh.

Hiện giờ có Mã Nguyên Nghĩa xác nhận giáo chúng của đạo Thái Bình đã đột phá 400 vạn, trong đó nam tráng niên không dưới 100 vạn, vậy nên Lưu Hoành liền thuận thế đẩy ra thứ gọi là ‘tình trạng chiến tranh’, cũng ngay lập tức mệnh lệnh Thị Lang Hoàng Hùng viết chiếu.


Nội dung chính của chiếu chỉ đã được chuẫn bị sẵn từ tối hôm qua, chỉ hơi cải biến thêm thắt một vài ý nhỏ cho phù hợp với kết quả của triều hội cho nên Thị Lang Hoàng Hùng dùng chút ít thời gian liền hoàn thiện hết thảy.

Trung Thường Thị Đoàn Khuê và Quách Thắng mở từng tờ chiếu ra xem, kiểm tra xem có độc hay thứ gì nguy hiểm không, đương nhiên chỉ là làm lấy lệ cho có thủ tục.

Trung Thường Thị Triệu Trung nhận từng tờ chiếu chỉ, kiểm tra lại nội dung rồi giao cho Hầu Lãm, kẻ này đặt chiếu vào khay, mở ra phần để trống dành cho con dấu, dâng tới tới trước mặt Lưu Hoành từ bên trái.

Bên phải ngai vàng, Trung Thường Thị Trương Nhượng cẩn thận từng ly từng tí nâng lên khay gỗ quý dựng bộ ấn của hoàng đế, ngay sát hắn là Hạ Huy cung kính cúi đầu giơ lên khay dựng các loại mực đặc chế.

Suốt cả quá trình, Lưu Hoành không kiểm tra lại một chữ nào mà chỉ đảo mắt nhìn xuống bá quan, khóe môi vểnh lên một nụ cười thỏa mãn khoái trá xen lẫn bá đạo hào hùng rồi cứ thế thuận tay cầm ấn, chấm mực đắp lên chiếu chỉ.

Hòa Thị Bích in lên mặt lụa vàng, Tả Phong tiếp chỉ rồi tuân lệnh đọc vang:
“Thuận ý trời, theo vận nước, hoàng đế ban chiếu:
Thứ Sử Ký Châu Trương Phần thông qua giang hồ ác khách Hứa Du cấu kết với Thái Bình giáo chủ Trương Giác, ý đồ gây binh mưu phản, muốn lập Hợp Phì Hầu Lưu Phi.

Trẫm tự ngẫm thánh quân thời cổ biết nhượng vị cho kẻ hiền minh trị quốc, để lại điển phạm đạo đức ngàn năm,
Nếu Lưu Phi có đức có tài, được muôn dân coi trọng tôn sùng thì trẫm không ngại tự mình dẫn hắn lên ngai thiên tử.

Nhưng Lưu Phi từ nhỏ ham chơi lười biếng, tiêu hoang phung phí, tự mình đem cơ nghiệp của Lư Giang quận công tiêu hủy trong chóng vánh.

Trẫm nhớ công đức tổ tiên hắn, chỉ giáng cấp xuống Hợp Phì Hầu, vậy mà Lưu Phi không những không hối cải, lại còn oán hận, ngấm ngầm bao che gian tặc, muốn gây chiến tranh, phá hoại bình yên của trăm họ.

Nay thế lực của phản tặc đã thành, trẫm không thể hành động chậm hơn nữa, nếu không thì giang sơn nguy biến, trăm họ điêu linh, cơ nghiệp tổ tiên gầy dựng phải sụp đổ.

Tình hình khẩn cấp không thua gì thuở trước Hung Nô vượt trường thành vào Quan Trung.

May có tổ tiên Hiếu Vũ Hoàng Đế mở lệ trước, chỉ đường ngay,
Trẫm nay học theo lối củ của thánh quân, ban chiếu tổng động viên toàn quốc, cả nước vào tình trạng chiến tranh!
Đã dùng truyền quốc ngọc tỷ đóng ấn!”
Phần đông quan lại nghe được chiếu này đều thở phào nhẹ nhõm bởi vì chiếu thư đóng ấn Hòa Thị Bích là chiếu thư quan trọng nhất.

Bây giờ trong ấy chỉ xuất hiện 4 cái tên là Lưu Phi, Trương Phần, Trương Giác và Hứa Du, đều là dê thế mạng và kẻ không liên quan, phe thế gia cảm thấy mọi việc xem như ổn thỏa.

Tả Phong đọc xong thì đến phiên Từ Phụng mở ra tờ chiếu thứ 2, dấu ấn đỏ đậm như son kích thước cở bàn tay em bé có thể được nhìn thấy rõ từ phía dưới điện, ấy là dấu ấn từ ấn vàng của riêng hoàng đế.

“Hợp Phì Hầu Lưu Phi tội ác tày trời, không thể dung thứ!
Tước đoạt tước vị, giáng làm thứ dân, bắt giam cả nhà, chờ điều tra xét xử!
Lệnh Thái Úy Chu Cảnh nắm cờ tiết chế tiến về Hợp Phì, bắt khẩn cấp Lưu Phi và gia quyến, tịch biên tài sản.


Trao quyền Chu Cảnh tọa trấn Lư Giang, đôn đốc mặt trận phía nam khi có chiến tranh, có quyền điều động tất cả binh lực Hoài Nam, Từ Châu, Dương Châu, Kinh Châu,
Đồng thời kiêm nhiệm án sát sứ, mở rộng điều tra tất cả những kẻ có hiềm nghi đồng đảng với Lưu Phi
Hoàng đế đã đóng ấn, khâm thử!”
(P/s: Tiết chế = Đại đô đốc = Đại nguyên soái = Chỉ huy chính của một mặt trận.

Đây là chức vụ được xây dựng trên cơ sở nhiệm vụ thay vì tước vị, vậy nên đôi lúc có quyển quản lý cả những người có quan tước cao hơn mình.

Ví dụ như Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo có quyền chỉ huy cả Thừa Tướng Trần Quang Khải, ngay cả thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông cũng không thể cản trở)
Một số kẻ vừa mới thở phào nhẹ nhõm bổng căng cứng tinh thần, hít thở khó khăn, đặc biệt là những gia tộc có quan hệ qua lại với Hợp Phì Hầu Lưu Phi.

Lưu Phi bị đem ra làm dê thế mạng vốn là chuyện đương nhiên bởi đó chính là ý kiến của thế gia thông qua sự chỉ điểm của Viên Phùng, lý do là trợ giúp Lư Giang Chu thị thanh trừ đối thủ chính trị tại địa phương, từ đó tranh thủ sự ủng hộ từ Chu Trung và Chu Cảnh.

Chu Trung cũng vui vẻ gật đầu xác nhận tính hợp pháp của quyển sổ mà Dương Bưu giấu đi với lý do bảo vệ vật chứng.

Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ ‘mở rộng điều tra tất cả những kẻ có hiềm nghi đồng đảng với Lưu Phi’.

Phạm vi này cực kỳ rộng, cực khó đề phòng nha: từng học chung một thầy, từng tham gia chung một bữa tiệc, từng xuất hiện ở cùng một huyện vào cùng một thời gian, từng tưng tưng tưng.

Đặc biệt là điều này vốn không có trong nội dung triều hội bởi vì cả phe thế gia và phe bảo hoàng đều hiểu rõ rằng Lưu Phi chỉ là dê thế mạng còn Lưu Hoành sẽ danh chính ngôn thuận ăn thịt dê.

Không ngờ rằng việc có toàn quyền chiếm hữu với tài sản của chi tộc Hợp Phì Hầu dường như còn chưa thỏa mãn dạ dày của Lưu Hoành, hắn còn muôn ăn thêm.

Trần Cầu nhận lấy một đám ánh mắt quăng về phía hắn, hít thật sâu, đợi Tả Phong vừa gập chiếu lại liền mở miệng chất vấn.

Đáng tiếc rằng mọi nổ lực của thế gia chỉ uổng công vì Lưu Hoành lấy cớ là quyển sổ chứng cứ mà Dương Bưu dâng lên chỉ đọc được mỗi tên Lưu Phi còn tên những đồng đảng khác không đọc được, cho nên phải mở rộng điều tra toàn diện.

Lời này ngay lập tức gây mất đoàn kết trong nội bộ thế gia, những gia tộc có quan hệ với Lưu Phi lập tức quăng ánh mắt hình mũi tên sang những những gia tộc có tên trong danh sách mà Dương Bưu đọc ra tối hôm qua.

Viên Phùng mặt ngoài cắn rứt không thôi nhưng trong bụng lại nở hoa xuân, bởi vì đũng quần Dương Bưu dính đất, không phải phân vẫn thối!
Thế gia im lặng ngậm bồ hòn, Từ Phụng lui xuống, Tả Phong lại lên:
“Thứ Sử Ký Châu Trương Phần ủng hộ phản tặc Lưu Phi làm loạn, bao che yêu đạo Trương Giác tạo phản, thân là quan phụ mẫu lại không lo sinh kế của con dân, còn dám xúi giục bá tánh đi theo tà đạo Thái Bình.

Nay bãi bỏ tất cả chức tước, truy nã cả nước!
Đình Sử Trương Câu

thân là quan trực thuộc phủ Đình Úy, chấp chưởng hình luật, vậy mà phế công thiên tư, ý đồ ám sát nhân chứng Mã Nguyên Nghĩa hòng diệt khẩu, trợ giúp Trương Phần giấu diếm tội lỗi.

Trương gia thất đức sinh yêu nghiệt, thịt cá bá tánh, họa loạn triều cương, tội phải tru di!

May có Đình Úy Chu Trung trị hạ nghiêm cẩn, sớm ngày phát hiện, nửa đêm bắt khẩn Trương Câu và gia quyến, giữa trưa hôm nay đã giám trảm, không để lọt lưới một kẻ tội đồ nào, vô cùng đáng khen ngợi.

Tuy vậy, Trương Phần hãy còn nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật, nổi hận trong lòng dân chúng khó bình, nổi lo trong lòng trẫm khó an.

Lệnh Đình Úy Chu Trung mang theo chiếu chỉ đi Nghiệp thành truy nã Trương Phần, phản tặc Hứa Du và đồng đảng về quy án!
Hoàng đế đã đóng ấn, khâm thử!”
Tả Phong đọc xong lui xuống, đám thế gia nín thở nhìn Từ Phụng cầm lên tờ chiếu thứ 4.

Bọn họ lo sợ Lưu Hoành lặp lại chiêu vừa rồi, một tờ nhữ, một tờ chém.

Quả nhiên:
“Theo lời khai của Mã Nguyên Nghĩa, yêu đạo Trương Giác đã trao quyền cho Trương Phần thống lĩnh 25 vạn giáo chúng tâm phúc đồng thời không ngừng chiêu dụ càng nhiều người bị hắn mê hoặc tiến về Ký Châu, chuẫn bị tạo phản.

Đây đều là những kẻ bị bùa chú phù thủy đầu độc, sớm đã đánh mất ý chí bản thân, không biết trung hiếu liêm sĩ, chỉ sẽ chém giết cướp gian.

Trẫm tuy muốn mở lòng nhân, nhưng tình thế nguy ngập không dám ủy mỵ cầu toàn.

Lại lo hiền thần bị kẻ gian hãm hại, trăm họ gặp phải đảng cướp giày xéo.

Lệnh Trung Lang Tướng Lư Thực nắm cờ tiết chế chỉ huy mặt trận phương Bắc, hộ tống Đình Úy Chu Trung đến Nghiệp thành.

Trao quyền Lư Thực tạm lãnh Ký Châu Mục kiêm Hà Bắc tiết chế, nhanh chóng tập hợp, chỉnh đốn quân lực Ung Châu, Tịnh Châu, Ký Châu, U Châu, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất.

Lệnh Trung Lang Tướng Hoàng Phủ Tung nắm cờ tiết chế chỉ huy mặt trận Trung Nguyên, nhanh chóng tập hợp, chỉnh đốn quân lực Tư Châu, Duyện Châu, Dự Châu, Thanh Châu, bố phòng dọc theo Hoàng Hà, ngăn cản tà đạo Thái Binh thống nhất binh lực.

Hoàng đế đã đóng ấn, khâm thử!”
Theo hai chữ ‘khâm thử’ phát ra từ miệng Từ Phụng, một số người trợn mắt hít thở gấp mà không tiến vào một hơi nào, còn có kẻ chân đứng không vững, trực tiếp khuỵu xuống trên nền điện lạnh băng.

25 vạn tư binh xong!
Trăm ngàn vạn lương tiền hết!
Cơ nghiệp tổ tiên dù tạm thời được bảo toàn nhưng cũng nguy cấp như chồng trứng sắp đổ!
Quả nhiên đúng như dự đoán của Viên Phùng trong buổi họp khẩn tối hôm qua, Lưu Hoành mở miệng sư tử, không ngoạm xuống một mảnh lớn thì không chịu ngoan ngoãn nằm yên, cho nên hoặc là bỏ nhà, hoặc là bỏ binh.

Thế gia đương nhiên chọn bỏ binh, dù sao thì đều là kẻ ích kỷ, ai lại nguyện ý hy sinh vì người khác?
Vậy là Viên Phùng cũng rất thuận theo, thích đáng dẫn đường thế gia thỏa hiệp với Lưu Hoành, đem Lưu Phi và những gia tộc xui xẻo bị Chu Trung gõ cửa tối qua làm những cái tên duy nhất xuất hiện trong chứng cứ.

Đổi lại, thế gia phải xì tiền lương ra nuôi quân, cung cấp một số ổ bảo phụ làm nơi đóng quân cho triều đình, quân số Tây Viên mở rộng thêm gấp rưỡi, từ hơn 3 vạn lên gần 5 vạn.

Càng quan trọng là cả 3 vị tiết chế đều không có một người thuộc phe thế gia Trung Nguyên, tức là an nguy của mỗi gia tộc đều có một nửa nằm trong tay Lưu Hoành, hắn mà đột nhiện ra lệnh rút quân thì các gia tộc chỉ có thể dùng tư binh phòng thủ thế công của đạo Thái Bình.

Dẫu cho những điều này đều đã được dự báo trước, nhưng thời gian một sớm tối dường như chưa đủ để bọn họ chuẫn bị tinh thần.

Cũng phải thôi, tích lũy của mấy đời thậm chí mấy chục đời cha ông, hiện giờ đứng trước nguy cơ tan thành mảnh nhỏ, thậm chí hóa thành mây khói, thử hỏi ai chịu cho thấu?!
Những nhà mất binh thì đau buồn không thôi, thậm chí bắt đầu sinh ra nổi lo sợ rằng nhà mình sẽ không gắng gượng qua được cuộc chiến lửa sắp tới, nhà cửa sẽ bị đám phản quân san bằng, tài sản sẽ bị bọn đạo tặc cướp phá, người nhà sẽ bị lũ ti tiện chà đạp.


Những nhà sắp phải bồi thường lương tiền vì xui xẻo có tên trong danh sách chết chóc của Dương Bưu thì căm hận nổi đom đóm mắt, bắt đầu suy tính đường ra khác, cảm thấy Viên thị, Dương thị và cả Trần thị đều không đủ tin cậy, không đáng dựa vào.

Một số nhỏ gia tộc đen như chó mực, vừa mất binh vừa có tên trong sổ nợ thì hiện giờ đã tháo xuống da đen, đội lên da xanh, có lẽ sắp ngất xỉu tới nơi.

Đều là quan hệ cạnh tranh, có kẻ buồn đương nhiên cũng có kẻ vui, trong đám người may mắn thì đứng đầu phải là Viên thị và Trần thị.

Nếu như ở thời hiện đại thì có thể xem đây là điển hình cho việc ‘thành công dựt hụi một cách hợp tình hợp lý’.

Ngoài ra còn có một vài nhà khác chỉ bị tổn thất nhỏ bé đã nhìn ra cơ hội thôn tính đồng hương ở địa phương mình.

Lúc bình thường thì các nhà thông gia với nhau, sức mạnh dù chênh lệch lớn cũng sẽ ngại mất danh tiếng mà không dám làm quá mức.

Thế nhưng hiện tại thì ‘ông bà thông gia’ đã ‘bệnh nặng nguy kịch’, chỉ cần len lén huých nhẹ một cái là ‘thông gia’ sẽ ngã vào lò lửa Thái Bình ngay, đúng là cơ hội trời cho để nuốt gọn đối phương!
Những tờ chiếu tiếp theo đều là cắt cử và điều động ở phạm vi địa phương, ví dụ như
Điều động một bộ phận binh lực từ Đồng Quan gấp rút tiến tới Hà Bắc,
Bổ nhiệm Thái Thú Hà Nội làm Hậu Quân Tướng Quân, lo liệu hậu cần cho Lư Thực,

Đám thế gia đã sớm tan đàn sẽ nghé, ai lo việc nấy, cho dù những chỉ lệnh này có khả năng ảnh hưởng tới lợi ích của một số nhà thì các nhà ấy cũng chỉ có thể ngậm ngùi chịu đựng.

Khi tờ chiếu cuối cùng được đọc xong cũng là lúc tiếng chuông lớn từ những tháp cao vang khắp Lạc Dương, báo hiệu giờ giới nghiêm đã tới.

Bình thường thì sau buổi triều hội, các quan sẽ trật tự rời đi ngay hàng thẳng lối, đợi đến lúc ra khỏi cung điện một quãng thì sẽ bắt đầu tụm năm tụm ba bàn luận chuyện nước.

Thế nhưng hôm nay khác hẵn, sau tiếng hô vang ‘bãi triều’ của Triệu Trung, chư quan kẻ chậm người nhanh, xô đẩy nhau chen chúc ra ngoài, ở trong điện còn miễn cưỡng giữ được chút bình tĩnh, ra khỏi điện thì như gà bay chó chạy, mạnh ai nấy phóng nhanh về nhà mình, chuẫn bị xử lý chuyện nhà.

Cũng tương tự như các quan, biểu hiện của Lưu Hoành hôm nay cũng khác hẵn với thường ngày.

Ở những buổi triều hội trước đây, hắn đều là người đầu tiên rời khỏi.

Suốt gần 16 năm, hàng trăm lần triều hội, mỗi lần đều như vậy, hoặc bởi lý do này, hoặc vì lý trấu kia, Lưu Hoành sẽ rời khỏi ngai vàng trước khi tiếng hô ‘bãi triều’ chấm dứt.

Triệu Trung và Trương Nhượng thậm chí còn luyện kéo dài hơi để kéo ngân hai chữ ‘bãi triều’ cho lâu hơn bởi họ phát hiện ra rằng Lưu Hoành ưa thích làm ‘nhẫn giả xứ Phù Tang’ đến mức vui vẻ khoe khoang việc mình biến mất khỏi tầm mắt các quan khi bọn họ còn chưa kịp hô ‘hoàng thượng vạn tuế’.

Ấy thế mà hôm nay Lưu Hoành vẫn yên lặng ngồi ngay ngắn trên ngai vàng sau khi Triệu Trung ngân dài tiếng bãi triều và sau khi chư quan hô vang câu vạn tuế.

Trên khuôn mặt lạnh băng toát lên thần thái tráng chí cao ngút trời.

Khóe môi hơi hóp lại, nửa giấu nửa khoe một ý cười mãn nguyện xen lẫn cuồng vọng.

Đôi mắt mở to nhìn những ánh hoàng hôn cuối cùng rắc lên thềm đá ngoài hiên cung điện sau khi bóng áo quan cuối cùng mất hút.

.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện