Năm 2016, Nhật Bản.
Trường nữ sinh Keiai, trực thuộc Đại học Higashi Osaka, một ngôi trường danh giá.
Bạo lực học đường ở Nhật Bản vô cùng tinh vi và tàn nhẫn, theo thống kê thì có đến hơn năm trăm ngàn trường hợp học sinh bị bắt nạt học đường, hai mươi ngàn học sinh bỏ học vì bị trêu chọc, đùa giỡn tại trường.
Số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng sức khỏe tinh thần hoặc thể chất của nạn nhân, tăng từ gần hai trăm lên tới sáu trăm chỉ trong một năm.
Đáng buồn nhất là hơn ba trăm vụ tự tử của học sinh.
Năm 2013, chính phủ Nhật Bản thông qua luật chống bắt nạt học đường sau vụ tự tử của nam sinh 13 tuổi ở thành phố Otsu, quận Shiga.
Tuy nhiên, hiệu quả của nó có vẻ chưa như mong muốn.
Trong những vụ bắt nạt học đường, hình thức đùa giỡn, trêu chọc, đe dọa chiếm hơn đa số.
Số vụ bắt nạt liên quan phỉ báng, bôi nhọ danh dự thông qua mạng xã hội, bình luận ẩn danh cũng ở mức cao.
Trước tình hình này, chính phủ Nhật Bản kêu gọi khi có dấu hiệu bị bắt nạt, học sinh hãy lên tiếng và gửi tin nhắn cầu cứu tới cha mẹ, thầy cô, bạn bè.
Thế nhưng cái tinh vi và tàn nhẫn của bạo lực học đường ở chỗ, những thủ phạm của nó là những đứa trẻ, dù chúng còn rất nhỏ tuổi nhưng lại ranh ma và có sự hiểu biết về các quyền của mình, chúng luôn tỏ ra ngây thơ với người lớn, đặc biệt đối với trường hợp là những nữ sinh.
Nhưng với nạn nhân của chúng, lũ trẻ bạo hành này thực sự như những con sói.
Chúng bắt nạt bạn bởi vì chúng có thể, đơn giản như vậy thôi.
Chúng càng hiểu rõ, bạo lực học đường là những vết nhơ đối với một trường học, đặc biệt là những ngôi trường danh giá như nữ sinh Keiai, phần lớn các giáo viên sẽ không muốn thừa nhận ở trong lớp học hay trong trường có những việc này.
Họ tránh né và hiếm khi đối diện với nạn bạo lực học đường, trừ phi quy mô và tính chất của nó thật sự nguy hại, thế nhưng mà dù chỉ là những hình thức bắt nạt tưởng chừng "đơn giản" như trấn lột, sai vặt và giấu tập sách, hủy hoại vật dụng của nạn nhân hay tẩy chay cũng gây tác động tâm lý ghê gớm tới những đứa trẻ.
Đối với trẻ vị thành niên, đời sống của chúng gắn liền với trường học, cả cuộc sống của chúng ở ngôi trường, những kết nối xã hội ban sơ nhất của chúng cũng được thiết lập trong chính lớp học.
Khi những liên kết xã hội này trở nên tiêu cực và độc hại, điều đó sẽ tạo ra ký ức tuổi thơ tồi tệ cho chúng, trở thành vết thương khắc sâu vào tâm trí những đứa trẻ này đến suốt cuộc đời.
Miharu đã bị bắt nạt từ năm nhất cao trung.
Thường những cô bé xinh xắn như Miharu sẽ luôn là trung tâm, những đứa trẻ tầm tuổi này không đánh giá bạn bè bằng gia thế hay tiền bạc mà chúng coi trọng ngoại hình, chúng xếp hạng và đặt thứ bậc cho nhau trong một xã hội thu nhỏ của chúng bằng ngoại hình.
Sau đó, mới là học lực.
Miharu học không giỏi ở đa số các môn, học lực của cô chỉ ở mức trung bình khá thôi nhưng cô bé lại có năng khiếu hội họa, tài năng này của cô đã chớm nở từ khi còn nhỏ, một điều khá thú vị về Miharu nữa là cô cực nhạy với môn vật lý, cơ khí và máy móc, cô bé có thể quy đổi rành mạch tốc độ cây số trên giờ và Mach, cô cũng nằm lòng các khái niệm khí động lực học thậm chí vũ trụ học.
Tất nhiên là ở cấp cao trung thì những kiến thức này không hữu dụng hay giúp ích được Miharu trong những đợt thi cử.
Dù vậy thì Miharu cũng khá nổi tiếng ở trường, cô vẽ rất đẹp, nhiều thầy cô định hướng cho Miharu vào trường nghệ thuật, phát triển thành họa sĩ chuyên nghiệp, đây là một công việc danh giá.
Vì sao một cô bé như vậy lại bị bạn bè bắt nạt?
Đơn giản bởi vì cô là một Otaku.
Đây là cách gọi có từ những năm 1970 với mục đích chế giễu những người yêu thích thái quá các loại hình văn hóa đại chúng như Anime, Manga, phim ảnh hay trò chơi điện tử, am hiểu tường tận về kiến thức, sưu tầm vật phẩm, mô hình, tranh ảnh liên quan đến sở thích ấy.
Họ giống như một “căn nhà” di động vậy, từ Otaku trong tiếng Nhật mang nghĩa là nhà.
Vượt qua khái niệm đam mê, các Otaku tại Nhật là những người sẵn sàng dành hết số tiền và thời gian mình có để nghiên cứu và sưu tầm các bộ truyện, bộ anime mình thích.
Trong hình dung của nhiều người Nhật, cuộc sống của một Otaku chỉ khép kín trong căn phòng chật hẹp, không có việc làm, đầu óc không bình thường, mất kết nối với xã hội, đắm chìm trong thế giới không có thật.
Dù có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng về cơ bản, đa phần người Nhật đều coi Otaku là một khái niệm tiêu cực, một cách gọi xúc phạm.
Thậm chí, một số vụ việc tai tiếng liên quan tới Otaku, tiêu biểu là vụ án của tên sát nhân hàng loạt Tsutomu Miyazaki còn khiến người Nhật ghét bỏ cụm từ này hơn nữa.
Họ là những người bị cho là "kỳ quái".
Là quốc gia sở hữu nhiều giá trị văn hóa, xã hội tốt đẹp, Nhật Bản luôn được cả thế giới ngưỡng mộ, kính phục với đôi chút tò mò.
Tuy nhiên, cũng do nề nếp truyền thống mà ở cái tuổi còn vô tư và đang trưởng thành về mặt nhân cách, học sinh Nhật Bản thường bị gò ép vào khuôn khổ thay vì được tự do thể hiện cá tính.
Những đứa trẻ có điều gì đó khác biệt với đám đông sẽ bị số còn lại cô lập, thậm chí bắt nạt, bày đủ trò trêu chọc dã man.
Một Otaku như Miharu chính là con mồi ngon lành của nạn bắt nạt học đường, cô bé bị đám nữ sinh, bạn bè mình, những thiếu nữ có gương mặt ngây thơ, thánh thiện, nhưng có thể nghĩ ra vô số trò bắt nạt Miharu theo cách vô cùng tàn nhẫn.
Gương mặt xinh xắn của Miharu càng làm chúng căm tức và hả hê khi mà chúng có thể bắt nạt cô.
Bởi vì cô là một người "kỳ quái".
Không có một hiệp sĩ nào đến để cứu cô bé đó cả, bởi vì đây là trường nữ mà Miharu dường như là kẻ thù chung của tất cả nữ sinh trong trường, ai cũng có thể bắt nạt cô.
Từ một trong những vị trí trên cùng trong thứ bậc được bọn trẻ thiết lập, Miharu bị xô xuống dưới đáy, thấp hơn cả những nữ sinh có ngoại hình xấu, lù khù và cũng thường xuyên bị bắt nạt.
Họ xấu nhưng mà họ không "kỳ quái".
Tất cả mọi chuyện bắt đầu từ khi Miharu làm rơi mấy tấm card Gundam, cô bé mua chúng ở Akihabara và để trong cặp, thường thì, cô sẽ cất chúng ở trong phòng mình nhưng cô lại quên mất, Miharu sưu tầm tất cả những thứ có liên quan đến serial Anime Gundam 00 và Gundam Exia, bộ sưu tập của cô đa dạng và phong phú tới độ, phòng ngủ của cô bé trông cứ như một cửa hàng đồ chơi vậy.
Đó là một ngày xấu trời với Miharu, khi cô quên cất chúng mà mang theo vào lớp học, rồi cô lại đoảng tới mức không kéo khóa cặp, để chúng rơi ra ngoài kèm với tập vở của mình.
Lúc đó thật tồi tệ!
Chỉ đơn giản là mấy cái card Gundam nhưng khi chúng là của Miharu, bạn bè đã nhìn cô bé một cách kỳ lạ, rồi biểu cảm của họ trở nên coi thường, họ còn xúm lại trong giờ nghỉ trưa để chất vấn Miharu, họ lục tung cặp cô và lôi từ trong ra một sấp card Gundam, họ bêu rếu Miharu khắp toàn trường.
Miharu chẳng hề khóc và cô cũng không đính chính cái gì, ngược lại, cô phản kháng rất quyết liệt, hôm đó Miharu đã đánh nhau, cô đòi cho bằng được những tấm card Gundam bị lấy mất, đến mức nhà trường phải gọi ba mẹ của Miharu lên để làm việc.
Sau hôm đó, Miharu bị tẩy chay.
Cô vẫn luôn che dấu sự "kỳ quái" của mình và tỏ ra hết sức bình thường, đây là kỹ năng cơ bản của học sinh cao trung có đam mê với Manga và Anime, đó là tỏ ra "bình thường".
Những đứa trẻ như Miharu phải cố che giấu sở thích, thậm chí nhiều lúc, chúng còn phải đặt quyết tâm bỏ hết sở thích sang bên, chúng đốt hết các poster và cho những mô hình yêu quý của mình vào sọt rác.
Miharu lại không như vậy, cô vẫn nhớ lần đầu tiên mình chạm tay vào những cái vỉ có gắn các bộ phận lắp ghép của Gundam Exia, cô đã miệt mài đến thế nào với chúng, cô mất ăn mất ngủ cả tuần liền để hoàn thành Gundam Exia, lúc đó cô mới có chín tuổi.
Cô yêu cái hương nhựa tổng hợp và mùi sơn, Gundam Exia như bạn của Miharu, cô luôn cảm nhận được người máy này ở đâu đó, trong những thế giới vô hình, nó vẫn luôn ở đó, ngủ say và chờ đợi cô đánh thức.
Cô bỏ hết những sở thích Harajuku để vùi đầu vào thú chơi mô hình, cô mê say, từ chơi ké đồ của thằng em trai, cô lại biến nó thành sở thích của mình luôn mà chẳng có mắc cỡ tí nào.
Vì Miharu thích lắm.
Rồi, cô cũng yêu những bộ Anime về Gundam, đặc biệt là serial Gundam 00, cô chẳng nhớ mình đã xem đi xem lại hai phần phim này và những movie của nó đến bao nhiêu lần rồi, cô thuộc lòng những bài hát chủ đề của phim, nhớ vanh vách tên của mọi nhân vật và sự kiện, cô tham gia những diễn đàn về Gundam và cãi lộn inh ỏi với mấy tay con trai.
Mỗi khi có những cuộc bầu chọn Gundam nào mạnh nhất, Miharu lại lên những bài phân tích cực kỳ chi tiết về Gundam Exia, cô tìm hiểu kỹ về cơ khí, máy móc và những thứ linh tinh để phục vụ cho việc này.
Thế giới Anime của Gundam luôn có độ chân thực nhất định, đó không phải là thế giới mà chỉ với sức mạnh niềm tin, nhân vật chính có thể làm mọi thứ, những người máy hơn thua nhau