Ít ngày sau, Vân vĩ lang cho người gửi tặng Thư Đường
một quyển thi thư, nhưng lại không thấy bóng dáng hắn đâu cả. Tiết Đại Thử năm
nay nóng bức kinh người, mặt trời tỏa ánh nắng chói chang mấy ngày liền, lòng
có nhiệt tình đi mấy chăng nữa cũng bị khí hậu như thế này bức lui.
Thật ra chuyện tình trên thế gian này đều theo quy
luật cực thịnh tất suy, cũng giống như mùa hè năm nay, nếu vài ngày trước tỏa
sáng tỏa nhiệt vừa phải thì đã trở thành một mùa hè đẹp nhất năm nay rồi. Làm
người cũng thế, nếu muốn ở địa vị cao lâu dài hơn một chút, nhất định phải biết
cúi đầu nhún nhường.
Bất quá việc gì cũng có ngoại lệ. Kể hết các nhân vật
khắp thiên hạ này, có hai người, cho dù bị ép buộc như thế nào vẫn cao cao tại
thượng như cũ. Người thứ nhất, chính là đứa con trai độc nhất của Nam Tuấn quốc
- Đỗ Tu; người thứ hai, chính là trưởng tử đích tôn của Đại Anh Triêu quốc -
Anh Cảnh Hiên.
Thư tiểu Đường mấy ngày gần đây đọc chút thi từ văn sử
mở mang kiến thức. Nàng nghĩ, đối với Đỗ Tu và Anh Cảnh Hiên mà nói, kế thừa
ngôi vị hoàng đế cũng giống như lấy đồ trong túi, chỉ là chuyện tất nhiên. Tạm
thời bỏ qua không nhắc tới Đỗ Tu mới mười hai tuổi đã tỏ ra thông minh đứng
đắn, Đại công tử Anh Cảnh Hiên của Anh Triêu quốc bản chất cũng là một thanh
niên lương thiện. Nhưng bởi vì đối với hắn, bất kỳ chuyện gì cũng dễ dàng như
trở bàn tay, nên Anh Cảnh Hiên này từ nhỏ đã sống không kiêng nể ai, vì mình
quá hoàn hảo mà thấy ai ai cũng có khuyết điểm, chê cười người khác.
Tất nhiên, nhận xét này của Thư tiểu Đường cũng không
phải là dựa trên tin đồn vô căn cứ. Ngày hôm trước, nàng theo Thu Đa Hỉ mua
cung tiễn, đi ngang qua một quán trà kể chuyện. Lão tiên sinh kể chuyện vừa lúc
đang kể về Anh Cảnh Hiên. Lão nơi nơi đều khen ngợi ca tụng Đại hoàng tử Anh
Triêu quốc này là một người tinh thông am hiểu, nói hắn tuổi trẻ tài cao, túc
trí đa mưu, vì Anh Triêu quốc đã lập biết bao là công tích vĩ đại.
Khi đó, Thu Đa Hỉ vừa nghe được liền lập tức nổi cơn
phẫn nộ. Nàng sải bước tiến đến, vỗ bàn tranh cãi với lão tiên sinh kể chuyện,
cãi không lại, nàng liền đập gẫy một cái ghế, lấy trủy thủ ra khoa chân múa tay
lung tung một hồi, kêu gào nói nếu Anh Cảnh Hiên thật sự là người tốt, nàng sẽ
lập tức cắt đầu mình xuống cho lão tiên sinh kể chuyện này làm ghế ngồi chơi.
Không thể không nói, lời uy hiếp này của nàng thật
không có kỹ thuật gì cả. Nàng muốn cắt chính là đầu của mình, cũng chả liên
quan đến ai, lão tiên sinh kể chuyện chỉnh chỉnh lại cổ tay áo, lấy tay chỉa
chỉa vào cái cổ nhỏ của nàng, lại chỉa chỉa ra một góc ngã tư đầu đường, khí
định thần nhàn nói: "Cô nương ngài cứ tự tiện."
Thu Đa Hỉ tức giận mà không biết làm sao, đành túm Thư
Đường một đường bỏ đi thẳng, không ngừng cằn nhằn bên tai nàng, nói Anh Cảnh
Hiên là tên khốn kiếp, Anh Cảnh Hiên là con rùa đen, nói Anh Triêu hoàng tộc
bọn họ, cả một ổ họ Anh bọn họ, tất cả đều là rùa đen ngàn năm thành tinh, toàn
thân giấu đầy chất độc.
Cũng may Thu Đa Hỉ gặp phải vận khí tốt. Các đời hoàng
đế của Anh Triêu quốc, tuy là có tiếng khôn ngoan như yêu tinh, nhưng thanh
danh đối ngoại vô cùng tốt, là một hình mẫu rất đáng tin cậy. Nếu nàng tùy ý kéo
một người nào đó bên ngoài nói không phải về Anh Cảnh Hiên, người đó nhất định
là không tin, nhưng Thư tiểu Đường lại vốn có một mối ân oán tình thù cùng Anh
Cảnh Hiên kia. Mặc dù Thư Đường thấy dường như sự tình năm đó là do mình đã đùa
giỡn Đại hoàng tử trước, nhưng hiện giờ, khi nàng hồi tưởng lại bộ dáng tiểu
sắc phôi của Anh Cảnh Hiên năm đó, tám phần là bộ dáng rắp tâm hại người.
Thu Đa Hỉ mua một bộ cung nỏ, theo Thư Đường trở lại
khách điếm, vẻ mặt vẫn chưa hết giận. Thư tiểu Đường rót cho nàng một chén trà
lạnh, an ủi nàng, nói: "Nếu ngươi hận Anh Cảnh Hiên kia như vậy, thôi thì
đừng đề cập đến hắn nữa, kể những chuyện vui vẻ khác cho ta nghe đi. Vài ngày
trước ngươi kể về đóa hoa đào năm đó của ngươi, ngươi và vị công tử mà ngươi
thích kia, sau đó ra sao?"
Tất nhiên Thư Đường không biết rằng vị công tử mà Thu
Đa Hỉ thích năm đó chính là Nhị hoàng tử của Anh Triêu quốc, còn ca ca của vị
công tử kia, chính là tên hư hỏng Anh Cảnh Hiên.
Nhắc tới chuyện này, Thu Đa Hỉ lại giận không biết xả
đi đâu. Nàng ngừng một hồi lâu, mới hữu khí vô lực nói: "Chuyện đó, hôm
nay ta không có tinh thần kể lại. Ta kể với ngươi về hai đóa hoa đào thanh mai
trúc mã khác đi."
Hai vị thanh mai trúc mã này của Thu Đa Hỉ, nói ra
liền khiến toàn bộ nữ tử Nam Tuấn quốc cực kỳ hâm mộ.
Nam Tuấn quốc có một câu nói như vầy: Kinh Hoa thiên
hạ, Mục Đông thịnh thế, Lâm Nam tàng kim. Ý tứ của những lời này là, thiên hạ
này tuy bị quản chế bởi Kinh Hoa thành, nhưng Nam Tuấn quốc lại như được chia
ra làm ba, sự thịnh suy của họ Phương ở Mục Đông có liên quan chặt chẽ đến mạch
đập của quốc gia, mà sự giàu có, trù phú của họ Đường ở Lâm Nam sánh vai ngang
bằng với hoàng tộc.
Hai thanh mai trúc mã này của Thu Đa Hỉ, một người là
con trai độc nhất của Phương gia ở Mục Đông - Phương Diệc Phi, người còn lại là
Nhị thiếu gia của Đường gia Lâm Nam – Đường Ngọc. Vì bậc trưởng bối của hai nhà
Phương, Đường đều nghĩ, nếu con cháu nhà mình lớn lên trong thiên ân vạn sủng,
ngày sau nhất định là không nên thân. Cho nên Phương Diệc Phi và Đường Ngọc từ
nhỏ đã ở phủ đệ tại Kinh Hoa thành, đều qua lại gần gũi với hoàng thất, sủng
thần.
Thu Đa Hỉ cùng lớn lên với hai người này. Tuy Phương
Diệc Phi và Đường Ngọc, một người thanh tú nho nhã, một người là nhân tài lương
đống, nhưng vì Thu Đa Hỉ đã gặp qua hai vị hoàng tử tựa thần tiên của Anh Triêu
quốc, nên đối với hai người này cũng không sinh ra tình cảm gì khác lạ.
Ba hài tử cả ngày chơi chung một chỗ, vỗ vai xưng
huynh gọi đệ. Trong mắt các vị trưởng bối lại có một ý nghĩa khác. Đợi Thu Đa
Hỉ tròn mười lăm tuổi đến lúc cập kê, cha nàng bảo nàng chọn một trong hai vị
Trúc mã này làm phu quân.
Khi ấy, Thu Đa Hỉ cũng vô cùng khiếp sợ. Nàng vẫn nghĩ
rằng mối tình giữa mình và Nhị hoàng tử còn bền cứng hơn vàng, ai ngờ hai người
lại hữu duyên vô phận. Nàng thổn thức khôn xiết, cảm khái khôn xiết, cuối cùng
đành phải nhượng bộ một bước tuân lời, lựa chọn Phương Diệc Phi. Kết quả là,
việc hôn nhân của hai người cũng được gõ xuống, quyết định hai năm sau sẽ tổ
chức đại lễ thành thân.
Vì duyên phận đã định, ngày sau Thu Đa Hỉ và Phương
Diệc Phi sẽ bên nhau, nên nàng cảm thấy có chút khác thường. Cảm giác khác
thường này, trải qua thời gian lâu, từ số lượng biến thành chất lượng. Một đêm
nọ, Đa Hỉ muội muội bừng tỉnh dậy trong cơn mộng xuân. Trong mộng, Phương ca ca
mặc áo bào đỏ thẫm, đứng dưới tàng cây đào màu hồng phấn, tê dại gọi nàng
"... Tiểu nương tử".
Giấc mộng xuân này như cảnh tỉnh bản thân nàng, chỉ
trong tích tắc Thu Đa Hỉ đã hiểu được, nàng cũng chấm trúng Diệc Phi.
Cũng may khi đó Đa Hỉ muội muội đã tròn mười bảy, gả
cho Phương Diệc Phi làm tiểu nương tử, cũng chỉ là chuyện ba tháng sau thôi.
Phát hiện ra điều này, Thu Đa Hỉ vô cùng vui vẻ. Sang ngày hôm sau, nàng cao
hứng phấn chấn ngồi dậy, đi tìm Phương Diệc Phi và Đường Ngọc, vui vẻ đem
chuyện mình "chấm trúng hôn phu" này ra chia sẻ với bọn họ.
Lại không biết, mặc dù lúc đó ba người rượu vào lời
ra, nhưng ăn không cảm thấy mùi vị gì.
Đêm đó, có người mộng đẹp tràn trề mà say ngủ, có
người yên tâm nghỉ ngơi như thường lệ, lại có người trằn trọc mất ngủ. Qua ngày
hôm sau, khi một mình Đa Hỉ muội muội đến Phương gia tìm Phương Diệc Phi hẹn
hò, chờ mãi chờ mãi, rốt cuộc biết được một tin tức kinh thiên động địa -
Phương Diệc Phi đào hôn.
Thu Đa Hỉ biết được tin này, khổ sở có, thương tâm có,
nhưng phản ứng đầu tiên của nàng là đến Đường phủ tìm Đường Ngọc. Đường Ngọc
vốn muốn giúp Thu Đa Hỉ đi tìm Phương Diệc Phi. Nào ngờ mấy ngày sau, hắn lại
nhận được một tin dữ, nói là có một tên cầm thú cực kỳ lợi hại đến Nam Tuấn
quốc tìm hắn, hắn biết được tin này mất cả hồn, suốt đêm thu thập hành lý bỏ
trốn.
Vừa chưa kịp hết suy sụp sau vụ vị hôn phu của mình
đào hôn, lại đến vụ vị thanh mai trúc mã bị mất tích,
Thu Đa Hỉ liền cảm thấy
đầu óc lơ mơ không bình thường. Mấy ngày sau đó nàng bình phục lại, quyết định
tự mình đi tìm vị hôn phu, vừa khéo đúng lúc tiểu thế tử Đỗ Tu tra ra một ít
hành tung của Phương Diệc Phi, thế nên Thu Đa Hỉ mới đến con hẻm nhỏ Đường Hoa
này đây, ngày ngày cắm cọc.
Kể xong, Thu Đa Hỉ lại xua tay kết luận: "Ta gặp
nhiều hoa đào, nhưng đóa nào cũng đều gặp lận đận. Hiện nay mặc dù ta vẫn còn
nhớ đến Phong công tử của năm đó, nhưng đại đa số thời điểm ta đều chỉ nhớ đến
tiểu Diệc, cũng không biết sau khi hắn đào hôn sống như thế nào, có nhớ đến ta
hay không."
Thư Đường nghe xong những lời này, không khỏi có chút
suy nghĩ. Mặc dù nàng chỉ là một thường dân, nhưng từ khi dậy thì cho đến nay
liên tiếp đi xem mắt, đối với vấn đề tình cảm coi như cũng biết
sơ một chút da lông bên ngoài, hiểu được như thế nào là lưỡng tình tương duyệt.
Hai đóa hoa đào Thu Đa Hỉ vừa kể này, nghe kiểu gì cũng đều như thể chỉ nàng ấy
là đơn phương tình nguyện, không cần biết là Phong công tử dung mạo tuyệt thế,
hay là vị hôn phu chuẩn mực tiểu Diệc, dường như không có ý tứ gì đặc biệt đối
với nàng ấy.
Nhìn lại dung mạo Thu Đa Hỉ, dáng người nở nang, mặt
mày như họa, còn mang theo ba phần tiêu sái, ba phần hồn nhiên, mặc dù hơi
khiếm khuyết một chút tư vị nữ nhân, nhưng vẫn có thể được xem là một tiểu mỹ
nhân, không có lý do gì nam nhân không chấm trúng nàng ấy. Thư Đường nghĩ không
ra, liền thật cẩn thận hỏi lại: "Vậy ngươi thấy, vị tiểu Diệc quan nhân mà
ngươi nói đó, rốt cuộc hắn có thích ngươi không?"
Thu Đa Hỉ sửng sốt, nhanh mồm nhanh miệng nói:
"Thích chứ. Từ nhỏ ta đã lớn lên cùng tiểu Diệc và tiểu Đường, đâu có thấy
bọn họ đến gần các cô nương khác. Hơn nữa bọn họ làm gì cũng rủ ta làm chung,
uống rượu ngon, say rồi chơi oẳn tù tì, đi hoa lâu xem cô nương. Năm đó khi ta
chấm trúng Phong công tử tuấn mỹ kia, chẳng qua chỉ cùng hắn bá vai choàng cổ
mà thôi." Nói xong, nàng lại rũ mắt xuống suy tư một hồi, đột nhiên hắc
hắc cười rộ lên, kề sát lại gần nói "Không gạt ngươi làm gì, ta vậy mà rất
có số đào hoa à nha. Đừng nói chi đến tiểu Diệc, ta cảm thấy tiểu Đường ở chung
cùng ta nhiều năm như vậy, nhất định cũng có ý tứ đối với ta. Nhưng mà tiểu
Đường con người này, có vẻ hơi bị quá chất phác, cứng nhắc như khúc gỗ, để lên
bàn cân, so ra không tài hoa phong lưu bằng tiểu Diệc, cho nên tuy rằng bọn họ
đều thích ta, nhưng ta lại chỉ nguyện ý chọn tiểu Diệc..."
Lời này vừa ra, Thư Đường còn chưa kịp đáp, đã nghe
tiếng chậu nước rơi loảng xoảng từ sau tấm rèm ngăn cách sân sau của khách
điếm. Thang tiểu nhị đang đứng sau tấm rèm, nghe xong cuộc tâm sự của hai vị cô
nương trong khách điếm, dung mạo bỗng tiều tụy hẳn đi. Qua một lát sau, hắn mặt
mày xám như tro tàn nhặt lên chậu nước, hoảng hoảng hốt hốt đi tìm Thư Tam
Dịch, nói là lại bị trúng nắng, cáo bệnh thêm nửa tháng, tiền công của tháng
này cũng không cần lĩnh .
Nói xong, hắn cũng không thèm đợi Thư Tam Dịch trả
lời, liền đi thẳng một đường trở về phòng, khóa trái cửa, nằm ngay đơ cán cuốc
trên giường.
Một lát sau, Thư Tam Dịch mở cửa sổ ló đầu ra, thấy
trong viện ngoài viện gì gió cũng mát lạnh, sắc trời âm u như muốn mưa, không
khỏi cảm khái muôn vàn, gọi tiểu Đường Đường đến hậu viện, nói với nàng:
"Ngươi rảnh rỗi đi thăm tiểu Thang xem, không biết oa nhi này bị cái gì
kích thích? Muốn giả trúng nắng cũng cần phải có chút kỹ xảo chứ!"
Thư Đường vâng lời, hoàng hôn hôm đó, nàng đến phòng
Thang tiểu nhị kêu hắn ra ăn cơm. Nhưng mà đợi một lúc lâu sau, Thang tiểu nhị
chỉ mơ hồ đáp một câu: "Túng nhiên tâm bỉ thiên cao, nại hà mệnh bỉ chỉ
bạc..."
(Tạm dịch: Dù lòng này cao tựa mây xanh,
ngại vì mệnh bạc tựa chỉ mành treo chuông)Mấy ngày gần đây trình độ thi thư của Thư Đường có
chút tiến bộ, nghe xong câu thơ này, đoán ra tám chín phần mười tâm tư của
Thang tiểu nhị, bèn chạy ra đại sảnh nói với cha nàng, tiểu Thang dường như
không phải bị cảm nắng, mà là vì mắc bệnh tương tư, chắc là chấm trúng tiểu thư
con nhà ai rồi.
Thư Tam Dịch buông đôi đũa ra, gào to lên nói:
"Tiểu thư nhà ai? Dạo gần đây tiểu Thang đâu có ra khỏi khách điếm a, cô
nương thường lui tới khách điếm này cũng chỉ có một mình Thu Lai Hỉ cô nương mà
thôi."
Thư Đường sửng sốt, chụp mạnh ót mình một cái, ra vẻ
bừng tỉnh đại ngộ.
Đêm đó, Thư tiểu Đường thắp nến, chiếu theo tập thi
thư mà Vân Trầm Nhã tặng, sao chép lại hai bài thơ. Đêm dần khuya, nàng bèn thu
dọn thi thư lại, cất gọn gàng vào một cái tráp đựng nữ trang.
Tráp này làm từ gỗ trầm hương, ngoại trừ góc bên trái
có khắc hai đóa hoa sen, còn lại không có hoa văn gì nữa, rất giản dị. Nhưng
chiếc tráp này là di vật duy nhất mẫu thân Thư Đường để lại cho nàng, cũng là
vật quý giá nhất từ nhỏ đến lớn của Thư Đường. Nghe Thư Tam Dịch nói, sau khi
mẫu thân Thư Đường sinh nàng ra không được bao lâu thì qua đời.
Vì trang sức của Thư tiểu Đường rất ít, cho nên những
năm gần đây cái tráp này đều trống rỗng. Thư Đường cũng cảm thấy, trên đời này,
rất hiếm có thứ gì có thể xứng đáng cất vào cái tráp này.
Từ mùa xuân năm nay, trong cuộc sống bình thản đến tẻ
nhạt của nàng, lại xuất hiện một nhân vật là Vân Trầm Nhã. Đối với nàng, Vân
Trầm Nhã từ đầu đến cuối đều mang theo chút sắc thái thần thoại, dung mạo tuyệt
thế, khí chất ào ào, tài hoa đầy bụng. Mà hắn giơ tay nhấc chân đều tỏ vẻ thâm
sâu khó lường, không khỏi khiến nàng tin tưởng, chỉ cần là Vân Trầm Nhã bảo,
Vân Trầm Nhã tặng, nhất định là vô cùng tốt.
Trong tráp, ngoại trừ tập thi thư này ra, còn một
chiếc vòng ngọc, và một trang giấy ghi lại một câu thơ.
Thư Đường hài lòng mỹ mãn đóng lại cái tráp, nằm trên
chiếc giường nhỏ, nửa tỉnh nửa mơ đếm từng ngày, đã không gặp Vân quan nhân
bảy, tám cái hoàng hôn rồi, cũng không biết hắn có rảnh đi xem mắt cùng nàng
nữa hay không. Nếu lần tới xem mắt thành công, nàng nhất định phải đền ơn đáp
nghĩa Vân quan nhân thật hậu hĩnh. Mà không biết đền đáp như thế nào đây? Chi
bằng khi thành thân sẽ thỉnh hắn ngồi trên ghế cao, chịu một lạy của nàng và
tân lang là được rồi. Thư Đường mơ màng nghĩ, cũng không biết mấy ngày gần đây
hắn bận việc gì, đang làm cái gì...
Nói trắng ra, Vân vĩ lang còn có thể làm được cái gì?
Một là chuyện xấu, hai là chuyện mờ ám, ba là chuyện ác. Dù sao cái gì hắn cũng
đều làm, chỉ là không làm chuyện tốt mà thôi.
Bạn đang đọc truyện trên: Webtruyen.com