Phòng bệnh số 1414, bệnh viện số 2 Khánh Thành.
Đột nhiên có tiếng gào khóc của một người đàn ông xuyên qua cánh cửa khép hờ, gần như vang vọng trên toàn bộ dãy hành lang.
Người nhà bệnh nhân đang nghe hướng dẫn ở quầy lễ tân sợ thót tim, quay phắt người lại tìm đến nơi phát ra âm thanh.
Cô y tá đang ở quầy lễ tân ngẩng đầu lên liếc nhìn về phía cửa phòng bệnh đối diện, khóe miệng giật giật, nhưng vẫn ngồi nguyên trên ghế không hề động đậy.
Rất nhanh, đã có một cô y tá trẻ đi tới, thì thào hỏi đồng nghiệp: “Xảy ra chuyện gì vậy?”.
Cô y tá đang ngồi trên ghế nhìn về phía cửa hất hất cằm: “Là của phòng 1414.”
“À.” Cô y tá trẻ hiểu ra thốt lên một tiếng, đi đến trước cửa phòng bệnh 1414, quan tâm định đóng hộ cửa phòng bệnh cho bọn họ.
Nhưng còn chưa kịp đợi cô đóng cửa xong, thì đã nhìn thấy một người đàn ông trung niên đang gào khóc thảm thiết quay phắt đầu lại, gào lên với mình: “Đừng đóng cửa, đóng cửa mẹ tôi không thở được.”
Động tác tay của cô y tá trẻ khựng lại, sau đó buông ra.
Tuy rằng người mẹ mà ông ta nói không thở được đang đeo mặt nạ dưỡng khí, nhưng ai bảo ông ta là con trai người bệnh chứ, hẳn là có bệnh nhân không thở được lại bảo con trai mình rằng bà cảm thấy đóng cửa sẽ cản trở hô hấp của mình cơ đấy.
Cảnh tượng thế này, cô y tá trẻ đã quen rồi, nói một cách chính xác hơn thì, những cô y tá trực ban trong một tháng gần đây, đều đã quen rồi.
Từ sau khi bệnh nhân phòng 1414 nhập viện đến giờ, cứ cách hai hôm con trai bà ấy lại đến thăm một lần, lần nào đến cũng khóc lóc ít nhất là một tiếng đồng hồ.
Cổ họng ông ấy lại to, khi khóc không bao giờ thích đóng cửa, khiến cho gia đình các bệnh nhân khác đều phải lên tiếng phàn nàn.
Không phải các cô không muốn nhắc nhở họ làm vậy sẽ ảnh hưởng đến những những bệnh nhân khác, mà lúc nhắc bị bệnh nhân nằm trên giường bệnh nghe thấy, bà cụ rút phắt ống thở, đuổi hết các cô y tá ra, lớn tiếng mắng mỏ ra đến tận nửa hành lang vẫn còn nghe thấy tiếng.
Các bác sĩ nội trú xúm lại theo dõi sự vụ ngày hôm đó nói rằng, dựa vào thể trạng của bà cụ, có thể cầm cự được lâu như vậy, đã được coi là “kỳ tích của y học” rồi, đây nhất định là sức mạnh của huyền học.
Tóm lại, không thể đắc tội được.
Huống hồ bệnh tình của bà cụ rất nặng, không sống được mấy ngày, bọn cô cũng không cần phải nghiêm trọng hóa quá làm gì.
Cho dù tất cả đều cảm thấy người nhà của bệnh nhân phòng 1414 rất kỳ quặc, thì cũng không thể ngăn cản Đổng Chính Hào cảm thấy vô cùng đau buồn.
Hai mẹ con ông nắm chặt lấy tay nhau, đôi mắt bà cụ ầng ậc nước mắt, nghe con trai mình vừa gọi mẹ vừa gào khóc.
Ở trong góc phòng, vợ của Đổng Chính Hào, bà Khương Lệ kín đáo đảo tròn con ngươi, bên cạnh bà là cậu con trai hơn mười tuổi đang cúi đầu nghịch điện thoại.
Cạnh cậu con trai là một cô gái lớn hơn cậu ta vài tuổi, khoảng tầm mười bảy, mười tám, cô gái quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, tâm trí dường như đang không ở đây.
Bà cụ tên là Vương Quế Hương, một cái tên nghe không được hay cho lắm, cuộc sống nửa đời trước cũng không sung sướng gì.
Mồ côi cha từ nhỏ, sau đó chồng cũng qua đời, một mình bà nuôi con trai trưởng thành, vốn dĩ tưởng rằng cuộc đời này sẽ mãi như vậy, nhưng ai ngờ con trai bà đột nhiên phát tài!
Con trai bà trở nên giàu có trong gần hai mươi năm, có thể coi là có chút danh tiếng ở Khánh Thành, bà cũng trở thành một bà mẹ giàu sang suốt hai mươi năm, nhưng tính cách và phẩm chất của bà lại chẳng có chút dây tơ rễ má nào với cuộc sống giàu sang suốt hai mươi năm này.
Trong mắt cô con dâu Khương Lệ, bà Vương Quế Hương là người tai quái cay nghiệt, không hề có chút văn hóa nào, lại còn vô cùng trọng nam khinh nữ nữa.
Vốn dĩ bà Khương Lệ cũng coi trọng con trai hơn, nhưng ai mà ngờ được tư tưởng trọng nam khinh nữ của mẹ chồng còn bao gồm cả bà!
Trong nhà, ngoài trừ ông Đổng Chính Hào và cháu trai Đổng Kỳ ra, thì trong mắt mẹ chồng, bà Khương Lệ và cháu gái Đổng Duyệt đều là những kẻ ăn không ngồi rồi, động một tí là sai này sai nọ, trước mặt người ngoài cũng chưa từng giữ thể diện cho bà, mấy lần khiến bà xấu hổ trước mặt bạn bè của ông Đổng Chính Hào.
Nhưng biết làm thế nào được, ai bảo ông Đổng Chính Hào là một kẻ mù dở, luôn cho rằng mẹ mình làm gì cũng đúng chứ.
Bà Khương Lệ nhẫn nhịn mẹ chồng lâu như vậy rồi, cuối cùng cũng chịu đựng được đến ngày hôm nay.
Nhìn thấy hành động của hai mẹ con ông Đổng Chính Hào, bà ta không bật cười thành tiếng đã là lịch sự hết mức có thể rồi.
Bà ta chẳng có tâm trạng đâu để nhìn cảnh hai mẹ con ông Đổng Chính Hào tình cảm sướt mướt với nhau, trong lòng bà chỉ mải tính toán xem mẹ chồng mất rồi, mình có nên đổi sang một căn nhà khác không.
Căn nhà bọn họ đang ở đã mua từ hơn mười năm trước, tuy rằng cũng là biệt thự, nhưng đã cũ lắm rồi, hơn nữa còn hơi nhỏ, nếu không phải mẹ chồng bà sống chết không chịu chuyển nhà, thì đã không đến mức cả nhà vẫn ở đó cho đến tận giờ.
Mấy năm này mỗi lần về thăm nhà, em gái bà đều khoe khoang lại vừa chuyển sang một căn biệt thự mới, khiến người ta nghe thôi đã thấy bực mình.
Đang nghĩ đến đây, đột nhiên bà Khương Lệ nhìn thấy mẹ chồng thò tay giằng mặt nạ dưỡng khí ra.
Không biết vừa nãy hai mẹ con nói chuyện gì, có vẻ như cảm xúc của mẹ chồng bà có chút kích động thì phải?
Tuy bà ta chẳng muốn bận tâm, nhưng vẫn đứng dậy bước nhanh đến gần bên giường hỏi: “Mẹ, mẹ làm sao vậy?”.
Bà Vương Quế Hương không thèm liếc nhìn đến con dâu lấy một cái, vừa giằng mặt nạ dưỡng khí ra, vừa nói một câu không đầu không đuôi với ông Đổng Chính Hào: “Con trai, mẹ xin lỗi con!”.
Ông Đổng Chính Hào không để tâm nói: “Mẹ, mẹ nói gì vậy chứ?”.
Bà Vương Quế Hương túm lấy cổ tay con trai, nói một cách khó hiểu: “Là tại mẹ để lạc bé Đầu Gỗ.”
Phải mất một lúc lâu Đổng Chính Hào mới nhớ ra, bé Đầu Gỗ mẹ ông vừa nhắc đến chính là đứa con gái lớn của ông.
Ông ta và bà Khương Lệ là tái hôn, trước đó ông ta đã kết hôn một lần rồi, vợ trước sinh cho ông ta một cô con gái chưa được bao lâu thì đã ly hôn, chỉ để lại mỗi đứa trẻ đó cho ông.
Lúc đó ông đang kinh doanh nhỏ lẻ tại Khánh Thành, đứa bé để ở quê cho mẹ ông chăm sóc, năm đứa bé lên ba thì bị người ta bắt cóc.
Ông đến cục cảnh sát ở dưới quê hỏi mấy lần, nhưng đều không có tin tức gì, khi đó bà Khương Lệ cũng đang mang thai, nên ông cũng chẳng còn tâm trí đâu để nghĩ đến chuyện này nữa.
Nếu không phải mẹ ông đột nhiên nhắc đến, ông thậm chí còn quên béng mất trước đây mình từng có một đứa con rồi.
Năm đó khi bà Khương Lệ đi theo ông Đổng Chính Hào, ông vẫn chưa ly hôn, nên đương nhiên biết ông từng có một cô con gái, giờ nghe mẹ chồng nhắc đến, trong lòng bà cảm thấy có chút khó chịu, mắng thầm bà mẹ chồng này trước lúc chết vẫn còn khiến bà chịu ấm ức.
Ông Đổng Chính Hào không biết suy nghĩ của vợ, nên thì thào an ủi mẹ: “Mẹ, chuyện từ bao nhiêu năm trước, đã qua cả rồi, đứa trẻ đó không có duyên với nhà chúng ta.”
Nhưng cảm