Vũ Lâm Ký Sự
Tác giả : Giang Hoài Ngọc
Hồi thứ hai mươi hai
GIANG NAM ĐƯỜNG ẤY NAY XA CÁCH
TRÊN LẦU KHÔNG CHỦ ÉN BƠ VƠ
Nguồn : Tàng Thư Viện
Lại nói, toán nhân thủ của Đông đường Thông Thiên Giáo được lệnh tiến xuống Nam Xương để phối hợp cùng Nam đường hành sự. Đây là lực lượng tinh nhuệ nhất của Đông đường, được phái đi Nam Xương tiếp viện vì nghe đâu có nhiều võ lâm cao thủ đến tiếp trợ cho Cái Mạnh Thường Lưu Thành chống cự lại Nam đường. Một mình Nam đường không đủ nhân lực để đối phó.
Cũng trong lúc này, không biết từ đâu mà tin tức về Thông Thiên Giáo đã bắt đầu tiết lộ ra ngoài giang hồ. Ở khắp mọi nơi đều nghe người võ lâm bàn tán với nhau. Họ rỉ tai nhau về ý đồ độc bá võ lâm của Thông Thiên Giáo, dù Thông Thiên Giáo vẫn chưa chính thức lộ diện; về Thái Chính Cung, một danh xưng hoàn toàn xa lạ; và về việc Thái Chính Cung đã đánh bại Nam đường của Thông Thiên Giáo, san bằng trú sở, bắt được vị phó đường chủ Nam đường cùng hàng trăm giáo chúng.
Những tin tức kia lan truyền với một tốc độ nhanh đến chóng mặt, và càng qua nhiều người thì sự việc lại càng biến đổi đến không ngờ. Tam sao thất bản, người kể chuyện đã thêm vào những chi tiết lạ lùng kỳ bí để câu chuyện thêm đậm đà. Và thế là chẳng bao lâu sau cả võ lâm đều xôn xao bàn luận. Đã có kinh nghiệm xương máu về Thiên Ma Giáo và Hắc Y Giáo hơn mười năm trước, quần hào võ lâm bắt đầu cảnh giác.
Dù chưa biết rõ thực hư thế nào, nhưng những sự bí mật của giáo phái bị tiết lộ cũng làm bọn Thông Thiên Giáo thầm chột dạ, mọi hành động đều cố kiềm chế, không dám ngông cuồng như trước nữa. Chưa khởi nghiệp mà đã biến thành võ lâm công địch là điều không hay tí nào, do đó bọn họ phải cố kiềm chế, không tạo ra hành động thương thiên hại lý hay để lại tàn tích gì khiến người võ lâm có cớ lên án.
Đến gần thành Lư Giang, bọn họ được biết toán theo dõi thiên kim tiểu thư của Lưu gia trang hiện đang ở trong thành. Lưu tiểu thư là một con tin đáng giá. Nếu như bắt được Lưu tiểu thư thì lo gì Lưu Thành không ngoan ngoãn theo lời. Đó là một công trạng rất lớn. Thế là cả bọn không đi Nam Xương nữa, cùng kéo đến Lư Giang để tìm cơ hội bắt giữ Lưu tiểu thư, hầu làm điều kiện uy hiếp Cái Mạnh Thường. Còn tình hình ở Nam Xương, bọn họ không lo lắng lắm, bởi thực lực của Nam đường đường chủ không phải tầm thường, tuy chưa thể triệt để đánh bại Lưu gia trang, nhưng vẫn còn chiếm được thượng phong, áp chế hoàn toàn bọn Cái Mạnh Thường. Chỉ có điều, khi đến nơi bọn họ chẳng những không thấy tông tích Lưu tiểu thư ở đâu, mà ngay cả bọn trinh sát được phái đi theo dõi cũng biệt vô âm tín. Tất cả bao trùm một sự kỳ bí khiến cả bọn vô cùng hoang mang.
Cũng cùng lúc đó, toán trinh sát bỗng phát hiện một chiếc đại thuyền lặng lẽ rời thành, xuôi về phía tây. Cả bọn liền lập tức bám theo, chờ cơ hội thuận tiện là phái người đột nhập lên thuyền thám thính. Sở dĩ bọn họ không tấn công ngay mà còn phải cho người đi thám thính tình hình là vị sợ đụng nhằm Lưu Hương Viện, một tổ chức thần bí lạ lùng mà cuộc lễ khai trương mấy hôm trước đã làm cả võ lâm chấn động, bởi những thứ vũ khí giết người cực kỳ đáng sợ, tỷ như Khai Sơn Thần Đạn. Mà thành Lư Giang rất gần nơi tổ chức lễ khai trương, nên cũng có thể thuộc địa phận của Lưu Hương Viện. Với tình hình trước mắt, bọn họ không muốn đụng chạm với tổ chức nguy hiểm này. Một mình Thái Chính Cung cũng đã khiến bọn họ đau đầu rồi.
Nhưng người đã phái đi mà lại không thấy quay về, chắc chắn lành ít dữ nhiều. Còn thuyền thì vẫn tiếp tục đi về phía Tây, chứ không đi xuống Nam Xương. Do vậy, phỏng đoán ban đầu của bọn họ lại không còn đứng vững. Tuy vậy, đây lại là manh mối duy nhất có được nên cả bọn đành âm thầm bám theo, chuẩn bị sẵn sàng, chờ có cơ hội là sẽ tiến hành tập kích. “Thà giết lầm còn hơn bỏ sót” cũng là một trong các tôn chỉ của bọn họ.
Chẳng ngờ, chiếc thuyền kia lại ghé vào thủy trại Hán Khẩu, được quan binh bảo vệ. Dù ngông cuồng đến đâu thì trong lúc này bọn họ vẫn chưa dám công khai xung đột với quan binh. Bọn họ đành vây chặt xung quanh, chờ đối phương đi ra. Cả bọn không dám rời mắt khỏi thủy trại, đành gặm lương khô, trân mình giữa màn đêm lạnh giá.
Nhưng cứ chờ mãi … chờ mãi …
Suốt mấy ngày liền vẫn không thấy đối phương ló mặt ra. Và những người được phái đi do thám đều không thấy quay về, lành ít dữ nhiều là điều chắc chắn. Và quan trọng hơn, đối phương hiển nhiên đã nhận ra sự tồn tại của bọn họ.
Cả bọn đã bắt đầu thất vọng. Đã có người bàn lùi.
Mãi đến một buổi chiều mấy hôm sau đó, một đoàn chiến thuyền của quan binh rầm rộ kéo ra. Bọn họ liền phái người theo dõi, nhưng chỉ thấy chiến thuyền xuôi về đông hơn trăm dặm là lại quay ngược trở về thủy trại, không ghé vào bờ lần nào. Bọn họ cho là quan binh đang tập luyện thủy chiến nên cũng chẳng để tâm đến nữa.
...
Tối hôm đó, một toán khoảng mười tên giáo chúng đang co ro trong màn sương lạnh. Bỗng nhiên, bọn chúng nghe thấy có tiếng nói từ bờ sông vọng lại. Cả bọn liền vội yên lặng dỏng tai lắng nghe. Thanh âm từ trong đám cỏ sát mé sông vọng đến. Dường như là có hai người đang tranh cãi với nhau. Một người nói :
- Cái gì mà Trường Giang cuồn cuộn đổ về Đông. Đúng là chuyện hàm hồ.
Thanh âm khác lại cất lên ồm ồm :
- Ngươi nói vậy là sao ?
Người kia đáp :
- Còn sao nữa ? Ta bảo rằng ngươi nói bậy.
Người nọ khẽ hừ một tiếng, hỏi :
- Ta nói bậy chỗ nào ? Ngươi giải thích thử xem.
Người kia nói :
- Vậy ngươi hãy nhìn xuống sông thử xem. Nước sông không phải đang chảy về phía bắc hay sao ? Thế mà ngươi lại bảo chảy về Đông, không phải là hàm hồ sao hả ?
Người nọ nói :
- Nhưng ngươi không nghe người ta thường nói rằng nước mọi con sông luôn chảy về Đông Hải hay sao ?
Người kia cãi :
- Ai nói ta không cần biết. Nhưng hiện tại ta thấy nước sông đang chảy về phía bắc. Sự thật chính tại nhãn tiền. Vậy là ngươi đã nói bậy.
Người nọ liền chỉ xuống sông, nói :
- Đó. Rõ ràng là đang chảy về hạ lưu, tức là chảy về phía đông đó nha.
Người kia lập tức cãi lại ngay :
- Gì mà phía đông ? Ngươi không biết xác định phương hướng à ? Hướng nước chảy đang là hướng bắc. Nếu như ngươi còn không tin, chúng ta có thể dùng nam châm để thử.
Quả thật là dòng Trường Giang ở đoạn này chuyển hướng về phía bắc. Đương nhiên, không chỉ Trường Giang, không có con sông này chỉ chảy thẳng theo một hướng duy nhất cả. Còn về nam châm, theo sử cũ ghi lại đã xuất hiện từ thời Tây Chu. Sử chép rằng, vào năm Tân Mão (năm 1109 trước Tây Lịch) đời Chu Thành Vương, có sứ Việt Thường sang cống chim trĩ trắng, nhà Chu phải tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng. Và do đường xá quá xa xôi, sứ giả không nhớ đường về, ông Chu Công Đán đã chế ra “chỉ nam xa” để dẫn đường cho sứ giả về nước. “Chỉ nam xa” thực chất chỉ là mã xa có gắn thêm la bàn, và vì mục đích là chỉ đường về phương nam nên kim la bàn được gọi là “nam châm”, mặc dù nó chỉ cả hai chiều nam – bắc.
Người nọ không chịu, nói :
- Dù sao thì dòng nước này cuối cùng cũng chảy ra biển, mà biển thì ở phương đông, nghĩa là lời ta nói không có chỗ nào sai cả.
Hai người họ không ai chịu ai, tranh cãi nhau rất kịch liệt. Vấn đề tranh luận của bọn họ khiến cả bọn giáo chúng Thông Thiên Giáo đang lắng tai nghe ngóng cũng không nhịn được. Một người lẩm bẩm :
- Sao trên đời lại có hạng quái vật rỗi hơi đến thế nhỉ ?
Hắn cho gã kia là quái vật bởi chỉ có hạng quái vật mới rỗi hơi như thế. Mấy tên kia cũng bật cười ồ, tỏ ý tán thành. Đột nhiên, cả bọn nghe có thanh âm lạnh lùng cất lên ngay sát bên tai :
- Ngươi nói ai rỗi hơi ?
Cả bọn giật mình kinh hãi, nhưng chưa kịp có hành động gì thì chợt nhận ra huyệt đạo đã bị khống chế, không cử động kêu la gì được nữa. Từ trong bóng tối, có mấy người lặng lẽ chạy ra khiêng cả bọn đi.
Ở các nhóm khác, sự việc cũng diễn ra tương tự. Cả bọn vì mãi chú tâm lắng nghe giọng nói từ xa vọng đến nên chẳng kịp nhận ra bọn mình đã bị khống chế lúc nào. Đến khi bị bắt thì đã muộn rồi.
Tại một trang viện cách thủy trại Hán Khẩu không xa, trong đại sảnh có hai hắc y nhân đang ngồi trên ghế và một hắc y nhân khác đang rảo bước qua lại, xem chừng có vẻ nóng ruột lắm. Người đang rảo bước dường như là thượng cấp nên hai người ngồi thỉnh thoảng lại cứ đưa mắt nhìn hắn, dường như đang chờ chỉ thị.
Một lúc lâu sau, người kia bỗng dừng bước, đưa mắt nhìn một trong hai người đang ngồi, trầm giọng hỏi :
- Thế nào ? Hà hộ pháp. Vẫn chưa có ai trở về báo cáo hay sao ?
Người được gọi là Hà hộ pháp lên tiếng đáp :
- Bẩm phó tòa. Vẫn chưa thấy tên nào trở về. Hay là để thuộc hạ ra ngoài đó đôn đốc bọn chúng ?
Người được gọi là phó tòa có vẻ tức giận nói :
- Đúng là lũ ăn hại. Chỉ có chút việc nhỏ nhặt mà cũng làm không xong. Phen này bản tòa phải nghiêm trị bọn chúng mới được
Đoạn hắn quay sang