Vương Mệnh

274: Tham Khảo Phân Cấp Hành Chính Của “trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc” Phần 3


trước sau


Cấp hành chính thứ nhất là "cấp Tỉnh", còn cấp hành chính thứ hai thì gọi là "cấp địa khu" (地区级, địa khu cấp hay 地级, địa cấp), gồm có : Địa cấp thị, tự trị châu, phó tỉnh cấp thành thị, minh.
- Địa cấp thị (地级市) là một đơn vị hành chính cấp địa khu tại Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc.

Đây là cấp hành chính thứ hai trong thứ bậc các cấp hành chính, dưới cấp tỉnh nhưng trên cấp huyện.

Ở Việt Nam không có cấp tương đương với cấp địa khu.

Địa cấp thị nghĩa là thành phố cấp địa khu, cũng có khi được gọi là thành phố trực thuộc tỉnh (省辖市, tỉnh hạt thị, tiếng Anh: provincial city) nhưng không phải là khu vực thành thị theo nghĩa hẹp của từ này.

Địa cấp thị thường là một khu vực hành chính có một thành phố làm nòng cốt, xung quanh là các đơn vị cấp huyện nông thôn có diện tích và dân số lớn hơn rất nhiều so với thành phố trung tâm đó.

Lý do là trước đây, địa khu bao gồm các thành phố, thị trấn và các huyện, nay được thay thế gần hết bằng địa cấp thị.


Muốn nói đến khu vực thành thị thực sự, người ta dùng chữ thị khu (市区), để phân biệt với khu vực nông thôn.

Mỗi địa cấp thị có thể bao gồm các khu (quận) nội thành, huyện và thành phố cấp huyện (huyện cấp thị).
Các địa cấp thị đầu tiên được lập ra ngày 5 tháng 11 năm 1983.

Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2005, cả nước Trung Quốc có 283 địa cấp thị.

Các địa cấp thị lớn nhất như Bảo Định (tỉnh Hà Bắc), Chu Khẩu và Nam Dương (tỉnh Hà Nam), Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông) có số dân vượt cả thành phố trực thuộc trung ương (trực hạt thị) Thiên Tân.
- Phó tỉnh cấp thành thị : Hiện nay đã có 15 địa cấp thị lớn của Trung Quốc đã được nâng cấp thành thành phố cấp phó tỉnh (副省级城市, phó tỉnh cấp thành thị; tiếng Anh: sub-provincial city), nghĩa là được nhiều quyền hạn tự quản hơn.

Như vậy thành phố cấp phó tỉnh là những trường hợp đặc biệt của địa cấp thị.

Phó tỉnh cấp thành thị ngang với các địa cấp thị nhưng có mức độ đô thị hóa cao hơn, và đặc biệt có nền kinh tế phát triển hơn.

Cấp hành chính này được phân cấp nhiều quyền tự chủ hơn về mặt quản lý ngân sách, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quản lý đô thị.

Ngày 25 tháng 12 năm 1994, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập 16 Phó tỉnh cấp thành thị.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 15 Phó tỉnh cấp thành thị vì Trùng Khánh đã được nâng cấp Trực hạt thị.
Cấp địa khu này, ngoài địa cấp thị, còn bao gồm:
- Địa khu (地区; tiếng Anh: prefecture).

Hiện nay các

địa khu đã được thay thế gần hết bằng thành phố trực thuộc tỉnh.


Cả nước chỉ còn 17 địa khu, chủ yếu chỉ tồn tại ở Khu tự trị Tây Tạng (6 địa khu) và Khu tự trị Tân Cương (7 địa khu), ngoài ra tỉnh Quý Châu có 2 địa khu, Thanh Hải và Hắc Long Giang mỗi tỉnh có 1 địa khu.
- Châu tự trị (自治州, tự trị châu; tiếng Anh: autonomous prefecture) là các đơn vị hành chính cấp địa khu (thấp hơn tỉnh, lớn hơn huyện) nơi mà các sắc tộc thiểu số ở Trung Quốc được hưởng những quyền tự trị nhất định.

Hiện Trung Quốc có 30 châu tự trị như vậy nằm trong 9 tỉnh và khu tự trị.
- Minh (盟; tiếng Anh: league).

Đơn vị hành chính này chỉ tồn tại ở Nội Mông Cổ: hiện chỉ có 3 minh, còn lại là địa cấp thị.

Minh tồn tại từ thời kỳ nhà Thanh như là một cấp chính quyền.

Người đứng đầu mỗi minh được chọn từ các jasagh (札薩克, trát tát khắc)) hay khoshun của các kỳ thuộc về minh đó.

Ban đầu có sáu minh là Triết Lý Mộc, Chiêu Ô Đạt, Trác Tác Đồ, Tích Lâm Quách Lặc, Ô Lan Sát Bố và Y Khắc Chiêu.

Sau đó mới lập thêm các minh mới.


Hiện nay, minh thuộc về cấp địa khu trong trật tự phân cấp hành chính Trung Quốc.

Trong số 9 minh còn tồn tại đến cuối thập niên 1970 thì tới nay chỉ còn 3, do 6 minh khác đã được tổ chức lại thành địa cấp thị.
Đặc biệt, khác với ở Việt Nam, nơi mà thành phố trực thuộc tỉnh có cấp dưới là phường xã, và thành phố trực thuộc trung ương có cấp dưới là quận huyện.

Ở Trung Quốc, địa cấp thị (thành phố trực thuộc tỉnh) và trực hạt thị (thành phố trực thuộc trung ương) có cách tổ chức, quy mô và hình thức hoàn toàn giống nhau, bên dưới cũng đều là khu (quận), huyện, huyện cấp thị (thành phố cấp huyện); chỉ khác ở chỗ chức quyền, bởi địa cấp thị do tỉnh quản lý, địa vị dưới tỉnh 1 bậc (cấp hành chính thứ hai), còn trực hạt thị do trung ương trực tiếp quản lý, địa vị ngang tỉnh (cấp hành chính thứ nhất).

Một địa hạt thị có lúc sẽ được chuyển đổi thành trực hạt thị và ngược lại.
Ví dụ, trước năm 1997, Trùng Khánh là địa hạt thị do tỉnh Tứ Xuyên quản lý, từ năm 1997 trở thành trực hạt thị.

Nam Kinh trước đây là địa hạt thị do Giang Tô quản lý, có một thời gian trở thành trực hạt thị, rồi sau lại trở thành địa hạt thị.


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện