Dưới ánh trăng đang lên, Ralf lao vút đi trong khu rừng bạch dương với nỗi lo lắng.
Để giữ thăng bằng, đôi chân giả làm bằng thép đàn hồi hình chữ J của Con Quỷ Trong Gió có bề mặt tiếp xúc đất khá lớn.
Mặc dù khi đi trên đường phẳng thì nó tạo ra cảm giác khá kỳ lạ, nhưng đáng ngạc nhiên là diện tích tiếp xúc lớn này lại giúp gã tương đối dễ dàng lướt đi trên mặt tuyết, đặc biệt là với khả năng khống chế gió của Ralf, quả thực là chẳng khác nào đi trên đất bằng.
Tuy nhiên, Ralf chưa bao giờ có kinh nghiệm lần theo dấu vết trong tuyết, cũng như chưa từng sống ở một nơi phủ đầy tuyết như phương Bắc.
Chỉ có thể chứng kiến tuyết rơi lẻ tẻ theo mùa ở Lãnh địa Trung Ương, và thời tiết ở năm tòa thành phía Đông Nam Liên minh Camus thì lại càng khô ráo và ấm áp.
Vì vậy, mặc dù là người đầu tiên phát hiện ra sự bất thường của cỗ xe của Serena và đuổi theo, nhưng Ralf vẫn gặp phải khó khăn cực lớn trong quá trình truy đuổi.
Dị năng điều khiển gió cho phép Ralf có thể đi lại dễ dàng, như cá gặp nước trong con phố Chợ Đỏ đông đúc và chật hẹp.
Và tốc độ của gã tại khu rừng bạch dương chằng chịt cây cối cũng không hề chậm tí nào.
Thế nhưng gã phải tìm thấy đứa trẻ kia.
Đứa trẻ đã mang lại cuộc sống mới cho Con Quỷ Trong Gió.
Ralf xuyên qua một rừng cây và nhìn thấy một mặt tuyết bằng phẳng ở phía trước.
Đôi mắt gã đột nhiên tập trung vào một chỗ!
Ralf run lên, đáp xuống mặt tuyết.
Dưới ánh trăng, một người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ nhẹ nhàng buông tay ra.
Một đứa trẻ tầm bảy, tám tuổi, với hai tay bị trói sau lưng, trượt khỏi tay nàng mà không có bất cứ phản ứng gì và rơi xuống mặt tuyết tựa như một con mồi đã bị giết hại.
Không nhúc nhích chút nào.
Người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ kia quay lại nhìn Ralf, rồi liếm môi và nở một nụ cười kỳ dị.
‘Không.’
Ralf khó mà tin nổi những gì mình vừa nhìn thấy.
Gã quỳ rạp xuống mặt tuyết và vươn đôi tay run rẩy về phía cậu bé đang nhắm nghiền mắt kia.
‘Không có hơi thở.’
‘Không có nhịp tim.’
‘Không có tiếng mạch đập.’
‘Không.’
‘Đứa trẻ ấy.’
‘Đứa trẻ như một ông cụ non ấy.’
‘Đứa trẻ đã cho mình một sự lựa chọn.’
‘Đứa trẻ đã cứu mình khỏi vực sâu của sự tuyệt vọng.’
‘Đứa trẻ đã dạy chữ, dạy ngôn ngữ kí hiệu thần kỳ cho mình.’
‘Đã chết.’
‘Không.’
Ralf ngẩng đầu lên.
Biểu cảm trên nửa khuôn mặt bị che khuất sau chiếc mặt nạ của gã không rõ ràng.
“Sao?” Serena Corleone nghiêng đầu và chớp mắt đầy quyến rũ.
“Hmm, đến đây để tìm Thales bé bỏng à?”
Ralf siết chặt nắm đấm, từ từ đứng dậy.
Đôi mắt tràn ngập lửa giận và lòng căm thù của gã nhìn chằm chằm vào người phụ nữ xinh đẹp kia.
“Rất xin lỗi, nhưng mà nó ngủ mất rồi.” Serena cười khúc khích.
“Tìm nó trong kiếp sau nhé.”
Trên mặt tuyết bỗng nổi một cơn gió lớn.
Serena bỗng biến sắc!
Gió càng lúc càng mạnh.
Bông tuyết bay tán loạn quanh bộ quần áo xộc xệch của gã.
Ralf nhìn chằm chằm vào Serena.
Gã không biết người phụ nữ đứng trước mặt này mạnh đến cỡ nào.
Nhưng gã sẽ dùng mọi khả năng để cô ta phải trả cái giá lớn nhất có thể.
‘Như vậy thì món nợ mình nợ đứa trẻ kia.’
‘Sẽ trả hết.’
Tuy nhiên, chỉ ngay giây phút tiếp theo, Ralf hoảng sợ phát hiện ra rằng cả người mình cứng đờ.
Không thể di chuyển.
‘Chuyện gì thế?’
Gã đảo mắt.
‘Là… người phụ nữ này?’
Serena cười phá lên đầy thích thú.
Nàng chưa bao giờ rời mắt khỏi Ralf để duy trì “Ánh Mắt Hóa Đá”.
“Đám trẻ thời này”, nàng bĩu môi và lắc đầu như thể đang thất vọng, rồi tặc lưỡi và nói với Ralf đang cứng đờ tại chỗ.
“Đánh nhau đều cần dùng não à?”
………
‘Tối quá.’
‘Đen quá.’
‘Không cảm nhận được thời gian.’
‘Cũng không cảm nhận được không gian.’
‘Tại sao đột nhiên lại sáng?’
‘Sáng quá, chói mắt quá.’
‘Đây là đang… nhớ lại?’
‘Nhiều ký ức quá.’
Từng cảnh tượng quen thuộc, hoặc xa lạ vụt nhanh trước mắt cậu.
Nó vô cùng hỗn loạn.
Cuối cùng chỉ còn lại một giọng nói lộn xộn.
[Định lý giới hạn trung tâm cung cấp đầy đủ cơ sở cho việc lấy mẫu ngẫu nhiên của chúng ta… Tập trung vào! Nếu học giỏi những điều này thì sau khi ra trường, ít nhất thì các anh chị cũng có thể xin vào bất kỳ Phòng Nghiên cứu thị trường của hầu hết các công ty…]
‘Đây là cái gì?’
[Tập Nhân, nếu đến một thế giới khác đang chờ được giải cứu, thì liệu cậu sẽ cố gắng để trở nên mạnh mẽ hơn, làm ruộng, phát triển khoa kỹ, hay tranh bá tứ phương… Cậu có muốn thay đổi nó không? – Bỏ đi, từ trước đến giờ chưa ai có thể nắm bắt được những thay đổi của xã hội… Trừ phi mình là Thần Sáng Thế… – Được rồi, kết luận là: vấn đề cậu hỏi này không có nghĩa.
– Ánh mắt chứa đầy sự khinh bỉ kia là cái gì thế?]
Giọng nói rất quen thuộc…
[Các vấn đề về giai cấp thường được kết hợp với bất bình đẳng, giáo dục, thu nhập, vốn, đây đều là những thuật ngữ phổ biến… Blau và Duncan, hãy nhớ hai vị học giả này.
Họ sẽ là cơn ác mộng của các anh chị trong hai năm tới… Trong thời đại này của chúng ta, nếu như không biết sử dụng Mô hình Tuyến tính Log thì đừng có mơ mà đi thực hiện phân tích về phân tầng xã hội…]
‘Lộn xộn quá… Tại sao chẳng có logic nào trong những tổ hợp này?’
[Đừng có bối rối như vậy! Nói một câu thôi, chúng ta có đến với nhau không… Cậu nhíu mày làm cái gì?]
‘Tại sao tất cả mọi thứ giống như đã từng quen, nhưng lại cứ như thể bị ngăn cách bởi một lớp sương mù…’
[Chìa khóa Mô hình hồi quy Logistic chính là hàm xác suất này, Mô hình Probit thực ra rất giống với nó… Nếu bạn chỉ hiểu về hồi quy tuyến tính thông thường chứ không hiểu về hồi quy logistic, thì đừng nói là mình đã từng học mô hình hồi quy… Không có nguyên nhân nào khác, chỉ là tôi cảm thấy làm như vậy rất xấu hổ…]
‘Mình đang ở đâu…’
[Mọi người đều coi ông ấy như một trong ba bậc thầy vĩ đại, nhưng so với lập luận khoa học và luận chứng phong phú của Weber thì những tư tưởng triết học mà ông ấy nghĩ ra khi còn ngồi trên ghế nhà trường chẳng khác nào… Một số học giả cấp tiến, bao gồm cả tôi, cho rằng đây chẳng khác nào một sự sỉ nhục đối với ngành học của chúng ta…]
‘Đây là cái gì… Tại sao những cái tên đó lại quen thuộc quá…’
[Mạng xã hội one-mode có thể được mô phỏng bởi một ma trận đối xứng, còn mạng xã hội two-mode thì sẽ phức tạp hơn một chút… Nhìn cái đống biểu cảm ngu xuẩn này, các anh chị chưa học đại số tuyến tính à… Chưa học toán cao cấp, thế mà cũng dám nghĩ rằng mình sẽ học giỏi môn này? Thối lắm!]
‘Khoan đã, hình như mình biết những thứ này… thậm chí đã từng học, từng viết, từng dạy…’
[Mẹ không biết làm việc vất vả như vậy để con đọc nhiều sách như thế thì có lợi ích gì, nhưng họ Ngô nhà chúng ta luôn nghĩ như này: Kiến thức có thể không phải lúc nào cũng hữu ích, nhưng nó luôn vô giá…]
‘Ai đang nói chuyện… Rốt cuộc những thứ này là cái gì!’
[Ví dụ như: giáo viên, vị trí trường học, tính chất lớp học, thu nhập của phụ huynh, các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh luôn đóng vai trò ở các mức độ khác nhau.
Một số ở cấp độ cá nhân, một số ở cấp độ lớp học, còn một số ở cấp độ trường học.
Nếu như không phân chia tác động ở các cấp độ khác nhau mà chỉ đơn giản giả định rằng chúng có cùng tác động xuyên suốt, thì kết luận được rút ra cho vấn đề “Kết quả học tập của học sinh bị ảnh hưởng bởi điều gì nhiều nhất” sẽ không có tính thuyết phục… Vì vậy, Mô hình hồi quy phân cấp thường được sử dụng trong sư phạm