Bỗng nghe đạo nhân đứng tuổi lên tiếng :
-Bần đạo là người tu hành, cữ uống rượu. Mối thịnh tình của Thành huynh, bần đạo xin tâm lĩnh.
Nho sĩ áo xanh tươi cười đứng dậy rót một chung rượu từ từ bước tới trước mặt đạo nhân đứng tuổi, nói :
-Ðạo huynh không uống thì ngửi một chút cũng chẳng hề chi. Tiểu đệ không dám nói khoe : trên cõi đời này khó còn một thứ rượu nào sánh kịp Mai hoa lộ của tiểu đệ.
Ðạo nhân đứng tuổi không lẽ chối từ thò tay ra đón lấy chung ngọc đưa lên mủi ngửi rồi nói :
-Quả là hảo tửu ! Bần đạo tuy không quen uống nhưng ngửi thấy hơi rượu thấm vào phế phủ cũng đủ biết đúng là thượng phẩm.
Bán Giới đại sư lại xen vào :
-Có để cho bản hòa thượng nếm thì mới định giá được.
Nho sĩ áo xanh cười nói :
-Ðạo huynh bất tất phải quan tâm. Tiểu đệ đã nói ra miệng dĩ nhiên còn bao nhiêu xin tặng đạo huynh hết.
Tiêu Lĩnh Vu thấy mấy người trong điện vì một bình rượu mà người chối kẻ đòi,trong lòng rất lấy làm kỳ. Tửu Tăng Bán Giới thèm khát thì nho sĩ áo xanh lại làm ngơ. Còn đạo sĩ lớn tuổi có ý chối từ thì chàng ta lại ráng khuyên mời.
Bỗng thấy đạo sĩ cầm chung rượu đưa trở lại nói :
-Rượu ngon kề miệng, đáng tiếc bần đạo không có phước tiêu thụ.
Nho sĩ áo xanh đón lấy chung rượu lại đưa tới gã đạo đồng áo đen mời :
-Tiểu đạo huynh ! Ðạo huynh thử nếm một chút xem sao ?
Ðạo đồng áo đen nghiêng đầu đi đáp :
-Tiểu đạo không thể ngửi được mùi rượu.
Nho sĩ áo xanh cười ha hả nói :
-Môn qui phái Võ Ðương thật là nghiêm cẩn đúng như lời đồn.
Tiêu Lĩnh Vu trước đã được nghe Vân Cô nói nhiều chuyện giang hồ. Chàng nhớ bà bảo đệ tử phái Võ Ðương toàn là người tốt, nay chàng thấy đạo nhân kia tiên phong đạo cốt, bất giác sinh lòng kính ngưỡng.
Nho sĩ áo xanh đưa chung rượu đến trước mặt Phạn Cái nói :
-Mấy năm nay tiểu đệ ít qua lại giang hồ nhưng đại danh của Thẩm huynh thường được nghe người ta đề cập tới.
Phạn Cái liếc mắt nhìn chung rượu hững hờ đáp :
-Lão khiếu hóa chỉ thích cơm chớ không ưa rượu. Hảo ý của Thành huynh, lão khiếu hóa xin tâm lãnh.
Nho sĩ áo xanh hơi biến sắc nói :
-Rượu Mai hoa lộ của tiểu đệ là thứ danh tửu đệ nhất đời nay. Nếu để lỡ dịp này e rằng Thẩm huynh không còn có cơ duyên nào được nếm thượng phẩm nữa.
Phạn Cái đáp :
-Phần rượu của lão khiếu hóa xin chuyển tặng cho Bán Giới sư huynh là được rồi.
Lão nói xong nhắm mắt lại không lý gì đến nho sĩ nữa.
Tửu Tăng Bán Giới rảo bước tới gần cười ha hả nói :
-Lão khiếu hóa suốt đời không biết mùi rượu, lão mũi trâu trì thủ môn qui thủy chung giới tửu. Xem chừng chỉ còn bản hòa thượng là đáng chọn mặt gửi vàng.
Bản hòa thượng coi rượu quí như mạng sống. Hể rượu ngon là uống dù trong rượu có chất độc làm đứt ruột gan cũng khẳng khái uống cho thật say để đi vào chỗ chết mà như vậy mới không đáng tiếc.
Nho sĩ áo xanh trầm ngâm một lúc, đột nhiên cười rộ nói :
-Ðúng lắm ! Phải biết chọn mặt gửi vàng. Bình Mai hoa lộ của tiểu đệ xin tặng đại sư và tặng luôn cái bình nữa.
Tửu Tăng Bán Giới đón lấy bình rượu ngữa mặt lên mà tu cho đến lúc không còn một giọt mới hạ mình xuống vừa cười vừa hô :
-Hảo tửu ! Chân hảo tửu !
Nho sĩ áo xanh để mặc cho Tửu Tăng Bán Giới reo hò, chàng ngồi xếp bằng thở phào một cái nói :
-Các vị không chịu nếm thứ Mai hoa lộ của tiểu đệ là sợ trong rượu có chất độc rồi.
Chàng nói câu này tựa hồ như để mình nghe lại tựa hồ để giải thích với mọi người.
Ðạo nhân đứng tuổi đột nhiên đứng dậy, cặp mắt lấp loáng chủ ý nhìn Tiêu Lĩnh Vu thủng thẳng hỏi :
-Tiểu thí chủ ! Phải chăng người Tiểu thí chủ không được khoan khoái ?
Tiêu Lĩnh Vu đã có một ấn tượng tốt đẹp với đạo nhân, liền gật đầu đáp.
-Tiểu tử quả có chút bệnh hoạn.
Ðạo nhân đứng tuổi cười nói :
-Bần đạo hiểu sơ qua về y thuật xin chẩn mạch dùm tiểu thí chủ.
Mục quang đạo nhân chú ý ngó vào mặt Phạn Cái để điều tra tình hình biến hóa.
Tiêu Lĩnh Vu tuy là người thông minh tuyệt đỉnh, nhưng cũng không tài nào hiểu được những mưu cơ trá hiểm trên chốn giang hồ. Chàng liền đáp :
-Hay lắm ! Tiểu đệ xin cám ơn đạo trưởng trước.
Ðạo nhân đứng tuổi đứng yên không nhúc nhích dường như còn chờ đợi gì.
Bỗng nghe Phạn Cái thở dài đáp :
-Lão khiếu hóa đã vì thằng nhỏ này mà vất vả suốt một ngày một đêm nhưng gã vẫn chưa hoàn toàn hồi phục như trước. Nếu đạo trưởng chịu giúp dùm cho thì lão khiếu hóa cảm kích vô cùng.
Ðạo nhân tủm tỉm cười hỏi :
-Bần đạo bất quá hiểu chút y đạo mà thôi. Cứ coi bề ngoài thì thương thế của tiểu thí chủ này dường như bởi chân tiên thiên khiếm khuyết và mới đây lại bị ngoại thương thành ra nội thương phát tác.
Phạn Cái ngắt lời :
-Ðúng thế ! Gã bị điểm huyệt thái ất ở Dương minh vị kinh làm phát động đến tiên thiên. Nếu bị thương nặng chỉ bảy ngày là uổng mạng, mà nhẹ thì người thành tàn phế. Lão khiếu hóa không hiểu y đạo chỉ coi bề ngoài mà biết vậy.
Ðạo nhân đứng tuổi cười nói :
-Thẩm huynh nói câu nào cũng trúng. Bần đạo rất lấy làm hổ thẹn không làm cho tiểu thí chủ bình phục như cũ được. Nếu Thẩm huynh ưng để cho bần đạo đưa chú nhỏ đi, thì bần đạo trở về Võ Ðương ngay xin chưởng môn sư huynh trị thương cho y. Tiện huynh y lý tinh vi mà công lực cũng thâm hậu gấp mười bần đạo chắc không đến nỗi lở việc.
Phạn Cái đột nhiên mở to mắt ra, thần quang lấp loáng ngó vào mặt đạo nhân nói chậm rải từng tiếng :
-Vân dương tử lão khiếu hóa quá nửa đời bôn tẩu giang hồ, trãi bao nhiêu sóng to gió cả, chẳng lẽ chịu để đắm thuyền trong ngòi lạch ?
Vân Dương Tử tủm tỉm cười đáp :
-Bần đạo dù có chỗ dụng tâm nào khác thì cũng chữa khỏi thương thế cho y đã,quyết chẳng sai lời.
Phạn Cái đột nhiên nhắm mắt lại nói :
-Ðược rồi ! Vậy đạo huynh đem y đi.
Vân Dương Tử vẩy tay một cái. Tên đạo đồng áo đen liền nhẩy tới cúi xuống bồng Tiêu Lĩnh Vu dậy rồi chạy ra ngoài điện.
Nho sĩ áo xanh cười lạt gọi :
-Vân Dương đạo huynh !
Ðoạn chàng xòe tay trái một cái. Hán tử người vừa đen vừa thấp lùn theo sau chàng đột nhiên nhẩy vọt lên cản đường đạo đồng áo đen.
Vân Dương Tử rung động hai vai chạy lẹ đến trước mặt đạo đồng lạnh lùng hỏi :
-Phải chăng Thành huynh muốn làm khó dễ với bần đạo ?
Nho sĩ áo xanh cười lạt đáp :
-Cái đó tiểu đệ không dám. Ha ha ! Trong võ lâm còn ai không biết tiếng Vân Dương đạo huynh ?
Tiêu Lĩnh Vu thấy mấy người này có ý muốn tranh đoạt chàng thì trong lòng vừa rất lấy làm kỳ, lại vừa buồn cười, tự hỏi :
-Tiêu Lĩnh Vu này sao lại được bọn họ coi trọng như vậy ?
Bỗng thấy Vân Dương Tử vung cây phất trần lên nói :
-Thành huynh đã không có ý làm khó dễ bần đạo thì thật là may.
Nho sĩ áo xanh cười lạt hỏi :
-Tiểu đệ tuy không muốn làm khó dễ với Vân huynh, nhưng chẳng phải vì khiếp sợ thinh danh của phái Võ Ðương cùng thanh trường kiếm ở trong tay Vân Dương đạo huynh đâu.
Vân Dương Tử hơi nhíu cặp lông mày nhưng rồi y lại nín nhịn, hỏi :
-Thành huynh muốn chỉ giáo điều chỉ ? Bần đạo rửa tai để nghe đây.
Nho sĩ áo xanh dương mắt lên ngó Tiêu Lĩnh Vu hồi lâu rồi hỏi lại :
-Vân Dương đạo huynh không ngại đường xa ngàn dặm đưa chú nhỏ này về tới Võ Ðương để chữa bệnh cho gã ư ?
Vân Dương Tử đáp :
-Ðúng thế !
Nho sĩ áo xanh hỏi :
-Cứu bệnh như cứu hỏa. Chú nhỏ này đã mắc bịnh nặng thì chịu sao nổi cuộc bôn ba ngàn dặm ?
Vân Dương Tử đáp :
-Bần đạo tự có kế hoạch. Thành huynh bất tất phải nhọc lòng ?
Nho sĩ áo xanh cười nói :
-Tiểu đệ coi chừng không được.
Vân Dương Tử hỏi :
-Sao lại không được ?
Nho sĩ áo xanh đáp :
-Tiểu đệ tuy bất tài nhưng cũng hiểu y lý. Bệnh thế chú nhỏ này, tiểu đệ có thể chữa được, bất tất phải lặn lội đường xa ngàn dặm lên núi Võ Ðương.
Vân Dương Tử nói :
-Bần đạo đã được Thẩm huynh đồng ý. Vậy Thành huynh muốn dúng tay vào can thiệp là có dụng ý gì ?
Nho sĩ áo xanh cười lạt đáp :
-Cứu mạng người, tiểu đệ không chịu đi sau ai.
Tiêu Lĩnh Vu trong lòng rất lấy làm kỳ, bụng bảo dạ :
-Bọn họ cãi lui cãi tới chỉ vì muốn chữa bệnh cho ta. Hạng người tử tế này thật là hiếm có !
Vân Dương Tử nghiêm sắc mặt lạnh lùng nói :
-Y thuật của bần đạo e rằng chẳng kém gì Thành huynh, nhưng cũng tự biết không thể chữa lành bệnh cho tiểu thí chủ đây được. Chỉ sợ Thành huynh quá đề cao y thuật của mình.
Nho sĩ áo xanh cười hỏi :
-Tiểu đệ được bạn đồng đạo võ lâm kêu bằng Bách thủ xão y chẳng lẽ cái ngoại hiệu đó là uổng lắm sao ?
Vân Dương Tử nói :
-Bần đạo chỉ nghe nói đến cái tên Bách thủ thư sinh của Thành huynh, chứ chưa từng nghe thấy ai kêu bằng Bách thủ xảo y.
Nhơ sĩ áo xanh cười nói :
-Ðạo huynh đã không tin y thuật của tiểu đệ. Vậy tiểu đệ hãy thí nghiệm ngay đương trường cho đạo huynh coi, được chăng ?
Vân Dương Tử hửng hờ đáp :
-Ðời người chỉ có chết một lần. Việc trọng đại như vậy đâu có thể đem ra làm trò chơi thí nghiệm ?
Nho sĩ áo xanh quay lại ngó Tửu Tăng Bán Giới một cái thì thấy hai tay lão vẫn ôm cái bình ngọc Mai hoa lộ, hơi thở ồ ồ, tựa hồ người say rượu đi vào cỏi mộng.
Chàng liền mạnh dạn lớn tiếng :
-Chú nhỏ này phải chăng là đệ tử phái Võ Ðương ?
Vân Dương Tử đáp :
-Tuy y không phải là môn hạ phái Võ Ðương, nhưng bần đạo đã chịu lời ủy thác của người ta thì phải hết lòng hết sức.
Nho sĩ áo xanh cuời hỏi :
-Ðạo huynh chịu lời ủy thác của ai ?
Vân Dương Tử dường như không muốn trở mặt với Bách thủ thư sinh để thành to chuyện, song muốn nhẫn nại cũng không nhẫn nại được liền hỏi :
-Cái đó Thành huynh đã mắt thấy tai nghe là bần đạo chịu lời ủy thác của Thẫm đại hiệp đưa tiểu thí chủ về núi Võ Ðương để điều trị cố tật.
Nho sĩ áo xanh cười nói :
-Ðạo huynh nói vậy thì nếu được Thẩm huynh ưng chịu, đạo huynh sẽ để chú em này lại cho tại hạ hay sao ?
Vân Dương Tử hắng dặng một tiếng chưa kịp trả lời thì nho sĩ áo xanh lại cất cao giọng :
-Nếu Thẩm huynh tin được y đạo của tiểu đệ. Lập tức tiểu đệ ra tay trị thương thế cho y.
Tiêu Lĩnh Vu nhìn kỹ chàng nho sĩ áo xanh thấy y tuy ngũ quan đoan chính,nước da trắng mịn, nhưng hai mắt lấp loáng và giữa cặp lông mày có ẩn hiện một làn hắc khí thì trong lòng không thích. Chàng sợ Phạn Cái ưng chịu lời yêu cầu của
nho sĩ áo xanh liền lớn tiếng :
-Thẩm bá bá ! Tiểu điệt không muốn y trị thương thế và xin đi theo đạo trưởng.
Nho sĩ áo xanh chớp mắt mấy cái. Hai luồng hào quang âm thầm lạnh lẻo chiếu ra, lạnh lùng nói :
-Núi Võ Ðương cách đây xa lắm e rằng chú lên núi Võ Ðương sẽ bị trọng bệnh phát tác mà chết dọc đường thì làm thế nào ?
Tiêu Lĩnh Vu đáp :
-Tiểu tử có chết cũng không liên quan gì đến các hạ.
Nho sĩ áo xanh chau mày tựa hồ muốn nổi nóng. Bỗng nghe Phạn Cái lạnh lùng lên tiếng :
-Lão khiếu hóa đã ủy thác gã nhỏ cho Vân Dương đạo huynh đưa về núi Võ Ðương. Ai ngăn trở là cố ý làm khó