Liễu Tiên Tử nhìn Trang Sơn Bối đáp:
-Không hề chi. Chẳng ngờ hắn lại là con người ti tiện đến thế! Sau này nếu còn chạm trán quyết chẳng buông tha.
Trang Sơn Bối mỉm cười nói:
-Hắn chuồn vào cửa Không cũng chẳng ngoài mục đích bịp bợm để nương tử coi mà thôi.
Lão ngừng lại một chút rồi tiếp:
-Như vậy cũng hay. Nam huynh tuy bị thương một chút nhưng giải trừ được mối oán hận giữa chúng ta từ mấy chục năm nay. Vậy y bị thương cũng đáng.
Liễu Tiên Tử đưa mắt ngó Tiêu Lĩnh Vu lảng sang chuyện khác:
-Anh đồ gàn! Anh coi tư chất Vu nhi thế nào?
Trang Sơn Bối đáp:
-Gã là nhân tài hiếm có ở đời.
Liễu Tiên Tử hỏi:
-Vậy mà sao lão không thành toàn cho gã?
Trang Sơn Bối cười đáp:
-Tiểu đệ đã nhận lời với Nam huynh truyền thụ những điều sở học cho gã. Tiên Tử còn muốn tiểu đệ thành toàn cách nào nữa?
Liễu Tiên Tử nói:
-Lão đã có lòng yêu thương sao không thu nạp gã vào môn trường?
Mụ quay lại bảo Tiêu Lĩnh Vu:
-Thằng nhỏ ngốc dại kia! Còn chờ gì nữa mà chưa làm lễ bái kiến sư phụ?
Tiêu Lĩnh Vu dạ một tiếng rồi sụp lạy Trang Sơn Bối, làm lễ bái sư.
Liễu Tiên Tử cười nói:
-Vu nhi tuy là nghĩa tử của Nam huynh nhưng là đồ đệ của lão. Nếu ngày sau gã không đánh nổi người là tội ở lão không dạy cho đến nơi.
Trang Sơn Bối nét mặt nghiêm trang chắp tay xá dài nói:
-Mong rằng Liễu Tiên Tử cũng hết lòng cho.
Liễu Tiên Tử cười nói:
-Lão thân biết được đến đâu quyết truyền dạy cho kỳ hết chứ không dấu diếm.
Mụ chưa dứt lời đã nhảy vọt ra xa ngoài hai trượng.
Trang Sơn Bối lắc đầu nói:
-Lúc giận thì như dùi đâm vào trái tim mà lúc thương yêu thì ngọt như mía lùi.
Bà này đúng là đàn bà.
Tiêu Lĩnh Vu tuy sinh lòng hoài nghi mà không dám hỏi, chỉ ôm trong bụng.
Trang Sơn Bối quay lại nhìn Tiêu Lĩnh Vu nói:
-Ði coi nghĩa phụ ngươi xem sao?
Hai người tiến vào căn nhà gỗ thấy Nam Dật Công nằm trên giường cây. Liễu Tiên Tử đứng bên giường đang vận nội công thúc đẩy vào huyệt đạo để trị thương cho lão.
Liễu Tiên Tử thấy hai người vào, mụ mỉm cười vẫn không dừng tay.
Trang Sơn Bối nhìn sắc mặt Nam Dật Công cười nói:
-Thương thế của Nam huynh tuy không có gì đáng ngại nhưng cũng nên điều dưỡng dăm ba ngày mới có thể phục hồi thần công. Tiểu đệ dẫn Vu nhi tạm trú tại căn thạch thất của Nam huynh.
Liễu Tiên Tử dừng tay cười đáp:
-Gã là đồ đệ của lão, lão muốn đưa đi đâu thì đưa.
Trang Sơn Bối mỉm cười dắt Tiêu Lĩnh Vu rời khỏi căn nhà gỗ. Năm bữa sau Nam Dật Công và Liễu Tiên Tử song song đi tới thạch thất. Tiêu Lĩnh Vu đang hành công đến lúc khẩn yếu, chàng biết nghĩa phụ vào nhà mà không dám đứng lên bái kiến.
Trang Sơn Bối thấy Nam Dật Công đã hoàn toàn bình phục, tinh thần tráng kiện,người lão dường như trẻ lại khá nhiều. Lão biết cặp sư huynh sư muội này mấy chục năm nay oán hận nhau, nay đã tiêu giải hết. Có điều đáng tiếc là tuổi thanh xuân không thể vãn hồi được. Thời gian trôi qua không trở lại. Hai người đều tuổi ngoại sáu mươi. Bóng chiều tuy đẹp nhưng đã gần tới lúc hoàng hôn.
Nam Dật Công thấy Tiêu Lĩnh Vu luyện công cần mẫn thì trong bụng mừng thầm. Lão dắt Liễu Tiên Tử, khẽ nói:
-Chúng ta không nên quấy rối buổi học của đồ đệ Trang huynh.
Rồi hai người song song trở gót.
Ngày tháng thoi đưa. Tiêu Lĩnh Vu được sư phụ, nghĩa phụ và Liễu Tiên Tử đốc thúc nghiêm mật rèn luyện mấy năm. Tuy chân hoả hậu của chàng hãy còn sút kém nhưng đã thụ lãnh hết chân truyền về yếu quyết võ công của ba người.
Một hôm Tiêu Lĩnh Vu luyện kiếm xong quay vào thạch thất thấy Trang Sơn Bối ngồi xếp bằng dương mắt lên dường như đang chờ chàng. Tiêu Lĩnh Vu đặt đoản kiếm xuống, sụp lạy hỏi:
-Sư phụ! Sư phụ có điều chi dạy bảo đồ nhi?
Trang Sơn Bối gật đầu hỏi lại:
-Vu nhi! Ngươi có nhớ ở trong sơn động này đã bao lâu rồi không?
Tiêu Lĩnh Vu ngưng thần ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:
-Ðã được hơn năm năm.
Trong thời gian này bất luận ngày đêm, mưa nắng, chàng khổ công rèn luyện các môn thần công. Thời giờ vun vút trôi qua, chàng cơ hồ quên hết, phải ngẫm nghĩ lâu mới tính ra được.
Trang Sơn Bối nói:
-Ðúng thế! Hơn năm năm rồi. Vậy ngươi nên trở lại giang hồ cho thêm phần lịch duyệt.
Tiêu Lĩnh Vu ngơ ngác nói:
-Võ công của đệ tử chưa được thành tựu.
Trang Sơn Bối lắc đầu nói:
-Học nghệ chẳng bao giờ hết được. Ngươi có ở lại năm năm nữa cũng vẫn cảm thấy võ công mình chưa đến trình độ tuyệt vời. Thực ra ngươi đã hấp thụ hết những môn tuyệt học của ba chúng ta rồi. Bây giờ chỉ cần tự mình rèn luyện khắc khổ cũng đủ tiến bộ.
Tiêu Lĩnh Vu để hết tâm trí vào việc luyện võ, không lưu tâm gì đến sự vật xung quanh. Bây giờ chàng nghĩ kỹ lại mới nhớ ra sư phụ, nghĩa phụ và Liễu Tiên Tử gần nửa năm nay rất ít khi rời khỏi căn nhà gỗ và toà thạch thất. Chàng ngấm
ngầm cảm thấy ba người đã già đi nhiều rồi.
Chàng ngửng đầu lên nhìn thấy mái tóc xanh của sư phụ đã biến thành hoa râm thì trong lòng không khỏi bồi hồi.
Chàng khẽ cất tiếng gọi:
-Sư phụ!...
Trang Sơn Bối bỗng trừng mắt lên ngắt lời:
-Nghĩa phụ ngươi và Liễu Tiên Tử đang chờ ngươi ở trong nhà gỗ, ngươi mau đến đó bái biệt. Bữa nay ngươi sẽ rời khỏi hang này trước khi mặt trời lặn.
Mấy lời đanh thép khiến Tiêu Lĩnh Vu không dám nói gì nữa. Chàng sụp lạy ba lạy rồi rời khỏi căn nhà đá đi về phía nhà gỗ.
Cửa nhà mở rộng. Nam Dật Công và Liễu Tiên Tử sóng vai ngồi xếp bằng trên giường.
Nam Dật Công râu tóc bạc phơ, da mặt khô đét vàng khè tựa hồ bị bệnh nặng mới khỏi.
Liễu Tiên Tử ngày trước dong mạo diêm dúa nay cũng biến đổi rất nhiều. Sắc mặt lợt lạt dăn deo. Còn đâu tươi đẹp như hồi chàng mới đến?
Ba người ở chốn hang sâu này mấy chục năm trời, tỷ võ mấy chục lần nhưng tuổi thanh xuân trước vẫn giữ được.
Nam Dật Công tuy tóc bạc mà da dẻ hồng hào.
Trang Sơn Bối mái tóc xanh rì, mặc áo nho sinh coi như người lối bốn mươi tuổi.
Liễu Tiên Tử giỏi thuật trụ nhan, tươi đẹp như một thiếu phụ còn xanh hơ hớ.
Nhưng ngày nay ba người hiển nhiên đã biến thành già nua, lâm vào tình trạng ngọn đèn tàn trước gió, chẳng hiểu tắt lúc nào.
Tiêu Lĩnh Vu rất đỗi thương tâm. Hai hàng nhiệt lệ bất giác trào ra.
Nam Dật Công khẽ buông tiếng thở dài nói:
-Hài tử! Ðừng khóc nữa. Trong thiên hạ tiệc vui nào cũng đi đến lúc giải tán.
Ngươi ở trong hang sâu này đã năm năm có lẻ, nên ra ngoài coi cảnh vật xem sao...
Lão thò tay với lấy chiếc bọc màu vàng ở đầu giường nói:
-Ðây là những vật quý nhất đời của Liễu cô mẫu, nay tặng cho ngươi hết để làm hành trang.
Tiêu Lĩnh Vu nói:
-Vu nhi năm năm trời ngày đêm luyện võ chưa tỏ được chút hiếu tâm. Xin cho Vu nhi ở lại ba ngày gọi là hết tình hiếu đạo cùng nghĩa phụ cùng cô mẫu.
Liễu Tiên Tử lắc đầu mỉm cười đáp:
-Hài tử! Ngươi có lòng như vậy thật là quý hoá. Nhưng bữa nay ngươi rời khỏi nơi đây là một việc chúng ta đã quyết định từ nửa năm trước. Nghĩa phụ, sư phụ ngươi cùng ta đã thảo luận lưu ngươi lại đến bữa nay. Hỡi ôi! Hài tử! Chúng ta đã tận tâm kiệt lực rồi. Chỉ lưu ngươi lại một giờ nữa...
Bà khẽ buông tiếng thở dài cất giọng từ ái nói tiếp:
-Trong bọc này có một tấm địa đồ do thủ bút của sư phụ ngươi vẽ ra trỏ rõ đường xuống núi. Ngoài ra còn cái bao tay bằng da con Giao Long ngàn năm có thể tránh được đao kiếm. Ðó là vật trân quý nhất đời ta, ta cũng cho ngươi để phòng khi dùng đến. Sau nữa là hai viên linh đan có công hiệu khởi tử hồi sinh, cùng trị thương trừ độc. Ngươi cất giữ cẩn thận đi rồi sắp sửa lên đường.
Tiêu Lĩnh Vu xách bọc vải vàng lên, dùng dằng không nỡ rời tay. Chàng đứng tựa cửa gạt lệ chưa chịu bước đi.
Nam Dật Công đột nhiên trừng mắt lên quát hỏi:
-Thằng ngốc kia! Sao không chịu thượng lộ? Còn quyến luyến gì nữa?
Tiêu Lĩnh Vu chấn động tâm thần sụp lạy từ biệt nói:
-Nghĩa phụ cùng cô mẫu hãy trân trọng. Vu nhi xin cáo từ.
Chàng lảo đảo bước ra khỏi căn nhà gỗ.
Liễu Tiên Tử vẫy tay một cái, hai cánh cửa đóng sập lại.
Tiêu Lĩnh Vu ngơ ngẩn quay về hướng căn nhà lạy hai lạy rồi mới ra đi.
Ðột nhiên chàng nhớ ra chưa cáo biệt sư phụ liền lật đật chạy vè nhà đá thì thấy trống rỗng. Trang Sơn Bối không biết đã bỏ đi đâu rồi.
Tiêu Lĩnh Vu trong lòng đau khổ. Chàng đi quanh thạch thất một lượt rồi uể oải cất bước.
Tiêu Lĩnh Vu hôm nay đã thành một tay cao thủ bậc nhất võ lâm, khác hẳn ngày mới đến. Chàng đề tụ chân khí tung mình trèo lên sườn núi dựng đứng cao hàng trăm trượng.
Trên đỉnh núi băng vẫn đóng nguyên như cũ. Nhưng ngày nay bóng chàng phản chiếu rất rõ. Chàng đã biến thành người khác, không còn là đứa con nít mà biến ra thành trang thiếu niên anh tuấn hiên ngang tấm thân 7 thước.
Tiêu Lĩnh Vu ngó quần áo mới nhớ tới bấy lâu nay mình không mặc áo, toàn thân chỉ đeo một chiếc quần đùi.
Chàng mặc quần áo vào, ngó lại Tam thánh cốc một lần nữa. Hoa cỏ trong hang vẫn xinh tươi như ngày mới đến. Chàng nhớ lại hơn năm năm trời chưa gặp lúc nào cỏ hoa tàn tạ thì nghĩ thầm:
-Té ra cây cỏ trong hang này tứ thời bát tiết quanh năm như mùa xuân.
Chàng lại lạy hang núi ba lạy miệng lầm rầm cầu chúc:
-Ba vị lão nhân gia sống lâu muôn tuổi!
Ðoạn chàng đứng dậy theo chỉ thị trong đồ hình xuống núi.
Trang Sơn Bối hoạ địa đồ rất rõ. Tiêu Lĩnh Vu theo đó mà rong ruổi. Chàng đi một đêm và nửa ngày. Sáng hôm sau mới ra khỏi khu vực núi non. Nhác trông nước chảy cuồn cuộn, chàng đã tới bờ sông Trường Giang.
Tiêu Lĩnh Vu nhìn dòng nước đục chảy ngang trời trong lòng nảy ra vô ngàn cảm khái. Chàng hồi tưởng lại lúc rớt xuống sông hãy còn rõ ngay trước mắt, mà đã cách đây năm năm rồi.
Quãng thời gian năm năm trong đời người không phải là ngắn ngủi. Chàng nhớ tới Khâu tỷ tỷ, không hiểu có được bình yên chăng? Bất giác chàng ngửa mặt hú lên một tiếng rồi bon bon chạy về phía trước.
Vừng thái dương bò lên gần đỉnh đầu. Tiêu Lĩnh Vu vẫn ra sức chạy. Chàng không hiểu đã đi được bao nhiêu đường đất, bỗng thấy người đi đường chen vai thích cánh, thì ra đây là một toà thị trấn nhiệt náo.
Trong địa đồ Trang Sơn Bối chỉ vẽ đường ra khỏi khu vực núi non. Còn ngoài ra không chua rõ nên chẳng hiểu đây là đâu. Chàng tiến vào khu nhiệt náo, thấy mùi rượu bốc lên xông vào mũi.
Chàng đang đói ngấu, ngửng đầu nhìn thấy một toà tửu lâu cao lớn sừng sững trước mặt. Chàng liền bước vào.
Tửu quán này làm ăn hưng thịnh. Mười mấy bàn đều có khách ngồi đầy.
Tiêu Lĩnh Vu quần áo đã cũ mèm, rách mướp, lại không hợp với thân mình. Cặp giò chàng hở ra, chân đi dép cỏ, chính chàng dùng những dây rừng chế ra. Ðôi dép này chàng đi suốt ba ngày trời đã rách tan.
Thực khách trong tiệm toàn là những người đi xe, đi ngựa, đi thuyền tới. Họ thấy Tiêu Lĩnh Vu chân trần dép cỏ, áo quần không được tề chỉnh đã có ý khinh khi.
Lại gặp lúc giữa trưa nhà hàng đang bận bịu túi bụi, chẳng ai lý gì đến chàng.
Tiêu Lĩnh Vu chưa hiểu lòng người nóng lạnh, chàng cho là những gia nhân đang mải mê nấu nướng dọn bàn không rảnh để đón tiếp chàng. Chàng thấy dưới nhà đông khách quá liền cất bước lên lầu.
Quang cảnh trên lầu khiến cho Tiêu Lĩnh Vu phải ngạc nhiên. Bàn ghế sạch như chùi mà không một thực khách. Trong lòng buồn bực, chàng nghĩ thầm:
-Dưới nhà chật ních không còn bàn nào