Ngồi xe đến chân núi, Bộc Dương có chút lưu ý tới địa hình xung quanh mới phát hiện Mang Sơn cách chỗ nàng gặp chuyện khá xa. Không trách được tại sao Trương Đạo Chi điều tra cẩn thận nhưng lại không nghĩ tới Mang Sơn.
Xuống xe, nàng không ngồi kiệu mà đi bộ, dọc theo thềm đá đi lên trên núi.
Lạc Dương có khí hậu khô ráo, ngày xuân nhiều gió, vừa vào mùa hè thì trời nắng chói chang không dứt. Chỉ mới đi vài bước đã có cảm giác nóng bức, cũng may là mấy ngày nay trời có đổ mưa xuống khiến cho khí trời thoáng đãng hơn, còn có chút mát mẻ không khiến những người đi hôm nay cảm thấy quá mệt mỏi.
Bộc Dương rất có hứng thú đi dưới bóng cây. Mang Sơn cũng giống như những ngọn núi khác, rừng sâu với nhiều cây cối, trong núi chim bay thành đàn, đôi khi có sóc, thỏ linh tinh chạy nhảy qua lại.
Đi hết các bật của thềm đá cũng không tới được giữa sườn núi, đoạn đường tiếp theo là đường đất dốc đứng lên, khó đi hơn rất nhiều.
Thái giám sợ Bộc Dương mệt, khuyên nàng nghỉ một chút.
Bộc Dương ngẩng đầu, nhìn đường núi gập ghềnh, lại đi vài bước nhìn về phía trước. Xa xa là màu xanh của rừng cây rậm rạp, một màu xanh trải dài như vậy cũng khiến người hoang mang không biết còn phải đi bao lâu.
Vết thương vừa khỏi, nàng thật sự không thích hợp đi đường xa mệt mỏi như vậy. Nghĩ một chút, Bộc Dương mới tìm một tảng đá to ngồi nghỉ, rồi sau đó tiếp tục lên đường.
Bộc Dương cũng không miễn cưỡng bản thân, mệt thì nghỉ, khỏe rồi lại đi. Vừa đi vừa nghỉ cũng đã gần tới nhà tranh của Vệ Tú. Lúc này, nàng lại nhìn thấy một thiếu niên thanh tú đi cùng hai tên tùy tùng, dáng vẻ thư sinh, bước đi nhẹ nhàng khoan thai, từng bước từ xa tiến lại gần.
"Nơi ở của tiên sinh sao có người khác?" Bộc Dương thầm nghĩ nhưng chân không dừng bước.
Mang Sơn rậm rạp mênh mông, thế núi hiểm trở cùng rừng xanh thăm thẳm, đường núi khúc khuỷu quanh co, đi bộ lên núi tốn rất nhiều sức lực. Bộc Dương đi tới đây đã gần như là sức cùng lực tận, nhưng nàng vẫn điều chỉnh hô hấp cùng bước chân của mình, quần áo lất phất bay, dáng vẻ đoan trang.
Thiếu niên nhìn thấy Bộc Dương từ từ tiến tới, sắc mặt nhìn rất vui vẻ, càng bước nhanh tới chỗ nàng hành lễ. Chỉ là một thủ lễ đơn giản nhưng trên mặt giữ nụ cười tươi sáng lại có vẻ rất thân mật.
"Công chúa biểu tỷ sao lại đến đây?" Thiếu niên vừa hỏi xong đã nhìn thấy phía sau nàng là vài tên thái giám đang ôm lễ vật, cũng tự hiểu lại cười nói "Hóa ra tỷ đích thân tới ban thưởng cho Vệ tiên sinh."
Bộc Dương vừa nhìn thấy hắn, trong lòng đã dấy lên một tầng lo lắng nhưng trên mặt vẫn tươi cười.
"Biểu đệ sao cũng tới đây?"
Thiếu niên này là biểu đệ của Bộc Dương, Vương Thuần, thứ tử của Vương Cổn, trong nhà đứng hàng thứ năm. Bộc Dương và nhà cậu nàng xưa nay thân cận, chơi cùng với mấy vị huynh đệ tỷ muội đều rất tốt, cho nên Vương Thuần không sợ nàng chút nào. Tuy ngoài miệng gọi nàng một tiếng biểu tỷ nhưng thật sự hắn chỉ sinh sau Bộc Dương mười ngày thôi, là người gần bằng tuổi nàng nhất trong mấy vị huynh đệ tỉ muội trong nhà.
Hoàng đế cũng từng muốn Bộc Dương gả cho Vương gia, chủ yếu là do Vương gia thuộc họ ngoại của nàng, sẽ không bạc đãi nàng, nàng cũng thoải mái hơn một chút. Sau này không biết tại sao Hoàng đế lại cảm giác Vương Thuần không xứng với Bộc Dương, công tử nhà nào cũng không thể xứng với Bộc Dương, Hoàng đế liền giữ nàng lại. Những vị công chúa khác đều đã xuất giá từ năm mười lăm, mười sáu tuổi, Bộc Dương năm nay đã mười bảy vẫn còn ở trong cung. Nàng cũng không gấp, lại thích lưu lại Tuyên Đức điện cùng phụ hoàng của mình nói chuyện phiếm, trò chuyện nhiều cũng có nói tới chính sự.
Hoàng đế thấy nàng thích, cũng biết nàng xưa nay hiểu rõ cái gì có thể nói cái gì không nên nói, hơn nữa, Hoàng đế cho rằng tuy Bộc Dương là công chúa nhưng cũng không thể không biết gì về chính sự, biết nhiều một chút cũng có lợi nên chuyện gì cũng nói với nàng một chút. Từ chuyện nhỏ như chuyện lao dịch trong một huyện, cho tới chuyện lớn như phòng thủ ngoài biên cương, người đều có thể cùng nàng tán gẫu.
Hiện tại Vương Thuần nghe Bộc Dương hỏi cũng lập tức trả lời.
"Phụ thân kêu đệ tới. Ngày trước, lúc đi đón công chúa tỷ tỷ hồi kinh có thoáng nhìn tới Vệ tiên sinh, phụ thân đã không thể không chú ý, muốn mời Vệ tiên sinh trở thành môn khách của Vương gia. Đáng tiếc, phụ thân mấy hôm nay đều bận việc, không có thời gian nên để ta tới trước gặp mặt."
Trong giọng hắn có sự tán thưởng, có lẽ khi trở về khẳng định sẽ nói nhiều lời khen ngợi.
"..." Bộc Dương không nói tiếng nào nhưng trong lòng tự hỏi cậu của nàng tại sao gấp gáp như vậy.
Vương Thuần ngẩng đầu nhìn trời, chỉ thấy hôm nay trời nhiều mây, không thấy mặt trời liền lên tiếng.
"Tỷ nên đi nhanh đi, nhìn trời hôm nay có lẽ sẽ mưa, đệ cũng phải nhanh xuống núi."
Bộc Dương không ngăn cản hắn, chỉ bảo hắn trên đường cẩn thận, lại hỏi hắn có mang theo dù hay không, để thái giám đưa cho hắn một cây.
Vương Thuần thấy bọn họ cũng chỉ vừa đủ dùng, nếu cho hắn mượn thì sẽ thiếu, vì vậy lập tức từ chối.
"Không sao, ta lên núi có thể mượn Vệ tiên sinh." Bộ Dương nói.
Nghe vậy, Vương Thuần mới nhận lấy.
Bộc Dương nói xong câu này thì cảm giác ý này rất hay. Mượn dù. Nếu lần này tiên sinh vẫn không muốn theo nàng vào kinh, nàng có thể nhờ tiếng trả dù để đến lần nữa.
Bộc Dương tiếp tục đi, Vương Thuần ở phía sau thấy nàng đi xa rồi mới xuống núi.
Tới nơi ở của Vệ Tú, chỗ này vẫn như lúc nàng rời đi, chỉ là rừng trúc ở hậu viên dường như càng xanh mướt thêm rồi.
Hạ nhân nghe tiếng đi ra, thấy nàng lập tức quỳ xuống hành lễ rồi sau đó mới vào phòng báo lại.
Bộc Dương đứng ở bên ngoài cổng tre theo đạo làm khách, đợi Vệ Tú xuất hiện, nàng tươi cười bước nhanh tới, hai bên cùng hành lễ chào hỏi.
"Hôm nay đến nhà bái phỏng là vì cảm tạ tiên sinh." Sau khi hai người cùng vào nhà, Bộc Dương mới nói.
Nàng vừa nói xong đã có vài tên thái giám tiến lên trình lễ vật. Bộc Dương từ trong mấy hòm lễ vật cầm lên một chiếc hộp màu xanh biếc.
"Những rương kia, là phụ thân của ta chuẩn bị cho tiên sinh." Sau đó, nàng có hơi chờ mong đưa cho Vệ Tú chiếc hộp trên tay. "Còn đây là quà ta cảm tạ tiên sinh."
"Vương công tử mới rời đi không lâu, điện hạ có gặp không?" Vệ Tú cảm ơn, hai tay tiếp nhận, vẫn không lập tức đưa cho thị nữ bên cạnh mà là đặt trên đầu gối, cười nói.
"Có" Thị nữ dâng trà đến, Bộc Dương tiếp nhận chung trà, đáp lại. "Biểu đệ của ta có gây phiền hà gì cho tiên sinh không?"
"Tiểu công tử phong tư tuấn tú, tuổi trẻ tài cao, tại hạ rất hài lòng." Vệ Tú nói.
"... Phong thái của các công tử Vương gia, đúng là hiếm có." Trong lòng Bộc Dương rất mất hứng, làm sao đã có thể khiến ngươi rất hài lòng rồi.
Vệ Tú cười cười. Nàng luôn luôn trầm tĩnh, mà nụ cười này cũng tĩnh lặng như núi cao.
Một chút không vui của Bộc Dương cũng theo nụ cười đó mà biến mất. Thu lại ánh mắt, Bộc Dương đã thấy tay Vệ Tú vô thức vuốt vuốt chiếc hộp trong lòng, nàng đột nhiên muốn thấy được vẻ mặt của Vệ Tú sau khi mở hộp sẽ như thế nào. Đáng tiếc, theo lễ nghi thì chủ nhân sẽ không ở trước mặt khách mà mở quà.
Bộc Dương thầm nghĩ quà của nàng là thứ tốt nhất, tiên sinh chắc chắn sẽ thích thôi.
Ngoài chiếc hộp Bộc Dương đưa, Vệ Tú không cầm thêm một thứ gì khác. Những lễ vật mà Hoàng đế tặng đều được hạ nhân cẩn thận thu vào. Lễ vật rất nhiều, cho dù không mở ra xem cũng biết được đều là vật quý giá.
Bộc Dương làm như vô tình cùng Vệ Tú nói đến những việc trong cung nửa tháng qua, tính luôn chuyện Tấn Vương tới thăm nàng.
Nàng thật sự chướng mắt Tấn Vương như thế, nàng ở bên cạnh Hoàng đế từ nhỏ, đối với chính sự cũng tiếp xúc từ lúc đó. Mưa dầm thấm đất, dù có tự cao tự đại, nhưng so với Triệu Tấn nhị vương, tu dưỡng về mặt chính trị của nàng phải cao hơn nhiều. Không nói cái khác, chỉ riêng việc của hai Thứ sử, Tấn Vương cho rằng Bộc Dương cố ý chặt đi cánh tay của hắn. Nhưng trong mắt Bộc Dương, loại người này nàng không cần. Thuộc hạ có chút tì vết cũng không sao, nhưng nếu đã ảnh hưởng tới quốc gia đại sự thì liền không được, ai dám đảm bảo một ngày nào đó sẽ không gây phiền phức cho quân chủ?
"Nhị hoàng huynh cũng nhân hậu, chuyện lúc trước Thứ sử U Châu giữ lại cống phẩm, vừa nhìn đã có thể thấy được là có bóng dáng tam hoàng huynh đứng sau, vậy mà hắn lại bỏ qua." Việc Thứ sử kia là người của Tấn Vương cũng không ít người biết, hắn giữ lại cống phẩm, có lẽ là để dâng lên Tấn vương.
"Triệu