Bộc Dương có ký ức của kiếp trước, những chuyện xảy ra trong mười hai năm này nàng đều nhớ rõ. Đây là ưu thế của nàng, phải biết là có biết bao nhiêu vương hầu bỏ mình, nhà tan của nát chỉ vì một ý nghĩ sai lầm có thể đem bản thân đến hiểm cảnh.
Vì vậy, cho dù có vì việc trọng sinh của nàng mà nhiều việc lệch khỏi quỹ đạo ban đầu thì Bộc Dương vẫn luôn có được ưu thế.
Ví dụ như chuyện về huynh đệ Tấn Vương và Kinh Vương. Trong trí nhớ của Bộc Dương, Kinh Vương luôn giống như một tùy tùng theo chân Tấn Vương, chưa bao giờ nghe nói giữa hai người họ có bất hòa gì. Bộc Dương còn nhớ rõ sự việc năm đó Kinh Vương gánh tội thay cho Tấn Vương.
Lúc đó, Tấn Vương giao phong với Triệu vương đã hơn mười năm, cuối cùng cũng tìm được chỗ trí mạng của Triệu Vương để đánh bại hắn trở thành người thắng. Trong triều, các đại thần đều tưởng rằng Tấn Vương đã nắm chắc được vị trí chủ Đông Cung, trở thành người kế vị. Nhưng ngay lúc này, Hoàng đế đột nhiên hạ chiếu chỉ để Hoàng trưởng tôn Tiêu Đức Văn, lúc đó chỉ mới mười chín tuổi vào triều tham chính. Qua không lâu sau, một vụ án trước đây bị lôi ra ánh sáng, thủ phạm là Tấn Vương. Sau khi tra xét thì thấy nhân chứng, vật chứng đều có đủ hết, Tấn Vương không còn đường chối cãi làm cho Hoàng đế cực kì giận dữ đem Tấn Vương đi trị tội. Đang lúc Tấn Vương cùng đường, Kinh Vương lúc này lại bước ra, gánh hết tất cả tội trạng kia đổi lấy sự trong sạch của Tấn Vương, mà hắn thì lại bị giáng xuống làm Quận Vương, đày đến đất phong không cho trở lại kinh thành.
Có sự kiện này, Bộc Dương tin chắc Kinh Vương chắc chắn sẽ không gây bất lợi cho Tấn Vương. Nàng cũng không phải người yếu ớt, thất bại một lần là sẽ buông xuôi, cho rằng mọi người đều nghĩ mình là kẻ bất tài, mỗi ngày đều lo sợ có người hãm hại mình cũng không tin tưởng trên đời vẫn còn tình thương tồn tại. Nàng tin là dù như thế nào thì bản tính con người chắc chắn không hề thay đổi.
Năm đó, đao quang kiếm ảnh(1) không ngừng, Triệu Vương thất bại, giam lỏng ở trong phủ đệ của mình, cả triều tưởng rằng Tấn Vương cuối cùng cũng đạt được mong muốn, ai ngờ lại có bản án kia chờ sẵn.
(1) Tình cảnh tàn sát khốc liệt.
Chuyện này phải trách Tấn Vương không tự chỉnh đốn bản thân, còn để lại một mầm tai họa. Hai năm trước đó, Triệu Vương ra ngoài du ngoạn, săn bắn lại vô tình nhìn trúng một mỹ nhân. Mỹ nhân đó là thiếp thất của một phú hộ. Triệu Vương vì muốn đoạt mỹ thiếp của người ta liền đánh trọng thương gia chủ nhà đó, bắt mỹ nhân đi. Việc này không biết sao lại để cho Tấn Vương biết được. Mà vị mỹ thiếp kia không lâu sau lại thề sống chết không theo Triệu Vương, tuẫn tiết theo chồng. Tấn Vương lập tức khơi chuyện này lên, cho người giết toàn bộ cả nhà phú hộ đó rồi vu oan giá họa cho Triệu Vương, nói hắn thẹn quá thành giận giết sạch nhà người ta. Triệu Vương vốn có tiếng hành độc hung ác, diệt môn toàn gia cũng có vẻ giống với cách làm của hắn. Triệu Vương đành chịu nghiêm phạt, may mà chứng cứ vẫn có điểm đáng ngờ, Hoàng đế nhổ sạch nanh vuốt, bóc hết từng mảng thế lực của hắn rồi cũng cho qua, xem như bảo hộ một đứa con.
Nhưng ai ngờ được lại do Tấn Vương giá họa. Mà gia đình của phú hộ đó vẫn chưa tuyệt hậu, lưu lại một đứa con, được nô bộc trung thành giấu đưa tới nhà thế thúc bí mật nuôi nưỡng. Hai năm sau, hắn tìm được một cơ hội báo thù, thông qua một vị Ngự Sử đưa huyết thư kêu oan trình lên ngự án của Hoàng đế. Chứng cứ cũng theo đó mà đều được trình lên, không thể nào có thể bác bỏ được.
Đến nay Bộc Dương vẫn nhớ khuôn mặt phẫn nộ cực kì của phụ hoàng, ngài luôn có một thân mình khỏe mạnh đột nhiên rũ cả người xuống. Thất vọng, tức giận, thống hận, cũng không nói rõ được cảm giác lúc này là gì, hoặc là pha trộn tất cả những cảm xúc đau đớn nhất của thế gian.
Chỉ trong một đêm đó, Hoàng đế dường như đã già đi mấy tuổi, trên khuôn mặt ngài lộ ra vẻ già nua khác hẳn thường ngày. Ngài triệu Bộc Dương tới, giọng nói mang sự lạnh lẽo đến cực hạn nhưng lại cứ muốn đối với nàng nhu hòa một chút. Sự mâu thuẫn này khiến cho người ta cả người phát lạnh.
"Tấn Vương vô đức, không đủ khả năng đảm đương việc lớn, ta muốn đưa Đức Văn làm Hoàng trưởng tôn, tiếp nhận trữ vị, sau này sẽ lên ngôi thay ta, đưa Tiêu thị phát dương quang đại. Hoành nhi, Đức Văn còn nhỏ tuổi, trong triều có rất nhiều việc hắn không biết, phụ hoàng lớn tuổi muốn dạy hắn cũng không biết có thể dạy được bao nhiêu. Nếu đến một ngày hắn lên ngôi, con phải nhớ kĩ, phò tá Đức Văn, để hắn trở thành một Hoàng đế tốt. Người phụ hoàng tin tưởng, cũng chỉ có con mà thôi."
Lúc đó, nàng bị lời nói của Hoàng đế làm khiếp sợ, một lúc lâu cũng không thể phản ứng được gì, Sau đó thì lại là một loạt sự tình đảo ngược tình thế xảy ra. Kinh Vương một mình chịu tội, cực lực biện giải Tấn Vương vô tội, mọi việc đều do hắn làm. Hoàng đế có lẽ cũng mềm lòng, nhanh chóng hạ chỉ nghiêm phạt, không tiếp tục truy cứu Tấn Vương, chỉ phán Kinh Vương. So với sự tức giận của ngài lúc trước, phán quyết này cũng đã rất nhẹ rồi.
Dưới sự đồng ý của Hoàng đế, Bộc Dương ngầm thu nạp đại quyền, cũng không tiếp tục chú ý việc này nữa. Dù sao, Tấn Vương bây giờ cũng coi như đã bị phế rồi.
Cho đến thời gian sau này, nàng mới phát hiện sự việc đó là bút tích của Vệ Tú. Những chứng cứ xác thực, kín kẻ liên tiếp được chuẩn bị trong bóng tối, đưa chuyện này đẩy lên tới cuối cùng, chặt hết tất cả mọi đường, đánh đến không người nào có thể chạy thoát. Đây là tác phong từ trước tới nay của Vệ Tú!
Đó cũng là lần đầu tiên nàng được nhìn thấy thủ đoạn của Vệ Tú, cuối cùng thì nàng ấy mưu tính từ lúc nào chứ? Nhà phú hộ kia cùng lắm là chỉ có tiền mà thôi, trong tộc cũng không có một người làm quan. Đừng nói là hoàng tử đương quyền, chỉ là một huyện quan cũng có thể tìm một cái cớ để phá nhà của hắn, mà người thế thúc thu lưu đứa con may mắn sống sót đó cũng chỉ là một nhà bình thường. Tấn Vương muốn đem việc này giá họa cho Triệu Vương thì làm sao lại không điều tra tường tận gia thế tên đó rõ ràng, làm sao lại có thể để một con cá lọt lưới, lưu lại mầm họa? Chỉ là thế giao mà vẫn cố bí mật nuôi dưỡng đứa con đó chu toàn, còn lưu lại nhiều vật chứng tới vậy? Hơn nữa, đứa con đó làm sao có thể vào kinh, mà còn vô tình tìm được một vị Ngự Sử công chính, cương trực, lại còn không phải là một vị quan thuộc môn hạ của Tấn Vương?
Rõ ràng là có người âm thầm giúp đỡ.
Càng khiến người khác lo sợ chính là Vệ Tú biết việc này nhưng lại không lập tức ra tay, mà chậm rãi quan sát thế cục trong triều. Nàng chờ Triệu Vương bị đánh bại, chờ Tiêu Đức Văn vào triều tham chính, triển lộ tài hoa trước mặt Hoàng đế, dần dần đứng vững gót chân, mới đem việc này đưa ra ánh sáng, một chiêu lấy mạng.
Bộc Dương liền đứng ở bên ngoài Tuyên Đức Điện, nhớ