Xương Rồng Đốt Rương

Quyển 1 - Chương 7


trước sau

Mạnh Kình Tùng sững sờ một lúc: “Nhưng chuông vàng của cô tôi chưa từng nhìn kỹ bao giờ, hoa văn trông thế nào tôi không bắt chước được.”

Chuông vàng phục thú xưa nay vẫn luôn được cất giấu và thờ cúng, thỉnh thoảng mới thỉnh ra ngoài một lần, y cũng mới chỉ nhìn thoáng qua, trông thấy đại khái.

Mạnh Thiên Tư bực mình: “Tôi cũng đã nhìn kỹ bao giờ đâu, có bao nhiêu người phụ nữ đeo đồ trang sức có thể nói được tỉ mỉ hoa văn kiểu dáng món trang sức của mình trông như thế nào chứ? Có sao đâu, làm một cái trông na ná là được.”

Tân Từ vốn định xin đi giết giặc: Cũng vừa khéo là hắn giúp Mạnh Thiên Tư bảo quản đồ trang sức, lại rất hiếu kỳ với chuông vàng nên thường lấy ra ngắm nghía tỉ mỉ, còn quen thuộc hơn cả chính chủ Mạnh Thiên Tư, hoa văn thế nào cũng có thể vẽ ra được đại khái…

Có điều, nhìn thái độ Mạnh Thiên Tư thờ ơ thế này, thôi quên đi, hoàng đế không vội hắn vội làm gì chứ.

***

Mở cửa ra ngoài, Mạnh Kình Tùng và Tân Từ gần như không hẹn mà cùng thở phào một hơi, sau đó cùng dựa lưng lên tường.

Mạnh Kình Tùng hơi run chân: Đêm nay cứ như ngồi xe cáp treo vậy, lên lên xuống xuống, lúc băng lúc lửa, dù cuối cùng cũng đã dừng hẳn nhưng cảm giác nghĩ mà kinh này vẫn trào lên từng đợt, không bờ không bến.

Tân Từ thì vẫn đang trong trạng thái mờ mịt hóng hớt: Xảy ra chuyện rồi, tâm trạng của hắn cũng thay đổi theo, đồng bộ với mọi người.

Hắn ngơ ngẩn vài giây rồi nói với Mạnh Kình Tùng: “Thiên Tư nhà mình to gan thật, thật đúng là lấy thúng úp voi, dối trên gạt dưới… Không đúng, chỉ có dối trên thôi, còn kéo bọn mình cùng dối theo nữa.”

Mạnh Kình Tùng đã tỉnh táo lại được phần nào: “Thực ra Thiên Tư làm vậy cũng có lý, làm lớn chuyện lên chẳng hay ho gì.”

Vừa mới tới Tương Tây, cô là người chưa lộ mặt đã có uy, hộ núi dưới đây còn không biết đang ôm tâm trạng kích động thế nào chờ gặp mặt cô, kết quả cô trước thì bị thương mắt, sau thì mất chuông vàng, thế này có khác gì làm quan mất ấn đâu? Đổi lại là y cũng chẳng giữ mặt mũi được, hơn nữa, người cướp chuông vàng này chưa biết chừng sẽ đầu cơ trục lợi, rao giá trên trời, lỡ hắn đem chuông vàng ra uy hiếp quỷ non thì quá bị động rồi, tra rõ đúng là không bằng ngầm tìm…

Tân Từ tiếp lời: “Tôi hiểu, chuyện nếu có thể giải quyết trong phạm vi nhỏ thì có ai muốn làm lớn lên đâu. Nhưng mà, làm sao tìm được đây?”

Mạnh Kình Tùng đưa tay xoa xoa ấn đường, đêm nay bị giày vò quả thực quá mệt mỏi: “Còn phải hi vọng vào thi thể giả kia, mong là ngày mai sẽ gặp được người của chúc vưu khoa, lấy được chút manh mối.”

Lại là Chúc Vưu Khoa.

Tân Từ thắc mắc: “Người tới ngày mai đều là của Chúc Vưu Khoa cả à?”

Cũng gần vậy, Mạnh Kình Tùng gật đầu: “Đa số.”

Tân Từ nhíu mày: “Họ Chúc này tai to mặt lớn thật, là lão đại địa phương à? Vậy bản thân ông ta thì sao, không tới à? Vậy thì không nể mặt chúng ta quá rồi?”

Mạnh Kình Tùng vừa bực mình vừa buồn cười, y vốn đang banh mặt, nụ cười này lập tức khiến y bị đau sốc hông, không còn hơi sức đâu mà giải thích nữa, cũng lười không muốn giải thích, dứt khoát đi thẳng về phòng, chỉ ném lại một câu: “Tra sơn điển đi.”

Vãi! Chúc vưu khoa có trong sơn điển? Hắn còn tưởng là một ông chú trung niên bụng bia làm đại ca giang hồ trấn thủ một phương chứ.

Tân Từ vội mở ứng dụng ra.

Không ngờ, từ “chúc vưu” này (cũng có nơi viết là “chúc do”), còn được gọi là “thiên y”, được tìm thấy sớm nhất trong cuốn sách y học “Tố vấn”, nói rằng thời thượng cổ có một phương pháp chữa bệnh không cần đến thuốc thang mổ xẻ, chỉ cần mời người giỏi bùa chú thuật pháp đến là chữa được – ví dụ như có ai ngã từ trên cao xuống gãy hết tứ chi, mắt thấy không sống được nữa, đại phu chúc vưu khoa tìm một con chó con mèo tới, phù phép một trận, người sẽ đứng dậy đi lại được, mèo chó lại gãy lìa tứ chi chết mất, nói trắng ra là chịu tội chết thay người.

Vương An Thạch thời Tống đã hình dung nó như “tỉ chi”, tỉ trong “thiên tỉ” có nghĩa là di dời, bệnh đi đâu? Làm phép trừ bỏ, di dời đi rồi.

Đến triều Nguyên và triều Minh còn dứt khoát hơn, trực tiếp xếp nó vào mười ba khoa của thái y viện, nói cách khác, chúc vưu khoa cũng giống như khoa mắt, khoa tai mũi miệng, phụ khoa, khoa châm cứu, là một khoa chữa bệnh của Đông y.

Sau nữa, đến thời Long Khánh triều Minh, chính xác là năm 1571, cũng không biết vì sao mà “chúc vưu khoa” và khoa “xoa bóp” lại bị gạch bỏ khỏi mười ba khoa, từ đó về sau chỉ còn lại mười một khoa.

Tân Từ hơi thổn thức: Quả nhiên, bất kể là cái gì cũng đều nên có một thân phận được chính phủ công nhận cho riêng mình, chúc vưu khoa và khoa xoa bóp này sau khi bị gạch bỏ có vẻ như cũng chẳng được sống tốt, xoa bóp thì khiến người ta liên tưởng tới mấy cửa tiệm ánh đèn hồng đỏ mờ mờ ảo ảo mà chúc vưu khoa thì, bùa chú thuật pháp, rõ rành rành là mê tín phong kiến.

Hắn xem tiếp.

Chúc vưu khoa chuyên dùng bùa chú, nếu đã từng được liệt vào mười ba khoa thái y viện thì tất nhiên là dùng để trị bệnh cứu người, nghe đâu thuật pháp mạnh mẽ, thậm chí còn có thể khởi tử hoàn sinh, ở vùng Tương Tây này được lưu truyền vô cùng kỳ diệu, thậm chí còn biến hóa thành bùa thần châu, cổ thuật rất đáng sợ, ngay cả thuật cản thi tiếng tăm lẫy lừng ban đầu cũng được liệt vào…chúc vưu khoa.

***

Trước giải phóng, nằm sâu trong núi rừng Tương Tây rải rác vô số thôn trại dân tộc thiểu số, trại Miêu và trại Thổ Gia chiếm đa số. Những thôn trại này phần lớn đều được dựng lên ở những khu vực xa xôi ven vách núi hiểm trở, hơn nữa vì khác biệt văn hóa mà dân trại rất ít khi qua lại với ngoại giới, đóng cửa thành một khối độc lập, cực kỳ hẻo lánh.

Sau khi kiến quốc, nhà nước đã tăng cường đầu tư xây cất một số thôn trại trọng điểm, hỗ trợ kéo điện dẫn nước, còn ra sức tu sửa đường cái vào sâu trong núi – bản tính của con người vươn lên chỗ cao, cái “chỗ cao” này nói thẳng ra chính là nơi khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi vậy nên rất nhiều người miền núi đã chuyển khỏi các thôn trại hẻo lánh ban đầu, dời đến những trại lớn, thậm chí là dời vào thành phố.

Thế nên thôn trại trong núi thẳm càng ngày càng thưa thớt, có nơi còn bỏ trại tập thể, biến thành trại hoang, thỉnh thoảng cũng có vài trại không trống hẳn, ở lại giữ trại cũng chỉ toàn người già đã có tuổi, chân lưng không tiện cho việc di chuyển, ngày thường đều sống rất lặng lẽ.

Trại Bát Kháng là một trong những trại như thế.

Nói đúng ra thì nó đã không còn thuộc huyện Ngọ Lăng nữa mà nằm bên rìa núi Ngọ Lăng, vốn là một thung lũng nằm giữa rừng rậm, được dân trại miễn cưỡng khai phá thành một vùng đất bằng để xây nhà trồng hoa màu – bởi khoảng cách quá gần rừng núi, sợ dã thú tấn công nên phần lớn phòng ốc đều là nhà sàn, tính cả nhà cả cột trụ bằng gỗ thông lại thì gồm ba tầng, tầng dưới cùng để trống quá nửa, dùng để nuôi gia súc gia cầm, hai tầng trên là để ở, mái nhà lợp ngói xanh dày đặc.

Người sống trên núi thường thích tu sửa cái cũ, không thích đổi mới, nhà dột thì vá chỗ này đắp chỗ kia, bởi vậy nên dẫu là ngôi nhà mới nhất trong trại thì cũng đã được dựng từ ít nhất bốn, năm mươi năm trước rồi.

Đường cái gần trại nhất cách hơn mười cây, đoạn đường chưa thông chỉ có thể đi bộ hoặc cưỡi la, cứ như vậy, thôn trại này lại càng thêm hoang vu: trời tối xuống một cái là chỉ có bốn năm nhà sáng đèn, cỏ dại trong đồng ruộng trước cửa cao đến thắt lưng người mà cũng chẳng ai động tay vào xử lý.



Hiện giờ đang là hơn một giờ sáng, trong căn nhà sàn khí thế nhất trại Bát Kháng vẫn sáng đèn.

Đương nhiên, nói nó khí thế cũng không phải là chỉ nó mới mẻ lộng lẫy cỡ nào, nó cũng xập xệ, hơn nữa còn có cảm giác lâu năm thiếu tu sửa sắp hỏng đến nơi y chang những nhà khác trong trại, hai chữ “khí thế” này chẳng qua là bởi nó là căn nhà có cột trụ cao nhất, cũng là bởi trên mái nhà có dựng chảo vệ tinh bắt sóng truyền hình tư nhân và một dàn pin mặt trời gia dụng.

Giang Luyện ở tầng hai, đang tắm, vừa mới vò dầu gội lên đầu cho dày bọt trắng xóa thì tiếng nước ào ào ngừng bặt.

Giang Luyện phát cáu, giơ tay lên vỗ phành phạch hai phát lên bình nước nóng trên cao.

Nước lại chảy xuống, tí tách rả rích, song cũng chỉ kéo dài được đến lúc bọt xà phòng đã chảy khỏi đầu hắn, sau đó lại ngừng bặt.

Bọt xà phòng chảy xuống khắp mặt, không mở mắt ra được, Giang Luyện nhíu mày, lại mò mẫm giơ tay lên vỗ, chẳng biết có phải là do không khống chế được lực đạo hay không mà bỗng nghe rầm một tiếng, có vẻ như ốc vít bị lỏng ra, bình nước nóng lung lay muốn đổ xuống.

Giang Luyện hết hồn, vội lùi ra sau tránh, sau đó mở một mắt ra, ngẩng đầu lên nhìn: Còn
may, bình nước nóng chỉ bị sụp xuống một bên, vốn đang treo thẳng, giờ lại xoay một góc ba mươi độ xuống dưới, vẫn đang lung lay.

Giang Luyện cạn lời, chửi thề một câu: “Mẹ kiếp.”

Hắn kéo lấy cái khăn bông lau tóc, lau lau một hồi, mũi ngửi ngửi, cảm thấy mùi dầu gọi vẫn còn quá nồng, thực sự khó mà qua loa được – đi ra ngoài cầm hai chai nước suối vào, cúi đầu, dốc ngược thân chai đổ xuống đầu, cuối cùng cũng coi như đã “tắm” xong.

Mặc đồ ngủ vào đi ra, nghe thấy dưới nhà có tiếng chặt dao cộc cộc, biết lão Gàn còn chưa ngủ, bèn đi thẳng qua, vịn tay lên hàng lan can gỗ lung la lung lay, nhìn xuống: khoảng đất trống bên dưới đang đốt nóng một chiếc giường đất, lão Gàn ngồi xổm dưới đất, đang chăm chú chặt thịt khô trên thớt.

Kỳ thực dân bản địa có thói quen đặt lò sưởi trong nhà hơn, ấm áp, chắn gió, che mưa, còn có thể nhân tiện hun khói thịt khô vào mùa đông – trong nhà lão Gàn cũng có lò sười nhưng chỉ cần tiết trời thích hợp là lão lại bắc bếp ra ngoài, đại khái rất nhiệt tình yêu thích thiên nhiên.

Giang Luyện gọi lão: “Lão Gàn!”

Lão Gàn ngẩng đầu lên.

Đó là một ông già hơn sáu mươi tuổi, tóc vẫn đen, sợi tóc ngắn ngủn thô cứng, nhưng trên khuôn mặt ngăm đen thì chằng chịt nếp nhăn, mặc kiểu áo quái tử màu xanh mà cán bộ dưới quê những năm bảy mươi tám mươi thường hay mặc, tay áo xắn lên cánh tay, khuy áo cài ngay ngắn đến tận cổ, cũng không ngại bí bức.

Giang Luyện chỉ tay vào trong phòng: “Bình nước nóng bị sụp một bên rồi.”

Lão Gàn ờ một tiếng: “Để mai tôi lắp thêm đinh cho nó.”

“Lão đang làm gì đấy?”

“Ăn.”

“Nửa đêm mà ăn?”

“Lúc nào đói thì ăn lúc đấy.”

Một ngày vốn không cần phải đủ ba bữa, đói lúc nào thì ăn lúc đấy, Giang Luyện cảm thấy lão Gàn nói rất có lý, nhất thời không tìm được câu gì hay ho tiếp lời, bèn trở vào phòng, đứng trước tấm gương treo trên vách tường.

Tấm gương này cũng cổ hệt như nhà sàn, là một tấm gương hình chữ nhất cao bằng nửa người, sơn vàng trên khung gỗ đã bong tróc loang lổ, góc dưới bên phải mặt gương còn dán một bức tranh sơn thủy xanh xanh đỏ đỏ đã bong mép vểnh lên, đề từ “Núi xanh nước biếc đương xuân thì”.

Non xanh nước biếc đương xuân thì, phản ánh miêu tả rất rõ ràng về Giang Luyện.

Tuổi còn trẻ, cùng lắm mới chỉ hăm bảy hăm tám, tóc vì dùng khăn bông vò loạn nên chẳng ra kiểu hình gì mà đâm chỉa lung tung, mặt mũi khá được, thuộc loại được đám đông công nhận là điển trai với tỷ lệ khiến người ta phải quay đầu lại nhìn khá cao, khóe mắt hơi xếch, nghe bảo người có dáng mắt này đều có phần cao ngạo, con mắt thì khó miêu tả hơn – người ta thường nói con mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng nhìn vào khung cửa sổ này, ngoài chút uể oải chẳng buồn đoái hoài đến sự đời ra thì bạn chẳng trông thấy được cái gì khác.

Giang Luyện đột nhiên hít mạnh một hơi lạnh, rồi cởi hai khuy áo ra, kéo nửa bên vạt áo ra: một bên cổ, nơi bị gậy tre quật vào, trước đó vẫn chưa chảy máu, chỉ bị sưng lên trông như đậu một con sâu thịt màu đỏ, hiện giờ đã chảy máu, máu chảy thành từng vệt, có nhạt có đậm, nói chung là hơi không nỡ nhìn.

Giang Luyện rút khăn giấy lau đi, tiện tay bôi ít thuốc mỡ lên, vừa thử sờ tới rìa vết thương một cái đã bị đau rụt vội tay về, lẩm bẩm: “Ra tay ác thật.”

Đúng là thổ phỉ, vừa lên đã đánh, à… cũng không phải, trước khi đánh còn kêu gì đó, nghe không rõ lắm, hình như là “cáo”, “trèo leo” gì đấy, đại khái là tiếng lóng.

Cụ nuôi nói thật không sai, rừng sâu núi thẳm vùng Tương Tây này quả nhiên sinh ra người tàn nhẫn: Cô gái đó chiêu nào chiêu nấy đều rất dữ dằn, chẳng biết lai lịch thế nào, nhất là cú trở tay quất gậy lúc đầu, không nói ngoa chứ, nếu là đao thì hắn đã bị bẻ gáo tại chỗ rồi, dù vậy, lực đạo vẫn chỉ kém xộc thẳng lên sọ, đánh cho hắn bị chấn động não, bởi vậy nên toàn bộ quá trình giao đấu trước mắt hắn đều tối mù đen kịt, đầu óc cứ biêng biêng.

Xử lý vết thương đơn giản xong, Giang Luyện ném lọ thuốc mỡ đi, ngồi lên ghế, nhặt sợi dây chuyền trên bàn lên xem.

Không rõ chất liệu là bằng gì, có vẻ như là hợp kim, màu ngả ánh đồng, dây chuyền là những khoen mắt nhỏ hình xoắn ốc móc vào nhau, cứ cách vài mắt lại treo một mảnh kim loại hình tròn, thời cổ đại, đây cũng là một loại chuông – đếm thử, tổng cộng có chín mảnh kim loại, hình dạng và cấu tạo sợi dây chuyền này trông khá giống lắc chân, chỉ là không biết tại sao mà cô gái đó lại đeo trên eo.

Tất nhiên, làm sao lại vào tay cũng là điều khó hiểu: Hẳn là đã giật được theo khi hắn chộp lấy lọ thủy tinh, sau đó bị cô gái kia quất một gậy trúng tay, đốt ngón tay lập tức cương cứng tê dại, hồi lâu không sao thả lỏng duỗi ra được, hắn đã nắm cả nắp lọ cả sợi dây chuyền này đi một mạch qua vài đỉnh núi, lúc định ném đi mới phát hiện ra trong tay vẫn đang nắm chặt sợi dây chuyền.

Dưới ánh đèn vàng vọt, hắn soi từng mảnh kim loại một, đều khắc lõm kiểu hoa văn hắn hoàn toàn xem không hiểu.

Giang Luyện tìm miếng kính lúp SCH kiểu dáng đơn giản của Đức sản xuất trong vali ra, loại thấu kính này bình thường vẫn được dùng để giám định châu báu, đồng hồ đeo tay và tem, dùng vào cái này có phần hơi lấy dao mổ trâu đi giết gà – hắn vừa xem xét, vừa lấy giấy bút ra gắng sức trông bầu vẽ gáo, sao chép lại mẫu hoa văn này.

Mới vẽ được vài nét thì dưới nhà vọng lên tiếng đối đáp liên miên, trong mắt Giang Luyện lướt qua vẻ bất đắc dĩ khó mà nhận ra được, hắn đẩy sợi dây chuyền sang một bên, lật úp tờ giấy xuống che đi, làm mặt bàn trông có vẻ bề bộn, lại nhặt lọ thuốc mỡ qua, thò ngón tay vào, không nhanh không chậm ngồi đợi.

Rất nhanh sau đó, ngoài cửa vang lên tiếng Vi Bưu: “Giang Luyện!”

Tiếng còn chưa dứt, cửa đã rầm một tiếng bị xô hỏng.

Giang Luyện thầm mắng một câu “Không biết lễ độ”, ngoài mặt thì tươi cười, đầu ngón tay moi cục thuốc mỡ ra, nghiêng cổ bôi lên vết thương: “Anh Bưu.”

Người tới tuổi chừng trên dưới ba mươi, thân hình cao lớn, gần như lưng hùm vai gấu, mặt mũi cũng coi như đoan chính nhưng góc cạnh cứng ngắc lại luôn thể hiện ra hai chữ “hung chữ” khiến người ta nể nang mà tránh né, không muốn lại gần trong vô thức.

“Lão Gàn nói với tôi cậu Luyện một thân bùn nước đã trở về, ồ, bị thương à?”

Giang Luyện rất hào phóng khoe vết thương của mình ra cho y xem, còn giơ hai ngón tay bị sưng như lạp xưởng lên: “Trời tối quá, trong núi lại mưa, không để ý nên đâm đầu ngã xuống dốc núi, kết quả là thế này đây.”

Đương nói chuyện, ánh mắt khẽ liếc ra ngoài: Huống Mỹ Doanh cũng tới, có lẽ là bị tiếng ồn quấy rầy, vẫn đang mặc áo ngủ, có điều không vào trong phòng mà chỉ đứng cạnh cửa, mảnh mai tong teo, như thể chỉ một cơn gió thôi cũng có thể khiến cô ngã xuống.

Vi Bưu ngoài cười trong không cười, hai tay chống xuống mép bàn, từ trên cao nhìn xuống: “Có điều, Giang Luyện, cứ mỗi lần đổ mưa nửa đêm là cậu lại chạy vào núi, vào đó làm gì? Trong đó có tiền đợi cậu tới nhặt à?”

Nói đến sau cùng, ánh mắt dần lạnh xuống, một bên khóe miệng bất giác khẽ nhếch lên như có một sợi dây vô hình móc lấy kéo lên vậy.

trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện