Bấy giờ Chu Thuật Hâm mới hỏi họ có quan hệ gì.
Tôn Ngữ Đàm ngập ngừng: “Bạn học? Họ hàng xa? Chà, xét theo bối phận thì tôi phải gọi anh ta bằng chú đấy.”
“Thế sao cô không gọi?” Chu Thuật Hâm đá đểu cô luôn: “Đúng là láo toét, gặp chú không chào.”
Tôn Ngữ Đàm phớt lờ anh ta.
Cô nói, “Lâu lắm rồi tôi mới gặp anh ta.
Nhưng đúng là kỳ lạ, hồi trước chúng tôi không thân đến mức ngồi ăn cơm riêng đâu.”
“Biết thừa.” Chu Thuật Hâm cười, “Tôi đoán đây là bữa ăn cuối cùng đấy.”
“Khi nào anh về Malay?”
“Hai ngày nữa.” Chu Thuật Hâm nghiêm mặt, “Tôi sẽ gửi tài liệu Cánh Tông cho cô, không nhiều lắm, cô cứ từ từ đọc, đến lúc đó cô không cần đi thường xuyên, chỉ cần trả lời mấy câu là được.”
Tôn Ngữ Đàm gật đầu.
Buổi tối lúc video call với mẹ, Tôn Ngữ Đàm có nhắc về Trần Duệ.
Cô dựng điện thoại cạnh màn hình máy tính, vừa kéo chuột đọc văn kiện, vừa nói: “Mẹ, Trần Duệ trông có vẻ tốt hơn nhiều, hòa đồng hơn trước.”
Mẹ Tô Nam nói, “Trần Duệ luôn rất lịch sự mà.
Chỉ là lúc đầu hơi khó gần thôi.”
“Thật không?”, Tôn Ngữ Đàm nghi ngờ nhìn mẹ mình, “Chúng ta đang nói về cùng một người à? Là Trần Duệ đó mẹ ơi, mẹ có nhớ nhầm sang người khác không?”
“Mẹ biết mà, sao lại nhớ nhầm được, còn Trần Duệ nào khác à.” Tô Nam kiên nhẫn vặn lại, “Hồi chúng ta sống ở Hải thành, đôi khi thằng bé còn mở cửa, lấy đồ cho mẹ đấy, làm gì có phóng đại như con nói.”
Tôn Ngữ Đàm chua xót, “Thế chắc là anh ta ngứa mắt mình con rồi.”
“Có thể con nhớ nhầm, nên hôm nay người ta mới mời con ăn cơm đấy.”
Lại nói thêm mấy câu, mẹ bắt đầu giục cô đi ngủ.
“Buổi chiều con ngủ rồi, xem thêm lúc nữa rồi con sẽ ngủ.”
“Ngủ rồi cũng phải ngủ.
Nhìn nhiều máy tính không tốt cho mắt đâu, mau đi ngủ đi.”
“Vâng vâng, chào mẹ nhé.”
Ban ngày nghĩ gì, đêm mơ cái đó.
Các cụ nói cấm có sai.
Cả đêm mơ màng chuyện cũ, Tôn Ngữ Đàm thức dậy rất sớm.
Cô vùi mặt vào gối, tâm trí cô tràn ngập hình ảnh cuộc gặp đầu tiên với Trần Duệ.
Cuộc gặp gỡ này đã để lại trong cô một dấu ấn sâu đậm.
Dù hiện tại cô rất ít khi nhớ tới nó, nhưng vừa mơ một lần, cô đã phát hiện hóa ra trong tiềm thức mình vẫn nhớ rõ ràng, thậm chí nhớ từng chi tiết nhỏ.
Khi Tôn Ngữ Đàm mười lăm tuổi, lý do nhà cô chuyển đến Hải thành là do mối quan hệ sâu xa cách đây hàng thập kỷ giữa hai nhà Tôn Trần.
Nói chính xác hơn, là mối quan hệ giữa bố của Trần Duệ – Trần Khai Sinh, và ông nội của cô.
Ba, bốn mươi năm trước, vì một tai nạn ngoài ý muốn, Trần Khai Sinh mất bố.
Chưa đầy nửa năm, mẹ Trần bỏ mặc con trai mười tuổi, một mình tái hôn đến làng bên.
Việc tái hôn này hoàn toàn dứt khoát, mụ chẳng bao giờ đoái hoài đến sống chết của con trai mình nữa.
Ngoài việc có một chiếc giường để ngủ, có một mái hiên để trú mưa, Trần Khai Sinh không khác một đứa trẻ vô gia cư là bao.
Anh ta lang thang khắp làng với hy vọng ai đó thấy mình đáng thương, gọi anh ta vào nhà cho bát cơm, ăn ngang bụng rồi lo tiếp ngày mai.
Lúc ấy, bố của Tôn Ngữ Đàm – Tôn Bình hẵng còn quấn tã.
Ông nội là chủ gia đình, là người rất hào phóng.
Ông bảo Trần Khai Sinh gọi mình một tiếng anh trai, mặc dù nhà không dư dả, nhưng vẫn thường xuyên cho Trần Khai Sinh bát cơm cứu đói.
Mùa đông giá rét sắp đến, Trần Khai Sinh đứng trong ngôi nhà hở tuềnh hở toàng của mình, gió lùa tứ phía.
Anh ta nghiến răng mò đến nhà họ Tôn.
Anh ta lăn lộn đã lâu, đủ để biết ai sẽ dang tay cứu mình.
Quả nhiên ông nội Tôn bảo anh ta vào nhà, nói nhà nhiều việc quá, gọi anh ta vào bếp thổi lửa giúp.
Trần Khai Sinh cúi đầu vào.
Sau vài năm như thế, ngoài việc gầy trơ xương, Trần Khai Sinh đã có thể dựa sức mình lo miếng ăn được.
Anh ta đi theo những người trẻ trong làng vào nam, làm việc trong một nhà máy ở Hải thành.
Sau đó, giống như hàng ngàn câu chuyện cũ, cậu bé nghèo đáng thương đã đổi đời.
Bằng sự thông minh, hiếu học, nhẫn nhịn và tham vọng của mình, từ một nhân viên bình thường trong dây chuyền lắp ráp, Trần Khai Sinh