Hai người đi ra khỏi khu ghềnh đá, bước thẳng đi về hướng đất liền. Nhưng không đi vào cánh rừng, mà chỉ đi dọc theo bờ biển. Cơ thể Ngọc Mai vẫn chưa khỏe hẳn, đi chút lại ngừng rồi lại đi. Nhưng cứ đi, đi, và đi không mục đích thế này bao nhiêu hứng thú của Ngọc Mai cũng dần phai.
Ngọc Mai cảm thấy quá nản! Đi mỏi cả chân, muốn hết cả hơi, mà vẫn chưa thấy một mái nhà hay một sinh vật sống nào. Cô dừng lại, khom người chống hai tay lên đầu gối thở hổn hển, nhìn Baba đi phăm phăm phía trước thật ghen tị.
Ngọc Mai lên tiếng thều thào: “Baba à, chúng ta đi đúng hướng không vậy?”
Ông Ba với thân hình phóp pháp đang đổ mồ hôi nhễ nhãi, nhưng hơi thở không loạn, vẫn khỏe re lên tiếng:
“Đi dọc theo bãi biển tốt hơn đi vào rừng cây. Cứ đi về phía trước đã, Baba có niềm tin là sắp tới nơi rồi.”
Gì cơ? Ngọc Mai bị dọa rồi: Baba đi nãy giờ bằng niềm tin á trời? Xốc lại tinh thần, Ngọc Mai mím môi thở cái khì, biết nói gì đây, đành đi tiếp thôi.
Hai cha con vừa ôm cua vòng qua dãy hàng cây Bão táp* cao hơn ba mét, mọc rậm rạp cắt ngang. Nhìn về phía trước hai người cùng há hốc mồm vì kinh ngạc.
Xa xa trước mắt có rất nhiều thuyền lớn nhỏ, từng nhóm người đông đúc đang di chuyển, hoặc túm tụm lại làm gì đó rất náo nhiệt. Hai cha con như được bơm thêm thuốc tăng lực, ba bước thành hai đi phăm phăm về phía trước.
Gần đến khu vực mọi người đang tụ tập, hai cha con có thể thấy rõ hơn công việc mọi người đang làm là chuyển cá từ tàu xuống. Người bưng, người chuyền, người xếp vào từng thúng lớn.
Ngọc Mai thấy có cái gì đó không đúng lắm, tất cả mọi người ở đây điều bận cùng một kiểu quần áo, giống như bộ đồ bà ba Nam Bộ nhưng áo dài hơn chút và không có xẻ tà. Đàn ông hay đàn bà đều mặc giống nhau chỉ khác màu, tất cả đều đi chân trần. Điểm đặc biệt là họ ở miền biển nhưng nước da không đen cũng không ngâm, vóc dáng chuẩn người Việt Nam da vàng.
Ngọc Mai ghì tay kéo Baba đứng lại, cô nói:
“Baba! Baba có thấy gì đó không thích hợp giống con không?”
“Ừ, đàn ông hay phụ nữ đều to, cao, đàn ông thì không nói nhưng phụ nữ gánh cá còn khỏe hơn lực sĩ.”
“Không lẽ ở Kiên giang còn ngôi làng nào đó đậm chất miền Tây tách biệt xã hội, nên cách ăn mặc giống y như cái khu du lịch chúng ta đi hồi đầu năm đó Baba.”
“Không đúng, áo bà ba chỗ đó xẻ tà, nhưng mấy bộ này không có xẻ, mà áo cũng dài hơn áo bà ba cả đoạn, áo này đàn ông mặc lại không có tay, đàn bà mặc thì có tay ngắn. Mà con đừng quên, chưa chắc chúng ta còn đang ở Việt Nam.”
Ông Ba lại ngước nhìn tất cả các loại thuyền ở phía trước. Dù to hay nhỏ đều có thêm nhà gỗ ở đuôi thuyền, thân tàu thiết kế hai bên hai dãy người ngồi chèo thuyền bằng tay. Thuyền nhỏ nhất thì từ bốn đến tám mái chèo. Thuyền lớn hơn thì từ mười đến hai mươi mái chèo, đây là chạy thuyền hoàn toàn bằng sức người.
Còn có cả những chiếc thuyền buồm được gắn một hoăc hai cột trụ. Lá buồm đang được một số người kéo xuống thông qua ròng rọc, buộc chắc lại xung quanh cột buồm. Riêng ngôi nhà gỗ trên những chiếc thuyền buồm, được thiết kế ở chính giữa nhìn rất chắc chắn.
Những chiếc thuyền buồm này đều có gắn mái chèo, số lượng hai bên đếm không hết. Sử dụng triệt để cả hai loại năng lượng là sức người và sức gió.
Ông ba đưa tay lên, chỉ về phương hướng đối diện phía xa nói:
“Con nhìn mấy cái thuyền đó, đa số đều là chèo bằng sức người, thuyền to, thuyền nhỏ gì cũng đều thiết kế mái chèo dùng cho tay hoặc chân. Còn người dân miền Tây bây giờ họ chuộng dùng mái dầm, nó ngắn, nhỏ vừa tay cầm.
Mái dầm hay mái chèo gì thì cũng chỉ dùng cho ghe nhỏ, xuồng ba lá nhỏ thôi. Thậm chí có nhiều nhà ở miền Tây đến cả ghe nhỏ, xuồng ba lá nhỏ cũng gắn luôn động cơ máy nổ loại nhỏ hết rồi.
Những loại thuyền ở nơi này mà đưa người miền Tây chèo, con nghĩ họ sẽ chèo à? Động cơ thuyền bây giờ cũng không có đắt. Đã vậy dân đi biển gì mà có làn da còn trắng trẻo hơn cả Baba, không ai đội nón mà vẫn trắng thế chứ.”
Ngọc Mai tiện tay lấy luôn cái nón trên đầu ông Ba xuống, cũng không kịp lên tiếng, ông Ba đã quay phắt người lại trừng mắt với Ngọc Mai, chưa gì đã trở mặt sửng cồ liền:
“Con làm gì vậy?”
Cô đưa tay lên miệng suỵt một cái:
“Chúng ta quá khác người, cái gì nổi bật quá thì tạm cất vô đi, Baba không thấy bọn họ đang nhìn chúng ta chầm chầm kia kìa.”
Ông Ba bực bội lấy tay xoa xoa cái đầu trọc lóc cảm thấy không quen. Đến đi ngủ mà cũng có mũ trùm đầu thì
đúng là không quen thật.
Nghe Ngọc Mai nói xong, ông im lặng giựt nón lại, rồi nhét trở vô balo ôm khư khư trước ngực, sợ Ngoc Mai trở quẻ chút nữa lại lấy cái cớ nào khác với cái nón của ông. Gì thì gì, chứ đụng đến nón của ông là ông không chịu nổi.
Ngọc Mai âm thầm lắc đầu, đã là tật thì không thể sửa được. Cô cúi người xuống tháo đôi giày đang mang ở chân ra, lấy giày đập đập lên chân ông:
“Baba cởi giày ra, dẹp luôn đi.”
Ông Ba thấy mệt dùm cho Ngọc Mai: Nghĩ làm chi lắm thế? Nhìn thôi đã thấy khác rồi, rộn lên làm gì. Nhưng cho dù ông có bực bội kiểu gì thì ông vẫn phải làm theo lời Ngọc Mai. Vì sao à? Vì trong balo Ngọc Mai có trà của ông nha.
Và ông dám bảo đảm trà vẫn còn nguyên vẹn, không hư hao gì. Vì tính Ngọc Mai cẩn thận, đi đâu, làm gì cũng chu toàn trước sau, ông chưa bao giờ nghi ngờ về điều đó. Với lại ông đã từng thấy Ngọc Mai mở hộp trà mấy lần, hộp trà được bảo quản rất cẩn thận lớp trong hộp thiếc, lớp ngoài hợp sắt, thêm túi nhôm hai lớp.
Hai cha con sửa soạn lại bộ dáng xong thì đi về phía trước. Tất cả mọi ánh mắt đều nhìn về hướng hai cha con đang đi đến gần, mọi người hầu như đều dừng tất cả công việc lại, chỉ đăm đăm nhìn như chờ hai cha con đến gần hơn.
Một chàng thanh niên tầm tuổi Ngọc Mai đứng gần họ nhất bước đến cất tiếng hỏi:
“Hai người từ nước khác, bị sóng đánh dạt vào đây à?”
Nghe được tiếng nói Việt Nam, hai cha con cảm động suýt rơi nước mắt. Nhưng nghe câu hỏi trực tiếp của chàng trai này, khiến tâm trạng của hai cha con ông vừa tạm lắng xuống lại nổi lên sửng sốt: Đoán hay quá vậy!
Ông Ba như tìm được tri âm, khuôn mặt xúc động như muốn ôm luôn anh chàng, ông Ba gật mạnh đầu rồi nói:
“Cậu này, sao cậu biết hay vậy? cậu làm ơn cho hai cha con tôi hỏi thăm, nơi đây là đâu? Và có tên gọi là gì thế?”
“Đây là hải cảng nước Tây, tôi và ông nội tôi cũng là từ nơi khác bị sóng đánh đến đây. Nơi này, họ rất chờ mong đón tiếp những người như chúng ta.”
Hai cha con còn chưa kịp hỏi thăm gì, thì lại có thêm rất nhiều người khác đến góp giọng.
Người nữ: “Nhìn hai cha con không có thương tích gì thật tốt.”
Người nam: “Hai cha con có thấy cơ thể không thoải mái chỗ nào không? Cứ nói ra để chúng tôi giúp đỡ.”
Người già: “Hai cha con được Thần biển chọn đem đến đây, âu cũng là cái duyên, nếu đã đến đây thì ở lại nước Tây đi.”
Người trẻ: “Đến trạm đăng ký khai báo, đổi vài vật dụng của bản thân là có thể sinh sống ở đây được rồi.”
Người không già, không trẻ: “Muốn làm ăn buôn bán gì chỉ cần đăng ký sẽ được hổ trợ, còn không thích có thể tự ứng cử về sở trường bản thân, hoặc thi thố tài năng đều được, nếu thông qua sẽ có chức vụ và được phụ tá cho Vương.”
Mỗi người một câu, thái độ rất ôn hòa chào đón, không nghĩ đến người dân nơi này nhiệt tình đến thế. Hai cha con đứng hình á khẩu một chỗ, đầu óc hiện tại không đủ dùng để tiêu hóa hết lượng thông tin quá lớn đột ngột này. Có thần biển, có Vương ư?
*Cây bão táp: Có tên là cây Hếp. Nó thường mọc tại những nơi thường xuyên chịu sóng gió mặn, và thường là những loại cây đầu tiên mọc trên các bãi và doi cát trên biển. Cây này ưa thích các vùng cát khô, chịu muối mặn rất tốt.
Đây là loài cây bụi to, có thể đạt đến chiều cao bốn mét, mọc gần biển, quen chịu nước mặn, thường mọc trên đất cát hay sỏi đá. Hoa và quả cây có màu trắng, ra quanh năm. Quả cây nổi được trên mặt nước, và được dòng chảy mang đi nên cây này thường là một trong các loại cây tiên phong ở các bãi cát hoang tại vùng nhiệt đới. Không những có tác dụng về sinh thái, dịch quả Hếp còn được dùng chữa bệnh mờ mắt, còn rễ và lá sắc uống chữa phù thũng, lá ăn cầm tiêu chảy. Trên quần đảo Trường Sa, do cây chịu được gió mặn và sóng to nên quân lính ở đảo đã đặt cho Hếp tên gọi là "bão táp". Nguồn vi.wikipedia.org