Lâm Chiêu gãi đầu, đáp: “Các hiệu sách lớn trong thành đều có bán, còn đắt hàng hơn cả cuốn “Tây lâu xuân nguyệt” kia, bị bán sạch mấy bận rồi đấy.”
Những truyện bình thường làm sao hấp dẫn bằng câu chuyện trưởng thành của thái tử, thái tử phi.
Cuốn truyện này vừa in ra, những người không thích đọc truyện cũng hào hứng mua đọc, các tiên sinh kể chuyện trong quán trà cũng rất biết chạy theo thời đại, kể lại những chuyện không có thật kia mà vô cùng sinh động, cứ như thể họ tận mắt chứng kiến vậy.
Tần Tranh sai người tìm mua sạch những cuốn sách còn lại ở Thanh Châu, lệnh cho chủ hiệu sách không được bán nó nữa nhưng lại hay tin cuốn sách này rất được hoan nghênh ở những châu phủ khác làm cô thật sự hoảng hốt.
Cô vội vàng báo tin cho Sở Thừa Tắc.
Sở Thừa Tắc hồi âm bảo Tần Tranh không cần quan tâm khiến cô càng thêm khó hiểu, phải đến vài ngày sau mới tìm được đáp án.
Hôm ấy cô bênh vực Sầm Đạo Khê, làm mất mặt một vài người.
Đa số họ tuy không phục nhưng bị Tần Tranh cảnh cáo vài lần thì cũng phải an phận.
Tuy nhiên trong đó có một phụ tá họ Trần có tiếng là ngạo khí cao hơn tài năng, vốn trước đó đã cảm thấy khá bất mãn với việc mọi chuyện lớn nhỏ ở Thanh Châu đều do Tần Tranh quyết định, hắn cho rằng nữ nhân làm sao hiểu chuyện chính sự.
Có điều hai trọng thần văn võ là Tống Hạc Khanh, Lâm Nghiêu đều ủng hộ cô, bách tính Thanh Châu cũng rất kính trọng cô nên hắn không thể bày tỏ sự bất mãn ấy ra ngoài.
Sau khi bị Tần Tranh vả mặt, hắn vẫn ôm hận trong lòng nên khi nghe bằng hữu ở kinh thành nói Đại Sở bị diệt vọng là do thái tử phi thì cảm thấy rất có lý nhưng lại không dám bày tỏ với những người khác, luôn cảm thấy mình có tài năng nhưng không gặp thời, trong lòng phiền muộn bèn đến quán rượu giải sầu.
Sau vài chén, khi mình họ gì tên gì cũng quên mất, hắn cao hứng viết một bài văn mỉa mai Tần Tranh đã có hôn ước nhưng vẫn có thể gả cho thái tử, quả là thủ đoạn cao minh.
Dựa vào nữ sắc khiến thái tử trao quyền cho cô, một nữ nhân tóc dài kiến thức ngắn mà đùa bỡn quyền