Tối đến, Tần Tranh nằm trên giường tre tiếp tục giở cuốn “Nông kinh” ra đọc, nghĩ đến việc ngày mai Sở Thừa Tắc sẽ đi trắc địa dọc Nguyên Giang với mình, cô cảm thấy cần nói thêm với y những kế hoạch của mình về nông nghiệp ở Thanh Châu.
Sở Thừa Tắc ngồi bên bàn lật xem những bản tấu chiều nay vừa mang đến, Tần Tranh bèn cầm cuốn sách nông nghiệp qua đó, ngồi xuống tấm đệm bên chân y, trải cuốn sách lên đầu gối y, chống cằm nhìn.
“Sao thế?” Sở Thừa Tắc khẽ cụp mắt.
“Kể cho chàng nghe kế hoạch của thiếp.” Tần Tranh cười hì hì, bảo.
Rất ít khi cô cười híp mắt như vậy, có thể thấy là đang rất vui.
Sở Thừa Tắc nhìn mà ngẩn người.
Y ngồi trên chiếc sạp thấp, cô ngồi trên đệm, thấp hơn y một khúc.
Từ góc của y, khuỷu tay Tần Tranh chống lên sạp, bàn tay thì ôm mặt, khóe môi cong cong, hệt như một chú mèo con đang thích chí hưởng thụ khi nằm trong lãnh địa của mình.
Đột nhiên rất muốn xoa đầu cô.
Mà y cũng đưa tay ra xoa thật.
Năm ngón tay xuyên qua lớp tóc dày, không chịu lấy ra.
“Nàng nói đi.”
Tần Tranh chỉ vào hình vẽ guồng nước trong sách: “Những guồng nước bằng tre thế này chỉ có thể làm ở những vùng có dòng nước chảy qua, còn những xóm làng ở xa nguồn nước, hoa màu trong đất không thể được tưới tiêu.
Thiếp muốn đào một con kênh ngầm ở những nơi này, rồi dùng xe đạp nước để dẫn nước vào ruộng.”
Ở hiện đại, mô hình guồng nước này có thể được nhìn thấy ở những điểm du lịch dựng kiểu phục cổ, khá giống một vòng đu quay nho nhỏ.
Khi nước chảy xiết, có thể lợi dụng sức nước để chuyển động.
Khi nước không đủ để đẩy bánh xe, có thể dựa vào sức người hoặc gia súc kéo.
Còn xe đạp nước mà Tần Tranh nói chính là công cụ bơm nước mà cô đã nhìn thấy dân làng dùng khi đích thân đến xem xét ở những vùng bị lũ lụt ven sông.
Tuy làm bằng gỗ, phải dựa vào sức người đạp