Thành phố S nằm ở phía Nam của đất nước, kinh tế phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, mùa xuân cũng gõ cửa sớm hơn so với những thành phố khác. Cây cối hai bên đường đã nhú chồi non, có thể là cây xoan, cũng có thể là thầu dầu, được ánh tà dương bao phủ, nhìn từ xa tới như một mảng màu vàng đục.
Ba ngày thì sửa đường mới, năm ngày lại xây nhà chọc trời, gần như đi chỗ nào là chỗ đó thi công, Hứa Tô cảm thấy thành phố này mờ mịt bụi, cảm giác hạt không khí nặng, ô nhiễm một cách rõ rành rành.
Hắn ngồi trên chiếc Mercedes của Phó Vân Hiến, nhoài người dựa vào bên cửa xe, nhìn từng hàng từng hàng cây cối trên vỉa hè đang chạy ngược cùng với những mỹ nữ ganh đua khoe sắc trên đường, chợt nhớ đến một câu.
Chắc là khoảng mười năm trước, hai năm sau khi người cha Hứa Văn Quân của hắn bị bắn chết, một câu mà Tô An Na từng nói với hắn.
Nửa đời sau, hai mẹ con mình cứ thế mà mắc nợ lẫn nhau thôi.
Trên bức tường ở ngôi nhà cũ của nhà họ Hứa có bức ảnh cưới của cha mẹ Hứa Tô, là một cặp xứng lứa vừa đôi người người hâm mộ, hơn nữa Hứa Văn Quân trong ảnh có gương mặt cực kỳ anh tuấn, mũi sắc mắt sâu như con lai. Nhưng Hứa Tô không kế thừa gene trội này của ông ta mà lại thanh tú hơn một chút, nhìn sao cũng là dạng anh đẹp trai phương Đông.
Ký ức của Hứa Tô về cha mình rất mơ hồ, không nói đến chuyện yêu hay hận, hồi còn chưa nhúng chàm, về cơ bản thì Hứa Văn Quân vẫn có thể coi như là một người cha tốt, cánh tay ông ta vững chãi cường tráng, hay nâng Hứa Tô lên qua đầu mình.
Tiếc là thời gian mà ông ta đi sai đường lại quá dài.
Tô An Na thời trẻ thì nhỏ nhắn trắng trẻo, mày mảnh mắt nhỏ, bình thường khi nói chuyện thì giọng địa phương uyển chuyển nhỏ nhẹ, toát lên khí chất khuê nữ phương Nam. Thực ra cha của bà là người Bắc điển hình, ông Tô từ hồi trẻ đã đi lính xuôi về Giang Nam, sau khi giải phóng thì đóng quân tại thành phố phía Nam, cứ thế theo đà mà trở thành một quản đốc của nhà máy quốc doanh nào đó. Tô An Na là đứa con út trong nhà, trước còn có ba người anh trai, cả nhà cùng sống trong một căn biệt thự kiểu Nhật mà quân Nhật để lại sau khi xâm lược Trung Hoa, ăn ở đều do bảo mẫu lo toan. Lẽ ra Tô An Na vốn phải là một tiểu thư được nuông chiều từ nhỏ, nhưng có lẽ là do bộ gene từ trong cốt tủy kia, cũng có thể là hồi bé đọc “Quy nhạn nhập Hồ thiên*” và “Toan lên núi Thái tuyết mù tung” quá nhiều nên lòng bà vẫn luôn hướng về phương Bắc.
*Quy nhạn: vào mùa xuân, chim nhạn bay về phương bắc, vì thế có câu “Quy nhạn nhập hồ thiên”. Hồ thiên, ở đây chỉ vùng tây bắc, nơi có đông đảo các dân tộc thiểu số của Trung Quốc sống ở đó.
Núi Thái ở đây là Thái Hàng, một dãy núi ở địa phận tỉnh Hà Nam và tỉnh Sơn Tây.
Và vào đúng thời điểm thiếu nữ Tô An Na luôn hướng về phương Bắc kia đến tuổi tơ tưởng yêu đương, một người đàn ông phương Bắc tên Hứa Văn Quân đã xông vào thế giới của bà.
Tô An Na mê muội trước anh chàng phương Bắc đẹp trai này, nhưng ông bố nhà họ Tô thì cực kỳ ngứa mắt người kia, cho rằng người nọ ham ăn biếng làm, tật xấu quanh thân.
Vì ông cụ Tô cực lực phản đối đám cưới này nên khi bụng mang dạ chửa đã sáu tháng, Tô An Na buộc phải đoạn tuyệt qua lại với gia đình, bà ôm bụng bầu nặng trịch bước lên tàu hỏa ngược về phương Bắc, không quay đầu lại nữa.
Ông cụ Tô chống gậy đuổi đến nhà ga, chửi ầm ĩ về hướng đoàn tàu đằng xa: Rồi sẽ có một ngày mày phải khóc mà chạy về đây!
Tô An Na trên tàu không nghe được. Nhưng bà dùng nửa đời khổ cực của mình để chứng minh rằng ông cụ Tô đã đúng.
Thuở ấu thơ của Hứa Tô là những tháng ngày chìm trong tiếng bát đĩa nồi niêu bị đập vỡ vụn.
Hứa Văn Quân ăn chơi rượu chè, cờ bạc gái gú giỏi không thiếu cái gì, sống chỉ đủ ăn nhưng chẳng làm được việc gì nên hồn, sau khi dạt về phương Bắc thì lại cấu kết với một đám bạn bè chó má, ra vẻ đứng dưới ngọn cờ nghệ thuật để rồi cả ngày chỉ có ăn no chờ chết. Cách xử lý của Tô An Na bình thường rất đơn giản, khóc là chính đòi thắt cổ là phụ, phản ứng của Hứa Văn Quân lại càng đơn giản, không chửi không đánh, mặc cho Tô An Na ăn vạ vật ra đất khóc lóc om sòm. Ông ta chẳng mảy may để ý.
Làm loạn xong thì bình thường sẽ được hai ngày bình yên, nhưng những ngày an ổn như thế ngắn chẳng tày gang, Hứa Văn Quân lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục làm bừa.
Cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại, mãi cho đến khi Hứa Tô đi học tiểu học, lần này cái tật của Hứa Văn Quân phạm phải nặng hơn bất cứ những gì từng làm trong quá khứ, ông ta hút ma túy.
Lần này Tô An Na hết cách, chỉ có khóc và khóc, cuối cùng ông nội của Hứa Tô phải chạy từ phương Bắc tới, trói chặt thằng con trai vào trong bếp ép nó cai nghiện.
Ban đầu khi Hứa Văn Quân lên cơn nghiện thì sẽ liên tục oán trách đay nghiến đầy cay nghiệt, rồi lại chửi ầm lên, chửi bố xong lại đến chửi con, gần như không còn là con người. Thậm chí có một lần ông ta còn nói ra một sự thật làm người ta sợ hãi không thôi.
“Thời còn trẻ lão chưa từng bài bạc sao? Chưa từng chơi gái sao? Chưa từng chơi đến táng gia bại sản, ép mẹ tôi phải ra ngoài bán thân để trả nợ cho lão sao?” Giọng của Hứa Văn Quân truyền ra từ trong bếp, tràn trề năng lượng, âm thanh mang lực sát thương cực lớn, “Cha nào con nấy, lão phải sống được đến một ngày kia, con trai lão là thằng đốn mạt, rồi cháu nội lão cũng là tiện chủng thôi, đây là gene rồi, là di truyền, là dòng máu bẩn thỉu chảy trong từng khúc xương thớ thịt của nhà họ Hứa này!”
Hứa Tô nghe thấy mà kinh hãi, tay run lẩy bẩy, bút chì làm bài tập cũng gãy rắc một tiếng.
Ông nội của Hứa Tô ghét con trai ồn ào, lo sẽ ảnh hưởng đến việc học của cháu trai nên đành vào nhà bếp, dùng giẻ lau bịt mồm thằng con lại. Kể từ hôm đó, đêm nào Hứa Tô cũng nghe thấy tiếng Hứa Văn Quân đập đầu vào tường và dùng móng tay cào lên vách, âm thanh kia vừa khó chịu vừa lắt nhắt, cứ thế len lỏi vào từng lỗ chân lông của hắn, dù không quá ồn nhưng lại làm người ta sởn tóc gáy.
Thậm chí rất nhiều năm sau khi Hứa Văn Quân chết, đôi khi trong lúc ngủ mơ, Hứa Tô vẫn sẽ đột ngột nghe thấy thứ âm thanh này, để rồi choàng tỉnh dậy khi cả người đã lạnh ướt mồ hôi.
Hứa Tô tự nhận da mình dày ba tấc, tim thì đen như mực, nhưng hắn có một điểm yếu, là sợ người ta chửi mình là đồ tiện chủng.
Về sau ông nội Hứa Tô bị thằng con khốn nạn kia làm cho tức giận đến mức tái phát xuất huyết não, cố đấm ăn xôi trên giường bệnh được nửa tháng thì chết.
Sau khi ông nội Hứa Tô chết, không còn ai có thể trị được Hứa Văn Quân nữa, Hứa Văn Quân tiếp tục trải qua cuộc sống mờ mịt không ánh sáng, để rồi ăn đạn sau khi đã táng gia bại sản.
Tội bị phán là giết người hiếp dâm, Hứa Tô không tin lắm. Hắn chẳng trông mong gì vào nhân phẩm của lão già nhà mình nhưng vẫn cho rằng ông ta không việc gì phải thế. Ngoại hình của Hứa Văn Quân rất được lợi, đàn bà không đàng hoàng vẫn hay kè kè bên cạnh, tự nguyện dâng hiến cho ông ta cũng bằng lòng, cần gì phải vì chút sung sướng dưới đũng quần mà bị bắn chết.
Tô An Na cũng không tin, liều mạng muốn minh oan cho chồng.
Rồi lý do là gì đây? Thích ông ta ăn chơi rượu chè, cờ bạc gái gú, hay là thích ông ta trói gà không chặt, Hứa Tô nghĩ lên nghĩ xuống, nghĩ tái nghĩ hồi mà cũng chẳng hiểu rốt cuộc là tại sao mẹ mình lại cố chấp như thế. Cuối cùng hắn cảm thấy có lẽ là do mê cái mã ngoài, ngay từ đầu Tô An Na đã thích bộ dạng anh tuấn của Hứa Văn Quân, giống như hắn thích gương mặt mỉm cười ngọt ngào của con bé họ Bạch nhà hàng xóm, để rồi cũng vì một câu nói của cô ta mà hái trăng hái sao, băng núi vượt đèo.
Tóm lại, việc Hứa Văn Quân bị bắn chết không làm Hứa Tô thấy thương xót, phần nhiều là cảm giác thở phào nhẹ nhõm. Trong đầu hắn bỗng nảy ra một câu mới vừa học trong sách giáo khoa, rằng đất Bắc hoang tàn, áo mũ xuôi Nam*.
*Câu gốc là “Đất Bắc hoang tàn, áo mũ xuôi Nam, Hồ Địch khắp nơi, con dân nhà Hán bị tàn sát gần hết”, ý chỉ cuộc di dân quy mô lớn về phía Nam của chính quyền quan lại Trung Nguyên vào thời nhà Tấn. Bắt đầu từ năm 304, Tây Tấn diệt vong do loạn Vĩnh Gia khi các ngoại tộc tại Trung Nguyên nổi loạn, do chiến loạn, đã có một lượng lớn nhân khẩu, bao gồm cả các sĩ tộc đã di cư từ Trung Nguyên đến đồng bằng trung hạ du Trường Giang, việc này đã có tác động sâu sắc đến diện mạo chính trị thời Đông Tấn, đồng thời cũng giúp phát triển kinh tế trung hạ du Trường Giang, khiến trung tâm kinh tế của Trung Hoa chuyển xuống phương Nam.Trong thời kỳ Ngũ Hồ thập lục quốc, ở phương Bắc, giữa ngoại tộc và tộc Hán mở ra dung hợp về mặt dân tộc và văn hóa. Cuối thời Đông Hán đến thời Ngụy-Tấn, các tộc người phương bắc dần tiến vào Trung Nguyên, sống cùng với người Hán, chịu ảnh hưởng từ văn hóa Hán, song thường chịu áp bức từ quan lại người Hán hoặc chịu sự kỳ thị của người Hán. Sang thời Ngũ Hồ thập lục quốc, các tộc người phương Bắc xâm nhập hơn nữa vào Trung Nguyên. Các quốc gia do những tộc người này lập nên được gọi là “vương triều thâm nhập”. Trong khi giao lưu, do các nhân tố như xung đột tư tưởng, phân tranh chủng tộc hay đấu tranh chính trị, tại Thập Lục Quốc thường xảy ra các xung đột như phá hoại hay đồ sát. Hồ và Địch là các dân tộc phía Bắc và phía Tây Trung Quốc.
Hắn muốn trở về phương Nam, nhưng Tô An Na lại khăng khăng không chịu trở về.
Tô An Na là tiểu thư được chiều từ bé, trước tình hình này, đưa con trai về nhờ cậy cha ruột hẳn là quyết định sáng suốt nhất. Nhưng bà không làm thế. Trên đời này có hai loại người sống khổ cực nhất, một là loại trí nhớ quá tốt, một là loại quá sĩ diện. Tô An Na thì là cả hai.
Từng có một ông chủ người Hồng Kông “du lịch ngang qua” liếc mắt đã chú ý tới Tô An Na, muốn đưa bà về làm tình nhân. Nhưng cái thân phận tình nhân kia vốn đã không thể lộ ra ngoài sáng, thêm một đứa con chồng cũ lại càng không ra làm sao. Ý của ông chủ người Hồng Kông là muốn bỏ mặc Hứa Tô, chỉ có hai người bọn họ ung dung tự do rời đi. Tô An Na cũng thật sự muốn quẳng Hứa Tô về nhà họ Hứa, ông già của Hứa Văn Quân đã bị thằng con ép cho tức chết rồi nhưng mẹ của Hứa Văn Quân thì vẫn còn sống, bà cụ làm ruộng ở quê một mình, nuôi thêm một thằng cháu trai có đáng là bao.
Nhưng về sau chẳng biết là có khúc mắc gì hay lương tâm trỗi dậy mà bà ta không làm như thế.
Khi ông chủ Hồng Kông bỏ đi, Tô An Na nói với Hứa Tô câu ấy.
Về chuyện này, Hứa Tô nửa biết ơn, nửa ngờ vực.
Từ đó về sau, Tô An Na hoàn toàn thay tính đổi nết, không còn dịu dàng nhỏ nhẹ, không định đi bước nữa, cũng chẳng trông mong có người cứu nạn. Hứa Văn Quân chết rồi vẫn để lại một mớ bòng bong, bà đầu tắt mặt tối đi sớm về khuya để vực dậy cả gia đình, bày sạp bán đồ, bán vé chợ đen, làm tất cả những việc kiếm tiền từ hợp pháp đến bất hợp pháp, chớp mắt mà thanh xuân đã trôi qua, sắc đẹp cũng úa tàn. Có lần Hứa Tô thấy Tô An Na chửi nhau với một tên bán hàng vì cân thiếu một tí gan lợn trong chợ, bất giác còn tưởng là mình nhìn thấy chị hai Dương* dưới ngòi bút Lỗ Tấn, xương gò má lồi cao, môi mỏng quẹt, hai tay chống xuống đùi y như cái compa lẻ loi trơ trọi.
*Chị hai Dương là nhân vật trong truyện Cố Hương của Lỗ Tấn, thời còn trẻ được gọi là Tây Thi đậu phụ (Do chị Hai Dương cùng quê với Tây Thi (thời Xuân Thu) và chị ta bán đậu phụ nên gọi là Tây Thi đậu phụ), là hiện thân của một người “sống một cuộc sống khó khăn” theo như lời tác giả.
Hứa Tô đúng lúc nhớ về câu nói ấy, nghiền ngẫm mới thấy hình như đúng là như vậy.
Mà chờ đến khi Tô An Na thật sự không chịu nổi nữa muốn trở về thì đã không còn về được nữa. Anh trai và chị dâu của bà chẳng hiểu làm sao mà lại lừa ông cụ bán luôn căn nhà kiểu Tây có vườn trong nhà đi, lừa đứa em gái không ở cạnh cha mình để tự tiện chia chác. Đợi đến khi hai mẹ con ngu ngốc Tô An Na biết được thì ông cụ Tô đã chết bệnh nhiều năm. Tô An Na không nơi để về, không còn người thân, côi cút chịu khổ đã nhiều năm, đã chẳng còn nhớ tình cảm gia đình gì nữa, bà viết đơn kiện anh trai và chị dâu ra tòa, phiên tòa kéo dài mấy năm trời, trong thời gian đó còn bị luật sư vô lại lừa cho bao nhiêu tiền, để rồi vẫn thua kiện.
Thời điểm tòa án thẩm vấn thật sự loạn như gà bay chó sủa. Luật sư thao thao bất tuyệt, vỗ ngực chắc nịch đảm bảo với hai mẹ con nhà họ nhưng vừa lên tòa thì lắp ba lắp bắp, mãi lâu sau Tô An Na mới hiểu được có lẽ mình đã bị một tên luật sư đã không có tài còn không có đức lừa. Luật sư trên tòa không giúp được gì, Tô An Na không nhịn nổi mà tự thân ra trận, chỉ thẳng vào mũi anh hai mà chửi bới, anh hai đáp trả nói Tô An Na là một đứa