Năm 2003, Trung Quốc có rất nhiều người phải mang khẩu trang, đó là một năm khủng hoảng của quốc gia, chỉ vì một nguyên nhân: SARS.
Vào năm 2004, khắp nơi trong cả nước nghiêm túc thực hiện tốt công tác chống dịch “SARS” bùng nổ một lần nữa, năm đó tôi cũng đã hai mươi hai tuổi, sắp tốt nghiệp. Học kỳ cuối cùng cũng không có lịch học nữa, nhìn các bạn học xung quanh nôn nóng bận rộn đi khắp nơi nộp sơ yếu lý lịch, mượn trang phục tham gia phỏng vấn, tôi thì lại giống như người không có việc gì làm ngồi lì ra đọc sách, hoặc là cả ngày cứ đi lang thang ngoài phố, đứng ngây người trên những con đường lớn ngắm cây ngô đồng mà ngẩn cả người.
Đến thời gian không thể không rời khỏi trường, tôi đến nhà cô hai, đến thôn nhỏ ở Dĩnh Thượng An Huy kia. Nhưng tôi không để cô hai thấy tôi, mà tôi chỉ ngồi ở phía xa xa trên bờ ao nhìn lại cổng nhà cô ấy. Tôi thấy hai đứa trẻ đang vui đùa ở trong sân. Đó chắc là hai đứa em phải gọi tôi là chị – Phi Dương và Nhiễu Nguyệt. Tôi cũng thấy cả cô hai và chú. Không thấy Triển Tường. Tôi nhớ đến anh đã từng nói anh sẽ không ở nơi này.
Sau đó, tôi đến phương nam, tìm việc làm ở thành phố mang tên một vĩ nhân, bắt đầu một cuộc sống yên ổn. Nửa năm sau đó đều tốt đẹp, tôi trở về trường làm hồ sơ chuyển nhân sự, lúc ở phòng làm việc tôi nghe được hai giáo viên đang tán dóc, họ nói Triển Tường bây giờ ở bên ngoài rất tốt, vừa mới quay về trường chuyển xin nghỉ tạm thời thành từ chức. Nghe đến đây, tay của tôi run run, chữ viết cũng trở nên xiêu vẹo. Cuối cùng tôi cũng viết xong, thế là tôi đi khắp sân trường tìm kiếm bóng dáng của anh, nhưng không thấy. Tôi hỏi nhân viên phòng thường trực thì anh ta nói rằng thầy Triển vừa đi được một lúc rồi. Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời, cố gắng hít vào không khí ở thành phố mà tôi đã sống bốn năm qua này. Chỉ vì một phút trước, anh đã từng đi qua nơi này, anh với tôi ở cùng một thành phố, hít thở cùng một bầu không khí.
Đến
sân bay, đổi vé đã đăng ký, tôi đi đến phòng chờ bay để ngồi, thời gian vẫn còn sớm, thế là tôi đi dạo vài vòng. Trong một nhóm người đáp chuyến bay quốc tế, tôi thấy anh, thấy chú Triển Tường của tôi. Tuy rằng đã rất lâu rồi không gặp, nhưng dáng vẻ đó đã trở nên quen thuộc như khắc sâu vào xương tủy tôi! Tay trái anh cầm một vài tờ giấy, bước theo đám người, đi đến bên cạnh một cánh cửa kính.
Tôi đứng đờ người ra đó, đầu óc trống rỗng.
Suy nghĩ hỗn loạn đã khiến tôi không nhớ nổi mình bước lên máy bay như thế nào, không biết mình làm sao có thể tìm được vị trí trên tấm vé mà ngồi xuống.
Trong lòng tôi không ngừng suy nghĩ: Anh sắp rời khỏi Trung Quốc.
Tôi không biết anh đi đâu. Không biết anh có thấy tôi hay không. Không biết anh có còn nhớ đến tôi hay không. Không biết anh có nghĩ đến tôi đã trưởng thành hay không. Tôi không biết gì cả, nghĩ đến những điều đó lòng tôi lại nhói đau, nước mắt tuôn ra như đê vỡ. Tiếp viên hàng không hỏi tôi có muốn uống chút gì không, tôi ra sức lắc đầu, không dám lên tiếng nhưng nước mắt lại tuôn ra ngày càng nhiều. Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi lấy một cốc nước trái cây cho tôi. Sau đó lại đưa đến một chiếc khăn hình vuông, để tôi lau nước mắt. Anh ta dùng giọng nói rất nhẹ nhàng nói: “Cô nhìn bầu trời bên ngoài xem, rất đẹp!” Tôi nghiêng đầu nhìn ra bên ngoài. Tôi thấy được tầng tầng lớp lớp mây như những dãy núi, cuồn cuộn, núi non trùng trùng điệp điệp. Thực sự là rất đẹp. Anh ta duỗi tay ra: “Tên tôi là Tang Thần, rất hân hạnh được quen biết cô!”
Triển Tường, trong giây phút đó, rốt cuộc em cũng biết được cái gì gọi là đau lòng, đau đến mức không thể hô hấp. Ở độ cao mấy ngàn mét, em mặc niệm tên của anh, nói với anh một câu, chào tạm biệt chú.