Quán rất nhỏ, bán đủ thứ tạp hóa linh tinh, có cả bia tươi, đồ nhậu, kiêm thêm cả sửa xe. Chủ quán là một cô trung niên chất phác, cẩn thận đánh giá hai vị khách lữ hành mặt đỏ au, quần áo lấm lem bụi đường:
- Cô cậu cần gì?
Như một phản xạ không điều kiện, cả hai tranh nhau nói:
- Nước, cơm!
- Sửa xe.
- Chỗ rửa mặt.
Cô chủ quán lắc đầu:
- Tóm lại là cái gì?
Vân nhanh nhẹn giải thích:
- Chúng cháu cần mua nước uống, và cơm tối. Cháu cũng cần sửa xe máy để về thành phố.
- Cơm nước thì dễ. Còn sửa xe thì… Cô cậu xui rồi. Chồng tôi lại đi vắng tối nay, sáng mai mới về.
- Có thể gọi chú ấy về được không cô? Bọn cháu sẽ trả thêm tiền.
- Không xong việc thì có tiền triệu cũng không về được.
Bà cô nói chắc như đinh đóng cột, xong chỉ cho họ nhà vệ sinh. Hải quăng con xe vào một góc, chạy vào thấy Vân đang loay hoay với một sợi dây. Hóa ra ở đây không có nước máy, vẫn phải dùng gàu múc nước, buộc một sợi dây thừng dài thả xuống giếng. Cả đời bọn họ chưa múc nước giếng kiểu này bao giờ. Hải gạt Vân ra, hùng hùng hổ hổ cầm cái gàu ném xuống giếng, thả dây giật mạnh, ga lăng nói:
- Tay đâu?
Vân chìa hai tay ra. Buồn một nỗi cái gàu kéo lên thì khá là nặng, nhưng nước đổ ra chả được bao nhiêu.
- Chờ chút.
Hải lại quăng gàu xuống, lần này vừa giật vừa nhấn cho cái gàu gần như chìm nghỉm vào lòng giếng, mới kéo lên, nhếch miệng cười hài lòng, điệu bộ hiếu thắng không khác gì trẻ con. Nước giếng trong veo, mát lạnh. Vân cúi chồm hỗm rửa tay, rửa mặt.
- Chân đâu? – Anh hỏi một cách tự nhiên. Đương nhiên chân tay đều bẩn, đều cần phải rửa. Vân cũng không nghĩ ra, chỉ theo quán tính nắm gấu váy kéo cao lên quá đầu gối. Hải cầm gàu nước dội vào hai bàn chân của cô cho cát trôi đi. Anh lại kéo thêm một gàu nước khác, trong khi Vân chà chà hai bàn chân vào nhau. Anh cầm gàu nước té lên chỗ bắp chân dính bẩn của cô, lúc này mới để ý chân cô rất thon, trắng mịn như sứ. Tay cầm gàu bất giác hơi khựng lại. Vân nhận ra không khí có gì đó là lạ, bèn dậm dậm chân vài cái nữa rồi thả váy xuống, nói nhanh:
- Tôi xong rồi. Anh rửa đi.
Nói chưa xong, người đã chạy vào trong quán.
Chủ quán dọn đồ ăn lên cái sập gỗ cũ, chứ cũng không có bàn ghế gì. Vân và Hải ngồi xếp bằng trên sập, háo hức như hai con chim con sắp được chim mẹ cho ăn. Cô chủ quán nhấc cái nồi đặt ở giữa, mở nắp vung. Mùi thơm của canh cá nấu chua lập tức bốc lên làm chảy nước miếng. Thêm cơm trắng nóng hổi. Cả hai xì xụp ngồi ăn cho đến khi nước canh trong nồi cạn đến đáy. Ăn xong, Hải lại ra sức vật lộn với cái xe, nhưng vẫn không có kết quả. Bà cô nói:
- Chỉ còn nước đợi đến sáng mai chồng tôi về thôi. Hoặc kéo bộ gần hai chục cây nữa mới tới được khu dân cư. Nhưng nhìn hai đứa thì… không đủ sức.
Hải bỏ cuộc, thả phịch người nằm xuống sập. Anh nhìn Vân:
- Chắc là đành phải theo ý kiến của cô đây rồi!
- Đành vậy! – Vân bất đắc dĩ gật đầu.
Cô chủ chỉ vào trong nhà:
- Phía trong còn có một phòng trống. Mệt thì vào đấy mà nghỉ ngơi.
Một phòng? Cả hai người nghe thấy thế đều giẫy lên như đỉa phải vôi, vội vàng từ chối:
- Không mệt.
- Không mệt thì ngồi nhậu cho đỡ buồn.
Bà chủ quán bỏ vào trong, sửa soạn một hồi mang ra một can bia, một đĩa mực khô xé và ba cái ly. Bà ta đặt tất cả xuống giữa sập, xoa chân ngồi xuống kế Vân, cao hứng nói:
- Gió mát trăng thanh, nhậu là nhất.
Hải đang nằm dài phía bên kia cũng ngồi dậy. Vân lấy làm lạ. Một người phụ nữ bán quán trung tuổi mà lại có khí chất hào sảng, phóng khoáng như vậy. Thấy ánh nhìn nửa nghi ngờ của Vân, bà cô nói:
- Gặp nhau ở đây, chắc cũng phải có chút ít duyên nợ. Yên tâm đi, tôi mời, không tính vào tiền cơm.
Sau đó rót bia ra ba cốc. Ba người chạm ly, uống bia, nhai khô mực. Loại mực đặc sản của vùng biển Vũng Tàu, phơi dẻo, dày mình, càng nhai càng ngọt. Câu chuyện xoay quanh các loại đặc sản địa phương. Việt Nam hơn sáu chục tỉnh thành, hơn năm mươi tư dân tộc, đặc sản chắc phải chất dầy như mấy đống rơm, thành ra câu chuyện rổn rảng đến đêm chưa dứt. Vân làm cú mèo quen, hồi chiều lại vừa được ngủ một giấc say sưa, thành ra càng nói càng hào hứng. Cô nhìn Hải đang gật gà gật gù bên cốc bia, trên miệng vẫn còn ngậm một cái râu mực dài chưa buồn nhai, không kìm được bật cười, đập đập vào vai anh:
- Hải, vào trong ngủ.
Hải lơ ngơ đứng dậy.
- Đi thẳng quẹo trái, mở cửa phòng đầu tiên. – Cô chủ quán chỉ dẫn.
Anh như người mộng du, ngoan ngoãn làm theo, lúc này cơ bản chỉ mơ đến một cái giường. Chỉ còn lại hai người, câu chuyện về các món hay vật lạ bị gián đoạn, thành ra không khí yên tĩnh một lúc rất lâu. Mãi sau, cô chủ quán mới hỏi:
- Hai đứa không phải là người yêu, hay vợ chồng à?
Vân không phải là một người hay chuyện, nhưng không hiểu sao, cô lại bỗng muốn tâm sự với một ai đó. Một người hoàn toàn xa lạ, người sẽ không thể phán xét hay tác động, chỉ đơn giản có thể lắng nghe cô nói.
- Dạ không cô ạ. Anh ấy là em của một người bạn cháu đã từng thân thiết. Nhưng người bạn ấy chết rồi. Chúng cháu tình cờ gặp nhau, rồi có nhiều chuyện xảy ra, đến bây giờ, có thể coi nhau như bạn bè.
- Cháu có tình cảm với cậu ta đúng không?
- Không có. – Vân ngập ngừng rất lâu, sau đó mới lúng búng nói: – Nói không có thì là không đúng. Mà nói là có thì cũng không phải. Cô không hiểu đâu. Cháu với anh ta, giống như có một sự đồng cảm. Cháu thì mất người yêu. Còn anh ta mất một người anh trai.
- Nếu như anh ta thực sự thích cháu?
- Không có khả năng. Cuối tháng này anh ấy về Mỹ rồi. Chúng cháu mãi mãi là không thể.
- Nhưng cô thấy được tình cảm, sự quan tâm của anh ta dành cho cháu. Theo ta khi tình cảm đến, cháu nên mở lòng đón nhận. Kết hôn, sinh con, sống yên vui với chồng con mới là hạnh phúc của người phụ nữ.
Vân cười buồn bã:
- Cháu cũng không định làm bà cô già suốt ngày cau cau có có đâu.
- Vậy tại sao không phải là anh ta? Nếu như cháu sẽ lấy một người đàn ông khác, thì cớ gì không phải là người đàn ông này?
- Anh ấy giống hệt người anh đã mất. Nhìn anh ấy, cháu sẽ nhớ tới người bạn kia. Cháu không muốn thiệt thòi cho anh ấy. Anh ấy là