22. THIS USED TO BE MY PLAYGROUND
Một hôm, trong lúc đợi Ryuchiro về, rảnh rỗi ngồi xem tivi, tôi lấy giấy bút ra viết lại những sự kiện chính đã xảy ra gần đây.
• Cái chết của em gái
• Ngã chấn thương não phải phẫu thuật
• Rối loạn trí nhớ
• Em trai có khả năng siêu nhiên
• Thân thiết với Ryuchiro
• Đi Kochi
• Đi Saipan
• Quán nơi làm thêm đóng cửa
• Việc làm thêm mới
• Trí nhớ trở lại
• Em trai vào học nội trú
• Cô Junko bỏ đi
• Kết bạn với Mì Sợi và Mesmer
Viết thành chữ như thế này nhìn lại mới thấy thật kỳ lạ. Nếu đặt tờ giấy đó lên bàn thì chẳng qua chỉ là mẩu giấy vuông vắn, nếu có vo viên ném đi hay bay đâu mất thì cũng chẳng sao. Vậy mà sao tôi bỗng cảm thấy thật trìu mến và có cảm giác nó như một cuốn phim tư liệu chứa đầy những sự kiện đã xảy ra bấy lâu nay, chợt ào ra, nhuộm đầy không gian xung quanh tôi. Trí óc tôi từ từ chuyển những thông tin trong mẩu giấy đó thành hình ảnh. Và tôi đã du hành giữa những hình ảnh ấy để bây giờ có mặt ở đây. Trước mặt tôi là một chiếc bàn trong nhà người bạn trai. Nhưng trong chuyến du hành này, ngay ngày mai thôi, nơi đây, biết đâu đấy, lại có thể trở thành ngôi nhà của kẻ thù. Ngay chính tờ giấy ghi lại lịch sử này của tôi cũng có thể mãi mãi rơi vào quên lãng. Biết đâu trên đường về, tôi có thể bị đụng xe và thế là chấm hết một đời người. Cả những người mãi đến lúc này tôi có thể dễ dàng gặp, dễ dàng nói chuyện cũng sẽ cứ thế tan vào vĩnh hằng, và bằng giờ này năm sau sẽ chẳng còn ai biết tôi ở đâu. Biết rõ đời là thế, vậy mà kể ra mọi người cũng giỏi sống sót đấy chứ, tôi thầm nghĩ. Tất cả đều giỏi né tránh, giỏi đối đầu, giỏi khóc, giỏi cười, giỏi thù hận... không phải để cố tránh khỏi cái chết, mà để cố không sụp đổ vì cảm nhận mọi thứ quá rõ ràng. Nhẹ nhàng siết chặt những sợi dây mềm mại của ký ức, tôi lặng lẽ nhìn lên những tia sáng vàng rực, những vòm cây cả ngàn năm tuổi, để rồi thả hồn theo những rặng núi phản chiếu ánh hoàng hôn trải dài ra tít tắp hay bóng những công trình đồ sộ mà người xưa đã dựng lên, tìm sự bình yên trong đó. Sớm mai ra, tôi muốn mình vẫn sẽ thức giấc ở đâu đó. Nhất định tôi sẽ sống tiếp, ở một bến bờ hạnh phúc nào đó, với một sức sống mới, với vẹn nguyên linh hồn của chính tôi trước khi bước vào giấc ngủ, sao cho ngay cả trong mơ, tôi cũng không mất đi những cảm xúc chân thực ấy. Tất cả những điều đó mới thật rắc rối khiến đã có lần tôi muốn chết, nhưng cũng chính những điều đó mới thật thú vị nên tôi vẫn muốn được tiếp tục sống. Điều đó giống hệt như những cảnh trong truyện tranh khi thiên thần và ác quỷ trong con người ta tranh đấu với nhau, lôi kéo ta về hai phía và chính nhờ thế mà trọng lực còn giữ ta lại trên mặt đất này.
"Gửi các bạn,
Sau khi làm chuyện đó, nói thực, ngay cả việc liên lạc lại cũng khiến tôi thấy ngại ngùng, nhưng dù gì tôi vẫn muốn viết thư và thế là tôi cầm lấy bút.
Giờ đây, tôi đang ở chỗ mẹ tôi cùng với con gái tôi.
Số tiền tôi đã mượn của các bạn, chắc chắn tôi sẽ trả lại.
Những ngày sống cùng các bạn thật vui, nhưng biết bao lần, tôi đã tự hỏi lòng "Sống với người ngoài còn vui vẻ được đến vậy thì nếu sống với con gái ruột của mình sẽ còn vui đến đâu nhỉ?"
Đến khi chuyện đó trở thành hiện thực như lúc này mới thấy mọi thứ không phải lúc nào cũng như mình mong muốn và đứa con gái xa mẹ lâu ngày cũng chưa thể cởi mở được ngay, tôi lại càng thấy nhớ Yoshio, nhớ Saku, nhớ cả Mikiko nữa.
Giá mà tôi có thể sống mãi trong ngôi nhà mà Yukiko trong vai ông chồng, còn tôi trong vai bà vợ thì tốt biết bao.
Để có thể dứt bỏ được mong muốn ấy, tôi chỉ còn một cách như vậy. Dù các bạn không hiểu cho tôi, tôi cũng không còn lựa chọn nào khác, nhưng phải nói rằng, đó là một quyết định rất khó khăn của tôi.
Dù sao, tôi vẫn muốn cùng với mẹ và con gái mình xây dựng một cuộc sống vui vẻ như tôi đã từng có với các bạn.
Mong các bạn luôn hạnh phúc!
Hẹn gặp lại một ngày nào đó.
Chúc mọi người luôn khỏe mạnh và lớn nhanh nhé!
Junko."
Tôi vốn hiếm khi khóc trước mặt người khác, còn mẹ tôi là người khiến người khác chỉ có thể nghĩ rằng bà coi "Khóc là thiệt". Vậy mà duy chỉ có bữa ấy là mẹ tôi đã khóc. Có lẽ đó chính là những giọt nước mắt của tình mẫu tử. "Bữa ấy" ở đây có nghĩa là ngày em tôi rời trường nội trú. Một buổi sáng mùa hè nóng hầm hập, tôi và mẹ cùng đi đón em tôi. Ngay ở quầy lễ tân, một thầy giáo đã bảo với chúng tôi:
- Từ trước đến giờ hiếm có em nào hay xin ra ngoài như cháu nhà mình. Nhưng không có Yoshio, rồi đây chắc sẽ buồn lắm!
Trong lúc đó, em tôi thu dọn chỗ đồ đạc ít ỏi của nó rồi xách bằng một tay bước về phía chúng tôi. Một bé gái nhỏ nhắn nắm tay còn lại của nó, vừa bước đi vừa mỉm cười.
- Em đó trước đây chỉ nói chuyện với mình Yoshio thôi đấy! Một cô giáo khác nói.
Nhưng không phải chỉ có mình cô bé đó, rất nhiều em khác cũng kéo nhau ra khỏi phòng để đến chào tạm biệt em tôi. Có em không nói chuyện, có em lớn tướng rồi mà vẫn phải đóng bỉm, có em rất nóng nảy với đôi mắt hằn học, có em gầy đến mức dị dạng, có em mập ú... tất cả, đứa khóc, đứa nhìn chăm chăm, đứa siết chặt tay em tôi... Chúng làm tất cả những gì có thể để thể hiện nỗi buồn của mình. Em tôi bị vây kín xung quanh và nhận được bao nhiêu là thư, tranh và những món đồ thủ công nho nhỏ. Nhưng thằng bé không khóc mà chỉ luôn miệng đáp lại:
- Tớ sẽ viết thư cho cậu!
- ...
- Nhớ đến chỗ tớ chơi nhé!
- ...
- Bữa tới bọn mình đi câu nhé!
Mẹ tôi nói đùa:
- Trông cứ như Đức Chúa Trời ấy!
Cảnh tượng đó mãi không kết thúc nên cuối cùng một thầy giáo từ trong lớp học phải gọi với ra:
- Đến giờ vào lớp rồi đó các em!
Vậy mà lũ trẻ vẫn chẳng chịu rời khỏi em tôi. Nhìn cảnh đó, tôi bỗng rơi nước mắt. Giây phút ấy, tôi cảm nhận thấy rõ ràng mình yêu quý em trai đến mức nào. Thế rồi, những chuyện đã xảy ra lâu nay bỗng ập về, bao quanh tôi như một bầu không khí. Và tất cả đều ngập tràn một thứ ánh sáng đặc biệt có tên gọi là em trai tôi, khiến tôi nhớ lại mọi chuyện một cách rõ ràng và da diết gấp hàng vạn lần so với kỷ niệm về những phong cảnh hay sự kiện đã qua. Chính điều đó đã làm tôi khóc. Cuối cùng, em tôi cũng bật khóc và chúng tôi bước vào thang máy khi nó vẫn còn thút thít, còn đám bạn của nó tưởng như muốn theo mãi không rời.
- Con đã làm gì ở đó vậy? Truyền đạo ư? Mẹ tôi hỏi, mũi vẫn còn ngạt vì xúc động.
- Con chỉ kết bạn thôi, lần đầu tiên trong đời. Bọn con thân nhau như hành với kiệu ấy, giống hệt hồi ở Saipan. Con chưa bao giờ làm thế ở trường cũ! Em tôi đáp. Bọn con sẽ là bạn tốt của nhau mãi mãi, và con sẽ có thêm nhiều bạn nữa. Từ giờ trở đi sẽ là như thế!
- Phải đấy! Mẹ tôi nói. Bạn bè quan trọng lắm đó con!
Cả tôi và em tôi đều im lặng. Đến tận lúc này, tôi vẫn còn có thể hình dung rõ mồn một hình ảnh cô Junko cùng mẹ tôi trò chuyện trong phòng bếp giữa đêm khuya. Hầu như đêm nào cũng vậy, mỗi khi tỉnh dậy, mắt nhắm mắt mở đi dọc hành lang ra toa-lét, tôi đều thấy họ chuyện trò to nhỏ, chốc chốc lại cười khúc khích với nhau hệt như hai cô bạn học cấp ba.
"Saku thân mến,
Tự nhiên lại bày đặt thư từ thế này, kể cũng kỳ!
Cảm ơn cậu chuyện hôm trước nhé!
Hôm đó quả thực là rất vui, đến mức mình thấy thật may mắn đã sống để được trải qua những giây phút đó.
Thành thực mà nói, mình đã từng cảm thấy có phần hãnh diện với việc lưu học ở Mỹ vì có khả năng đặc biệt. Tất nhiên cũng có chuyện này chuyện nọ nhưng có lẽ phải đến một nửa là sự hãnh diện. Rồi cảm giác ấy ít dần đi và ở đó, mình ngày càng cảm thấy khó khăn hơn. Lại thêm chuyện với Mesmer cũng không suôn sẻ (vì anh ấy chính là một phần của cái thế giới ấy) và cuối cùng, kể cả sau khi mình đã chia tay với Mesmer, quay về đây rồi, mình vẫn luôn tự hỏi, cuộc đời của mình có ý nghĩa gì? Mình đến nước Mỹ vì điều gì? Rồi ngày hôm ấy, bọn mình đã ra biển.
Có biển lớn, có trời xanh, có nắng ấm, có người yêu cũ và những người bạn mới... và bọn mình đã rất vui vẻ bên nhau. Mình đã thực sự hiểu ra rằng chẳng có vấn đề gì ở bất kỳ đâu cả. Chỉ đơn giản là chúng ta đang sống. Lần đầu tiên trong đời, mình nghĩ như thế, rằng chẳng có sai sót gì cả.
Cảm ơn cậu.
Cuộc đời cứ