- Chị nghe về vụ giết người chưa? Mikiko bất ngờ hỏi, vẫn quay lưng lại.
- Sao? Gì cơ? Quá ngạc nhiên, tôi hỏi lại.
- Cả ngày hôm qua mọi người chỉ nói mỗi chuyện đó thôi mà. Mikiko đáp.
Cái kiểu trả lời thản nhiên trong khi vẫn đều tay bắc nồi xúp tương lên bếp khiến tôi cảm giác như mình đang nghe tiếng vọng kỳ quái trong một cơn ác mộng.
- Chị đi làm về thì mọi người đã ngủ rồi còn đâu! Làm sao mà biết được?
- Chị Miyamoto nhà ở đầu phố giết một người đàn ông đấy! Mikiko nói.
- Sao cơ?
Tôi biết cô ấy. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau ở gần nhà. Ăn mặc rất giải dị nhưng cô ấy là một phụ nữ đẹp và mỗi khi tôi chào, bao giờ cô cũng cười đáp lại "Chào chị!". Cô thường mặc một chiếc áo len màu xanh đậm, có hai đường viền trắng ở ống tay, khiến mỗi lần trông thấy, tôi lại nghĩ thầm "Sao trông giống hình xăm của phạm nhân thời Edo thế!".
- Chuyện thế nào? Tôi hỏi.
Mikiko kéo ghế ngồi xuống trước mặt tôi, hơi rướn người ra trước và nói:
- Nghe đâu chị ấy cảm thấy đầu óc không được bình thường thì phải. Thành ra khi bị bạn trai chia tay, chị ấy không kiềm chế được nên đã đâm người ta. Bố chị ấy mất cũng lâu rồi. Hình như hồi trước bác ấy làm tổ trưởng tổ dân phố gì đó. Chỉ có hai mẹ con sống với nhau. Chính chị ấy cũng cắt cổ tay tự tử nhưng may mà mẹ chị ấy về kịp.
- Sao em biết rõ như xem phim truyền hình thế? Tôi bất giác phì cười.
- Thì bác gái kể cho em chứ sao? Mikiko đáp.
- Thảo nào!
Mẹ tôi vốn thích nghe những chuyện như thế mà.
Lò vi sóng kêu "tinh" một tiếng. Tôi đứng dậy, bóc lớp ni-lông nóng bọc món sườn lợn chua ngọt và hỏi:
- Người đàn ông đó bao nhiêu tuổi?
Sao tôi lại hỏi câu đó nhỉ? Nhưng câu trả lời đã làm rõ thêm ý đò của câu hỏi.
- Úi chà! Chỉ mới hai mốt thôi! Mà chị Miyamoto thì gần bốn mươi rồi còn gì! Mikiko nói.
- Đúng là chuyện dây cà dây muống.
Bữa ăn đã chuẩn bị xong. Hai chúng tôi yên lặng ngồi ăn cùng nhau một lúc. Trong ít phút, tôi như hóa thân thành Miyamoto và nghĩ về cuộc đời chị ấy. Dù cùng nhìn một góc phố nhưng có lẽ cảm nhận của chị ấy khác với một kẻ vốn bình thản như tôi.
- Gần đây cũng ít thấy chị ấy nhỉ!
- Chắc em không biết chứ hồi trước, chị ấy đẹp nức tiếng khu này đấy.
- Chả biết sao lại ra nông nỗi ấy cơ chứ!
- Đời người đúng là chẳng biết trước được!
Nghĩ lại thì thấy đúng là hình ảnh Miyamoto đối với tôi hồi bé không khác gì "chị hàng xóm của Sazae" (Tên một nhân vật Manga nổi tiếng của Nhật), "ở nhà bên, hơn vài tuổi và rất xinh". Tôi vẫn còn nhớ rất rõ hồi nhỏ thường thấy chị ấy khoác tay bố đi qua nhà. Tất cả như chợt ùa về. Giờ thì bố tôi đã mất rồi, nhưng hồi ấy, đầu óc con trẻ của tôi thường tự hỏi, khi đã lớn thế rồi liệu mình có còn cùng bố đi đâu không nhỉ. Tôi nhớ lại cả việc mình vừa nghĩ thế vừa ngước nhìn cằm bố. Tôi đâu biết tất cả những chuyện đó rồi sẽ biến mất khỏi cuộc đời này trước cả tôi, đâu biết chị Miyamoto rồi sẽ có ngày này. Kể cũng lạ.
- Những ngày mưa lại nhớ hồi còn bé nhỉ! Mikiko bỗng nói sang chuyện khác.
- Ờ, chị biết cảm giác đó.
Tôi khẽ gật đầu. Quả giống hệt những gì tôi đang nghĩ. Ngày xưa có lẽ đã có thời tôi không ghét mưa đến vậy. Cái thời mà mưa mang đến sự tươi mới, và tôi nhìn vạn vật khác ngày thường trong niềm vui sướng.
- Tự dưng thấy nhớ ngày xưa quá. Mikiko nói.
Trong từ "nhớ ngày xưa" ấy, có một âm điệu như một tia sáng chói khiến người ta phải nheo mắt lại.
° ° °
- Ồ , Sakumi! Trông cậu khác quá!
- Sao? Thật thế á?
- Không nhìn kỹ khéo không nhận ra mất!
- Còn tớ cứ tưởng người nhà chú rể!
Giữa phòng tiệc lớn trang hoàng lấp lánh, nghe các cô gái trẻ ăn mặc diêm dúa, với bộ mặt trang điểm trắng xóa nói vậy, tôi bỗng có một trâm trạng rất lạ, như thể vừa miễn cưỡng, vừa hàm ơn khi bị nhắc nhở những điều răn nơi thượng giới.
- Thế cơ à!
Nghe tôi nói vậy, tất cả đều gật đầu.
- Không phải xinh hơn sao, các cậu? Tôi nửa đùa nửa thật hỏi lại.
- Không, không phải thế! Tất cả lại nhao nhao lên khiến tôi im bặt.
- Chỉ là trông khác đi thôi.
- Vậy à? Tôi đáp và im lạng.
Tôi nhìn khuôn mặt của đám bạn cũ đang ngồi quây quanh những chiếc bàn tròn, ngời sáng và tràn đầy hy vọng. Chỉ riêng vẻ đẹp đẽ và tươi trẻ trên đó đã đủ nói lên hai từ tương lai nơi họ, những con người như hoàn toàn xa lạ trong những bộ cách chỉnh tề, nhưng nhìn gương mặt họ, những gương mặt vẫn mộc mạc như thuở nào, tôi vẫn thấy thân thuộc hơn bất cứ ai.
° ° °
Cô dâu đã ngồi vào chỗ của mình, với một nét mặt vô cùng nghiêm trang. Chú rể thì cứ nhìn mãi vào hai bàn tay mình, nghiêm trang không kém. Tôi vốn biết quá rõ khuôn mặt họ những lúc bình thường nên cảm thấy rất buồn cười. Trông họ như đang thò mỗi khuôn mặt vào ô chụp hình khi đang chụp ảnh lưu niệm tại một điểm tham quan nào đó. Nhưng, tôi nghĩ thầm, quần áo đúng là đồ tự may thật. Có lẽ cô ấy đã khâu nó sau cái bàn nhỏ đằng kia, với khuôn mặt béo tròn lị xị. Nghĩ thế, lần đầu tiên trong ngày, tôi thấy xúc động.
Phòng tiệc lúc đó im phăng phắc vì một bài diễn văn dài trước khi nâng cốc. Đúng lúc tôi lơ đễnh với cái bụng sôi òng ọc, bó cứng người trong bộ cánh và cảm thấy chán ngấy mọi thứ thì bỗng nhiên tôi cảm thấy mình sắp nhớ ra một điều gì đó. Gì vậy nhỉ, tôi cố nghĩ, dù lúc ấy thấy buồn chán chết đi được, nhưng sau nghĩ lại lại cảm thấy yêu nó đến phát cuồng. Và ngay lúc đó, tôi nhớ ra. Đó là những cơn ngủ gật trong giờ học hồi còn ngồi chung lớp với tất cả các thành viên đang có mặt ở ngay đây.
Bài phát biểu với nội dung chắc chắn chẳng ai muốn nghe của diễn giả, cái giọng trầm trầm đều đều và tiếng vọng của nó lên trần nhà cao không khác nào một thước phim hồi tưởng những tiết học chiều. Choàng tỉnh dậy sau khi ngủ thiếp đi trong phòng học ngập ánh nắng chiều, trong giây lát, tôi không biết mình đang ở đâu. Rồi sau đó nhận ra giọng nói đều đều của thầy giáo, vẫn đang tiếp tục câu chuyện với một âm lượng giống hệt như trước khi tôi mơ màng thiếp đi. Ngoài âm thanh đó ra, tuyệt nhiên không còn một tiếng động nào khác, cứ như thể tất cả đã được sắp đặt từ