Nhân sinh trật quỹ đạo.
Sau khi ăn xong, Cố Gia Nhiên giả bộ vô tình hỏi bà ngoại về chuyện của Trì Yến, “Hồi nhỏ cháu quen anh ấy sao? Chính là tòa biệt thự bà sơn hổ ấy ạ.”
Bà ngoại đặt nhang muỗi ở giữa hai chiếc ghế trúc. Màu đỏ tươi chầm chậm quấn quanh cuộn dây màu đen, khói mỏng bay lửng thửng rồi thong thả biến mất trong đêm hè.
Không biết bà ngoại nhớ ra cái gì, cười đến nếp nhăn trên khóe mắt hằn sâu: “Cháu nhớ ra rồi?”
Cố Gia Niên lắc lắc đầu.
Có lẽ là cuộc sống ngột ngạt ở Bắc Lâm quá khắc cốt ghi xương nên những ký ức trước bảy tuổi rất mơ hồ. Cố Gia Niên vén tóc sang bên che đi vành tai thoáng đỏ, rề rà nói: “Là Trì… là anh ấy nói, tên của của cháu là anh ấy đặt. Hồi nhỏ anh ấy cũng sống ở Vân Mạch ạ?”
“Đúng vậy.” Bà ngoại như rơi vào hồi ức: “Năm đó thằng bé chưa đến mười tuổi nhỉ? Một mình chuyển đến thôn Vân Mạch học, nên ông nội thằng bé gọi tới nhờ bà chăm sóc một chút, nhưng bình thường thằng bé trọ ở trường, chỉ có thứ bảy chủ nhật hằng tuần được nghỉ mới đến nhà chúng ta ăn cơm.”
Cố Gia Niên ngạc nhiên nói: “Anh ấy còn ăn cơm ở nhà chúng ta sao? Thứ bảy chủ nhật hằng tuần ạ?”
“Ừm.” Bà ngoại lại nói về chuyện đặt tên: “Lúc đó cháu mới ba tuổi, bố mẹ cháu gọi về nói muốn đón cháu đến Bắc Lâm học mẫu giáo, nên cần có tên chính thức. Hai đứa nó đều là phần tử tri thức nhưng lại mê tín liền muốn tìm người xem một chút. Kết quả thầy tướng số hai đứa nó tìm đều có ý kiến khác nhau, giằng co mãi không xong nên bà nói để bà đặt.”
“Bà học không nhiều, lật từ điển cũng không có manh mối, cuối cùng vẫn là Trì Yến đã nói cái tên này trong lúc ăn cơm ở nhà chúng ta.”
“Thằng bé nói, từ năm con sinh ra, Vân Mạch năm năm Gia Niên(*). Bà cảm thấy đứa bé kia có tài văn chương, ngụ ý của cái tên này lại đẹp nên dùng. Chỉ là tên đã đặt xong nhưng bên bố mẹ cháu lại xảy ra sự cố, mãi đến khi cháu bảy tuổi mới về đón cháu.”
(*) Năm nào Vân Mạch cũng may mắn.
Cố Gia Niên không ngờ giữa cô và Trì Yến lại có quan hệ như vậy, vội vã hỏi tiếp: “Vậy vì sao anh ấy lại chuyển về Vân Mạch học? Hơn nữa còn về một mình? Bố mẹ anh ấy đâu ạ?”
Hoàn toàn không nhận ra sự chú ý của mình đều dồn hết lên người Trì Yến.
Cũng may bà ngoại dường như không phát hiện: “Nhà thằng bé ở Trú Sơn, có lẽ bố mẹ bận công việc.”
Thành phố Trú Sơn là một thành phố na ná Bắc Lâm tọa ở phía Nam, cách Vân Mạch hai giờ đi xe.
“Còn vì sao thằng bé chuyển về Vân Mạch… bà chỉ biết lúc ở Trú Sơn thằng bé thường xuyên trốn học và đánh nhau nên bị trường kỷ luật. Người nhà hết cách mới đồng ý chuyển thằng bé về nông thôn học. Có điều thằng bé chỉ học ở đây một học kỳ, sau đó được ông nội thằng bé đón về Trú Sơn.”
“Mấy năm sau, thằng bé đều sống cùng ông nội ở Trú Sơn.”
Nghe đến đây Cố Gia Niên hãi hùng.
Không ngờ Trì Yến lại trốn học và đánh nhau, còn là ở cái tuổi nhỏ như vậy.
Còn bị nhà trường kỷ luật.
Cô vô thức đan chặt tay vào nhau.
“Nói đến cũng ngược đời, nửa năm thằng bé ở Vân Mạch, cháu thường mong đến cuối tuần để ăn cơm và chơi game với thằng bé. Lúc thằng bé đi cháu còn kéo tay thằng bé khóc rất nhiều. Nào ngờ bây giờ lại không nhớ rõ, thật là một con nhóc không tim không phổi.”
*
Tối hôm đó, Cố Gia Niên ôm chăn bông nằm trên giường, vừa nhắm mắt liền nghĩ đến gương mặt ẩn hiện sau làn khói, ngón tay lắc ly rượu, và đôi mắt lúc nào cũng cáu kỉnh của Trì Yến.
Cô lại nghĩ đến đống bản thảo lộn xộn trên bàn, cùng với con chữ bên trên đang điên cuồng kêu gào một loại cảm xúc nào đó. Những con chữ kia lại kéo dài tiến vào trang sách cô đang xem, biến thành từng đường gạch chân uốn lượn.
Bố mẹ luôn nói với cô, hy vọng sau này cô trở thành người như thế nào —— đậu một trường đại học tốt, học một ngành dễ có việc làm, tốt nhất là thi tiếp nghiên cứu sinh.
Chỉ có như vậy cô mới có thể tiếp tục sống trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này, mới có thể tìm một công việc ổn định, sau đó kết hôn, mua nhà, sinh con và cắm rễ ở Bắc Lâm.
Bọn họ gọi đó là là quỹ đạo nhất định phải đi của chuyến tàu nhân sinh.
Nhưng Cố Gia Niên nhìn quỹ đạo kia, lại cảm thấy vô cùng hoang mang.
Như thể tay và chân đều bị cột thêm vật nặng tiến về phía trước, ngay cả phương hướng cũng không thể nhìn rõ.
Mà cô dẫu cố hết sức cũng không theo kịp những chuyến tàu đang kêu ầm ầm khác.
Trái lại lần đầu tiên cô cảm nhận được khát vọng cháy bỏng trong tòa biệt thự hoang vu nằm ngoài quỹ đạo này. Khát vọng này như tia chớp xuyên qua tầng mây xông vào trái tim rồi thình lình đánh thẳng vào tất cả ảm đạm của cô.
Cô nhìn thấy một thế giới khác bên trong pháo đài mờ nhạt.
Một thế giới khác khiến lòng người rung động.
Anh sống trong một tòa nhà yên tĩnh, có một kho sách khổng lồ và một mình thoải mái.
Anh có thể làm chủ các quy tắc của mình, không hề bị trói buộc, sa sút nhưng tự do.
Khi còn bé anh từng trốn học vắng mặt, trốn học, thậm chí một mình chuyển về thôn Vân Mạch học.
Có phải anh cũng giống như cô, hoang mang, phản nghịch, muốn giãy dụa thoát khỏi những quỹ đạo đã định sẵn đó?
—— Đây có phải có nghĩa là
Có phải có nghĩa là, có chút khả năng tương lai của cô cũng sẽ không mục ruỗng, cho dù chỉ là một phần ngàn, một phần vạn?
Cố Gia Niên trở mình, từ từ cuộn người lại, cảm nhận nhịp tim dồn dập và sự bồn chồn trong lồ ng ngực.
Cô nghĩ đến quá khứ thối rữa và mưng mủ kia, khóe mắt dần nóng lên.
Hô hấp khó khăn, trằn trọc bất an, thậm chí muốn bật dậy, chạy đến hỏi anh, hy vọng “người từng trải” này có thể cho cô một lời khuyên.
Sự tò mò của cô với anh giống như dây bà sơn hổ bên ngoài biệt thự, gấp gáp bò lên vách tường, dốc hết sức bao lấy tòa kiến trúc cô độc, nhưng cuối cùng vẫn không thể len qua cánh cửa đóng chặt kia.
Hôm đó là lần đầu tiên Cố Gia Niên mất ngủ kể từ sau khi đến Vân Mạch. Cho đến khi mặt trăng bò lên điểm cao nhất, côn trùng ngưng kêu, xung quanh im bặt, nhưng cơn buồn ngủ vẫn không chịu ập đến. Cô nhìn chằm chằm bóng đêm như mực tàu, đưa tay lau khóe mắt suốt, trằn trọc mãi đến hừng đông.
*
Trong hai tuần tiếp theo, thói quen sinh hoạt của Cố Gia Niên vẫn giống như khi còn đi học, chỉ là không cần sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và trường học nữa —— cô dậy sớm dọn giường, giúp bà cho gà ăn, trồng rau, làm cỏ; ăn xong bữa sáng bà ngoại làm sẽ đi đến tòa biệt thự bà sơn hổ đọc sách; buổi trưa quay về giúp bà ngoại làm bữa trưa; buổi chiều là thời gian làm bánh của cô và bà ngoại, sẽ làm bánh táo, bánh đậu xanh hoặc bánh quy, bánh mỳ.
Cố Gia Niên đã có thể tự hòan thành một số món ăn đơn giản, ớt xanh xào thịt, nấm mèo xào thịt, mướp hương xào trứng… kỹ năng nấu nướng của cô tiến bộ theo từng ngày, đại khái đã có thể hiểu rõ các bước nấu ăn.
Trên phương diện đọc sách, Cố Gia Niên đọc hết từng quyển sách theo danh sách của mình, khả năng đọc có tiến bộ rất nhiều. Chỉ là mối quan hệ với Trì Yến không hề vì ngày ngày quẹt thẻ(*) mà trở nên thân thiết.
(*) Ý giống như đi làm quẹt thẻ chấm công, tiểu Gia Niên đến nhà Trì Yến đều đặn.
Thời gian của hai người không hoàn toàn trùng khớp, buổi sáng Cố Gia Niên đến đọc sách, mà Trì Yến thường ngủ tới trưa mới dậy. Mỗi ngày cô đều cố gắng nán lại thêm một lúc, đợi anh rời giường mới đi, nhưng luôn do dự không tiến nên không tìm được cơ hội nói chuyện với anh.
Dĩ nhiên, cũng không phải bọn họ không có giao điểm.
Giao điểm của bọn họ đều ở trên sách. Hầu như mỗi quyển sách Cố Gia Niên đọc
đều có chú thích của Trì Yến viết, những chú thích này dẫn dắt cô đào sâu một vài đoạn văn mang tính ẩn dụ mạnh để nhìn thấy bản chất của câu chuyện.
Chữ của anh rất đẹp. Thỉnh thoảng Cố Gia Niên sẽ lén lút học chữ của anh trong lúc ghi chép lại, sau vài ngày có mấy nét đã phỏng giống đến ba phần.
Một chuyện khác chính là trong suốt hai tuần qua bố mẹ không gọi điện đến nữa.
Bên phía nhà trường và giáo viên cũng không có tin tức mới.
Cố Gia Niên dần thôi lo lắng.
Mọi thứ về Bắc Lâm mờ dần theo thời gian, cô vui vẻ bắt đầu làm quen với cuộc sống ở Vân Mạch.
*
Hôm đó là Đại Thử(*), thời tiết mưa dầm của Giang Nam hoàn toàn biến mất, tuyên bố giữa hè đã đến. Ba bữa sáng trưa tối đều ăn ở nhà cậu cả.
(*) Đại Thử: Một trong 24 tiết khí, thường bắt đầu khoảng 22 hay 23 tháng 7 dương lịch, ý nghĩa của tiết khí này là nóng oi, cái nóng lên đến cực điểm.
Nghe bà ngoại nói, cho dù lớn hay nhỏ chỉ cần là lễ thì cả nhà đều sẽ quây quần bên nhau ăn bữa cơm.
Bữa sáng rất phong phú.
Mợ đun tim sen tươi và lá sen để nấu trà tim sen mát mẻ giải nhiệt cho tiết này. Cố Gia Niên uống liền mấy chung, nước trà hơi đắng như thanh tẩy đầu lưỡi, sau khi uống trà xong ăn thức ăn dường như có thể phẩm ra hương vị vốn có của món ăn.
Trên bàn cơm, người lớn dùng tiếng Vân Mạch nói về trồng trọt, công việc và cuộc sống.
Tiếng địa phương của Vân Mạch rất lạ và khó, Cố Gia Niên từng lớn lên ở Vân Mạch, vốn dĩ có thể nói tiếng địa phương, chỉ là sau khi tới Bắc Lâm, bố mẹ hy vọng cô học được tiếng phổ thông tiêu chuẩn nên không cho cô nói tiếng Vân Mạch nữa.
Theo thời gian, bây giờ Cố Gia Niên chỉ có thể nghe hiểu, nhưng không thể nói.
Sau khi ăn xong, mấy đứa nhỏ tụm lại tám chuyện.
Em hai Trần Tỏa bẻ quả đào hái ở cửa ra làm đôi, đưa cho Cố Gia Niên một nửa: “Chị Đình Đình, tí nữa bọn em muốn đi bắt cua, chị đi không ạ?”
Cố Gia Niên đang gặm quả đào hơi đắng, hai mắt vụt sáng: “Bắt cua hả? Ở sông sao?”
Trần Tỏa gật đầu: “Dạ, ở sông có rất nhiều cua. Cua cay thơm mẹ em làm ngon lắm, đi không ạ? Chị yên tâm, sẽ không nguy hiểm đâu, nước sông rất cạn, chỉ tới bắp đùi à. Em với anh trai đi suốt.”
Cố Gia Niên nghĩ đến việc đẩy thời gian đọc sách của hôm nay lên buổi chiều, vì vậy cô hưng phấn lên đường cùng hai đứa em họ.
Hai đứa em họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng, vác giỏ trúc và chút mồi câu. Ra đến bờ sông, hai đứa em họ đứng bên cạnh bờ sông xắn ống quần lên, mang giày xăng đan bước xuống nước.
Cố Gia Niên thò tay chạm vào mặt nước, bị cái lạnh làm cho giật thốt: “Nước này lạnh quá.”
“Lạnh không?” Trần tỏa giả vờ nghi hoặc, đưa tay nói với cô, “Chị Đình Đình, chị qua đây nè, bên này không lạnh.”
Cố Gia Niên nửa tin nửa ngờ bước qua, bỗng nhiên trên cánh tay truyền đến một kéo rất mạnh, cô chưa đứng lại nên mất thăng bằng ngã tõm xuống sông, bọt nước bắn lên ướt hết nửa người.
Hai đứa em họ cười toe toét, Cố Gia Niên giận dữ, lập tức vớ lấy giỏ trúc bên cạnh phản kích. Đáng tiếc giỏ trúc lọt nước, hễ chưa kịp giội đã chảy hết già nửa.
Ba người đánh trượng(*) nước một lúc rồi thở hổn hển bắt đầu mò cua. Cua đều trốn dưới những phiến đá, phải lật đá lên mới có thể mò được. Đá dưới lòng sông đều bám đầy rong rêu, lông tuyến trơn nhẵn.
(*) Trượng là tên gọi chung của binh khí.
Mới đầu Cố Gia Niên không dám lật, lo bên trong sẽ chui ra con gì đáng sợ. Sau khi thấy hai đứa em họ lật liên tù tì, hâm mộ không thôi, cũng lấy hết can đảm lật.
Lật đến phiến đá thứ ba, cuối cùng cũng tìm thấy một con cua, nhỏ xíu chừng nửa ngón tay, tám cái chân lặng lẽ bám chặt trên phiến đá, hai mắt lồi lên, lại còn đang thổi bong bóng. Cố Gia Niên hưng phấn nâng tảng đá lên, nhưng không dám thò tay bắt nên đành phải kêu em họ: “Mau tới, chỗ chị có một con nè!”
Hai đứa em họ đều sáp qua, nhìn thấy nhiều người cua nhỏ liền nhe nhanh múa vuốt như muốn ra oai.
“Con này nhỏ quá, để nó lớn thêm đi.”
“Được rồi.”
Mò cả buổi sáng, cuối cùng Cố Gia Niên cũng thu hoạch được một sọt cua và một con cá, so ra thì giỏ trúc của hai đứa em họ thì đầy hơn của cô nhiều.
Cả ba sức cùng lực kiệt, liền cởi giày ngồi bên bờ sông phơi nắng.
Cố Gia Niên nhìn những con cua chất đống trong giỏ trúc và những con cá sông sống động, cảm nhận gió sông ấm áp, khóe miệng từ từ cong lên. Bố mẹ nói nếu cô không học đại học thì sau này sẽ chết đói.
Nhưng bây giờ cô đang học nấu ăn, nướng bánh quy, còn tự bắt được cá và cua. Đợi cô học cách trồng rau nuôi gà với bà ngoại, có lẽ sẽ không chết đói đúng không?
Trái tim Cố Gia Niên dần dần bơi vào bờ.
Trên đường về nhà, Trần Tích trò chuyện với cô về cuộc sống hằng ngày ở Vân Mạch, “Chị Đình Đình, nếu chị ở lại thêm ba bốn tháng nữa thì tốt quá, có thể lên núi đào măng, rau rừng và nấm dại với bọn em rồi. Có một loại rau dớn, ngọn tròn tròn, thái hạt lựu xào với thịt ăn ngon mê ly luôn. Nhưng mùa hè cũng rất tuyệt, mỗi tháng sẽ có hai lần chợ phiên, tầm bốn năm giờ sáng là bắt đầu, có thịt mới rau tươi, với mấy trò chơi bình thường không dễ gặp…”
Cố Gia Niên lắng nghe, chỉ cảm thấy thật hâm mộ.
Thằng bé chỉ cần từ từ lớn là được rồi.
“Nhưng mà bắt đầu từ năm sau, em không thể tự do như vậy được nữa.” Trần Tích thở dài.
Cố Gia Niên hỏi cậu: “Vì sao?”
Trần Tích đá đá sỏi ven đường, thoáng ngại ngùng: “Em thi đậu trường Trung học số 1 Trú Sơn, khai giảng xong liền lên cấp ba, mà trường học quá xa, mất ba tiếng đi xe buýt nên em phải ở lại ký túc xá, không thể suốt ngày ở nhà chơi nữa.”
“Trung học số 1 Trú Sơn?” Cố Gia Niên nhạy bén nắm bắt được từ này, cô nhớ bà ngoại từng nói nhà của Trì Yến ở Trú Sơn. Ngoại trừ một học kỳ kia nán lại ở Vân Mạch thì từ cấp một đến cấp ba anh đều học ở Trú Sơn. Giọng Cố Gia Niên bình tĩnh, như lơ đểnh hỏi cậu: “Trú Sơn, có bao nhiêu trường Trung học nhỉ?”
Tác giả có lời muốn nói:Ôm ôm con gái Đình Đình, ngày mai nhớ đến xem Yến Yến nhóooooo!
BYY nói: Thật sự rất cố gắng truyền tải sự chông chênh của cuộc đời Đình Đình, thật sự luôn.
Các cậu có hiểu cái cảm giác mọi người đều đang và đã thành công còn mình thì chỉ đứng im một chỗ, bước tới không được, lùi lại không thể nó lạc lõng, và đau khổ thế nào không?
Truyện này song hướng chữa lành nhé.