Từ đầu năm đến nay, tình hình COVID-19 có dấu hiệu gia tăng và số ca dương tính xảy ra trên phạm vi cả nước cứ thi thoảng lại được thông báo.
Để phòng ngừa virus lây lan khi mà nhu cầu đi lại đạt đến đỉnh điểm, người dân được khuyến cáo ăn Tết ngay tại nơi đang sống, cố gắng đừng về quê nhằm tránh tình trạng một làn sóng dịch mới xuất hiện.
Thẩm Chứng Ảnh xách bọc lớn bọc nhỏ ra tàu điện ngầm, lên đường về thăm cha mẹ.
Cô đã chuẩn bị tâm lý cùng Giang Ngữ Minh đón giao thừa ngay tại nhà của mình, nhưng về nguyên tắc thì vẫn nên tranh thủ tạt về nhà cha mẹ đẻ một chuyến trước Tết.
Người xưa dạy thế nào ấy nhỉ? Trên đời này cha mẹ nào mà chẳng thương con.
Càng nghiên cứu sâu về tâm lý học, càng thấy những câu châm ngôn kiểu này bốc mùi.
Chủ nhân những câu châm ngôn ấy chỉ đứng từ góc độ người phát biểu, không đại diện cho những cá nhân có cuộc sống gia đình như ngục tù.
Những lời này thốt ra từ chính miệng của Giang Ngữ Minh, vô tình dẫn Thẩm Chứng Ảnh đến Hội những người bị cha mẹ bạo hành đã biến mất từ lâu trên douban.
Là một người mẹ, Thẩm Chứng Ảnh cảm thấy câu này khá khó nghe.
Không thể phủ nhận rằng, mặc dù có rất nhiều yếu tố tác động đến quá trình trưởng thành của con người, nhưng nỗi đau đến từ gia đình luôn mang lại nhiều tổn thương hơn cả.
Nhiều người đã dành cả đời để đấu tranh với gia đình, ngay cả khi nhận thức được gốc rễ của vấn đề có liên quan đến cha mẹ thì cũng không dễ dàng tìm ra hướng giải quyết.
Chưa bàn đến áp lực từ bên ngoài, tận sâu trong thâm tâm, chúng ta vẫn sẽ ôm ảo tưởng hoặc tự phủ nhận, đồng thời luôn nhủ với bản thân rằng: Dù gì thì đó cũng là cha mẹ mình.
Bước vào nhà cha mẹ, chưa gì mà cái mùi hủ bại ghê tởm đã ập vào mặt khiến Thẩm Chứng Ảnh lợm giọng.
Không biết có phải vì đã lâu chưa về nhà mẹ đẻ nên chưa quen hay không, thế nên Thẩm Chứng Ảnh phải đứng ở cửa một lúc lâu mới bớt cảm giác buồn nôn.
Lúc này cô mới biết cái mùi khó chịu ấy đến từ hai nguyên nhân, một phần là vì lạnh, trong nhà ít mở cửa sổ nên thiếu đối lưu, hai là do chịu áp lực tâm lý.
Nói theo cách của Giang Ngữ Minh, mỗi lần về nhà ông bà ngoại không khác gì đặt chân vào từ đường.
Thằng bé bảo nó thấy mình không giống cháu ngoại mà giống con dâu mới ra mắt gia đình chồng, lúc nào cũng phải để ý giữ gìn khuôn phép.
Lúc mới nghe câu này hôm Tết dương, Thẩm Chứng Ảnh không biết nên cảm thán rằng trí tưởng tượng của con trai mình quá phong phú hay quá lập dị.
Nào dè chỉ mới một tháng sau, khi quay về nhà thêm lần nữa, cô lại có cùng cảm giác với Giang Ngữ Minh.
Thẩm Chứng Ảnh về tới nhà lúc hai giờ chiều, hai cụ vừa ngủ trưa xong, đang đi đi lại lại chầm chậm trong phòng và cười nói nhẹ nhàng thoải mái với nhau, trông thấy Thẩm Chứng Ảnh đến biếu đồ, cha mẹ cô vội vàng nghiêm mặt lại.
Thẩm Chứng Ảnh âm thầm thở dài, ngay cả đứa con trai bất hiếu cờ bạc đến tán gia bại sản nhà bên cạnh cũng không bị đối xử thế này.
Dẫu biết sẽ bị đối xử lạnh nhạt, Thẩm Chứng Ảnh vẫn vô thức cảm thấy thất vọng và buồn bã, tuy vậy, cô vẫn lễ phép nói: "Cha, mẹ.
Con nhớ cha mẹ uống hết vitamin và glucosamine rồi nên con mang thêm một ít về".
Cha cô là Thẩm Vệ Quốc, qua Tết sẽ bước sang tuổi 71, tóc điểm hoa râm, gương mặt vẫn giữ được phần nào vẻ thanh tú thời trẻ.
Mẹ cô là Diệp Chi Phương, 72 tuổi, tóc bạc trắng, dáng người cao thẳng mảnh khảnh.
Người ta thường bảo con trai giống mẹ, con gái giống cha, nhưng trong nhà Thẩm Chứng Ảnh lại giống mẹ nhất, đặc biệt là đôi mắt.
Lúc Diệp Chi Phương còn trẻ, nếu che cằm bà đi chỉ để lộ đôi mắt, ai không phải người quen chắc chắn sẽ nhận lầm.
Khác biệt lớn nhất giữa hai mẹ con nằm ở khí chất, ánh mắt của Diệp Chi Phương sắc lẻm, luôn tạo cho người ta cảm giác đây là một cụ bà cứng cựa và khó xơi, trong khi đó, những lúc Thẩm Chứng Ảnh không tỏ vẻ xa cách lạnh nhạt, thì có thể nói ánh mắt cô lại chứa chan dịu dàng.
Hai cụ đều đã qua bảy mươi nhưng trừ việc suy giảm chức năng chung ở người cao tuổi thì không có bệnh tình gì trầm trọng cả, cơ thể tráng kiện, tai thính mắt tinh, đầu óc minh mẫn sáng suốt.
Thẩm Chứng Ảnh từng đề nghị mời y tá hoặc mướn người giúp việc, nhưng đều bị cha mẹ gạt đi sau khi chị dâu Tiền Thanh cật lực phản đối; thứ nhất, dâu con lẫn cháu sống ngay trên lầu, cần gì cứ gọi ngay là có; thứ hai, cả ông bà ngoại của Giang Ngữ Minh đều cảm thấy mình còn khỏe, không cần phải thuê người trông nom; ba nữa là người già ưa tằn tiện, cho dù ai xuống tiền đều cảm thấy xót ví hộ.
Hai cụ có thể tự chăm sóc bản thân, chuyện ăn uống cũng không đòi hỏi cầu kỳ, chưa kể ủy ban còn mở một tiệm ăn dành riêng cho người cao tuổi ngay trong khu dân cư, chẳng sợ thiếu cơm ngày ba bữa.
"Thường con hay về buổi sáng cơ mà".
Diệp Chi Phương ngồi vào sô pha, giọng điệu không vồn vã cũng không lạnh nhạt.
Thẩm Chứng Ảnh không rõ lời mẹ nói có ẩn ý gì hay không, bèn giải thích theo nội dung cô nghe thấy trực tiếp: "Con có đặt một chiếc máy xay sinh tố chiều nay giao.
Tầm này chắc hàng sắp tới rồi".
"Con lại tiêu tiền linh tinh, cha và mẹ không dùng được mấy món ấy đâu".
"Máy nghiền cũ của cha mẹ hoạt động không tốt, bây giờ đổi sang loại khác có chế độ xay mịn hơn, muốn ăn gì cũng tiện.
Mua cho cha mẹ thì làm sao lại gọi là tiêu tiền linh tinh được.
Mà mẹ này, mùa đông năm nay lạnh lắm, mẹ với cha đừng tiết kiệm quá, lúc nào thấy nên bật điều hòa thì cứ bật".
Thẩm Vệ Quốc mới nghe nhắc đến điều hòa đã không vừa lòng.
"Lạnh gì, cha và mẹ không sợ lạnh.
Bật điều hòa ngột ngạt lắm, hít thở cũng khó chịu".
Bảo cha mẹ bật điều hòa chỉ là đôi lời sáo rỗng, mỗi lần nhắc đến chuyện này Thẩm Chứng Ảnh đều nhận được một câu trả lời giống nhau.
Cô Thẩm không biết vì sao mình lại phải nói như vậy, có lẽ vì bước vào nhà đã thấy rét run, hoặc cũng có thể là do không còn gì để nói cùng cha mẹ, nên chỉ có thể lặp lại quanh quẩn dăm ba câu quan tâm dặn dò.
Bình thường nếu cha mẹ trả lời dửng dưng như vậy, trong lòng Thẩm Chứng Ảnh sẽ khó chịu vô cùng.
Lần này thì ngược lại, cô thấy mình giống như một nhân vật lướt qua sân khấu, đọc thoại, hoàn thành nghĩa vụ, thế là xong.
Cô còn biết làm gì khác.
Chuyện trò thêm dăm ba câu về thời tiết và tình hình dịch bệnh, nét mặt Thẩm Vệ Quốc cũng bắt đầu dịu lại, "Năm nay về nhà ăn cơm tất niên đi, bên ngoài chỗ nào cũng đầy virus, nguy hiểm lắm.
Nhớ về sớm một chút giúp chị dâu, để chị con loay hoay một mình vất vả".
Thẩm Chứng Ảnh nghĩ thầm: Tiền Thanh không giỏi nấu ăn, nếu ăn ở nhà thì một là ăn lẩu, hai là đặt nhà hàng giao đồ ăn đến, không tốn bao nhiêu công sức nên không thể nói là vất vả được.
Nhưng cha dặn dò cô về sớm thì đấy luôn là động thái hòa giải, người già ấy mà, luôn hy vọng trong nhà hoà thuận.
Vì thế Thẩm Chứng Ảnh cũng mỉm cười đồng ý.
"Con nhớ dặn Minh Minh xin lỗi mợ, coi như chúng ta cho qua chuyện lần trước.
Rốt cuộc thì thằng bé vẫn là vai con vai cháu, không được vô lễ với người lớn như thế".
Tâm trạng của Thẩm Chứng Ảnh lập tức chùng xuống, cô im lặng không trả lời.
Chỉ nghe cha cô nói tiếp: "Mà chị cũng thế, thân là giảng viên thì phải nghiêm khắc với con cái hơn chứ, phải thường xuyên nhắc nhở dạy bảo thằng bé, sao lại để nó hỗn xược đến mức đó.
Người ta mà biết con trai của giáo sư Thẩm, cháu ngoại của ông giáo Thẩm và bà giáo Diệp vô giáo dục như vậy thì