Thẩm Chứng Ảnh rời khỏi căn nhà ngột ngạt của cha mẹ, băng qua bồn hoa phân luồng đường hai chiều, băng qua nhà trẻ và những cụ già dắt chó đi dạo.
Sau khi vượt qua dòng người đông đúc trên đường cái, Thẩm Chứng Ảnh bước vào một quán cà phê trong trung tâm mua sắm lớn cạnh ga tàu điện ngầm, gọi cho mình một ly latte sữa tách béo.
Đến lúc cầm ly cà phê trên tay, hơi nóng truyền từ lòng bàn tay lan dần khắp cơ thể, cô mới cảm thấy như mình vừa sống lại.
Cả người Thẩm Chứng Ảnh lạnh ngắt còn đôi bàn tay thì run run, may mà có hơi nóng từ ly cà phê mới giúp cô ấm lên một chút, đồng thời cũng khiến cô nhớ lại biến cố khó khăn mà mình vừa trải qua.
Đứng cãi tay đôi với cha mẹ, gạt phăng mệnh lệnh hai cụ đề ra, để tiền lên bàn rồi quay đầu đi ngay.
Sống bốn mươi lăm năm trên đời, đây là lần duy nhất.
Một người trưởng thành chống đối lại cha mẹ còn khó khăn nhường vậy, huống hồ gì là những em nhỏ vị thành niên.
Lúc ấy trong đầu có gì nói nấy, nghĩ gì làm nấy không một chút chần chừ; đến khi ra khỏi cửa Thẩm Chứng Ảnh mới thấy choáng váng, như thể bảy khiếu thì bị phong ấn hết năm khiếu, ba hồn bảy vía trôi lung tung đi đâu hết.
(bảy khiếu: bảy lỗ trên mặt theo quan niệm của người xưa, gồm hai tai, hai mắt, hai mũi và một miệng)
Ra khỏi nơi ngột ngạt ấy không hề hãnh diện hay hả hê như Thẩm Chứng Ảnh tưởng tượng, thay vào đó, nỗi sợ và cảm giác tội lỗi cứ luân phiên dấy lên từng hồi.
Một giọng nói vang vọng trong đầu Thẩm Chứng Ảnh, rằng cha mẹ cũng lớn tuổi rồi, mày làm thế là ngỗ nghịch, là bất hiếu, nếu cha mẹ có mệnh hệ gì thì mày có chạy đằng trời cũng không gột hết tội lỗi.
Lại thêm một giọng nói khác thì thầm, lúc nào cha mẹ cũng khăng khăng là mình đúng, không bao giờ nghe ai, đừng có mơ đến chuyện hai cụ xuống nước nài nỉ mày quay về, một khi đã bước ra cánh cổng ấy, e là mãi mãi không thể phục hồi quan hệ với họ nữa.
Song, một giọng nói khác cũng cất lời: Thì thế nào, mày chịu đựng thế là đủ rồi, tới tận bây giờ mày vẫn luôn ngoan ngoãn, răm rắp nghe theo mọi thứ cha mẹ bảo; từng câu mày nói, từng việc mày làm đều để vừa lòng của họ, nhưng chưa bao giờ cha mẹ mày thỏa mãn.
Hậu quả là mày 45 tuổi đầu vẫn bị gia đình ép đi xem mắt, họ sục sạo mọi ông già hói đầu trên đời nhét vào người mày, còn phàn nàn rằng mày không chịu tái hôn thì sẽ bị người khác xầm xì đàm tiếu.
Người khác người khác người khác, nhưng làm gì có người khác nào, những thứ gán cho tập thể "người khác" ấy chẳng qua chỉ là tiếng lòng của mẹ mà thôi.
Tiền Thanh cũng chỉ là con tốt của mẹ, chính thái độ của mẹ đã khẳng định với Tiền Thanh rằng: Không sao đâu, con cứ làm đi, có mẹ chống lưng cho con.
Nếu không thì làm gì có bà chị dâu nào dám xoay em chồng như chong chóng.
Điện thoại reo, là Thẩm Chứng Huy gọi.
Không cần nói cũng biết, mình vừa đi khỏi thì cha mẹ đã gọi ngay cho Thẩm Chứng Huy để tố cáo tội trạng của mình.
Biết thừa Thẩm Chứng Huy sắp nói gì, vì thế Thẩm Chứng Ảnh không muốn bắt máy, nhưng cô lại sợ cha mẹ giận quá, chẳng may lại xảy ra chuyện nên anh hai mới gọi báo tin dữ, do đó Thẩm Chứng Ảnh không thể nào làm lơ.
Là một cô con gái ngoan chưa từng cãi lời phụ huynh hay có kinh nghiệm đứng lên phản kháng, áp lực nặng nề như quả núi.
"Cô làm cái quái gì vậy, vừa về tới nhà đã làm ông bà già nổi điên gọi cho tôi phàn nàn, chả thèm quan tâm tôi có đang trong giờ làm việc hay không".
Giọng Thẩm Chứng Huy nghe rất mất kiên nhẫn.
Cũng may là cha mẹ không nhập viện.
Bấy giờ nhịp tim Thẩm Chứng Ảnh mới trở lại bình thường, "Người làm mất thời gian của anh là hai cụ, anh đi mà hỏi họ".
Không "xin lỗi", không "làm phiền anh rồi", cơn giận vừa mới được xả ra đã mau chóng bị dội ngược trở về.
Thẩm Chứng Huy chưng hửng, anh ta chưa từng rơi vào tình huống như thế này nên nhất thời không biết phải trả lời như thế nào.
Thẩm Chứng Huy tằng hắng, "Sao cô có thể nói thế với cha mẹ..."
Không đợi anh mình nói xong câu, Thẩm Chứng Ảnh đã phản bác: "Cha mẹ? Ban nãy anh vừa gọi họ là ông bà già?"
"Thẩm Chứng Ảnh, cô làm sao vậy, có nuốt nhầm bom không? Cãi tay đôi với cha mẹ xong lại quay sang chửi cả tôi".
"Thẩm Chứng Huy, tôi không động chạm đến ai, bất kể đó là anh hay hai cụ ở nhà.
Nếu anh nghĩ bất đồng quan điểm là chửi bới thì tùy anh, nhưng tôi muốn nói rõ rằng tôi chẳng chửi bới ai cả.
À mà tất niên năm nay không cần chuẩn bị đồ ăn cho tôi và Minh Minh đâu.
Mẹ con tôi không về".
"Cái gì, sao lại thế, người nhà với nhau cả, ai lại để bụng làm gì.
Năm mới phải đủ một nhà sum họp chứ, mẹ con cô không về thì ăn tết ở đâu?"
Nhắc đến thật đáng buồn, hai cụ ở nhà không cần Thẩm Chứng Huy chuẩn bị mâm cơm tất niên, mà cần người nghe hai cụ dạy đời lên lớp.
Kể từ ngày về hưu, ông bà giáo liền quay sang giáo dục người nhà.
Tiền Thanh là con dâu, xem như người ngoài nên cha mẹ Thẩm Chứng Ảnh ít khi nói đụng đến, đứa cháu nội thì khoảng cách thế hệ quá lớn, cùng lắm thằng nhóc chỉ phải nghe ông bà lèm bèm dăm ba câu, đối tượng giáo dục trọng điểm vẫn là hai anh em họ.
Tiền mừng tuổi có thể đứt quãng nhưng không năm nào thiếu sự có mặt của những bài giảng đạo.
Mấy chục năm qua, gió mặc gió, mưa mặc mưa, công tác giảng dạy chưa bao giờ bị gián đoạn.
Những năm trước còn có Thẩm Chứng Ảnh chịu trận cùng, đứa em gái này thật sự có tâm, rất biết cách phối hợp, hơn nữa lại còn mang cái mác "phụ nữ từng trải qua một đời chồng" nên hai cụ chỉ tập trung giáo dục nó là chính, nếu bây giờ không có nó, thì ắt cha mẹ sẽ trút hết lên đầu mình.
Ai mà chịu cho được.
Hơn nữa từ sau khi Thẩm Chứng Ảnh ly dị, giao thừa năm nào cả nhà cũng đủ mặt, cho dù không khí hòa thuận có chút giả dối, nhưng hòa thuận một cách giả dối vẫn là hòa thuận.
Bây giờ em mình dứt khoát bảo không về, Thẩm Chứng Huy cứ thấy sai sai chỗ nào.
"Cha bảo mẹ con tôi đừng về làm gì, có về cũng chỉ tổ làm cả nhà không thoải mái".
"Tính cha thế nào không phải cô không biết, để bụng làm gì, tới lúc đó cô cứ dắt Minh Minh về đi".
Thấy anh mình làm ra vẻ xởi lởi cho qua chuyện để khuyên mình về, Thẩm Chứng Ảnh thở dài, chân thành nói: "Tính của cha thế nào ai cũng biết.
Lúc nào ông cũng cho là mình đúng, luôn nghĩ rằng mình nói một là một, hai là hai.
Không.
Thẩm Chứng Huy, ngần ấy năm qua tôi đã tận lực làm hết tất cả những gì nên làm, tôi không muốn bốn mươi tuổi đầu vẫn bị cha mẹ quản đầu quản chân như một đứa trẻ lên ba.
Xét về cả tình lẫn lý, tôi không việc gì phải xin lỗi cha mẹ, cũng không cần phải xin lỗi anh".
"Sao lại lôi cả tôi vào nữa?"
Trong mắt Thẩm Chứng Huy, tính độc tài của cha mẹ cũng thật quái lạ, nhưng ở cái nhà này là như thế.
Sự nghiệp của anh ta, chuyện cưới hỏi của anh ta, tất cả đều do một tay cha mẹ sắp đặt.
Hôm xảy ra cự cãi ngay ngày đầu năm mới, Thẩm Vệ Quốc khăng khăng buộc Giang Ngữ Minh phải xin lỗi, Thẩm Chứng Huy có khuyên cha vài lần nhưng ông ấy nhất định không chịu, nằng nặc đòi chỉnh đốn lề lối gia đình.
Thẩm Chứng Huy đành mặc hai cụ.
Cha mẹ không nghe ai bao giờ, Thẩm Chứng Huy, Thẩm Chứng Ảnh, dù họ nói thế nào hai cụ cũng không để vào tai.
Mấy chục năm rồi vẫn vậy.
Anh ta tự nhủ liệu mình có thể làm gì đây? Chẳng lẽ tuổi dậy thì nổi loạn thế mà còn nhịn được, bây giờ U50 tới nơi lại đi so đo với hai ông bà cụ bảy mươi tuổi à?
"Tôi đã nói với anh rất nhiều lần rằng anh phải nhắc chị dâu ngừng đi, ngừng đi, đừng suốt ngày giật dây làm mai cho tôi nữa, anh hứa với tôi thế nào?"
"Ôi trời, chẳng phải chị dâu cũng chỉ muốn tốt cho cô thôi sao?"
Vẫn câu "muốn tốt cho cô" cũ rích.
Thẩm Chứng Ảnh trầm giọng nói: "Tôi đã bảo là tôi không cần".
Trong mắt Thẩm Chứng Huy, những thứ kể trên chỉ là thứ vặt vãnh, giới thiệu thì cứ giới thiệu thôi, Thẩm Chứng Ảnh không đi cũng chẳng sao cả.
Hơn nữa Tiền Thanh cũng hào hứng với việc tìm mối cho em chồng, thôi thì bà ấy thích làm gì thì làm.
Nhưng bây giờ Thẩm Chứng Huy lại thấy Thẩm Chứng Ảnh nghiêm túc thế nào khi đề cập đến những chuyện mà anh ta cho là vặt vãnh.
Từ lúc cha mẹ phàn nàn đến lúc tự mình trải nghiệm, Thẩm Chứng Huy không rõ do đâu mà Thẩm Chứng Ảnh đột ngột thay đổi, nhưng thấy em gái đang cực kỳ nghiêm túc nên Thẩm Chứng Huy quyết định tránh voi chẳng xấu mặt nào, vội vàng giả lả vài câu rồi lại khuyên em gái về đón giao thừa, mấy lần như vậy nhưng câu trả lời vẫn là không.
Tới đây, Thẩm Chứng Huy thấy mình đã hoàn thành nghĩa vụ để báo cáo lại với hai cụ nên cũng thôi không nói nữa.
Cúp máy xong, Thẩm Chứng Ảnh lắc đầu cười trừ, từ bé