Cái lần ấy ông cụ hai bên bắt buộc hai gia đình phải gặp nhau, để nói về cái chuyện hôn ước đã được hai ông cụ “thề non hẹn biển” từ lâu.
Lúc mới đầu, mẹ Hà và ba Đức khá khó chịu, cứ lần lựa tìm cách lẫn tránh để không nhắc đến việc đó.
Dựng vợ gả chồng là việc cả đời người, ai mà lại đồng ý để đứa con duy nhất của mình kết hôn chỉ vì cái lời hứa suông của hai ông cụ cho được.
Lúc mới đầu khi biết nhà bên kia mang thai bé gái, cụ ông bên nhà hết sức vui vẻ, việc kia cũng được nhắc đến nhiều hơn.
Rồi sau khi Hạ Chi được sinh ra, bẵng đi một thời gian lại chẳng nghe ông cụ nhắc đến gì nữa, bà còn tưởng là bỏ qua rồi.
Vậy mà không ngờ đến năm Khánh Minh năm tuổi ông cụ lại nằng nặc đòi cho hai bên nhà gặp nhau.
Bà vốn muốn tránh, nhưng tránh không lại, ông cụ đòi chết đòi sống.
Nhưng rồi bà cũng thấy, ừ thì gặp mặt một lần cũng không sao.
Thôi thì gặp thử xem như thế nào, sau này âm thầm bàn tính lại với nhà bên ấy.
Lúc gia đình Hạ Chi mới đến, vì đến sớm hơn dự tính nên mẹ Hà đang bận rộn nấu dở đồ ăn trong bếp, là bà Đức ra tiếp khách, bà chỉ ra chào một lát, rồi lại liếc nhìn bé con một lượt, trông đáng yêu lắm, nhìn xong bà lại quay vào bếp tiếp tục nấu nướng.
Rồi thì một lát sau mẹ của cô bé cũng vào phụ.
Đó là lần đầu bà nói chuyện với nhà bên ấy, người ở quê vừa chân chất vừa dễ gần (mẹ Hà nghĩ thế vì bà vốn cũng chẳng phải con gái quê, bà là con gái thành phố) hai bà mẹ nói một hồi lại cảm thấy rất hợp nhau.
Thế là hai bà mẹ nấu ăn, hai ông cụ thì đi đánh cờ, để cánh đàn ông trông trẻ, hôm ấy Khánh Minh đang dỗi nên chạy qua nhà hàng xóm chơi gọi mãi chẳng chịu về.
Vậy mà hai người đàn ông cao to giữ một bé gái cũng không xong.
Cổng nhà quên đóng, bé con chạy ra ngoài chơi rồi lạc mất.
Cả nhà cuống cuồng đi tìm, tìm mãi chẳng thấy còn đi báo cả công an, chỉ có hai ông cụ là vẫn điềm nhiên như không, vui vẻ đánh cờ trên ban công lầu hai.
Lúc mà Đỗ Nhật Hà và mẹ của Hạ Chi về nhà, mặt bà ấy đã khóc đến thảm thương, làm sao mà không buồn cho được, khó khăn lắm mới có một đứa con gái, cả nhà thương biết là bao nhiêu.
Mãi lo cho con người ta, đến lượt mẹ Hà nhớ ra thằng con trai mình cũng không thấy đâu, dù rằng bà biết nhóc con nhà mình vốn thông minh, mà cả cái xóm huyện này ai cũng biết mặt thằng bé rồi, không sợ bị lạc, nhưng mà lỡ như bị kẻ xấu nào đó bắt cóc thì chế.t toi, bà cũng chỉ có một đứa con trai thôi, đẻ không kịp đền thằng cháu đích tôn lại cho ông nội và ba nó.
Mẹ Hà tức tốc chạy lên phòng tìm cậu con trai.
Lúc lên thì đã thấy thằng bé đang ngồi trên ghế xoay xoay khối rubik, mặt như đang suy tư gì đó, y hệt ông cụ non.
Mẹ Hà thở ra một hơi, hại bà giật hết cả mình.
Bà lại gần nói chuyện với nó vài câu, lúc đi ra tự dưng cu cậu níu lấy vạt áo bà, rồi còn nói mấy câu không đâu.
Cu cậu bảo: “Nhà mình có thể nuôi thêm một em gái được không?”
Mẹ Hà còn chưa kịp hiểu gì, lại nhìn thấy trên giường thằng con mọc ra một cây nấm nhỏ.
Bé con bụ bẫm mặc váy trắng đang bắt đầu bò dây khỏi giường, hai tai cuộn tròn dụi dụi mắt, tóc bím hai bên thì sớm đã rối lù xù.
Không biết mắt mũi làm sao, chắc là vẫn chưa hết ngái ngủ, bé con mừng rỡ chạy đến ôm chân bà rồi còn vui vẻ, hớn hở gọi “Mẹ ơi!” ngọt xớt.
Mẹ Hà cúi xuống bế cô bé lên, cái mặt nhỏ này sao mà quen phải biết, y hệt cái người dưới nhà chứ đâu nữa.
Lúc sáng không để ý là mấy, nhìn kỹ lại sao mà xinh gái quá chừng.
Bà muốn bế bé đi xuống nhà, đứa con trai lại níu áo bà.
“Mẹ, mẹ đừng mang em ra trại trẻ mồ côi có được không?”
Mẹ Hà nghe vậy âm thầm cười trộm một lượt.
Còn thằng con thì lại nóng lòng hơn nữa.
“Em không có ba, em đã thiệt thòi lắm