4
Tháp cao và giếng sâu
(hay là Xa Nomonhan)
♦
Kumiko về nhà trong tâm trạng vui vẻ. Quá vui là khác. Gặp Kano Malta xong, tôi về tới nhà thì đã gần sáu giờ chiều nên không còn đủ thì giờ làm bữa tối cho ra hồn trước khi vợ đi làm về. Đành phải làm một bữa ăn quấy quá bằng những gì có trong tủ lạnh. Hai chúng tôi ăn tối uống bia. Kumiko kể chuyện về công việc. Nàng luôn luôn kể về công việc những khi tâm trạng vui vẻ: nào là nàng gặp ai ở cơ quan, nàng đã làm gì, đồng nghiệp nàng ai có năng lực, ai không. Đại loại thế.
Tôi lắng nghe, thỉnh thoảng gật đầu hoặc thốt vài câu lấy lệ. Tôi chỉ nghe thấy không quá một nửa những gì nàng nói. Chẳng phải vì tôi không thích nghe nàng nói những chuyện ấy. Không kể nội dung câu chuyện, tôi thích ngắm nàng ngồi bên bàn ăn say sưa nói về công việc của mình. Đây chính là "gia đình", tôi tự nhủ. Ở đây mỗi người đang làm đúng phận sự đã được phân công trong gia đình. Nàng nói về công việc của mình, còn tôi, làm bữa tối xong thì giờ lắng nghe nàng nói. Cảnh này rất khác với hình ảnh "gia đình" mà tôi từng hình dung trước khi lấy vợ. Nhưng đây là cái gia đình chính tôi đã chọn. Dĩ nhiên, tôi từng có gia đình, khi còn bé. Nhưng đó không phải cái gia đình mà tôi tự chọn ình. Tôi đã sinh ra trong gia đình đó, nhận lấy gia đình đó như một sự đã rồi. Còn nay tôi sống trong một thế giới do mình chọn bằng ý chí. Đó là gia đình tôi. Nó có thể khồng hoàn hảo, nhưng nguyên tắc của tôi về gia đình của mình là hãy chấp nhận nó cùng với mọi vấn đề nảy sinh từ đó. Bởi nó là lựa chọn của tôi, và nếu có những vấn đề này nọ nảy sinh thì hầu như chắc chắn phải tìm cội rễ sâu xa của chúng ở trong chính tôi.
-Thế con mèo thì sao? - nàng hỏi. Tôi tóm tắt cho nàng nghe cuộc gặp với Kano Malta tại khách sạn ở Shinagawa, Tôi kể với nàng về cái cà vạt chấm hạt đỗ; rằng chả thấy nó đâu trong tủ quần áo. Rằng dẫu vậy Kano Malta vẫn nhận ra tôi trong quán cà phê đông nghẹt khách. Rằng cô ta ăn mặc và nói năng khác người, và khác người ra sao. Kumiko tỏ vẻ thích thú nghe về chiếc mũ bằng vải vinyl màu đỏ, nhưng khi tôi không thể nói rõ về tung tích của con mèo đi lạc thì nàng hết sức thất vọng.
- Vậy ra cô ta cũng không biết con mèo ở đâu? - Kumiko hỏi gặng. - Chỉ nói được mỗi một điều là nó không còn quanh quẩn bên hàng xóm nữa?
- Thì thế, - tôi nói. Tôi quyết định không đả động gì đến cái "dòng chảy bị ngăn" của nơi vợ chồng tôi đang sống hay về chuyện điều đó có thể liên quan tới chuyện con mèo bỏ nhà đi. Tôi biết điều đó sẽ khiến Kumiko lo lắng, mà chúng tôi đã có quá nhiều chuyện phải lo rồi. Nếu biết mình đang sống ở một "nơi không tốt", Kumuki sẽ nằng nặc đòi dọn đi nơi khác. Mà với tình hình tài chính hiện nay của chúng tôi thì dọn nhà là chuyện ngoài tầm tay.
- Cô ấy bảo anh thế, - tôi nói. - Con mèo không còn ở quanh đây nữa.
- Nghĩa là nó sẽ không bao giờ về nữa?
- Anh không biết. Cô ta nói gì cũng mơ hồ, không rõ ràng. Toàn bóng gió, gợi ý thôi. Tuy nhiên cô ta bảo nếu tìm được gì mới thì sẽ báo ình hay.
- Anh có tin cô ta không?
- Ai mà biết được? Anh có biết mô tê gì về những chuyện này đâu.
Tôi rót ình thêm ít bia rồi nhìn bọt lắng xuống. Kumiko chống cùi chỏ lên bàn, tựa cắm lên lòng bàn tay.
- Cô ta ắt có nói với anh rằng cô ta không nhận tiền thù lao hay quà cáp gì hết. - nàng nói.
- Ờ, ít ra cũng được điểm ấy, - tôi nói. - Đã vậy thì có vấn đề gì nào? Cô ta không lấy tiền chúng mình, không đánh cắp linh hồn chúng mình, không nhốt nàng công chúa trong lâu đài. Chúng mình chả mất gì cả.
- Anh phải hiểu một điều. Con mèo rất quan trọng đối với em. Nói đúng hơn là với cả em và anh. Chúng mình cũng tìm thấy nó chỉ một tuần sau ngày cưới. Anh còn nhớ chứ?
- Dĩ nhiên anh nhớ.
- Nó bé tí, ướt như chuột lột dưới trời mưa tầm tã. Em đội ô ra ga đón anh. Chú nhóc tội nghiệp. Chúng mình gặp nó trên đường về nhà. Ai đó đã vứt nó vào một thùng bia ở quán rượu. Nó là con mèo đầu tiên em nuôi. Nó rất quan trọng đối với em, nó như một thứ biểu tượng vậy. Em không thể mất nó được.
- Anh hiểu mà, - tôi nói.
- Vậy nó đâu? Nó đi mất mười hôm nay rồi. Chính vì vậy mà em gọi cho ông anh trai. Em nghĩ anh ấy có thể biết một người lên đồng hay một nhà ngoại cảm, ai đó có thể tìm ra một con mèo đi lạc. Em biết anh không muốn hỏi han anh trai em bất cứ chuyện gì, nhưng anh ấy học cha em, anh ấy rất rành những chuyện như vậy.
- À phải, truyền thống của gia đình Wataya, - tôi nó, lạnh tanh như cơn gió chiều lùa qua eo biển. - Nhưng Wataya Noboru có quan hệ thế nào với người đàn bà đó?
Kumiko nhún vai.
- Hẳn anh ấy tình cờ gặp cô ta ở đâu đó. Dạo sau này anh ấy có rất nhiều mối quan hệ.
- Chuyện đó thì khỏi bàn.
- Anh ấy bảo cô ta có những năng lực khác thường, song cô ta khá kỳ lạ. - Kumiko lấy nĩa chọc chọc một cách máy móc vào món macaroni. - Tên cô ta là gì ấy nhỉ?
- Kano Malta. Cô ta từng theo một kiểu tôn giáo khắc kỷ để tự hoàn thiện mình ở đảo Malta.
- Ra thế. Kano Malta. Anh nghĩ sao về cô ta?
- Khó nói. - Tôi nhìn hai bàn tay mình đang đặt trên bàn. - Ít nhất là cô ta không làm mình chán. Đó là điều tốt. Ý anh là trên đời đã có quá nhiều chuyện không thể giải thích, nên phải có ai đó lấp đầy cái khoảng trống này. Giao du với người không làm mình chán vẫn hơn với người làm mình chán. Đúng không nào? Như ông Honda chẳng hạn.
Kumiko phá lên cười khi nghe nhắc tới ông Honda.
- Ông già ấy thật tuyệt phải không anh? Em thích ông ấy lắm.
- Anh cũng thế, - tôi nói.
° ° °
Từ khoảng một năm sau khi cưới nhau, tôi và Kumiko bắt đầu đến thăm ông Honda mỗi tháng một lần. Ông là người chuyên lên đồng, một trong những kiểu nhà ngoại cảm mà dòng họ Wataya coi là của quý, nhưng ông cực kỳ nặng tai. Thậm chí dù có mang máy trợ thính ông cũng chỉ nghe câu được câu chăng những gì chúng tôi nói. Chúng tôi phải hét to đến nỗi những tấm vách ngăn phòng bằng giấy shooji muốn bục cả ra. Tôi thường tự hỏi, đã nặng tai đến cỡ đó thì liệu ông có nghe các linh hồn nói gì không. Nhưng có khi ngược lại không chừng: càng nặng tai, người ta càng có khả năng nghe thấy lời của các linh hồn. Ông bị mất thính giác từ hồi chiến tranh. Là một sĩ quan phi tác chiến đóng tại doanh trại Mãn Châu của đạo quân Quan Đông 1, ông bị vỡ màng nhĩ khi một vỏ đạn đại bác, quả lựu đạn hay một cái gì đó nổ ngay bên cạnh ông trong một trận đánh với một đơn vị hỗn hợp Hồng quân Liên Xô - Ngoại Mông ở Nomanhan 2 trên biên giới Ngoại Mông và Mãn Châu.
Chúng tôi hay đến thăm ông Honda chẳng phải vì tin ở năng lực tâm linh của ông. Tôi chả bao giờ quan tâm đến những chuyện như thế, còn ở Kumiko, khuynh hướng tin vào những điều siêu nhiên cũng ít hơn nhiều so với cha mẹ và anh trai. Nàng cũng có chút mê tín, nàng có thể lo sốt vó vì những điềm được coi là gở, nhưng nàng chẳng bao giờ ra khỏi nhà để tham gia những việc như bói toán, lên đồng.
Lý do duy nhất để chúng tôi đến thăm ông Honda là cha của Kumiko bắt phải đến. Đó là điều kiện duy nhất ông đưa ra để chúng tôi có thể cưới nhau. Một điều kiện quả là hơi kỳ quặc, nhưng chúng tôi chấp thuận để tránh những điều rắc rối. Cả tôi và Kumiko không hề trông đợi mọi việc sẽ xuôi chèo mát mái với gia đình nàng. Cha nàng là quan chức chính phủ. Là con thứ trong một gia đình trung nông chả lấy gì làm khấm khá ở Niigata, ông xin được học bổng để theo Đại học Tokyo danh giá, tốt nghiệp bằng ưu và giành được một vị trí cao cấp trong Bộ Giao thông. Điều đó thật đáng khâm phục. Song, cũng như hầu hết những ai đã kinh qua con đường tiến thân như thế, ông ta là kẻ kiêu căng tự mãn. Đã quen ra lệnh, ông hoàn toàn không chút hoài nghi về giá trị của cái thế giới mà ông là một thành phần. Với ông, tôn ti trật tự là tất cả. Ông là kẻ thượng đội hạ đạp. Ông khúm núm trước cấp trên mà không hề thắc mắc và chà đạp những kẻ dưới mình mà không do dự mảy may. Cả Kumiko và tôi không hề tin rằng một người như vậy lại có thể nhận làm con rể một thằng khố rách áo ôm mới hai mươi bốn tuổi đầu, không địa vị, không dòng dõi, học chẳng lấy gì làm xuất sắc, tiền đồ công danh chẳng có, như tôi. Chúng tôi vẫn nghĩ rằng sau khi cha mẹ nàng khước từ chúng tôi sẽ tự làm đám cưới, tự xây dựng cuộc sống và chả liên hệ gì với họ.
Dẫu vậy tôi vẫn làm việc phải làm. Tôi đến gặp cha mẹ Kumiko để cầu hôn nàng. Bảo rằng họ đón tiếp tôi một cách lạnh nhạt là quá nhẹ. Có cảm tưởng như tất cả các cánh cửa tủ lạnh trên thế giới này đều mở toang ra cùng một lúc.
Nhưng cuối cùng họ cũng vẫn cho phép tôi, dù miễn cưỡng. Mọi việc đã diễn biến gần như nhờ một phép màu, nhưng ở đây công lao hoàn