Mạnh Thiểu Du còn chưa chạm tay đến viên ngọc kia thì đã bị người ta lớn tiếng ngăn lại.
Chỉ thấy người đàn ông nọ vội vàng bước đến, ông lấy ra một chiếc khăn tay, cẩn thận bỏ viên ngọc vào lại bên trong hộp gỗ.
Người đàn ông trung niên lau mồ hôi, ra điều có lỗi mà nói với đám Mạnh Thiểu Du: "Thật ngại quá, là do tôi không chú ý, ban nãy đụng phải cậu."
Thật ra Mạnh Thiểu Du không để tâm lắm.
Sau khi mở lời, người đàn ông ôm hộp gỗ chứa viên ngọc, nhíu mày nói: "Xin thứ lỗi cho tôi không thể nói nhiều với hai người được, tôi còn có việc gấp ở phía bên kia, đành đi trước một bước!"
Sau đó ông vội vàng chạy về phía sân sau.
Đạo trưởng phụ trách an ninh của hội chùa thấy người đi xa thì quay đầu lại nói: "Chắc là người này gặp phải việc gấp gì đó, để tôi dẫn hai người ra đằng trước."
Mạnh Thiểu Du thu tầm mắt lại, gật gật đầu không nói gì thêm.
Mãi đến khi ra khỏi chùa Bạch Vân, Mạnh Thiểu Du vẫn giữ dáng vẻ đăm chiêu, Dư Giang Hòa bèn hỏi: "Cậu đang nghĩ về viên ngọc ban nãy à?"
Dư Giang Hòa đứng ngay bên cạnh, hiển nhiên anh cũng nhìn thấy viên ngọc trong hộp kia, màu trắng óng ánh vừa phải, quả thực là một viên ngọc đẹp đẽ.
Thấy Mạnh Thiểu Du có vẻ hứng thú, anh bèn bảo: "Nếu cậu cần thì bọn mình có thể đến chợ ngọc tìm thử."
Mạnh Thiểu Du đang đi vào cõi tiên, nghe tai này lọt sang tai kia.
Cậu tưởng là Dư Giang Hòa muốn đến chợ ngọc để shopping, nghĩ bụng hiếm lắm thầy Dư mới yêu thích thứ gì đó, đi shopping cũng được, nên cậu bèn nói: "Được ạ."
Chẳng qua bây giờ đang là dịp Tết, phong tục ngày Tết của Bắc Kinh khá nhiều, phần lớn thương gia vẫn đang nghỉ ngơi, phải đợi qua mùng năm, họ mới bắt đầu lục tục buôn bán trở lại.
Hai người bèn đợi đến ngày khai trương.
Đồ ngọc của Bắc Kinh cũng rất nổi tiếng, có lịch sử lâu đời, trong triều đại phong kiến, những món đồ bằng ngọc này đã được xuất khẩu ra nước ngoài.
Bắc Kinh thời xưa gọi chung châu báu và ngọc ngà là "hàng đỏ".
Thuở ban đầu có hai khu chợ lớn, một cái là khu chợ cao cấp để phục vụ cho quan lại, cái còn lại là Thanh Sơn Cư, dành cho dân chúng.
Chẳng qua người bình thường đều cho rằng Thanh Sơn Cư mới chính là nơi có đồ ngọc tinh xảo nhất Bắc Kinh.
Đến thời hiện đại, Bắc Kinh cũng không có khu chợ ngọc thạch nào có quy mô lớn, phần lớn đều tập trung ở Vườn Phan Gia*, gần chùa Báo Quốc.
(Vườn Phan Gia/Phan Gia Viên: Một khu chợ trời nổi tiếng.)
Vườn Phan Gia khai trương cũng náo nhiệt vô cùng.
Vừa đi vào, Mạnh Thiểu Du và Dư Giang Hòa đã thấy hàng hóa chất đầy trên nền đất, chỉ nhìn qua đã thấy không ít tiền đồng, có hàng buôn còn đặc biệt bày từng chuỗi tiền Ngũ Đế ở bên cạnh, trông rất bài bản.
Vì là ngày đầu tiên khai trương, các chủ tiệm đối xử với mọi người vô cùng nhiệt tình.
Mạnh Thiểu Du nhìn lướt qua, cậu cũng không thấy hứng thú với mấy mặt hàng này.
Thứ nhất là cậu không quan tâm đến những thứ như đồ cổ hoặc thư họa lắm, thứ hai là...
Người tu đạo đều nhìn vào khí chất, ở khía cạnh đồ cổ cũng vậy.
Tuy Mạnh Thiểu Du không có năng lực giám định và thưởng thức gì cả, thế nhưng cậu lại nhìn vào khí chất, liếc mắt qua một cái, phần lớn những đồ vật được bày trên sạp cũng chẳng có khí chất...
Cứ thế, cậu lại càng không có suy nghĩ sẽ tìm mua thứ gì.
Về phần ngọc thạch lại càng khỏi phải nói, bởi tìm ngọc còn khó hơn cả tìm đồ cổ nữa...
Mãi đến khi đi đến một hàng phía trước, Mạnh Thiểu Du chợt dừng bước, hàng hóa trên mặt sạp khá ít ỏi, thế nhưng cậu lại bị thu hút bởi một khối gỗ xấu xí trên sạp.
Nếu cậu không nhìn lầm, đây hẳn là một khối gỗ sét đánh* đã được nghìn năm.
(Gỗ sét đánh: Gỗ lấy ra từ những cây bị sét đánh.
Người ta thường nói sấm sét được cõi trên ban xuống, do đó ma quỷ rất sợ những cái cây bị sét đánh này.)
Gỗ sét đánh là một trong số những vật liệu tốt nhất để chế tạo pháp khí trong đạo giáo, như nhánh gỗ đào của Mạnh Thiểu Du cũng là do nhặt được từ cây đào bị sét đánh ở trước cửa đạo quan...
Dù làm lệnh bài hay làm kiếm thì việc sử dụng khối gỗ sét đánh này đều không tồi.
Mạnh Thiểu Du vươn tay cầm khúc gỗ lên hỏi: "Ông ơi, khối gỗ này bán thế nào ạ?"
Chủ tiệm này là một ông lão mặc áo ba-đờ-xuy kiểu quân đội.
Thấy Mạnh Thiểu Du chọn một khúc gỗ mục nát, ông hơi sửng sốt, sau đó bảo: "Khúc gỗ này không đáng giá đâu, cháu tùy ý mua vài thứ gì đó đi, rồi ông tặng thêm khúc gỗ này."
Mạnh Thiểu Du nghe vậy thì vui vẻ trong lòng, xem ra lúc bấy giờ cậu đã kiếm được lời.
Cậu nhìn lại số hàng hóa ít ỏi trên sạp rồi tiện tay chọn một cái quạt giấy, dùng giá tiền chưa đến hai trăm mà lấy được khúc gỗ sét đánh về.
Mạnh Thiểu Du cầm lấy quạt giấy và gỗ sét đánh rời khỏi sạp nhỏ.
Chủ tiệm bên cạnh ông lão thấy vậy thì mở miệng nói: "Ông cụ, ông bán lỗ rồi!" Nhìn dáng vẻ cậu thanh niên kia, chắc chắn khối gỗ nọ phải có giá hơn hai trăm tệ nhiều!
Ông lão liếc chủ tiệm kia, hừ một tiếng nói: "Tôi thích, liên quan gì đến ông?"
Chủ tiệm: "..."
Chưa thấy ai gấp gáp để người ta được hời như vậy luôn á!
- -
Sau khi Mạnh Thiểu Du ăn hời xong, hai người lại đi dạo một vòng nữa.
Du khách ở Vườn Phan Gia càng ngày càng nhiều, nhìn mặt trời thì thấy đã quá trưa.
Hai người quét mắt qua toàn bộ những thứ có trên sạp, không còn hứng thú với gì khác nữa, nên họ bèn đi ra khỏi Vườn Phan Gia.
Hai người vừa đi ra thì Mạnh Thiểu Du lại gặp một người quen ở cửa.
Đó chính là người đàn ông trung niên mà họ đã gặp ở chùa Bạch Vân khi đó.
Người nọ vẫn ôm một cái hộp gỗ, chỉ là lúc bấy giờ sắc mặt của ông lại càng thêm tồi tệ.
Người nọ đi tới đi lui ở trước lối vào của Vườn Phan Gia, ông cũng nhìn thấy hai người Mạnh Thiểu Du, trưng ra một nụ cười yếu ớt với cậu.
Mạnh Thiểu Du không ngờ còn có thể gặp lại, thấy đối phương vẫn ôm hộp gỗ kia trong tay, cậu không kìm lòng được mà hỏi: "Thưa chú, đây là viên ngọc nọ sao?"
Người đàn ông trung niên kia thở dài nói: "Đúng vậy."
Bản thân ông cũng thấy bất đắc dĩ, lúc này có người hỏi nên ông dứt khoát kể ra.
Người đàn ông trung niên lấy được viên ngọc này từ Vườn Phan Gia, lúc đó ông thấy viên ngọc này có đầu nước* tốt, giá cả mà chủ tiệm đưa ra cũng coi như hợp lí, nên ông cảm thấy mình đã nhặt được một bảo bối, không nghĩ nhiều mà mua lại.
(Đầu nước: Thuật ngữ chỉ độ trong của ngọc, đầu nước dài tức là rất trong, đầu nước ngắn là rất đục.)
Suy cho cùng thì một viên ngọc tốt như vậy, dù là dùng để làm vật trang trí hay thứ gì khác thì cũng có thể bán ra với giá cả gấp bội.
Ông cứ tưởng mình đã nhặt được một thứ quý báu, đợi đến khi mang đai ngọc về xong, ông mới nhận ra sự bất thường.
Người nhà của người đàn ông trung niên đều biết ông lấy được một viên ngọc, họ cũng không nói thêm gì về việc ông sưu tầm ngọc.
Người đàn ông có thể được xem là một người có chút của cải, chỉ cần không phát cuồng thì họ cứ để ông tuỳ ý.
Sau khi viên ngọc này được mang về nhà, mọi người trong nhà đều biết ông đã tìm được một viên ngọc tốt, ai cũng đến nhìn qua.
Ông cũng vô cùng đắc ý, đặt viên ngọc ở trên bác cổ* của mình.
(Bác cổ: Tranh vẽ với đề tài là đồ cổ.)
Mãi đến khi con gái nhỏ của ông vì quá thích mà cầm viên ngọc này lên ngắm nghía, kết quả lại xảy ra chuyện...
Tất cả những người sưu tầm ngọc thạch đều biết, ngọc có linh tính nhưng cũng có tà tính, ngọc tốt thì nuôi người, nhưng ngọc mới thì lại kén người.
Nếu khó chịu thì nó sẽ ra sức dằn vặt con người.
Vì sờ soạng viên ngọc mà con gái nhỏ của ông nửa đêm phát cơn sốt cao, sau khi đưa vào bệnh viện thì lại chuyển thành viêm phổi.
Phải biết rằng hồi trước con gái nhỏ của ông có một cơ thể vô cùng khỏe mạnh...
Ban đầu không ai nghĩ đến viên ngọc, mãi đến khi vợ ông cũng huých phải viên ngọc kia, kết quả là bà cũng nhập viện giống con gái.
Nói đến đây, người đàn ông trung niên trưng ra vẻ mặt đau khổ.
Suy cho cùng, việc cả vợ lẫn con gái đều vào viện nhân dịp Tết cũng không phải chuyện gì tốt đẹp.
Cho nên vào hội chùa ngày hôm đó, ông bèn mang viên ngọc này đến chùa Bạch Vân xem thử.
Nhưng hiển nhiên là hôm đó cũng không có kết quả tốt.
Người đàn ông trung niên thở dài một hơi, ông nói: "Muốn gỡ chuông phải tìm người buộc chuông, đạo trưởng bảo tôi đi tìm người bán ngọc kia, thế nhưng khi đến nơi thì tôi đã không còn thấy ai ở cái sạp đó nữa."
Lúc bấy giờ, cho dù có ngốc nghếch đến đâu thì ông cũng ngộ ra.
Tên bán ngọc nọ đến để hãm hại người khác, bản thân viên ngọc cũng không phải là thứ tốt lành gì!
Mạnh Thiểu Du nhìn thoáng qua hộp gỗ trong tay ông, cậu trầm ngâm