| ÁO BÀ BA – KHĂN RẰN – NÓN LÁ: SỰ KẾT HỢP GIẢN DỊ, HÀI HÒA VÀ ĐẬM CHẤT NAM BỘ |
– – 0 – –
ÁO BÀ BA
Giữa miền đất phương Nam đi về hai mùa mưa nắng, không biết tự bao giờ chiếc áo bà ba đã hiện hữu, đồng hành với người Nam Bộ như một trang phục đặc trưng cho chất thuần hậu, dịu dàng của họ. Người dân nơi đây bao đời nay sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, quanh năm chân lấm tay bùn, cho nên không mấy thích hợp cho việc ăn mặc sang trọng, cầu kì. Và, áo bà ba đã đáp ứng được điều kiện tự nhiên và lối sống đặc trưng của người dân nơi đây, cũng như trở thành trang phục phổ biến được người dân ưa chuộng.
Về màu sắc, áo thường có gam chủ đạo là đen và nâu sậm. Khi chưa có thuốc nhuộm hóa học, người dân dùng màu nhuộm tự nhiên từ lá bàng, vỏ dà, trái mặc nưa, vỏ trâm bầu… rồi phủ bùn chống phai màu. Áo bà ba không kén loại vải may. Nếu may đi đồng, đi rẫy thì chọn màu tối, vải dày để mặc được bền hơn. Còn nếu mặc đi chợ, đi chơi thì các loại vải mỏng, vải lụa, vải có màu sáng như mạ non, xanh lơ nhạt, hồng hoặc bông hoa tươi tắn được người ta chuộng hơn nhằm tôn dáng của người phụ nữ. Kiểu dáng cho ngày lễ, Tết cũng được bày vẽ hơn, không chỉ cổ áo tròn ôm sát truyền thống mà còn được cách điệu hình trái tim, cổ thuyền, cổ hình cánh én, lá sen và thêu các đường viền áo. Với thiết kế tiện dụng, áo bà ba được mặc như một loại thường phục trong sinh hoạt, sản xuất và cả trong chiến đấu.
KHĂN RẰN
Nhắc đến áo bà ba, phần đông nghĩ ngay đến chiếc khăn rằn Nam Bộ. Khăn rằn Nam Bộ xuất phát từ khăn Krama của người Khmer gốc Campuchia. Trong quá trình cộng cư trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành loại trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác tại đây. Ban đầu, khăn rằn chủ yếu có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu sắc cơ bản này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ cũng từ các lằn ngang dọc ấy mà tên gọi “khăn rằn” đã ra đời. Trước khi có sự du nhập của thời trang phương Tây, chiếc khăn rằn đóng vai trò chủ chốt trong lối ăn mặc của người dân Nam Bộ, bất kể người lao động lam lũ hay người giàu có. Trong lao động, chiếc khăn vừa làm bầu bạn, lau đi những giọt mồ hôi cho đỡ cơn vất vả. Những trưa hè oi ả, chiếc khăn rằn còn được các mẹ mang ra làm võng ru con. Trong chiến tranh, chiếc khăn rằn như người bạn đồng hành, biến hóa thần kỳ làm phương tiện phù hợp cho các chiến sĩ: lúc thì dùng để