Cậu Thiếu Niên Xinh Đẹp Của Tôi

Chương 17


trước sau


Edit: Hanna
 
Ông cụ Vương tới đặt may sườn xám cho vợ. 

 
Khi còn nhỏ điều kiện của gia đình nhà vợ ông cụ Vương rất tốt, nhưng ở thời đại đó, điều kiện gia đình tốt thì có phải là chuyện tốt hoàn toàn? Ông cụ Vương không để ý tới sự phản đối của người thân mà cưới người vợ này, hai người sống với nhau trải qua mấy chục năm, bây giờ đều đã 80 tuổi.
 
“Bà ấy yêu cái đẹp, khi còn nhỏ có rất nhiều sườn xám, nhưng sau đó gia cảnh lụi bại, làm sao còn có thể mặc tơ lụa? Tình hình trong nước cũng không được ổn định, những bộ sườn xám thời nhỏ mà bà ấy trân quý như mạng bị XXX cưỡng chế đốt sạch, mấy năm nay ông cũng đã may mới không ít cho bà ấy, nhưng bà ấy vẫn luôn cảm thấy không phải kiểu dáng như trước kia nên cứ nói ông mãi, sắp đến ngày mừng thọ của bà ấy, ông muốn cố gắng hỏi xem cháu có thể làm giúp ông một bộ được không, nếu không bà ấy lại càu nhàu điếc tai ông!” Mặc dù ông cụ Vương luôn miệng oán trách, nhưng thật ra tươi cười đầy mặt.
 
Kinh Di có thể nhận ra hai vợ chồng ông tình sâu nghĩa nặng, cười nói: “Vợ của ông nhất định rất xinh đẹp.”
 
Ông cụ Vương vẫy vẫy tay, cười nói: “Xinh đẹp cái gì! Chỉ suốt ngày hành ông!”
 
“Vậy ông bảo bà tới đây một chuyến, cháu đo kích cỡ cho chuẩn.”
 
Không biết ông cụ Vương móc ra một tờ giấy đã ố vàng từ đâu, đưa cho Kinh Di, nói: “Ông muốn giữ bí mật với bà ấy, đây là kích cỡ năm ngoái, cháu cứ làm theo là được!”
 
Kinh Di nhận lấy, trên trang giấy cũ nát có đầy đủ mọi số đo, chắc chắn ông cụ Vương đã làm rất nhiều sườn xám cho vợ, nhưng lại không chịu nói ra miệng mà thôi, thật ra rất cẩn thận tỉ mỉ: “Khi nào ông muốn lấy ạ?”
 

Ông cụ Vương trả lời: “Cháu gái, mười ngày sau có được không?”
 
Kinh Di ngẫm nghĩ, bộ sườn xám của bà cụ nhà họ Tưởng cũng sắp xong rồi, mười ngày chắc vừa kịp, sau đó lại bàn bạc với ông cụ Vương về kiểu dáng, vải dệt làm sườn xám, ông cụ rất có chủ ý, cũng hiểu biết không ít về sườn xám, kể cả những kiểu dáng đặc biệt.
 
“Cháu gái à, vậy làm một bộ sườn xám như thế hết bao nhiêu tiền?”
 
Kinh Di nói: “Không đắt, ông cho cháu mấy cái chân giò là được.”
 
“Ui chao, sao có thể làm vậy được, vừa nhìn đã biết cháu là người có tay nghề, làm sao mấy cái chân giò có thể so sánh được?”
 
“Nơi này của cháu chỉ hù kẻ có tiền thôi, còn cháu với ông là hàng xóm láng giềng, sao có thể lừa ông được? Hơn nữa, ông làm chân giò ăn rất ngon, có tiền cũng không mua được đâu.”
 
“Ha ha! Đúng vậy, thời trẻ ông mở cửa hàng bán chân giò kho tương đấy, cực kì đông khách, người xếp hàng dài từ đây ra tận ngoài hàng rào lớn kia luôn!”
 
Hà Ngâm Hành vẫn luôn đứng ở bên cạnh, trong lòng cảm thán ông cụ Vương thật là may mắn.
 
Mấy cái chân giò kho tương á? Một xe tải cũng không đổi được một bộ sườn xám do cô giáo làm.
 
Trưa ngày hôm sau, Tạ Ngọc Võng cứ một hai đòi nói chuyện qua video với cô, vẫn lấy lý do đã dùng vô số lần —— gặp mèo.
 
Kinh Di đưa màn hình điện thoại nhắm thẳng vào A Quất đang chạy tán loạn trong sân, gần đây nó chơi vui quên trời đất, sau khi trèo lên cây một lần thì thành nghiện, một ngày không trèo leo vài lần thì không đã nghiền.
 
“Chị Kinh Di, chị nói gì đi.”
 
Kinh Di nhìn Tạ Ngọc Võng vẫn đẹp trai ngời ngời trên màn hình điện thoại, cười nói: “Không phải cậu muốn gặp mèo à?”
 
Tạ Ngọc Võng bị một câu của cô làm nghẹn họng, mãi vẫn chưa thể nói nên lời, thật lâu sau mới nặng nề thở dài một hơi, giả vờ giả vịt nói: “Chị Kinh Di, bây giờ chị còn biết châm chọc em, ngày trước ở nhà em, em không ăn bữa sáng chị đã rất lo lắng, hiện tại một ngày trời em vẫn chưa được ăn mà chị lại mặc kệ em. Ôi, đúng là xuống sắc thì cạn tình.”
 
Kinh Di bị cậu trêu tới mức cười không dừng được, quay màn hình lại, hỏi: “Cậu chưa ăn cơm à?”
 
Tạ Ngọc Võng gật đầu như gà mổ thóc: “Bọn họ ngược đãi em, một ngày bắt em làm việc 18 tiếng đồng hồ!”
 
Kinh Di đương nhiên hiểu được, không ai có thể thật sự bỏ đói cậu chủ nhà họ Tạ, một phần là do bận, công việc của diễn viên chính là như vậy, Tạ Ngọc Võng nói những lời kia, chỉ là muốn cô đau lòng, làm nũng với cô mà thôi.
 
Chàng trai láu cá này.
 
Quả nhiên, cậu mở miệng nói: “Em muốn ăn món mì mà chị vẫn hay làm cho em ngày trước ấy, em đã nhiều năm không được ăn rồi.”
 
Khi nói những lời này, Tạ Ngọc Võng khẽ mỉm cười, ngữ khí vừa dịu dàng ôn nhu vừa thâm trầm, rõ ràng không phải lời oán trách, nhưng Kinh Di lại nghe ra sự đáng thương trong đó.
 
Dưới đáy lòng chắc cậu vẫn còn trách cô.
 
Cũng được, lại phải dỗ dành thôi.
 
“Khi nào em về, chị em cho cậu ăn.” Cô nói.
 
······
 
Không ngờ Tạ Ngọc Võng thật sự đã trở lại, chỉ vài ngày sau cuộc gọi video ấy.
 
Kinh Di đang hoàn thành bộ sườn xám cho ông cụ Vương, sau khi nhìn thấy cậu cũng không phản ứng lại, đột nhiên mở miệng theo bản năng mà nói: “Sao cậu đã về rồi?”
 
Gương mặt đang tươi cười vui vẻ của chàng trai ấy lập tức biến mất, thương tâm nói: “Chị không muốn em về đây à?”
 
Lúc này Kinh Di mới giật mình phản ứng lại bản thân vừa nói sai điều gì, vội dỗ dành một câu: “Không có nha, tại chị vui mừng kinh ngạc quá!”
 
“Chị kinh ngạc chỗ nào chứ, rõ ràng là kinh hách.” Tạ Ngọc Võng hừ một tiếng, dường như mất lực chống đỡ mà ngã xuống sô pha, cúi đầu lẩm bẩm, cố ý ra hiệu cho Kinh Di, cậu tức giận rồi.
 
Kinh Di đối với cậu như đối xử với A Quất vậy, vuốt ve mái tóc sau gáy cậu, lại đỡ cằm cậu nâng đầu cậu lên, khẽ mỉm cười dỗ dành: “Xin lỗi nha, chị không cố ý, chỉ là chị nghĩ rằng em đang rất bận.”
 
Tạ Ngọc Võng cọ cọ mặt vào lòng bàn tay Kinh Di, lại bắt đầu làm nũng: “Em rất rất rất nhớ chị…”
 
Tục ngữ nói, được đằng chân lên đằng đầu, Tạ Ngọc Võng chính là kiểu người này, Kinh Di muốn đi sáng nhà hàng xóm đưa sườn xám mà cậu cũng muốn đi theo, dường như một tấc không rời.
 
“Cậu đi ra ngoài, nếu bị người nhận ra thì rắc rối lắm.” Kinh Di khuyên.
 
Tạ Ngọc Võng nói: “Em đeo khẩu trang là được, hơn nữa chỉ ngay đây thôi mà.”
 
Đoàn phim của Tạ

Ngọc Võng đã quay xong các cảnh ở Thượng Hải, sắp tới sẽ đi Nam Xương nửa tháng, cậu phải rất khó khăn mới có được một ngày rảnh rỗi, sáng mai đã phải bay đến Nam Xương hội họp với đoàn phim.
 
Cậu phải tranh thủ từng giây từng phút để ở bên Kinh Di.
 
Kinh Di đành phải đồng ý.
 
Gõ cửa rất lâu mới thấy ông cụ Vương ra mở cửa, ông chống tay lên cửa, khi nhìn thấy Kinh Di ở ngoài, vẻ mặt khó hiểu: “Cháu gái hàng xóm à? Có chuyện gì vậy?”
 
Kinh Di ngẩn người, nói: “Ông Vương ơi, cháu đã làm xong bộ sườn xám cho bà nhà ông rồi.”
 
Ông cụ Vương a một tiếng, dường như phải suy nghĩ hồi lâu mới nhớ ra, nói: “Ôi trời, ông quên mất! Hôm nay là ngày mừng thọ bà cụ nhà ông!”
 
Kinh Di càng cảm thấy khó hiểu, hôm trước ông cụ Vương nói ngày mừng thọ là ngày khác mà nhỉ? 
 
“Ông ơi, ông nhớ lầm rồi.” cô nói.
 
Ông cụ Vương khẳng định: “Không thể nào! Làm sao ông có thể nhớ nhầm ngày sinh của Ngọc Tuệ được, là hôm nay, nhưng làm sao bây giờ, ông không kịp đến tiệc mừng thọ của bà ấy rồi, vì sao ông lại quên được chứ!”
 
Ông cụ vội vàng luống cuống.
 
Tạ Ngọc Võng nhận ra điều bất thường, hỏi: “Ông ơi, tiệc mừng thọ tổ chức ở đâu vậy, chúng cháu đưa ông qua đó nhé?”
 
Ông cụ ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi mới nói: “Con trai ông nói rồi, nhưng ông không nhớ rõ.”
 
“Ông có nhớ số điện thoại của con trai không? Chúng cháu gọi cho chú ấy hỏi một câu.”
 
“Có, có.”
 
Ông cụ Vương nói là có, nhưng tìm mãi vẫn không thấy, ông cụ đã 80 tuổi, tay chân không còn nhanh nhẹn, luống cuống không biết nên làm gì mới tốt.
 
Còn may ông cụ vẫn nhớ rõ địa chỉ nhà con trai, Kinh Di cũng nhận ra tình trạng của ông cụ không bình thường, đành lái xe đưa ông cụ qua đó với Tạ Ngọc Võng.
 
Khoảng cách không xa, nửa tiếng đã đến, sau khi tới khu chung cư, Kinh Di không cho Tạ Ngọc Võng xuống xe, chung cư này nhiều người qua lại hơn ngõ nhỏ kia nhiều, thật sự không còn cách khác.
 
Tạ Ngọc Võng vốn tưởng rằng, không đến mười phút Kinh Di có thể xuống dưới, nhưng cậu chờ mòn mỏi nửa tiếng.
 
Khi Kinh Di quay lại xe thì đặc biệt yên lặng, vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ.
 
“Làm sao vậy?” Tạ Ngọc Võng hơi nóng nảy: “Người nhà kia bắt nạt chị à?”
 
Kinh Di lắc đầu, hai tay chà xát mặt, kể lại tình cảnh cô đưa ông cụ Vương về nhà cho Tạ Ngọc Võng nghe.
 
Hóa ra vợ của ông cụ Vương đã qua đời hơn ba mươi năm trước.
 
Căn bản không hề có tiệc mừng thọ nào hết, không có yêu cầu phải làm sườn xám, cũng không có lời oán trách nào cả.
 
Vợ của ông cụ Vương bị bệnh qua đời, chỉ để lại ba đứa con thơ cho ông, ông cụ Vương mở cửa hàng nuôi sống ba đứa con, trong mắt ba đứa con, mẹ qua đời không hề ảnh hưởng quá lớn tới người cha, ông vẫn là trước sau như một mà lo liệu hai bên nội ngoại, vài chục năm nay vừa làm cha lại vừa làm mẹ.
 
Giống như một ngọn núi lớn kiên cố vững chãi, không gì phá nổi.
 
Nhưng mấy năm nay bỗng nhiên xảy ra một vấn đề.
 
Đầu tiên là ông cụ Vương kiên quyết làm trái ý với mấy người con, nhất định muốn ở một mình trong tòa nhà tứ hợp viện kia, bởi vì sợ Ngọc Tuệ về nhà mà không thấy ai thì sẽ sợ hãi.
 
Mấy người con không lay chuyển được cha, chỉ có thể chiều theo ý của ông.
 
Sau đó, con trai ông phát hiện ông càng ngày càng không tỉnh táo, lâu lâu lại đi làm sườn xám, lấy về đưa cho con trai, bảo đấy là quà mừng thọ cho Ngọc Tuệ.
 
Nhưng đâu còn người tên Ngọc Tuệ?
 
Mấy người con đã tận tình khuyên bảo nói rõ ràng với ông cụ, nhưng nói mãi, hậu quả là ông cụ tức giận tới mức phải vào bệnh viện, suýt nữa thì không thể qua khỏi. Không còn cách nào khác, mỗi lần ông phát bệnh, đành phải nói dối là mẹ thấy sườn xám ông làm không đẹp nên tự mình đi ra cửa hàng rồi, còn chưa trở về.
 
Một lần nói dối kéo dài ba năm, ông cụ đều tin tưởng không hề nghi ngờ.
 
Con trai ông cụ dẫn Kinh Di tới một căn phòng, bên trong treo kín sườn xám, đủ loại kiểu dáng, đủ loại màu sắc, rực rỡ muôn màu.
 
Trước khi đi, ông cụ cười tươi cả mặt đều là nếp nhăn, nói lời cảm ơn với Kinh Di: “Cảm ơn cháu gái nhé, Ngọc Tuệ chắc chắn sẽ rất thích bộ sườn xám do cháu may, khi bà ấy về nhà, nhất định sẽ không chê sườn xám do ông đặt may nữa.”
 
Kinh Di ngồi trên xe, vẫn không kìm nén nổi, cô còn đắm chìm trong cảnh tượng nhìn thấy một phòng treo đầy sườn xám, nghẹn ngào nói: “Hơn một trăm bộ sườn xám, chứng tỏ con của ông cụ Vương đã nói dối hơn một trăm lần, ông cũng phải trải qua hơn một trăm lần thất vọng, đúng không?”
 
Tạ Ngọc Võng ôm Kinh Di vào trong lòng ngực, nhẹ nàng vỗ sau lưng cô, dịu dàng nói: “Có lẽ ông ấy cũng hiểu rõ đây là một lời nói dối thiện ý, Kinh Di, ông ấy cần lời nói dối thiện ý này, chị hiểu không?”
 
Giống như mấy năm chị rời đi, em không biết đã nằm mơ bao nhiêu lần? Mặc dù biết là giả, nhưng em vẫn không hề muốn tỉnh lại.
 
Vì sao?
 
Vì nếu cuộc sống vô vọng, không có dũng khí tiếp tục tiến về phía trước thì người sống có khác gì như đã chết.
 


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện