Dung Nguyên Cẩn nghe đến đây nhoẻn cười: “Thế là huynh bèn cứu ta thật?”
Du Tà thở dài: “Lễ ân công đã nhận, hiệu ân công đã trao, ta đương nhiên phải cứu.”
Trong thùng, nước đã bắt đầu hơi nguội, Du Tà đứng dậy ôm Dung Nguyên Cẩn, lau người cho y xong thì chui vào trong chăn. Dung Nguyên Cẩn xích lại vòng tay ôm eo lưng hắn, truy vấn: “Sau đó thì sao?”
“Một thân nhục thể phàm thai, ngã xuống từ chỗ cao như vậy, tuy nói là bảo toàn được cái mạng nhỏ, song một khi bệnh căn đã lưu, dần dà mi tâm sẽ hiện nhiếp hồn ấn. Ta đành nghĩ cách lấy một sợi linh thức che chở cho em.” Du Tà đặt cằm lên đỉnh đầu Dung Nguyên Cẩn, “Vốn định trực tiếp lấy linh thức độ cho em, nhưng lúc đó em thân thể hư nhược, căn bản không có cách tiếp nhận. Bên người ta cũng không có vật gì thích hợp, cuối cùng phải lấy mộc trâm hóa thành hạt châu, dùng sợi tóc xuyên qua thành món đồ nho nhỏ, phong ấn linh thức trong đó.”
Du Tà ve vuốt sợi tơ mỏng trên cổ y, nâng viên mộc châu trên tay ngắm nghía thưởng ngoạn: “Cũng coi như là thứ tín vật.”
“Tín vật?” Dung Nguyên Cẩn kinh động trong lòng, mở to hai mắt ngẩng đầu nhìn hắn, “Từ sớm như vậy huynh đã…”
“Nghĩ đi đâu thế?” Du Tà đưa tay chà xát nơi mi tâm nhíu chặt của y, ánh mắt đầy vẻ bất đắc dĩ, “Lúc trước ta đích thực có ý nghĩ muốn lưu em lại, chỉ là không giống như bây giờ… Chẳng qua ngày đó gặp em nhu thuận lanh lợi, ta lại tịch mịch cô đơn, định thu nhận nuôi dưỡng em làm nghĩa tử, ở bên làm ta vui cười cũng tốt. Nào ngờ em một mực chỉ muốn về nhà, quấy rầy ta đến váng đầu đau tai, không quá hai ngày đã bị làm phiền tới mức phải cho em quay về.”
Dung Nguyên Cẩn phì cười: “Ra là nghĩa tử… Vậy vì sao về sau huynh còn chặn kiệu hoa của ta?”
Du Tà ôm y vào trong ngực, nhẹ giọng hỏi: “Nhiều năm về trước, em từng cứu một con bạch hồ, còn nhớ không?”
“Là… nó bị què chân… Làm sao huynh biết?”
Du Tà vuốt nhẹ mái tóc dài trơn mướt trên tay, ánh mắt càng thêm nhu hòa.
“Ta mượn đôi mắt bạch hồ, không ngừng dõi theo em.”
Đó là thời điểm Dung Nguyên Cẩn vừa theo Trúc Thanh đến ngụ lại hương Lận. Y tính tình nội liễm, không giỏi ăn nói, mỗi lần gặp bạn đồng lứa túm năm tụm ba chơi đùa vui vẻ, trong lòng cực kỳ hâm mộ, nhưng lại nhút nhát chẳng dám bắt chuyện.
Nếu có người gọi y, y sẽ chạy tới, nếu không ai gọi y, y cũng chỉ đứng từ xa mà đợi, nhìn bọn họ huyên náo vui cười.
Qua một thời gian như thế, mọi người âm thầm chỉ trích sau lưng, nói y không thích hòa đồng. Dần dà, tất cả đều không muốn chơi cùng y nữa.
Hôm nhặt được bạch hồ què chân là lúc Dung Nguyên Cẩn trên đường đi học về.
Đường về phải đi qua miếu thổ địa, chợt thấy mấy tiểu nam hài túm tụm ném đá vào góc tường ngoài miếu, một con bạch hồ cuộn mình thoi thóp trên nền đất gần chân tường rêu phủ. Hồ ly nhãn tình tuyệt vọng, đau đáu nhìn y. Không biết lấy dũng khí từ đâu, Dung Nguyên Cẩn bước lên quát lớn dọa đám trẻ chạy mất, đoạn ôm lấy bạch hồ tội nghiệp, đi về phía rừng: “Hồ nhi đáng thương, mau mau, về nhà đi nhé.”
Dung Nguyên Cẩn đặt tiểu hồ ly xuống đất, thấy nó ngã nhào, lúc này mới chú ý tới vết thương trên chân con vật. Suy tư một lát, y quyết định, trước tiên đem nó về nhà rồi tính tiếp.
Về đến nhà rồi, y cùng mẫu thân cho con vật tắm táp sạch sẽ, băng bó kĩ càng. Tiểu hồ bị thương ở chân, không thể đi đứng bình thường, y lo nó bị người bắt nạt, bèn nuôi ở trong viện.
Dung Nguyên Cẩn ở trường tư thục không có ai cùng đàm thiên luận địa, gặp sự tình phiền muộn cũng không muốn giãi bày với Trúc Thanh, sợ mẫu thân bận tâm lo lắng, chỉ có thể tâm sự cùng bạch hồ mọi chuyện.
Hơn một tháng trôi qua, bạch hồ đã hồi phục đi đứng, thân thể Trúc Thanh lại ngày một kém đi. Dung Nguyên Cẩn không có biện pháp chăm sóc, đành đưa nó về chốn núi rừng.
Từ đó, y và bạch hồ cũng không còn gặp lại.
“Về sau trong đêm còn vụng trộm lau nước mắt mấy lần?” Du Tà cười.