“Tuy có một tia linh thức bảo hộ, nhưng dù sao cũng không thể kéo dài nhiều năm, cộng thêm thư sinh nhất nhất không chịu uống máu đầu tim của người yêu để kéo dài tính mạng, vị Tà Thần kia dẫu trăm ngàn lần không cam chịu, rốt cuộc cũng chỉ có thể chiều theo ý nguyện của y.”
“Hai người bọn họ ước định đời đời kiếp kiếp, nhưng giữa chốn mênh mông phù thế, muốn tìm một người há lại dễ dàng như vậy? Tà Thần trong tâm biết rõ việc này khó tựa đăng thiên, nhưng rốt cuộc vẫn đáp ứng y.”
“Lại mấy năm qua đi, hai người dù trường sương tư thủ (bên nhau lâu dài) cũng khó lòng chống lại đau ốm giày vò.”
“Thư sinh không chịu dùng thuốc, đến cùng bỏ Tà Thần mà đi, từ đây chỉ còn mình hắn đơn độc chốn nhân gian, gắng gượng vì lời thề kiếp sau hư vô mờ mịt.”
“Cố sự này đến đây kết thúc. Thế nhưng…” Người kể chuyện ngưng bặt, cầm một chung trà nóng cúi đầu khẽ thổi.
Đám người ngồi quanh ồ lên truy vấn: “Nhưng nhị cái gì? Ngài đừng thừa nước đục thả câu, hai người đó đến tột cùng đời sau có gặp lại không?”
Người kể chuyện buông chiếc chén sứ, mở bung quạt xếp, ung dung phe phẩy: “Sau khi thư sinh lâm bệnh qua đời, Hắc Bạch Nhị Sứ đến lấy hồn phách, nhưng Tà Thần lại lần lữa không hạ táng vong phu, vẫn ôm thi cốt chưa lạnh ngủ hai đêm liền.”
Mọi người thổn thức không thôi: “Ôi chao, thật quá mức si tình.”
“Đêm trước ngày hạ táng thư sinh, Du Tà thương tâm tuyệt vọng, từ trong mắt chảy xuống một giọt huyết lệ.” Người kể chuyện quét mắt, liếc nhìn thanh niên y phục tựa tuyết trắng dưới đài, nhàn nhã phẩy quạt, “Huyết lệ rơi xuống khóe mắt thư sinh, hóa thành một nốt ruồi chu sa. Tà Thần vuốt tay lên nốt ruồi, thì thầm nói, nên chuyển sang chỗ khác cho em, nốt ruồi lệ đường nhiều nước mắt, đến lúc đó ta lại đau lòng.”
“Huyết lệ có thể hóa nốt ruồi? Ngài đừng có bịa thêm để lừa gạt chúng ta.” Dưới đài có người bán tín bán nghi nói.
Người kể chuyện gật gù đắc ý: “Tin thì tin, không tin thì thôi… Chuyện duyên phận của hai kiếp người, tiểu lão nhân chưa từng ăn nói lung tung. Không tin ư? Chẳng bằng công tử nhìn bốn phía xem, nói không chừng lại thấy người sở hữu nốt ruồi chu sa lệ đường ở ngay bên cạnh!”
Kẻ nọ nghe vậy thì nghi hoặc cụp mắt, nghiêm túc đánh giá xung quanh. Có một người vẫn đang rơi lệ, đưa tay lên nhẹ lau khóe mắt. Một động tác này bị gã nhìn thấy, đầu tiên là sững sờ, ngay sau đó bừng tỉnh, vỗ tay cười lớn: “Đích thị là ngài cố ý! Đây còn không phải là trêu ghẹo Kì ca của chúng ta hay sao! Còn bịa đến là hay ho khéo léo, lừa Kì ca tốn thật nhiều nước mắt! Ấy, Kì ca, để ta xem nào —”
Kì Dĩ Cẩn đưa tay lau nước mắt, nốt ruồi son nơi đuôi mắt bị ống tay áo thêu chỉ tường văn cọ đến đỏ ửng, khàn giọng nói: “Thôi đi.”
Người kia như có điều băn khoăn, nhưng cũng không đùa giỡn nữa.
Kì Dĩ Cẩn chính là con trai độc nhất trong nhà đương kim Thừa tướng, gia thế hiển hách, xứng đáng xưng tụng một câu “ngậm thìa vàng mà lớn”. Y từ nhỏ được trưởng bối tỷ muội trong nhà sủng ái nâng niu, thị nữ hầu hạ quanh người không ngớt, vậy mà lớn lên không chút ngang tàng, đối xử với người ôn văn nhĩ nhã, cung kính lễ độ. Đồng liêu trong triều đồng lòng tán dương “quân tử như ngọc”, Thừa tướng nhắc đến đứa con trai cũng rạng rỡ mặt mày. Chỉ là Kì công tử có duy nhất một điểm thiếu sót, ấy là y không thích giao du. Lẽ thường với xuất thân như vậy, y kiêu ngạo một chút cũng là được, phong lưu đôi phần cũng chẳng sao, nhưng Kì Dĩ Cẩn tuyệt không giống như những vị thế gia tử đệ (con em nhà gia thế) khác. Từ du hí thưởng ngoạn, phóng ngựa bên suối, thăm thú danh sơn, đến nghỉ đêm hồng lâu, chơi chim nuôi ngựa, những sự tình này y đều không làm, nghiêm túc quy củ khiến người bất ngờ.
Trong đời Kì Dĩ Cẩn không có sở thích gì ngoài đắm mình trong thư viện, kết giao cùng đám thư sinh nghèo mà mấy vị hoàn khố thế tử kia chướng mắt từ lâu.
Nếu chỉ là như thế, cũng không hẳn hiếm lạ, nhưng y kết giao cùng thư sinh lại cũng chẳng vì ngâm thơ tác phú, khi rảnh rỗi chỉ thích dẫn người khắp nơi đi tìm thư quán, nghe kể toàn những kỳ môn thú sự. Càng là chuyện xưa ly kỳ, Kì Dĩ Cẩn càng ưa thích, nghe đến say sưa, vì nhân vật chính đoàn viên mà hoan hỉ, cũng vì bọn họ đau khổ mà bi thương.
Hai ngày trước có người nói phía nam thành mới mở một thư quán, còn thần thần bí bí bảo rằng thuyết thư tiên sinh (người kể chuyện) nơi này thích kể toàn là những chuyện phong lưu vận sự, ở những chỗ khác chưa từng nghe qua, mà cũng không phải cố sự của nam tử nữ tử bình thường.
Kì Dĩ Cẩn nghe vậy đỏ mặt, vốn