Lâm Xuân Tư nắm chặt bàn tay lạnh lẽo hơi run lên, xoa bóp gáy ôm đối phương vào lòng.
Phó Yến dựa vào ngực cậu, cách một tầng áo cảm nhận nhịp tim ổn định, khe khẽ nói: "Điều kinh khủng nhất khoảng thời gian bị bắt cóc không phải là nỗi lo sợ, hoang mang về ngày mai hay những cơn vã thuốc, mà là sự mềm lòng, hiện tượng thông cảm với thủ phạm và ý muốn dựa dẫm vào y.
"Y từng là người tôi rất thương mến, tình cảm trong thời gian dài đâu thể phai mờ ngày một ngày hai? Tôi bị buộc phải ở trong tình trạng hoàn toàn bất lực, không có cơ hội để nghĩ tới việc chạy trốn.
Mọi sinh hoạt đều cần y giúp đỡ.
Tinh thần của tôi lại còn phải chống chọi với cơn vật vã.
Không có một giây phút nghỉ ngơi.
Mà Thời Thác là người duy nhất ở cạnh tôi.
"Em đã từng nghe về lý thuyết Hành vi tạo tác của nhà tâm lý học người Mỹ - Skinner chưa? Nhìn vào khía cạnh nhân cách, các tác nhân củng cố sẽ tạo ra sự lặp đi, lặp lại của một hành vi, hiểu đơn giản là thói quen, song không chỉ giới hạn trong thói quen mà còn giải thích cho sở thích, sở ghét và sự khác biệt trong tính cách mỗi người.
Tác nhân củng cố là những gì mang lại sự thoải mái cho cá nhân, đó có thể là phần thưởng vật chất hay khoái cảm tinh thần.
Lấy ví dụ sở thích viết nhạc của em, tại sao em đam mê nó? Lý thuyết của Skinner lý giải rằng vì lần đầu tiên em viết nhạc, em nhận được - có thể là - những lời khen và niềm vui vì được khen làm tác nhân củng cố.
Vì vậy, em viết lần thứ hai, thứ ba để tiếp tục tìm kiếm lời khen và cảm giác hạnh phúc.
Dần dà việc viết nhạc trở thành thói quen và em không ngừng muốn nâng cao khả năng để nhận được nhiều hạnh phúc hơn.
Như thế em sẽ hiểu trong trường hợp này, Thời Thác cố tình ép tôi vào hoàn cảnh ngặt nghèo rồi tỏ ra ân cần, săn sóc, lại còn kiên nhẫn kể chuyện, khơi gợi kỷ niệm.
Y toan tính sẽ ban ơn cho tôi, trở thành tia sáng duy nhất giữa cơn khốn khó của tôi, muốn tôi đồng cảm rồi lệ thuộc vào y.
Bằng cách đó, y muốn chi phối toàn con người tôi, biến tôi thành con rối*..."
* Một chút thông tin về Tâm lý học Hành vi: Watson là người khai sinh ra trường phái Hành vi với thí nghiệm nổi tiếng (vi phạm đạo đức nghiêm trọng) về luyện tập sự sợ hãi cho bé Albert với chuột bạch.
Sau thuyết Hành vi cổ điển của Watson là thuyết Hành vi tạo tác của Skinner - đây là hai lý thuyết lớn của trường phái Hành vi.
Quan điểm của các nhà tâm lý học hành vi là: xem con người như "cỗ máy" được lập trình mọi suy nghĩ, cảm xúc, niềm tin...!thông qua các hành vi học tập và củng cố lặp đi, lặp lại.
Qua đó, một cá nhân tốt có thể bị dạy dỗ thành một kẻ sát nhân máu lạnh và ngược lại.
Trong lồng ngực Lâm Xuân Tư tựa hồ có cái gì đó to lớn đè nặng.
Tới trái tim nảy lên từng nhịp cũng như đấm vào tường nhức nhối.
"Em có biết tôi phải chịu đựng bao nhiêu mới không thốt lên lời cầu xin sự giúp đỡ từ y không? Đau đớn, khổ sở chiến đấu chẳng có gì đáng sợ nếu so với việc bị tước đoạt mọi quyền tự chủ thân xác, suy nghĩ của mình."
Mỗi lần Phó Yến phát điên tấn công Thời Thác là một lần anh hung hăng đập tan sự mềm lòng và cảnh tỉnh bản thân: Y là kẻ thù.
Từng hành vi, từng lời nói, từng biểu cảm của y là giả dối.
Không được tin, không được tin...
Ý niệm này điên cuồng đến mức ngấm ngầm hóa thành các giấc mơ muốn giết Thời Thác, khiến anh rùng mình cả kinh vì cảm giác thỏa mãn của bản thân.
Nỗ lực ngăn chặn các cơn mơ đó và sự thỏa mãn vặn vẹo tội lỗi, Phó Yến bắt đầu mất ngủ.
Những triệu chứng tiếp theo là kén ăn, dễ buồn nôn, rối loạn cảm xúc, thường xuyên muốn làm chuyện điên rồ.
Việc mà anh thích làm nhất là tìm tới tốc độ cao, phóng xe như muốn lên thiên đường, làm ngài Phùng hận không thể bó biên bản phạt thành một cái chày rồi giã anh con riêng ra bã.
Trong một quãng thời gian không ngắn, anh tựa hồ đã đánh mất chính mình.
Điên đảo và lạc lối.
Đỉnh điểm của tình trạng đó là Phó Yến dính vào một vụ tai nạn giao thông khá nghiêm trọng.
Song vì đối phương phạm lỗi vượt đèn đỏ nặng hơn nên hai bên nhún nhường dàn xếp êm xuôi.
Chuyện này làm Phùng Kính điên tiết, cưỡng ép bắt Phó Yến về nhà chính chịu quản thúc, kiểm tra tâm lý.
Kết quả chẩn đoán: Rối loạn stress sau sang chấn*.
* Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là bệnh trạng về lo âu xuất hiện ở một số người sau những sự kiện cực kỳ đau thương như chiến tranh, tội phạm, tai nạn hoặc thiên tai.
Những người bị PTSD có thể tái hiện sự kiện đau khổ qua ký ức xâm nhập, hồi tưởng, ác mộng; và có những cảm giác lo lắng dữ dội khiến cuộc sống bị gián đoạn.
Theo Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các rối loạn về tâm thần (DSM-5-TR) do APA xuất bản, PTSD có thể bao gồm các triệu chứng: tránh né, gặp ác mộng, mất hứng thú tình dục, khó ngủ, cảnh giác quá mức, hành vi liều lĩnh và tự đày đọa...!với các triệu chứng sinh lý khác.
Nhà tâm lý trị liệu đề xuất can thiệp tình trạng của Phó Yến bằng liệu pháp Âm nhạc.
Tuân theo quy trình, anh dần tìm về niềm đam mê chơi đùa với nốt nhạc, dành hàng giờ đồng hồ để nghe và biến tấu âm nhạc của người khác.
Trong thời gian trị liệu, anh vô tình nghe nhạc của Lâm Xuân Tư.
Ngay từ nốt nhạc đầu tiên, Phó Yến đã cảm thấy linh hồn được ôm lấy, vỗ về.
Trong tươi vui có oán hờn, trong hi vọng có mờ mịt, trong tha thiết có giận dữ.
Âm nhạc của người này mạnh mẽ nói lên tất cả cảm xúc mâu thuẫn rối tinh rối mù mà chính anh còn chưa hiểu được.
Dịu dàng tháo gỡ anh, giải phóng anh.
Từ đó, Phó Yến một lòng mê muội.
Trùng hợp sao khi trong nghệ danh Yến Uyển Như Xuân có tên của anh trong đó.
Vì vậy lúc quyết định xăm vai, Phó Yến thêm vào hai chữ nguyện cầu, ngụ ý mong tôi sẽ (tươi đẹp) được như cảnh xuân, cũng mong được như người.
Đó là lý do Phó Yến luôn khẳng định chính âm nhạc của Lâm Xuân Tư đã cứu rỗi anh.
Con người ngoài thực tế không chỉ không làm anh thất vọng mà còn tuyệt vời vượt mức mong đợi.
"Tôi thích em." Phó Yến bỗng ôm lấy eo cậu, đau đớn và vụn vỡ bày tỏ: "Tôi rất thích em.
Thậm chí khi còn chưa xuất hiện, em đã giúp tôi tái thiết lại chính mình.
Tôi đã tuyệt vọng đến nỗi gần như mù lòa về tương lai khi phải từ bỏ sự nghiệp.
Tôi chẳng biết phải làm gì cả, không thể làm được gì..."
Trong những đêm mất ngủ, Phó Yến luôn tập luyện cello đến sáng với hi vọng phục hồi.
Chất kích thích làm tổn thương thần kinh của anh, chứng run tay ban đầu còn nhẹ, chỉ khi lên cơn thèm thì mới run.
Nhưng khi kết hợp với PTSD thì trầm trọng hơn, anh gần như không kiểm soát nổi khả năng cầm nắm.
Mỗi một đêm trắng dằng dặc, các hợp âm nát tan trên thanh vĩ đã từng thân mật sâu sắc, dây carbon nhuốm máu và nước mắt.
Dù vậy, cello cũng không chịu nổi sự tàn phá âm sắc mà chạy khỏi Phó Yến.
Nỗi tuyệt vọng này to lớn đến mức bất cứ liệu pháp nào khác cũng không thể can thiệp dứt điểm cho anh.
Anh cứ lệ thuộc vào thuốc men mà vật vờ sống đến nay.
Phó Yến không rõ cơ thể mình đã bị tàn phá bao nhiêu.
Anh vứt thuốc ngủ và thuốc giảm đau để cai, chúng dễ gây lờn và phụ thuộc.
Vì Lâm Xuân Tư, anh thật lòng muốn đưa cơ thể về trạng thái cân bằng.
Trong lòng anh, chàng trai này tốt đẹp tới mức không từ ngữ nào diễn tả cho hết, một Phó Yến đầy rẫy tàn khuyết làm sao xứng với cậu?
Nghe xong tất cả, Lâm Xuân Tư lặng người, ảo giác như thân thể trong lòng mềm yếu, mong manh đến dường có thể hòa tan.
Mặc dù cậu biết anh không yếu ớt, biết đây là một người đàn ông đường hoàng nhưng vẫn cảm thấy chỉ cần dùng sức một chút thì anh có thể vỡ.
Đột nhiên cậu thấy hối hận vì đã nổi nóng.
Lòng thương tiếc, xót xa gặm nhấm trái tim Lâm Xuân Tư, cậu hiểu rõ một khi đã nghe về quá khứ của anh thì phải có trách nhiệm.
Cậu phải có trách nhiệm không để những việc đó lặp lại, trách nhiệm lau khô dòng nước mắt của anh.
"Đêm nay em sẽ ngủ lại."
Phó Yến cho cậu mượn đồ ngủ.
Lâm Xuân Tư mặc vừa vặn vì vóc dáng cả hai tương đương.
Anh ngỡ cậu sẽ ngủ ở phòng khách nhưng chàng trai mang gối qua: "Em ngủ với anh."
Khi cánh tay vững chãi vòng qua hông anh và chóp mũi ngửi được hương sữa tắm dễ chịu, Phó Yến thấy mình như ở giữa giấc mơ.
Một niềm xúc động to lớn quấy lấy tâm can, khiến anh muốn bật khóc vì hân hoan.
Lâm Xuân Tư đã ra quyết định đối diện với anh mà không cần thời gian cân nhắc, nghĩ suy.
Lâm Xuân Tư nhắm mắt vỗ về anh, trầm thấp hát bài Twinkle, twinkle little star.
Cậu rất kiên nhẫn, không ngại mệt mỏi hát đi hát lại.
Dù nỗ lực nhưng Phó Yến vẫn trằn trọc đến hơn hai giờ sáng mới mơ màng tiến vào giấc trong giọng hát có sức mạnh đỡ đần mọi nỗi âu lo: Và người lữ khách trong đêm tối, tạ ơn tia sáng bé nhỏ của vì sao...
Những ngày cuối năm, công việc của mọi người đều bận rộn.
Ông chủ Nguyễn gọi cho Phó Yến đến lấy đồ đặt may.
"Khách hàng đặt trước cậu còn đang xếp hàng chờ tôi lấy số đo.
Tôi ưu tiên may nhanh cho bạn trai nhỏ của cậu đấy."
Phó Yến lắng nghe dàn đồng ca tập hát bài Ân huệ diệu kỳ, đáp: "Cảm ơn, mai tôi sẽ ghé.
Anh hết thất tình chưa?"
"Đừng có khịa sừng của tôi nữa.
Tôi đã chà rửa và đánh bóng chúng rồi.
Bây giờ có trêu thì tôi cũng chẳng giận đâu."
"Thì tôi mừng anh vượt qua."
Nguyễn Ngụy Chi hỏi: "Cậu có ổn không?"
"Tôi ổn." Phó Yến trìu mến nhìn chàng trai trên sân khấu.
"Thằng nhóc Giang Vanh nghe cậu bảo tên kia khả năng cao là dân giang hồ thì rút lại hết ý đồ rồi.
Gia cảnh nó không tốt, dám chơi trèo cao nhưng rất ngại dây vào tội phạm.
Lần gần nhất tôi đến uống thì thấy nó dứt khoát từ chối anh Tề kia.
Thấy người ta buồn bực, tôi liền động lòng trắc ẩn mời gã một chầu.
Biết tôi phát hiện ra điều gì không?"
"Điều gì?"
"Ông anh họ Tề kia biết nhiều tin tức hay ho lắm.
Mấy kiểu tin tức mà trên báo chí không viết rõ, cậu hiểu ý tôi đấy." Anh ta tìm một ví dụ: "Có nhớ vụ tai nạn xe hơi sang đâm người bỏ trốn lùm xùm hai tháng trước không?"
"Nhớ." Đó là vụ Phó Yến được Ninh Vân Chi mời lấy lời khai.
"Tề Thời Chiêu nhận mình quen biết với luật sư bào chữa của tên thủ phạm, nói chuyện vanh vách như có mặt trong phiên tòa.
Ai đó thấy bình thường chứ tôi thì không tin rồi đấy."
Phó Yến nhún vai: "Tôi thấy bình thường."
Nguyễn Ngụy Chi cũng không thừa nước đục thả câu, có vài phần sung sướng khi người gặp họa