Mười giờ tối, sương buông trên cửa sổ.
Có rất nhiều bạn hỏi tôi anh ấy là người thế nào?
Anh ấy không thích những cỗ tiệc xa hoa, không ưa các món quà đắt tiền.
Anh ấy không cần những bữa tối lãng mạn dưới ánh nến, lười biếng tới mức lái xe sang đi làm sớm cũng ngại.
Anh ấy giống như một đứa trẻ, thế giới bao la chỉ thu nhỏ lại bằng một ngôi nhà.
Anh ấy thích ăn món tôi nấu, thích giả vờ ngủ trên sofa để nghe tôi càm ràm.
Khi tôi bận, anh ấy sẽ bất ngờ chạy tới hôn tôi.
Mỗi lần làm việc đến khuya, tôi luôn biết anh vẫn còn thức đợi mình.
Bên anh bấy lâu, tôi rút ra ba nguyên tắc.
Thứ nhất: Lúc đi ngủ phải ôm nhau.
Không ôm, anh ấy sẽ dỗi lắm, dỗi đến mức cứ thức thao láo luôn cơ.
Thứ hai: Đi đâu, làm gì đều phải nói trước với anh một tiếng.
Nếu không, bạn biết trẻ con khi không tìm thấy món đồ chơi yêu thích thì sẽ phản ứng thế nào đấy.
Thứ ba: Đừng nổi cáu với anh ấy.
Bởi vì tôi luôn lập tức hối hận khi làm điều đó.
Anh không bao giờ nổi cáu với tôi.
Khi tôi ngó lơ anh, anh sẽ hờn dỗi tất cả mọi thứ xung quanh, có thể dí đầu con lật đật tôi mua cho anh ấy đến nghiện hoặc liên tục chuyển kênh TV để khiến tôi bó tay.
Anh có rất nhiều khuyết điểm mà người khác không thể chấp nhận.
Nhưng tôi ở đây để yêu những khuyết điểm đó, để yêu toàn bộ con người anh.
Thời gian này anh đang ở xa tôi nhưng vẫn dùng cách riêng của mình để bầu bạn với tôi.
Tôi thực sự không cảm thấy cô đơn lắm đâu, đừng lo.
Nói tới đây thôi.
Ngủ ngon.
Bổ sung: "SC" không phải tên viết tắt, các bạn đừng đoán mò nữa.
Anh nhà sẽ ghen.
Lâm Xuân Tư đứng dậy duỗi vai, tháo nhẫn để đánh răng, lau tay khô ráo rồi mới lại đeo vào.
Cậu đắp chăn, cầm điện thoại nhắn tin: Anh về nhà chưa ạ?
Múi giờ của Paris chậm hơn bên cậu sáu tiếng đồng hồ, hiện tại phía Phó Yến chắc tầm năm giờ chiều.
Phố Passy cổ kính, thanh tĩnh, bầu trời nhiều mây như úp nắp nồi áp suất đang sôi, độ ẩm không khí cao tới mức quệt phải lá cây sẽ dính ướt sương đêm.
Phó Yến đang rửa thịt thà, rau củ thì điện thoại báo tin nhắn.
Anh lau tay, hồi âm: Mới vừa về, rồi nhấn gọi, mở loa ngoài.
Giọng của cậu nhiễm chút âm mũi, "Anh ơi, em đói bụng."
"Ngoan, ráng nhịn chút.
Hai ngày liên tiếp ăn khuya rồi, tham ăn sẽ biến thành chú ỉn màu hồng."
"Em thèm quá, ngủ không được."
"Được rồi, em muốn ăn gì? Tôi đặt cho em."
"Anh đó." Cậu chàng hơi hừ hừ: "Em muốn anh đặt ngay một Phó Yến đến ôm em."
Phó Yến nhướn mày, mỉm cười: "Em nói vậy làm tôi cũng đói theo, thèm Lâm Tinh Tinh vừa trẻ vừa ngon thật đấy."
"Thế thì anh mua tạp chí số mới đi.
Mấy hôm trước em chụp một bộ đẹp lắm.
Anh phải xem nhé, phải xem để biết chồng anh đẹp trai thế nào."
"Được, được.
Tôi nhất định sẽ mua mọi tạp chí có em."
Lâm Xuân Tư vui vẻ đổi chủ đề: "Paris lạnh rồi, anh nhớ đeo bao tay và khăn quàng khi ra ngoài.
Bị bệnh thì phải báo em biết, không được nằm ngủ cả ngày đâu đấy.
Mỗi tối trước khi ngủ anh nhớ đun nước kỷ tử uống, em nghe nói có thể ngừa cảm..."
"Vâng, chồng nhỏ cứ yên tâm." Phó Yến vừa nấu nướng vừa gật gù.
Thấy cậu ngáp dài, anh nhìn đồng hồ, không nỡ bảo: "Muộn rồi, ngủ ngoan nhé minh tinh của tôi."
Lâm Xuân Tư ngáp chảy cả nước mắt, dặn dò: "Phó Yến, nhớ là buổi tối không được hút thuốc."
"Tuân lệnh chồng nhỏ." Anh dịu giọng đáp, không ngắt máy mà gắp thịt viên ra đĩa, quay đầu thì phát hiện thời gian thực hiện cuộc gọi vẫn đang tính giây.
"Tinh Tinh?"
Một hồi sau, Lâm Xuân Tư mới nhỏ giọng nói: "Em lỡ nói xấu anh trên mạng rồi."
Ngữ điệu dè dặt cứ như một cậu bé vừa làm sai chuyện gì.
"Không sao đâu bé cưng." Phó Yến mềm nhũn tim đáp: "Em ngủ đi."
"Chúc anh ngủ ngon." Bấy giờ cậu mới cúp máy.
Rửa bát xong, Phó Yến lướt mạng xem chàng sơn ca nói xấu mình thế nào, vừa đọc vừa cười mỉm.
Nếu nói xấu là thế này thì anh rất vinh hạnh được cậu nói xấu nhiều hơn.
Điện thoại hiện lên tin nhắn từ Phùng Nghiêu: Tôi có việc đột xuất nên phải hủy chuyến bay.
Đã gửi thư mời cho trợ lý của anh.
Thay tôi đến uống vài ly, thư ký của tôi sẽ hộ tống anh.
Ba phút sau, hắn gửi thêm hai chữ: Cảm ơn.
Phó Yến tựa cằm mở email ra xem, uống trà rồi đứng lên thay lễ phục, rời nhà.
Sau khi kết hôn, Phùng Nghiêu thay đổi rất nhiều.
Phùng Nghiêu không nhận mình là gay, chỉ nói hắn thích chơi với đàn ông hơn phụ nữ.
Hắn không muốn kết hôn trước tuổi ba mươi, thái độ kháng cự với hôn nhân hết sức ấu trĩ.
Thực ra tình trạng của ông nội từng chuyển biến xấu một lần trước khi hắn kết hôn.
Lần ngã bệnh đó, Phùng Mậu đột ngột đề cập tới chuyện di chúc.
Ngay trong buổi tối, thím Hai - tức bà mẹ của Phùng Nghiêu, hẹn gặp Phó Yến.
Anh đến đúng giờ, châm thuốc.
Đây là một cặp phòng thông nhau, tường giữa rất mỏng, anh có thể nghe tường tận cuộc đối thoại ở phía bên kia.
"Con không thể so sánh bản thân với anh Cả.
Ngay từ đầu cả hai đã chênh lệch quá nhiều.
Ông nội con và ông cụ Phó là chiến hữu vào sinh ra tử, trước đây ông nội làm chuyện có lỗi lầm to lớn với người kia nên mới nuông chiều anh Cả để vơi bớt áy náy.
Mẹ nói con biết: cho dù Phó Yến có ngỗ nghịch bất lương, giết người phóng hỏa thì ông nội vẫn sẽ dốc vốn liếng để cứu cậu ta, cho cậu ta cuộc sống hưởng thụ đến hết đời.
Còn con là cháu ruột của ông, từ khi sinh ra đã nằm nhà lớn, chõ mâm son, người làm kẻ hầu nườm nượp không hết.
Con chẳng thiếu thốn cái gì - có chăng là bố mẹ bận rộn nên chưa đủ quan tâm đến con - tuy nhiên, con còn có chị và em gái, tuổi thơ của con đâu có đứt đoạn gì vì công việc của chúng ta.
"Còn anh Cả con sinh ra đã ốm yếu, thiếu thốn tình cảm gia đình.
Con cho rằng cậu ta vào nhà mình thì vui vẻ lắm sao? Ừ nhìn hưởng thụ đấy.
Nhưng con thấy bao nhiêu chuyện kéo lên đầu cậu ta chưa? Còn bản thân con lâu nay thuận buồm xuôi gió, bố mẹ và ông mắt nhắm mắt mở với việc con chơi bời.
Mẹ biết con hiểu nhờ đâu mà mình có thể tự tại như vậy.
Mẹ biết nói ra thế này sẽ làm con khó chịu.
Nhưng Nghiêu - có thương ai thì mới sửa dạy người đó - con sinh ra đã ở vạch đích, làm sao hiểu cái khổ của bao người ngoài kia? Từ nhỏ con đã biết mình phải từ bỏ cái này để nhận cái khác, chính Lâm tiểu thư cũng được nuôi dạy như con thôi.
Tình cảm gia đình nhà ta đã là thứ vô giá trong giới thượng lưu, bàn chi tới thứ hão huyền tình yêu?"
Phó Yến bị đầu lọc đốt bỏng mặt trong ngón tay, điếu thuốc thứ ba cháy hơn một nửa, bên kia vẫn im lặng.
Anh thừa nhận tính cách hồi niên thiếu của mình khá tệ.
Dù vậy, Phùng Mậu vẫn luôn nuông chiều, không chấp lỗi anh; chú Hai cũng đối đãi hiền hòa vì nể Phùng Kính đã nhường quyền thừa kế cho ông.
Trong khi đó, Phùng Nghiêu hơi tí là bị quở dạy.
Từ khi người anh này xuất hiện, cậu chủ chính thống rớt xuống hàng thứ hai, phải ngậm bồ hòn bao nhiêu ấm ức, hắn bị điên mới ưa anh nổi.
Sau hôn lễ, thái độ của Phùng Nghiêu đối với anh từ từ thay đổi, hòa bình như hiện tại.
Về phần di chúc, Phùng Mậu soạn xong thì hối đám con cháu về nghe luôn cho nóng.
Không ngoài dự kiến của Phó Yến, hầu hết tài sản đều để lại cho vợ chồng hai con và các cháu ruột, chỉ một phần đặt bên Pháp được trao cho anh.
Tuy so ra thì có vẻ ít ỏi song dư sức để anh sớm ngày về hưu, nuôi mèo chơi chim.
Nhà giàu khác nghe di chúc chắc thấp thỏm, căng thẳng như dây cung sắp bắn, rồi sau đó lao vào gây chiến tới máu chảy đầu rơi.
Còn nhà họ Phùng nghe xong thì thấy: OK, được.
Cả nhà đều vui.
Phó Yến xem qua tài liệu phần thừa kế của mình, ngầm hiểu ông nội mong muốn anh định cư tại Pháp.
Nhưng Pháp là nước ôn đới, chú sơn ca của anh không thích khí hậu tại đây đâu*.
* Loài sơn ca chủ yếu phân bố tại các vùng nhiệt đới.
Dù vượt núi đao biển lửa, anh cũng phải về với cậu.
Không biết có phải vì đã nói xấu anh hay chăng mà đêm đó Lâm Xuân Tư nằm mơ thấy Phó Yến hồi nhỏ.
Người thiếu niên đi giữa cánh đồng bát ngát, dáng hình xiên xiên giống như một ngọn cỏ lau nỗ lực đứng thẳng trong gió lớn.
Anh đang nhặt nhạnh gì đó bỏ vào cặp xách, nét mặt chuyên chú, cử chỉ nâng niu.
Lâm Xuân Tư tiến lại gần hỏi: "Anh đang làm gì vậy?"
Phó Yến dè dặt ôm cặp trước ngực như sợ cậu cướp mất đồ của mình, thỏ thẻ đáp: "Tìm kho báu."
Lâm Xuân Tư lần đầu tiên thấy anh rụt rè thế này, trái tim xốn xang: "Anh tìm thấy gì rồi? Có thể cho em xem chút xíu được không?"
Cậu biết hồi nhỏ sức khỏe của Phó Yến không được tốt, nhìn anh ốm yếu lắm, cẳng tay gầy đến nỗi không đành nắm chặt.
Bù lại thì mắt anh rất đẹp, trong trẻo rõ ràng, chưa nhiễm vấy bụi trần mịt mùng.
Phó Yến ngoan hiền gật đầu, thọc tay vào cặp, trước khi cầm ra còn phải nói: "Anh phải hứa là sẽ không lấy của em."
Lâm Xuân Tư thấy anh đáng yêu quá, không kìm được vò tóc anh đáp mình hứa.
Phó Yến hơi mím môi, đôi mắt lấp lánh rút ra một xấp giấy kẻ dòng thẳng.
Cậu bất ngờ phát hiện đây là các bản nhạc mình đã viết từ rất lâu rồi.
Lâu đến nỗi cậu không nghĩ tới chuyện sẽ hoàn thiện chúng nữa.
"Đây là kho báu mà anh đang thu thập sao?"
Phó Yến gật đầu lấy lại nhạc phổ, hết sức dịu dàng vuốt cho phẳng đoạn cất vào, vòng tay ôm cặp xách: "Anh không thấy chúng tuyệt vời ư?"
Không.
Thực tình là không đâu.
Không có nhiều nghệ sĩ ưng ý các sản phẩm đầu tay của họ.
Song, Lâm Xuân Tư vẫn cười đáp: "Nếu anh thấy tuyệt vời thì chúng chắc chắn là rất tuyệt vời."
Phó Yến vui đến mức đuôi mắt cong cong: "Anh biết không? Khi em khỏe hơn, em sẽ diễn tấu các bản nhạc này trên sân khấu lớn."
"Nghe thích thật đấy..." Cậu chợt ôm chầm lấy anh, lưu luyến bao bọc anh trong lòng mình: "Sao em không được sinh ra sớm một chút? Em ước gì mình gặp anh sớm hơn.
Em sẽ bảo vệ anh."
Sớm đầu đông lạnh lẽo, Lâm Xuân Tư quấn chăn bông thành một cục mở hé mắt, hai chân thò ra ngoài cóng như ướp đá.
Đúng bảy rưỡi sáng mỗi ngày, bó hoa của Phó Yến sẽ được giao đến.
Giữa năm viên kẹo bọc giấy màu xinh xắn kẹp một mẩu thư từ anh.
Thư được scan từ chữ anh viết tay nên thấm đượm sự gần gũi.
Mỗi ngày mở mắt ra đều nhận được quà sáng ngọt ngào thế này, cho dù bầu trời âm u thì Lâm Xuân Tư vẫn thấy hôm nay thật đẹp.
Cậu vui vẻ bỏ kẹo vào túi áo khoác rồi dán bức thư vào trang trống nhật ký của anh.
Đôi lúc, Lâm Xuân Tư cảm thấy mình giống thiếu nữ mới lớn ghê.
Nào là được bạn trai tặng kẹo, nào là lén giữ lại thư tay, lâu lâu cậu lại mở ra đọc rồi viết mấy câu nhắc nhở bên cạnh cứ như thời bố mẹ ta chuyền thư tình.
Trần Khiết nghe cậu kể, liền cười ha hả: "Con gái tụi em cũng đâu có sến vậy.
Anh Xuân Tư đáng yêu quá thể! Bảo sao tụi trẻ con cứ bám lấy chân anh.
Em có chụp vài bức anh chơi với em bé này.
Hay là anh cho em số chồng anh đi, em gửi cho ảnh xem?"
Lâm Xuân Tư thẹn thò đẩy cô nàng đi làm việc tiếp, rồi đứng dậy đi ra sân của khu bảo trợ xã hội.
Nắng vàng ruộm đáp lên chạc cây hạnh trơ trọi, tiếng trẻ con và đàn nhạc ngân vang như những làn sóng nhấp nhô.
Loáng thoáng giọng cô Tần Cẩm êm dịu dạy tụi trẻ các phím đàn.
Thi thoảng, cậu không biết tại sao mình lại muốn làm