Đường
chỉ tay của họ có duyên phận với nhau. Chỉ là khi ấy Cát Niên đã bỏ sót một
điều, đường quý nhân phù trợ của cô có một đoạn gãy gấp ở gần gò Kim Tinh.
Trong sách có viết, đường gãy khúc ở gò Kim Tinh, cuộc đời trắc trở, chết chóc,
biệt ly, tình cảm tan vỡ khó lành..
Thật ra
nhà bác của Cát Niên ở ngay phía bên kia chân núi của nghĩa trang liệt sĩ. Khi
mới gặp Vu Vũ, cậu ta khiến cô phải đi lòng vòng rất lâu, đi ngược hẳn về phía
bên kia. Sau kinh nghiệm lạc đường đau thương đó, Cát Niên đã nhớ như in không
bao giờ quên được đường về nhà bác.
Người
khác hỏi cô: “Nhà cháu ở đâu vậy?”
Cát
Niên trả lời: “Cháu sống ở phía dưới mộ liệt sĩ.”
Bác
nghe được thì vội vã nói: “Phỉ phui cái mồm, phỉ phui cái mồm. Trẻ con cái gì
cũng nói được, cái gì cũng nói được. Cháu không được nói ăn nói linh tinh. Có ma
mới sống ở dưới mộ liệt sĩ ấy!”
Thật
lòng mà nói, hai bác đối xử với Cát Niên cũng không bạc, hai bác nhận nuôi đứa
trẻ không được yêu quý này, nhưng những thứ cần thiết đều cho cô không thiếu
một thứ gì.
Bác gái
Cát Niên là một phụ nữ khá béo. Mọi người đều nói cháu gái thì giống bác, nhưng
Cát Niên lại chẳng giống bác mình chút nào.
Trên
gương mặt Cát Niên, ngoại trừ đôi mắt ra còn lại thì cái gì cũng bé cả, ngũ
quan của bác cô đều phải lớn hơn cô mấy cỡ liền. Cát Niên nghĩ chắc khi mình
già đi rồi thể nào cũng sẽ có một ngày cô giống như bác mình.
Bác
trai lại rất gầy guộc, khi bác trai đứng cạnh bác gái thì bất luận là chiều cao
hay thể tích đều không bằng vợ mình. Những người béo cho người ta cảm giác hòa
nhã gần gũi, còn người gầy thì ngược lại. Bác trai Cát Niên gợi nên một cảm
giác vô cùng u ám, nếp nhăn hai bên mép của bác sâu và nghiêm khắc, dường như
ông không biết cười là gì.
Giữa
Cát Niên và bác trai trước nay luôn có khoảng cách, khi sống cùng nhau cô rất
sợ ông. Tuy không tỏ ra thân thiện nhưng ông cũng không đến mức gây khó dễ cho
cháu gái. Phần nhiều là ông coi như không có sự tồn tại của Cát Niên, không
trách móc, cũng chẳng quan tâm, khi nhất thiết phải nói chuyện thì thái độ cũng
rất lạnh lùng.
Cát
Niên nhớ nhất một câu bác trai nói với cô khi lần đầu tiên đến nhà, bác gái cô
dẫn đi xem phòng. Căn phòng được dọn dẹp khá sạch sẽ, Cát Niên vốn cũng chẳng
hy vọng sẽ có một gia đình ấm áp. Thế nhưng khi cô mở tủ để cất quần áo thì
thấy bên trong nhét đầy quần áo của bé trai.
Ban đầu
cô còn thấy lạ, rồi bỗng nhớ ra, lẽ nào đây là quần áo của người anh họ đã mất
của cô?
Cát
Niên chưa từng gặp người anh họ đáng thương ấy. Một năm trước khi cô ra đời thì
anh họ đã xảy ra chuyện rồi, nhưng cô từng nghe người lớn kể về thảm cảnh năm đó.
Những cái bánh xe nghiến lên cơ thể bé nhỏ, máu, thịt, xương trộn lẫn lộn vào
nhau, không còn phân biệt được nữa. Nghĩ đến đây, dù đang là giữa mùa hè nòng
bức nhưng Cát Niên vẫn cảm thấy lạnh hết người.
Cô để ý
quan sát căn phòng, trên bàn có đặt những bức ảnh từ một đến ba tuổi của anh
họ, bên trong chiếc tủ đầu giường là đồ chơi của anh họ, trên chiếc ghé đẩu lùn
đầu giường là những quyển truyện tranh cũ kỹ. Đây vốn là phòng của anh họ, nó
vẫn y nguyên như khi anh ấy còn sống, ngày nào bác gái cũng dọn phòng, nhưng
mọi thứ vẫn được giữ lại đến nay.
Cát
Niên vội vàng ngửi mùi chăn chiếu. Cũng may, tuy không phải đồ mới nhưng vẫn có
mùi thơm của bột giặt và nắng tươi hòa quyện vào nhau. Cái giường này, cái chăn
này, anh họ cũng đã từng dùng? Cũng có thể là do đa nghi, cô vội lật mặt kia
của tấm chăn lên thì thấy một vết ố mờ mờ, khiến cô bất giác liên tưởng đến
máu, cảm giác này làm cô lạnh hết sống lưng.
Đúng
lúc này bác trai bước vào, mặt không chút biểu cảm nói: “Cháu cứ sống ở đây.
Tất cả những thứ ở trong phòng không được tùy tiện động vào, đã nhớ rõ chưa?”
Cát
Niên sợ hãi ngồi phịch xuống mép giường lí nhí nói: “Cháu biết rồi ạ.”
Trong
gia đình này, bác gái là người duy nhất Cát Niên có thể dựa dẫm được, dù gì họ
cũng có cùng dòng máu với nhau, lại cùng là phụ nữ. Thời gian đầu, bác gái rất
nhiệt tình, quan tâm đến Cát Niên. Lần cô bị lạc đường, bác gái lo lắng đến mức
suýt phát khóc, đây là điều xuất phát từ trái tim bác gái. Sự quan tâm chăm sóc
đặc biệt của bác khiến Cát Niên áy náy mất một thời gian, không biết phải tiếp
nhận thế nào.
Tuy
nhiên, cũng giống như việc chủ nhà tiếp khách vậy, khi khách mới đến thì chủ
nhà luôn rất nhiệt tình, nhưng khi khách ở lâu rồi lại thành nỗi lo trong lòng,
Nhiệt tình trong thời gian dài có ai mà không cảm thấy mệt mỏi chứ? Sống cùng
nhau khoảng một tháng, bác gái đã quen với sự có mặt của Cát Niên. Cũng giống
như quen với chiếc ghế vừa mới mua trong nhà vậy. Ghế mới mua về ngày nào cũng
ngồi, ngồi đến cả tháng rồi thì cũng chẳng khác gì so với những cái ghế cũ nữa.
Bác gái
cũng như bác trai phải vất vả suốt ngày để kiếm sống. Họ cũng chỉ là những
người dân bình thường nhất, cuộc sống không dễ dàng gì, cần cù, tiết kiệm,
lương thiện, đó chẳng phải là những đức tính tốt đẹp của con người được thể
hiện khi không còn cách nào khác đó sao? Cát Niên học được từ bác gái cách nấu
cơm, ngày nào tan học về cũng phải chuẩn bị bữa tối đã, nếu không hai bác về
nhìn thấy cái bếp lạnh lẽo sẽ không vui chút nào. Những việc này Cát Niên đều
ứng phó được, Cát Niên nấu ăn không phải là ngon nhưng cũng tạm nuốt được. Hai
bác lại cũng không phải là người cầu kỳ về ăn uống, no bụng là được rồi, không
cần phải ngon lắm.
Thời
gian như thể tấm lịch treo bên cửa sổ, hết ngày “hôm qua” nọ đến ngày “hôm qua”
kia bị xé đi. Nghe nói em trai Cát Niên đã chào đời ở một thôn nào đó, đúng như
ước nguyện của bố mẹ. Cát Niên vẫn chưa có cơ hội đến thăm, không biết giờ mẹ
thế nào rồi. Bố cô đến mấy lần, dúi cho bác gái ít tiền sinh hoạt phí, lần nào
cũng để lại vài cân táo rồi đi luôn. Người lớn đều rất bận rộn, bác gái cũng
không quan tâm được đến Cát Niên nữa. Cũng phải, Cát Niên quá trầm lặng, quá an
phận, cô không nghịch ngợm, cũng không biết làm nũng, cô là đứa trẻ sống rất mờ
nhạt. Hai bác không hỏi han gì nhiều về tình hình học hành của Cát Niên, với
lại họ cũng không kèm cặp gì được cho cháu. Còn cháu nó đang nghĩ gì cũng chẳng
quan trọng. Những câu nói hằng ngày chẳng qua chỉ liên quan đến cuộc sống
thường nhật.
“Ăn cơm
chưa?”
“Nấu
xong cơm chưa?”
“Đi ngủ
đi.”
Như vậy
cũng tốt. Hai bác không có nhà, Cát Niên cũng thấy thoải mái hơn. Bác gái hay
càu nhàu, mặt bác trai lúc nào cũng cau có, họ ở cạnh nhau thì toàn cãi lộn,
nhưng đến hôm sau lại người trước kẻ sau đẩy xe hoa quả đi bán như chưa có
chuyện gì xảy ra.
Điều
duy nhất khiến Cát Niên buồn phiền đó là kiểu to mồm của bác gái. Bác thích dẫn
theo Cát Niên đến trước mặt hàng xóm láng giềng nói đi nói lại việc bố mẹ cô
không chăm sóc nổi con, mình đã giúp đỡ em trai một việc lớn như thế nào, nuôi
một đứa trẻ thì vất vả đến mức nào. Ý bác muốn chứng minh là, hai vợ chồng họ
tốt bụng như thế đấy. Cứ phải đến khi mọi người đều nói: “Nhà anh Lưu ấy, các
bác thật đúng là người tốt. Đứa trẻ này gặp được các bác đúng là phúc của nó!”
thì bác gái mới chịu dừng lại không nói nữa.
Các bác
các cô ở gần đó lúc nào cũng thích hỏi: “Cát Niên à, lớn lên cháu có đền đáp
công ơn của bác gái không?”
Theo
“dân ý”, lần nào Cát Niên cũng phải trả lời: “Chắc chắn rồi ạ, lớn lên cháu sẽ
báo đáp bác trai và bác gái!”
Cát
Niên thực lòng rất cảm kích gia đình bác gái, nhưng cô thấy khó xử khi phải nói
những lời này.
Tiền
sinh hoạt hằng ngày bố đều đưa cho bác gái, Cát Niên chẳng được đồng nào. Cô
đang trong giai đoạn lớn, quần áo rất nhanh chật. Mỗi lần cô mặc những chiếc áo
ngắn cũn cỡn rồi bất đắc dĩ nói vói bác gái, bác cũng sẽ mua quần áo mới cho
cô, nhưng khi mua rồi bác lại lải nhải với người khác: “Không biết tốn bao
nhiêu là tiền với con bé này. Nhưng tôi cũng không thể để nó khổ được, quần áo
thì cũng phải cho nó mặc chứ? Ai bảo tôi chỉ có mỗi một cậu em trai!”
Miệng
bác gái giống cái đài phát thanh tự nhiên, âm lượng lớn, nội dung phong phú,
cái gì cũng trở thành đề tài bàn luận của bác.
“Cát
Niên nhà chúng tôi ấy mà, hồi nhỏ không đủ dinh dưỡng, sắp tốt nghiệp tiểu học
rồi mà người vẫn như đứa trẻ bảy tám tuổi. Con gái nhà khác đến tuổi này đã có
‘cái kia’ rồi. Còn con nhà mình vẫn chưa dậy thì.”
“Mới tí
tuổi đầu đã biết tiêu tiền rồi. Con bé này, không chỉ lo ăn lo mặc, hôm nọ còn
đòi tôi tiền tiêu vặt nữa chứ. Cứ như bố nó cho tôi nhiều thứ lắm ấy.”
“Đọc
sách, đọc sách, chỉ có biết đọc sách, chẳng biết cái gì cả. Con gái con đứa,
xem mấy thứ sách linh tinh này rồi thể nào cũng có ngày học những thứ chẳng ra
gì.”
Nói
những câu này không phải vì bác gái ghét Các Niên. Chỉ là bác đã làm việc tốt
nên muốn nói cho người khác biết. Những tật xấu nhỏ nhặt của con trẻ sẽ làm cho
nội dung bàn luận ở phố phường phong phú hơn. Đương nhiên những thứ ấy không
làm tổn hại gì đến sự thực là bác nuôi dưỡng Cát Niên, và cũng không làm tổn hại
gì đến sự thực bác là người tốt.
Cát
Niên biết ơn lòng tốt của bác gái, nhưng cũng ghét bác, về điểm này, cô không
phải là đứa trẻ ngoan. Cô nghĩ, đến khi mình lớn sẽ đền đáp bác, cô sẽ biếu bác
rất nhiều, rất nhiều tiền, nhưng nhất định sẽ tránh xa bác gái!
Vu Vũ,
Cát Niên muốn gọi là Tiểu hòa thượng hơn, nhưng chưa một lần nào cô gọi tên
cậu. Hai bác đều không thích Vu Vũ nên Cát Niên đành phải giữ khoảng cách với
cậu ta.
Vu Vũ
đi học muộn, tuy lớn hơn Cát Niên một tuổi nhưng lại học cùng một lớp với cô ở
trường. Ngày nào cũng hoạt động trong cùng một không gian lớp học, có thể nói
Cát Niên và Vu Vũ là hai đứa trẻ lặng lẽ nhất lớp. Chỉ có điều trong sự lặng lẽ
của Cát Niên có sự nhã nhặn của con gái, còn sự lặng lẽ của Vu Vũ lại một mình
một kiểu không giống ai. Sự khác biệt của cậu không phải là kiểu điên cuồng,
bạo ngược như người ta vẫn tưởng tượng về con trai của kẻ giết người, mà là
kiểu âm thầm làm những việc mình muốn làm.
Ví dụ
như cái đầu trọc kỳ quặc của cậu. Ví dụ như cậu nhất định ngồi trong góc của
dãy bàn cuối cùng. Ví dụ như cậu có thể ngồi một mình ngắm nhìn tổ kiến trong
thời gian rất lâu. Ví dụ như khi tan học cậu toàn đi đường tắt về nhà.
Cát
Niên còn chơi với vài bạn khác, tuy không thật thân thiết nhưng cũng không đến
mức xa lạ. Thế nhưng trên đường về nhà cô không có lấy một bạn nào đi cùng,
suốt ba năm học từ năm lóp Ba đến khi tốt nghiệp tiểu học, Cát Niên toàn một
mình khoác ba lô cô độc đi từ trường về nhà bác, còn Vu Vũ thì bước xiêu vẹo ở
phía trước hay phía sau cô mấy chục bước.
Họ gần
như không bao giờ chào nhau, rất ít khi chủ động vượt qua nhau. Có lúc Cát Niên
cũng đi đường tắt, thấy Vu Vũ đang chơi cỏ sâu róm hoặc đào hang chuột thì cũng
chạy lại xem. Hai đứa trẻ kỳ lạ, có thể cùng đứng nhìn về một hướng, hoặc cùng
ngồi xúm lại với nhau để xem những thứ chúng thích, nhưng lại không phải bạn bè
thân thiết gì của nhau, thậm chí đến nói chuyện cũng rất hiếm hoi.
Một hai
lần như thế này, Cát Niên đeo cái cặp quên cài khóa của mình đi trên đường,
sách vở rơi vãi lung tung cũng không biết. Vu Vũ tiện tay nhặt lên, khi đi qua
Cát Niên cậu nhét vào tay cô. Cũng có lúc Cát Niên ra khỏi nhà muộn, trên đường
đi học thấy Vu Vũ còn đang nhởn nhơ đùa nghịch với chim chóc trên cây, cô liền
kéo cặp của cậu ta rồi hét lên: “Muộn rồi, chạy nhanh lên!”
Vì hai
bác làm ăn buôn bán nên dậy rất sớm, Cát Niên vì thế không thể ngủ nướng, phải
dậy từ khi trời còn chưa sáng. Thế là cô có thói quen chạy bộ buổi sáng. Trong
những tia nắng ban mai, Cát Niên men theo con đường trồng mía, chạy qua con
đường nhỏ bên rừng trúc, đến dưới bậc thang khu nghĩa trang liệt sĩ rồi chạy
ngược lại đường cũ. Vu Vũ cũng chạy bộ, giờ họ ra khỏi nhà dần dần trùng với
nhau, nhưng Cát Niên thường chạy trước Vu Vũ một đoạn. Cát Niên không ngoảnh
lại nhìn nhưng luôn nghe thấy tiếng bước chân quen thuộc phía sau mình.
Bác Cát
Niên không biết nghe được tin ở đâu, một hôm bác hỏi: “Bác nghe nói cháu chơi
với Vu Vũ, sáng còn chạy bộ cùng với nó đúng không? Cháu phải cẩn thận đấy.”
Cát
Niên tỉnh bơ nói: “Đâu có ạ, buổi sáng chạy bộ chỉ có mỗi một đường đó thôi,
cháu có bao giờ nói chuyện với cậu ấy đâu.”
Học hết
tiểu học, Cát Niên và Vu Vũ cùng vào trường Trung học 22, đây là ngôi trường
làng ở ngoại ô thành phố. Em trai Cát Niên cũng đã ba tuổi, em trai và mẹ đã trở
về bên bố, cùng chung sống hạnh phúc với nhau.
Cát
Niên đã gặp em trai được vài lần, nó béo mũm mĩm rất đáng yêu. Bố đặt tên cho
nó là Vọng Niên, theo thứ tự gia phả nhà họ Tạ, đến hai chị em Cát Niên là đời
chữ “Niên”. Nghe nói chữ Vọng trong tên em trai cùng âm với chữ “Vượng”, mang ý
nghĩa hưng vượng, cũng hàm ý em trai là niềm hy vọng duy nhất của bố mẹ. Bố mẹ
đã tốn không ít tâm tư vào cái tên này, chứ đâu có như tên của Cát Niên. Cô
chào đời vào trước Tết, thế là bố đặt ngay cho cô cái tên “Qua Niên”. Tạ Qua
Niên, đúng là cái tên thật buồn cười. Sau này ông nội nói cái tên đó không hay,
quá là qua loa đại khái. Vì trong nhà cô lúc đó có bày cây quất lấy may trong
ngày Tết, thế là cái tên Tạ Cát Niên ra đời (1).
(1).
Cây quất được dùng để trang trí trong ngày Tết vì trong tiếng Trung từ “quất”
đồng âm với từ “cát” trong “cát lành”.Cát
Niên chẳng có cảm giác gì về tên của mình cả, nhưng cô có người anh họ tên “Tư
Niên”, giống “Tư Niên Hoa”, cô thích cái tên này.
Anh họ
hơn Cát Niên mười mấy tuổi, ông nội của anh và ông nội Cát Niên là anh em ruột.
Bên họ mới là nhánh kế thừa hương hỏa thế gia của cụ tổ. Anh Tư Niên là một họa
sĩ nổi tiếng, anh nổi tiếng ngay từ khi còn ít tuổi. Năm lớp Hai Cát Niên từng
gặp anh một lần, cô rất ngưỡng mộ anh Tư Niên. Tư Niên không thân thiết gì lắm
với chị em Tạ Mậu Quyên và Tạ Mậu Hoa nhưng lại rất gần gũi với Cát Niên. Anh
nói, Cát Niên không giống với bố mẹ cô, cô có linh khí của nhà họ Tạ.
Nhưng
bố mẹ Cát Niên thì chẳng cảm nhận được linh khí gì hết. Trong mắt họ, họa sĩ
cũng giống như con hát chẳng phải là nghề nghiệp tử tế gì. Dù anh Tư Niên có
xuất sắc thế nào thì họ vẫn thấy anh không phải người đường hoàng. Cát Niên
cũng nghe phong thanh được một vài điều không tốt lắm về đời tư của anh Tư Niên
từ người lớn, nhưng điều đó chẳng ảnh hưởng gì đến hình tượng đẹp đẽ của anh
trong lòng cô.
Vào một
ngày trước khi lên trung học, Cát Niên nhận được bưu thiếp của anh Tư Niên gửi
về từ một quốc gia nhỏ ở châu Âu. Anh nói rằng anh đã yêu một cô gái, khi nói
ra chuyện này anh cũng không thèm quan tâm chủ đề này liệu có quá xa vời với
một học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học không nữa, nhưng Cát Niên vẫn rất vui
mừng. Hôm đó hai bác không đi bán hàng mà đến thăm nhà họ
hàng, để Cát Niên ở
nhà một mình. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tâm trạng của Cát Niên đặc biệt
vui vẻ.
Hai bác
để xe đạp ở nhà. Thời đó, tuy xe đạp không phải thứ gì quý giá, nhưng cũng
không phải thứ mà những đứa trẻ như Cát Niên muốn có là có được. Cô sắp lên
trung học rồi nhưng vẫn chưa biết đi xe đạp.
Sau khi
chắc chắn hai bác đã đi xa, cũng không quên thứ gì để có thể quay lại lấy nữa,
Cát Niên rón rén dắt chiếc xe đạp cũ ra khỏi nhà.
Cát
Niên không biết đi, cũng không dám đi xe. Với cô, cái khung hình tam giác to to
kia là một chướng ngại không thể vượt qua nổi. Lúc ban đầu mới ra khỏi cửa, cô
cứ lấm la lấm lết sợ người quen của bác gái nhìn thấy sẽ “mách tội”, nhưng khi
đã rẽ ra con đường nhỏ, Cát Niên liền hiên ngang vừa chạy vừa đẩy xe đạp.
Một đứa
trẻ ngốc nghếch đến xe đạp cũng không biết đi, dắt xe chạy mà vui phơi phới,
thật là một cảnh tượng buồn cười. Cát Niên cứ như vậy tự vui một mình.
Xe chạy
qua con đường sỏi đá, qua bãi cỏ, qua con đường nhỏ ngoằn ngoèo bên cạnh rừng
trúc. Cát Niên càng chạy càng nhanh, cô cảm thấy như đôi chân mình đang bay lên
cùng với hai bánh xe.
Từng
làn gió thổi qua mang theo hương vị đặc biệt của lá trúc, Cát Niên tưởng tượng
mình là cô thiếu nữ xinh đẹp ngồi phía sau một cậu thanh niên áo trắng trên
chiếc xe đạp. Họ không nói gì nhưng đi đến đâu là để lại tiếng cười trong trẻo
hòa quyện trong mùi hương của hoa cỏ.
Niềm
vui khiến Cát Niên hoàn toàn quên mất chính mình, cô cứ chạy cứ chạy, bỗng
nhiên cô cảm giác như mình không cần đẩy mà chiếc xe có sức mạnh nào đó cứ kéo
cô về phía trước, cứ thế tiến về phía trước... thần kỳ đến không tin nổi, tiếng
bước chân cũng biến thành của hai người.
Cuối
cùng Cát Niên không kìm được mà ngoảnh đầu lại, mái tóc đuôi gà buộc ngang vai
quệt vào mặt cậu thanh niên. Ánh mắt chạm nhau, Vu Vũ với hai tay đang đẩy đằng
sau xe đạp nhe hàm răng trắng bóng nhìn Cát Niên cười.
“Lên
xe, lên xe đi đi. Lên đi!” Vu Vũ ở phía sau thúc giục.
Cát
Niên mấy lần định trèo lên nhưng lần nào nhấc chân lên rồi cô đều sợ hãi đặt
chân xuống.
“Tớ
không dám. Sợ ngã lắm!”
“Sợ gì
chứ?! Tớ giữ cho. Lên đi, lên đi mà!”
Giọng
nói cậu như có ma lực, Cát Niên mím môi nhảy qua cái khung hình tam giác, ngón
chân chút nữa thì không với tới bàn đạp. Chiếc xe lắc lư một lúc, Cát Niên bám
chặt lấy ghi đông xe đạp, Vu Vũ đúng là giữ được xe cho cô thật.
“Ha ha,
nhanh lên, nhanh lên chút nữa, ha ha...” Cát Niên cười thành tiếng. Chiếc xe
đạp đưa hai đứa trẻ lao đi trên con đường nhỏ, như thể đây là niềm vui lớn nhất
trên thế gian vậy.
Cát
Niên càng đạp càng thấy dễ dàng, không lâu sau đã đến phía dưới cầu thang khu
nghĩa trang liệt sĩ.
“Dừng,
dừng, dừng lại.” Cát Niên hét ầm lên.
Không
có ai trả lời. Cát Niên ngoảnh đầu lại nhìn, sau lưng cô làm gì có ai giữ xe
cho cô đâu. Nỗi lo sợ đến một cách bất ngờ khiến Cát Niên luống cuống rồi ngã
ra khỏi xe.
Lúc này
Vu Vũ mới chạy ra từ một nhóm trúc gần đó.
“Ngã
rồi à? Vừa nãy còn đi giỏi thế cơ mà?”
Cát
Niên vội vàng đứng dậy, cô chẳng thèm để ý xem mình có bị sao không, chỉ vội
dựng xe lên xem có bị hỏng gì không. Khi thấy xe không sao cô mới thở phào nhẹ
nhõm.
“Có đau
ở đâu không?”
Cát
Niên nắn nắn tay: “Lõm cả một hố dưới đất, tớ thì không sao.
“Không
sao thì tốt, theo tớ nào.” Vu Vũ vẫy tay ra hiệu bảo Cát Niên chạy lên cầu
thang với mình.
Cát
Niên cũng không nghĩ gì nhiều, cô lập tức chạy theo. Cát Niên đã đi qua đây rất
nhiều lần nhưng vì Vu Vũ nói trên đó có rất nhiều ma nên cô cảm thấy không nên
làm phiền những hồn ma đó thì hơn.
Những
bậc thang thật là cao, đứng từ dưới dường như không nhìn thấy phía trên cùng.
“Tạ Cát
Niên, nhanh lên nào!” Vu Vũ dừng lại đợi cô.
“Trên
đó không phải có ma sao?”
“Đồ
ngốc, buổi sáng ma phải ngủ trưa.”
Cát
Niên quệt mồ hôi, tiếp tục cố gắng, 261, 262,..519, 520, 521!
521 bậc
thang, cô không biết tại sao mình lại đếm số bậc thang dưới chân nữa. Chỉ một
lần đó thôi mà cô ghi nhớ con số ấy mãi mãi.
Cát
Niên tưởng rằng nghĩa trang liệt sĩ phải là một nơi linh thiêng thanh nhã,
nhưng khi leo lên bậc thang cuối cùng, đập vào mắt cô lại là một màu đỏ rực rỡ
như một cây đuốc rừng rực cháy giữa vùng biển nghiêm trang, hoang vắng mà thê
lương.
“Hoa...
hoa lựu.” Cát Niên tuy đang thở hổn hển nhưng vẫn nhận ra loài cây này.
“Đây là
cây hoa lựu của tớ.” Vu Vũ nói vói giọng đều đều.
“Của
cậu? Cậu gọi xem nó có trả lời không.” Cát Niên không tin.
“Cây
lựu, cây lựu ơi... Nó trả lời rồi đấy, cậu có nghe thấy gì đâu.”
Cát
Niên chỉ Vu Vũ cười: “Cậu chỉ biết nói linh tinh thôi.”
Cát
Niên chạy nhanh quá, trán cô ướt đầy mồ hôi. Vu Vũ cũng chẳng khá hơn mấy,
gương mặt cậu đỏ bừng bừng, đỏ đến mức... quái dị.
“Nhìn
mặt cậu kìa, ha ha ha, mặt cậu...” Cát Niên chưa nói hết câu, Vu Vũ lảo đảo rồi
ngã vật ra đất ngay trước mắt cô.
“Lại
dọa tớ à, dậy đi, mau dậy đi... Vu Vũ, Vu Vũ!”
Thân
thể Vu Vũ co quắp trên nền đất trong một hình thù kỳ quái, dường như cậu không
nghe thấy Cát Niên nói. Vài giây sau cậu bắt đầu co giật, miệng sùi bọt kèm
theo máu.
Niềm
vui đến dễ dàng, nhưng cũng ra đi đột ngột vậy đấy. Nỗi sợ hãi trong giây lát
đã bao trùm tất cả. Vu Vũ như con cừu non điên cuồng mà bất lực đang co quắp
trên mặt đất, Cát Niên sợ hãi đến cứng đờ người không biết phải làm sao.
Cát
Niên quỳ xuống ôm lấy cái đầu cứng nhắc của Vu Vũ, cô muốn gọi người đến nhưng
ở nơi hoang vắng mênh mông này có ai nghe được tiếng kêu cứu của cô chứ?!
Vu Vũ
đang co giật từng hồi trong vòng tay Cát Niên, cậu không còn biết gì nữa, cô sợ
đến phát khóc. Trong cô lúc này chỉ có ước nguyện thời gian mau trôi đi, để
người thường xuyên trêu chọc, lặng lẽ đi phía sau cô này trở lại bình thường.
Chỉ một
phút đồng hồ, một khoảng thời gian không hề dài vậy mà Cát Niên cảm thấy như
mình đã già đi. Cảm tạ trời đất, cơn co giật của Vu Vũ đã giảm dần, cơ thể cứng
đờ dần thả lỏng, nhưng cậu vẫn không động đậy được, cậu nửa mê nửa tỉnh, cả
người mềm nhũn chẳng còn chút sức lực nào.
Đợi đến
khi Vu Vũ gượng dậy đứng lên được thì cánh tay tê dại của Cát Niên đã không còn
cảm giác gì nữa.
“Cậu đỡ
chút nào chưa?” Thật ra Cát Niên muốn nói cậu không cần phải gắng gượng đứng
dậy.
Gương
mặt Vu Vũ không còn đỏ nữa, thay vào đó là một màu xanh tái, nụ cười và niềm
vui ban nãy chợt vụt tắt. Vu Vũ lảo đảo đứng dậy, Cát Niên giơ tay ra đỡ cậu.
“Tớ
cảnh cáo cậu, nếu nói cho người khác biết tớ sẽ giết cậu!” Câu nói cay độc đó
buột khỏi miệng Vu Vũ khiến tay Cát Niên run lên bần bật, cô sững sờ nhìn cậu
con trai đứng bên cạnh mình.
Vu Vũ
ngoảnh mặt đi, một lúc sau lại ngồi xuống cạnh Cát Niên.
“Đừng
nói ra, được không?”
Cùng
một ý, cậu dùng hai cách biểu đạt hoàn toàn khác nhau, lần này là sự bất lực,
van nài.
Đây mới
là cậu ấy, là Vu Vũ thật sự.
Cát
Niên gật đầu lia lịa: “Tớ sẽ không nói ra đâu.” Dường như sợ Vu Vũ vẫn còn chưa
tin, cô nói thêm: “Tớ thề đấy!”
Vu Vũ
cười, cái đầu trọc của cậu ấy, gương mặt sáng sủa của cậu ấy, hàm răng trắng
như đang tỏa sáng.
“Vui
không?” Vu Vũ hỏi Cát Niên.
“Hả?”
Cát Niên vẫn chưa kịp phản ứng, trong đầu cô lúc này chỉ có một từ mà cô từng
đọc được trong sách.
Bệnh
điên. Phó Hồng Tuyết (2) cũng bị bệnh này. Tên khoa học của nó là bệnh động
kinh.
(2).
Nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp Biên thành lãng tử của Cổ Long.“Không
vui.” Cô không thể nói dối, cảnh tượng hãi hùng vừa rồi như vẫn còn sờ sờ trước
mắt.
“Cậu có
thường bị thế không?” cô hỏi.
Vu Vũ
lắc đầu: “Không hay lên cơn nặng như thế, từ bé tới giờ cũng chỉ bị mấy lần,
rất ít người biết. Nhưng nó giống như quả bom hẹn giờ, không biết khi nào thì
bùm một cái nổ tung.”
Cậu còn
nói, bệnh này cậu bị từ khi còn trong bụng mẹ, gọi là cái gì mà động kinh bẩm
sinh, đến giờ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh, cũng không có cách nào
chữa trị tận gốc, chỉ có thế uống thuốc khống chế. Tuy ít lên cơn nặng nhưng
cậu thường xuyên bị lên cơn dạng nhẹ. Vì căn bệnh này mà cậu không được làm
việc nặng, không được kích động, không được uống nước quá nhiều, không được
uống rượu, không được để đói, không được mất ngủ. Giờ Cát Niên đã phần nào hiểu
được tại sao cậu lại tách biệt với mọi người như vậy, tại sao khi chạy bộ cậu
lại chạy chậm đằng sau cô.
“Đừng
có thương hại tớ! Tớ sợ nhất là người khác thương hại, vì thế tớ ước gì cả thế
giới này không một ai biết hết. Không biết chừng, một ngày nào đó lên cơn, rồi
không tỉnh lại được nữa, ra đi vĩnh viễn một cách lặng lẽ.”
Cát
Niên nói: “Đưa tay cậu cho tớ!”
Đến
lượt Vu Vũ không bắt kịp dòng suy nghĩ của Cát Niên. Cát Niên cầm lấy tay trái
Vu Vũ.
“Tớ
từng đọc một quyển sách nói về các đường chỉ tay, vẫn nhớ một ít. Đường bao lấy
ngón cái này là đường sinh mệnh, đường xuất phát từ giữa ngón cái và ngón trỏ
này là đường trí tuệ, đường bên dưới ngón út kéo về phía ngón trỏ là đường tình
cảm. Người có đường sinh mệnh dài thì sẽ sống lâu…”
Cát
Niên bỗng im bặt.
Vu Vũ
có đường chỉ tay sâu và rõ ràng, đường sinh mệnh chỉ kéo dài đến hai phần ba
bàn tay thì đứt đoạn.
“Nói
tiếp đi, tớ đang nghe đây.” Vu Vũ cười nói.
Cát
Niên giơ tay trái của mình ra so với Vu Vũ. Đường chỉ tay của cô nông và rối,
nhưng đường sinh mệnh lại dài bằng Vu Vũ.
“Cậu
xem, đường sinh mệnh của tớ dài bằng của cậu. Cậu thấy tớ có giống người đoản
mệnh không? Tớ còn sống thì cậu sẽ không chết được.” Cát Niên an ủi Vu Vũ.
Vu Vũ
biết tỏng, “Trai bên trái, gái bên phải, cậu phải cho tớ xem tay phải mới đúng
chứ!”
“Sai
rồi, cái ý nghĩ trai trái gái phải của thời xưa là do quan niệm trọng nam khinh
nữ. Xem tướng tay thật sự, trai hay gái đều là bên trái hết.” Cát Niên không hề
nói dối Vu Vũ, trong quyển sách đã ố vàng ở nhà bác gái đủng là đã viết như
vậy.
Rất lâu
sau Cát Niên mới biết kiến thức của mình khi ấy không đầy đủ. Quyển sách đó căn
bản là cô chưa đọc hiểu hết. Sách còn nói rằng, tay trái là căn mệnh đã định
sẵn, tay phải là biến số trong tương lai, người có hai tay không giống nhau
cuộc sống sẽ nhiều sóng gió. Cô chính là người có tay trái và tay phải hoàn
toàn khác nhau.
Không
tính đến đường sinh mệnh ngắn ngủi kia thì đường chỉ tay của Vu Vũ quả thực rất
đẹp. Đường tình cảm của cậu ấy rất dài, giữa ngón cái và ngón trỏ kéo dài ra
thành đường quý nhân phù trợ mờ mờ.
Đường
quý nhân phù trợ, có thanh mai trúc mã.
Tay
trái của Cát Niên dường như cũng có một đường tương tự như vậy.
Đường
chỉ tay của họ có duyên phận với nhau. Chỉ là khi ấy Cát Niên đã bỏ sót một
điều, đường quý nhân phù trợ của cô có một đoạn gãy gấp ở gần gò Kim Tinh.
Trong
sách có viết, đường gãy khúc ở gò Kim Tinh, cuộc đời trắc trở, chết chóc, biệt
ly, tình cảm tan vỡ khó lành.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyện 5s