Trần Dị và Miêu Tĩnh học chung trường cấp 2.
Hai người toàn đi lướt qua nhau, coi như chẳng ai quen biết ai.
Cho dù có lý do đặc biệt khiến họ không thể không mở miệng nói chuyện, thì cũng là lạnh nhạt xa cách, đến độ không bất cứ một người nào nghi ngờ về mối quan hệ giữa hai người.
Ngoại trừ người hiểu rõ sự tình – Ba Tử.
Cậu ta cũng học trường này, nhà cách nhà họ Trần ít xa, cũng quen Miêu Tĩnh, thỉnh thoảng đi sau Trần Dị còn chào hỏi Miêu Tĩnh.
Trường học mới xây một tòa ký túc xá năm tầng, nam nữ cùng ở.
Tầng một tầng hai của con trai, từ tầng ba trở lên của con gái.
Ký túc xá có hai cầu thang, một cho nam sinh, một cho nữ sinh.
Trần Dị ở tầng một, Miêu Tĩnh ở tầng bốn ký túc xá, thường xuyên chạm mặt nhau ở tầng trệt, lâu lâu gặp ở căn tin hoặc sân thể dục.
Anh chơi bóng, đá cầu mỗi ngày, tiết tự học tối thì trèo tường trốn ra tiệm net.
Bấy giờ Trần Dị đã thành nam sinh trong thời kỳ dậy thì, vóc người cao tới mức không với tới nổi, ống quần ngắn lại một khúc, tay dài chân dài, có yết hầu, vỡ giọng, lén hút thuốc.
Nghe nói giáo viên thể dục trong trường muốn gọi anh vào đội thể thao, về sau vào trường thể thao để phát triển thêm.
Sau đó chả biết vì sao mà không đi.
Lớp 9 là đã cuối cấp, nhà trường muốn nắm chắc suất thi cấp 3.
Ngoài việc lang thang lêu lổng, Trần Dị hình như không đánh nhau hay gây sự gì.
Gặp được vị chủ nhiệm hết lòng suy nghĩ, muốn tốt cho trò là điều may mắn của bất kỳ một đứa học sinh hư hỏng nào, cũng là một trong những nguyên nhân Trần Dị tiếp tục ở lại trường học.
Chủ nhiệm lớp anh họ Lý, là người đàn ông trung niên lùn tịt.
Năm lớp 8, thầy Lý đã ra cam đoan về Trần Dị – cái tên nằm trong danh sách bị đuổi học.
Khai giảng mỗi học kỳ, thầy Lý sẽ tóm Trần Dị về trường, học phí cũng do thầy Lý chủ động liên lạc với Trần Lễ Bân.
Thành tích của Trần Dị không quá tệ, lần đạt thành tích tốt nhất là lần đứng top mười toàn lớp.
Nghe nói anh cá cược với bạn trong lớp, cả lớp đều bỏ tiền cược anh sẽ thua.
Kết quả anh thắng một hơi một ngàn tệ, bị nhà trường thông báo phê bình.
Ở trường anh cực kỳ được chào đón.
Đặc biệt lúc chơi bóng hay đại hội thể dục thể thao, người vây xem luôn đông nghịt.
Đôi khi Miêu Tĩnh nghe thấy các chị khối trên ở cùng tầng rỉ tai rì rầm, liên tục nhắc đến tên Trần Dị, khen anh đẹp trai, ánh mắt vừa ác vừa sáng, nhưng khi nở nụ cười trông lại vừa xấu xa vừa tỏa nắng, vẻ hư hỏng làm tim rung ra rung rinh.
Ngay cả hoa khôi giảng đường cũng thầm mến anh.
Miêu Tĩnh đâu biết bao nhiêu từ ngữ hình dung lạ kỳ ấy có thể gán hết lên người một chàng trai, cô chỉ nhớ mỗi lúc anh bị đánh và ngủ.
Miêu Tĩnh lên cấp 2 cũng cao thêm, da trắng hơn, nhưng hãy còn ngây thơ.
Gội đầu ở trường bất tiện, cô bèn cắt tóc ngắn kiểu nhóc Maruko, hai má em bé phúng phính.
Khi đi ngang qua lũ côn đồ của Trần Dị, cô cụp mắt, nghiêng người tránh, lông mi cong cong, lông tơ lơ thơ, nom rất ra dáng em gái lớp dưới nhỏ con ít nói.
Có đứa quay đầu liên hồi, khen cô đáng yêu muốn tán, Trần Dị cà lơ phất phơ đi tới, lạnh lùng châm chọc: “Học sinh tiểu học mà mày cũng thích? Bệnh thì đi viện khám, mẹ nó đừng có vứt liêm sỉ ở đây.”
Lũ con trai cười ha ha.
Miêu Tĩnh không vui, thầm cau hàng mày xinh.
Hai đứa nhỏ đều học nội trú, Ngụy Minh Trần ở nhà không có việc gì làm nên đã tìm một công việc, làm nhân viên phục vụ ở phòng trà.
Mấy năm nay bà mãi không có thai, dường như đã chẳng còn cách nào để hoàn toàn bước vào phạm vi của một gia đình cơ bản.
Ngày nào Trần Lễ Bân cũng chìm đắm trong việc đầu cơ cổ phiếu, chơi game, chát chít quên trời đất với người phụ nữ xa lạ trên mạng.
Một đơn vị có lợi ích tốt như trạm cung cấp điện, tiền thưởng và phúc lợi tuyệt vời, song Ngụy Minh Trân vẫn không giành được quyền tài chính, chơi mạt chược toàn tự mình gom tiền.
Ngụy Minh Trân bắt đầu cãi vã với Trần Lễ Bân, cãi ầm ĩ dữ dội.
Nhưng bà đã sinh sống ở Đằng Thành mấy năm trời, muốn cắt đứt đoạn tình cảm này không phải điều dễ dàng.
Không thể về quê được nữa, mấy năm nay ăn không uống không, chi phí học hành tiêu dùng của con cái, tuy Trần Lễ Bân không hào phóng nhưng cũng không quá khắt khe.
Ấy như miếng gân gà, ăn thì vô vị, bỏ thì tiếc.
Miêu Tĩnh biết hai người cãi nhau, hằng ngày Ngụy Minh Trần đi làm, cô lại sợ Trần Lễ Bân, dù tuần nào cũng về nhà lấy tiền sinh hoạt, nhưng chỉ ở mỗi một ngày, sáng thứ bảy về nhà, chiều chủ nhật lên trường.
Năm học lớp 9, Trần Dị cơ bản không hề về nhà, thi thoảng có về lấy chút đồ, tiền sinh hoạt của anh chẳng biết ở đâu ra, có lẽ anh có cách tự kiếm tiền.
Mỗi chiều chủ nhật, học sinh ở ký túc xá sẽ cầm tiền sinh hoạt về trường học.
Khu mua bán ngoài cổng trường đông đúc người qua lại, Miêu Tĩnh và bạn nữ chung phòng cũng sẽ cùng đi dạo, mua ít văn phòng phẩm, đồ ăn vặt linh tinh.
Gần cổng trường toàn là quán cơm nhỏ, tiệm văn phòng phẩm và cửa hàng thời trang.
Đi dọc ven đường sẽ có khu dân cư nằm xa hơn một chút, bên đó là nơi trú ẩn của tiệm net, khu trò chơi điện tử và phòng bida.
Đám con gái bảo con trai lén chạy tới đây chơi game, các anh lớn chị lớn trong các bang phái ở trường cũng thường chơi ở đấy.
Mọi người tò mò ngó nghiêng xung quanh, những hàng quán trong con hẻm đều mở cửa, cửa cuốn mở một nửa, phía trong có tiếng nói chuyện, chỉ nhìn thấy bàn bóng xanh lá cây, một tốp người đi tới đi lui quanh bàn bóng.
Phòng chơi điện tử cũng thế, ở cửa có máy chơi Pachinko, có hiệu ứng âm thanh ầm ầm phát ra từ trong máy.
Nữ sinh nhỏ không có gan vào tham gia, chỉ đứng ngoài nhìn cảnh tượng mới lạ và sôi nổi.
Cuối hẻm rẽ ngoặt, đi về trường học, chợt trông thấy đằng trước có mấy nam sinh, đứa ngồi chồm hỗm, đứa đứng tụ một chỗ, nghênh ngang hút thuốc, bộ điệu lưu manh.
Đám người đó chặn đường hai nữ sinh, nói hai câu rồi phất tay cho người ta đi.
Sau đó chặn thêm một nam sinh nữa đi ngang, nam sinh đành phải móc gì đó trong túi ra, ũ rũ rời khỏi.
“Họ đang lừa đảo moi tiền người khác.”
“Làm sao đây? Bọn mình có đi qua đó nữa không?”
“Đổi đường đi, tớ hơi sợ…”
Miêu Tĩnh đi theo bạn, xoay người bước nhanh về con đường ban đầu.
“Chúng mày có mấy đứa? Chạy gì? Lại đây lại đây!” Sau lưng có đứa rống to, “Mấy đứa chúng mày đấy, dám chạy xem? Lại đây!”
Năm, sáu nữ sinh run rẩy dừng chân, co ro quay đầu, lê từng bước qua.
Đứa quát tháo là một thằng con trai có nước da đen vàng, mặc áo khoác jean, khóe miệng ngậm điếu thuốc, tay cầm gậy gỗ, mắt đảo quanh cô nữ sinh nhỏ: “Chúng mày định chạy đi đâu?”
“Về, về trường ạ.”
“Về trường làm gì? Mách thầy cô hay tìm bảo vệ?”
“Không, không ạ, bọn em về trường học tiết tự học tối.”
“Nếu dám mách với trường, chúng mày chết luôn đấy biết chưa?!”
“Biết!”
Bên cạnh có một thằng mập da trắng đi đến, thấy đồ ăn vặt trên tay mấy nữ sinh, nhìn là biết có mang tiền theo: “Trong người có bao nhiêu tiền? Cầm ra đây xem xem.”
“Không… không có bao nhiêu ạ.” Đám con gái ai nấy cũng hoảng hồn.
“Anh Dị bảo không trấn lột con gái, mất mặt.” Da đen xoay cây gậy dài, gõ gõ thằng bạn mập: “Thả chúng nó đi đi, con gái hay mách lẻo nhất đấy.”
“Đi đi đi đi, nếu để trường học biết.” Thằng mập có cặp mắt sắc, giật tấm thẻ học sinh của một đứa con gái, “Lớp 7A5, mấy đứa chúng mày, đến lúc đó đếch chịu nổi đâu.”
“Vâng…”
Cả nhóm hãi hùng cúi thấp đầu, sợ sệt đi về phía trước, bước chân vội vàng.
Nam sinh đầu húi cua ngồi xổm bên cạnh vứt mẩu thuốc xuống đất, chầm chậm đứng dậy, hai tay đút túi quần, lười nhác dựa vào tường, duỗi chân dài, ngăn lại Miêu Tĩnh đi cuối cùng.
Giọng điệu cũng uể oải, chẳng có hơi sức gì: “Mày —”
Cặp mắt đen kịt đảo một vòng trên người cô, thấy cô đang cầm một xiên thịt viên chiên, đúng lúc đói bụng, bèn thò tay cướp mất.
Miêu Tĩnh không ngờ anh sẽ làm vậy, bất chợt thả tay, rụt người về sau.
Anh thấy động tác giật mình né tránh của cô, khép hờ mắt, khinh thường cười cười: “Hù chết mày chưa?”
Ngốn sạch mấy viên thịt, Trần Dị quẳng xiên tre đi, thoải mái vỗ tay, trắng trợn dọa dẫm em gái lớp dưới: “Trong người có bao tiền? Cầm ra đây.”
Ban nãy da đen nói… không trấn lột nữ sinh.
Ánh mắt Miêu Tĩnh thoáng chút bối rối, nhìn Trần Dị, mím môi không nói gì.
Anh mặc bộ quần áo cô chưa bao giờ thấy, áo khoác đen có mũ và quần bò.
Ỷ vóc dáng cao, anh còng lưng, bộ dạng côn đồ vô lại.
Cằm anh hiện mảng xanh nhạt, có vài đường vết thương bé tí do lưỡi dao cạo qua.
Đôi mắt như hổ rình mồi nhìn cô chằm chằm, con ngươi ẩn chứa cảm giác áp bức nhạt nhòa, lại toát lên một vẻ lười biếng dửng dưng.
Miêu Tĩnh túm chặt vạt áo đồng phục của mình, mày hơi nhíu, môi mấp máy, dáng người gầy gò trông thật rụt rè, như thể sợ đến độ chẳng dám lên tiếng.
Trần Dị nhìn nét mặt giận mà không dám nói gì của cô, khẽ nhướng mày, bật mở con dao gấp dùng để gọt trái cây ra, lau dấu ngón tay trên dao, giọng lạnh nhạt: “Tiền đâu? Cần tao soát người phải không?”
Đám người bên cạnh nhìn chăm chú, nhóm nữ sinh thấp thỏm nhìn Miêu Tĩnh, không dám thở mạnh.
Miêu Tĩnh liếc xem lưỡi dao màu bạc lạnh lẽo kia, nuốt nước miếng, chậm chạp lấy một cuộn tiền giấy trong túi ra, đưa tới trước mặt anh.
“Bao nhiêu?”
“Chín mươi tám…”
Cô học nội trú nên không cần mua đồ dùng sinh hoạt, đồ đạc toàn là phúc lợi mà đơn vị của Trần Lễ Bân phát.
Mỗi tuần chỉ có một trăm tệ tiền sinh hoạt, bao gồm tiền ba bữa một ngày, tiền trả phí phòng tắm và phòng lấy nước sôi, tiền mua văn phòng phẩm và giấy bút, còn lại một ít là tiền tiêu vặt.
Vừa nãy tiêu hai tệ mua hai xiên thịt viên, một xiên trong bụng cô, một xiên bị Trần Dị ăn mất.
Trần Dị gật gù, cất tiền, gập con dao lại, đẩy vai cô một cái: “Đi.”
Miêu Tĩnh lảo đảo bước về trước, được cô bạn đỡ lấy, kéo tay chạy biến như làn khói.
Lũ con trai mở rộng tầm mắt, nghi hoặc đặt câu hỏi: “Anh Dị, đã nói là không bắt chẹt con gái mà, sao anh còn ra tay nữa? Còn chọn trúng em gái xinh nhất đám, không thương hoa tiếc ngọc chút nào.”
“Nó khác.” Trần Dị hờ hững rời mắt về: “Đi đi đi, đi ăn cơm, đói cả ngày rồi.”
—
Tuy cùng nhau ra ngoài nhưng chỉ mỗi Miêu Tĩnh là bị lũ côn đồ cướp tiền, đám con gái trong ký túc xá lo sợ: “Làm sao đây? Có cần báo với thầy cô không? Hay là gọi điện về nhà nói một tiếng?”
Miêu Tĩnh chán nản ngồi ở mép giường, ánh mắt thất thần: “Thôi…”
Nói với Ngụy Minh Trần, cô sợ Trần Lễ Bân lại bạo hành, cũng sợ Trần Dị sẽ bắt nạt cô như hồi bé.
Miêu Tĩnh hỏi mượn bạn cùng phòng ba mươi tệ, thẻ cơm hẵng dư hai mươi tệ, một ngày tốn mười tệ tiền ăn uống, miễn cưỡng sống qua được một tuần.
Ấy thế mà còn phải nộp thêm phí lớp của tiết tự học tối, trừ đi tiền phiếu nước tắm, là chưa đến ba mươi tệ cho cô ăn suốt một tuần lễ.
Sáng tối gì cô cũng gặm bánh bao, buổi trưa gọi một món ăn chay, đang là giai đoạn phát triển chiều cao, Miêu Tĩnh cũng thấy đói.
Nhà trường tổ chức hoạt động thể thao mỗi ngày, một tuần còn có hai tiết thể dục, chạy hai vòng quanh sân thể dục là cô đã thấy tai ù chân nhũn.
Hoàn cảnh ngặt nghèo như thế, Miêu Tĩnh không muốn để người khác bắt gặp, bèn mang theo cuốn sách tiếng Anh làm vật che chắn, trốn ở băng ghế trong vườn hoa ăn bánh bao.
Có cục đá thình lình bay tới, đập vào cánh tay cô, sau đó