Đứa nhỏ bảy tuổi chết yểu nên dựa theo tập tục thì phải tìm một nơi hẻo lánh để chôn cất.
Nhưng Đào gia thôn không nhiều người, cũng từng trải qua nỗi đau mất người thân vì binh đao và thiên tai nên dù là đứa nhỏ chết yểu thì chỉ cần được vào gia phả là có thể được chôn trong nghĩa địa của tộc.
Thôn dân nhanh chóng chặt ít cành cây dựng một linh đường giản dị cho Kim Tỏa.
Mấy người anh em họ của Trường Phúc mang theo đèn tới thôn bên cạnh nhờ thợ mộc họ Phùng đóng quan tài.
Mấy người chị dâu nhà hắn thì giúp khâu áo liệm cho Kim Tỏa.
Trường Phúc cố nén bi thương tìm một cái chiếu sạch sẽ trải trước linh đường và đặt thân thể nho nhỏ của Kim Tỏa lên đó.
Chu thị đã sớm mất hồn mà nằm liệt bên người con trai khóc nức nở.
Một cái đèn dầu bé như hạt đậu đặt bên cạnh.
Đại Bảo, Nhị Bảo, Thiết Đản, Xuyên Tử và mấy đứa nhỏ hay chơi với Kim Tỏa thì khóc đến độ mắt sưng như quả đào.
Người lớn thì chạy trước chạy sau hỗ trợ, bọn họ không thể vướng chân nên cả đám cuộn người ở một góc linh đường lau nước mắt.
Cả nhà Đào Tam gia chỉ có Lưu thị ở nhà trông Nữu Nữu, Tứ Bảo và Tam Bảo, còn lại đều tới hỗ trợ.
Đây không phải hỉ tang, Nữu Nữu, Tam Bảo và Tứ Bảo còn nhỏ nên ở nhà tốt hơn.
Thợ mộc họ Phùng đi suốt đêm tới, Trường Phúc lấy gỗ dự trữ trong nhà ra để ông ấy đóng cho một cái quan tài nhỏ.
Thợ mộc an ủi Trường Phúc xong thì cũng nhanh chóng bận việc.
Áo liệm cũng được làm xong nhanh chóng, sau đó là lau người cho Kim Tỏa lần cuối rồi mặc áo liệm vào.
Người hỗ trợ trong thôn lục tục về nhà, chỉ còn người nhà của Đào Nhị gia là vẫn ở lại với vợ chồng Trường Phúc.
Trường Phú và Trường Quý chia nhau cõng Đại Bảo và Nhị Bảo rồi cùng đạp ánh trăng trở về.
Lưu thị đã chuẩn bị nước ấm, sau khi rửa mặt người một nhà mới ngồi xuống ăn tối.
Người ở nhà đã ăn trước, người đi hỗ trợ cũng chẳng có tinh thần ăn uống gì nên mọi người chỉ ăn qua loa đã đi ngủ.
Tam Bảo và Nữu Nữu ở bên cạnh đã thở đều đều nhưng Đại Bảo vẫn trợn tròn mắt không sao ngủ được.
Chuyện hôm nay vượt xa năng lực tiếp thu của hắn, một người đang sống sờ sờ chỉ trong nháy mắt đã biến thành một thi thể nho nhỏ nằm trên mặt đất không hề nhúc nhích.
Những ký ức sống động ngày xưa không ngừng hiện ra trong đầu hắn.
Đại Bảo hối hận vì không kịp phát hiện ra những khác thường của Kim Tỏa, cũng hối hận sao không ngăn hắn lại.
Hắn càng hối hận vì sao ngày trước không đánh vỡ chấp niệm của Kim Tỏa với bơi lội.
Có rất nhiều điều hối hận đan xen với nhau khiến Đại Bảo không thở được.
Đại Bảo nghĩ có lẽ đây là giấc mộng, khi tỉnh lại mọi việc sẽ như ban đầu, chẳng có gì xảy ra.
Vì thế hắn nhắc nhở bản thân phải ngủ đi, nhưng mãi hắn vẫn không ngủ được.
Lúc này hắn loáng thoáng nghe thấy tiếng kêu ‘ cô ~ cô ~ cô ~’ quái dị.
Trong đêm đen yên tĩnh nó đặc biệt khiến người ta sởn tóc gáy.
Vốn dĩ trong màn không khí khô nóng nhưng Đại Bảo lại không nhịn được rùng mình một cái.
Đây là con cú mà bà nội nói tới ư? Nó kêu lên chứng tỏ có người chết ư? Lòng Đại Bảo sợ hãi, trước kia hắn không để ý nhưng đêm nay hắn lại nghe thấy rõ ràng.
Tiếng kêu kia chợt xa chợt gần dọa hắn sợ tới mức nhanh chóng ôm lấy Nữu Nữu.
Con bé nóng nên xoắn người rầm rì nhưng Đại Bảo vẫn ôm chặt em gái rồi cứ thế mơ màng thiếp đi.
Sáng sớm hôm sau Đại Bảo thức dậy và thấp giọng hỏi Nhị Bảo tối hôm qua có nghe thấy con cú kêu hay không.
Nhị Bảo gật đầu, xem ra hắn cũng trải qua một đêm khó ngủ.
Trên bàn cơm Đại Bảo hỏi Lý thị: “Bà nội, con cú kêu tức là sẽ có người chết sao?”
Lý thị đang gặm bắp ngô nghe thấy thế thì gật đầu, đợi nuốt đồ ăn rồi mới nói: “Đúng rồi, đây là lời các thế hệ trước truyền xuống, cũng là trăm lần đều trúng.
Mấy ngày hôm trước có con cú trên núi kêu, mọi người đều nói con cú trên núi kêu thì phía đối diện núi sẽ có người chết.
Con cú này kêu phía thôn tây, vậy thôn đông sẽ có người chết! Nhà Trường Phúc không phải ở đầu thôn đông ư?”
Đại Bảo và Nhị Bảo cùng nhau rùng mình một cái.
“Mau ăn cơm đi, đừng có hù dọa bọn nhỏ nữa!” Đào Tam gia bất mãn nói, “Đây đều là nói bừa, chỉ cần con cú trên núi không chết hết thì có ngày nào tụi nó không kêu? Ngày thường không có việc gì thì không nói, một khi có việc lại đổ cho con cú.
Nó là con chim thì biết cái rắm gì!”
Lý thị nhìn chằm chằm Đào Tam gia một cái sau đó không nói nữa.
Đào Tam gia cầm lấy một bắp ngô bẻ thành hai nửa đưa cho Đại Bảo và Nhị Bảo, “Hai thằng nhóc thối bây đừng có nghe bà nội nói bừa.
Con cú này chỉ là con chim, đầu nó lớn giống con mèo nên có chỗ gọi là cú mèo, buổi tối sẽ ra ngoài săn con chuột.
Ông nội tụi bây trước kia còn