Có Chàng Ngự Sử Thời Trần

C24: Thổ Phỉ.


trước sau

Chương 20: Thổ phỉ.

Tác giả: Thiên Địa Linh Linh

***

Ven hồ Yên Thủy hẻo lánh tại ranh giới giữa châu Ô và châu Lý - bây giờ là trấn Thuận Hóa - có một thiếu phụ mới chuyển tới.

Căn viện nhỏ nhưng tương đối chắc chắn đã được khởi công xây dựng từ một tháng trước, vậy mà các hộ dân xung quanh vẫn chưa hề nhìn thấy chủ nhân của nó, cho đến tận hôm nay.

Chuyển nhà xong, việc quan trọng tiếp theo chính là làm quen với làng xóm láng giềng. Nơi đây dân cư vốn thưa thớt nhất trong hai châu, nên việc chuẩn bị quà tặng cũng chẳng có gì vất vả.

Bốn đời nhà bà Mộc đều ở vùng hồ này. Vì ranh giới các châu quản lý lỏng lẻo, nên nổi lên trộm cướp liên miên, chẳng ai dám ở, đất đai bỏ hoang khô cằn. Ông cố của bà nghèo khổ, ngược lại có sức khỏe tốt, vỡ ruộng làm nhà tại đây. Sống lâu như vậy, lần đầu tiên bà mới thấy có người chuyển tới, nên vô cùng ngạc nhiên.

Tất nhiên là trừ vị Kinh lược sứ gì đó mới nhậm chức và đến vào hôm qua, cũng dựng phủ ở ranh giới hai châu, nói như vậy để tiện cho việc quản lý. Kinh lược sứ đến, lòng dân còn nhớ mong nước cũ, chẳng ai ra chào đón, đoàn rước như đám tang, lặng lẽ mà đi. Nói thật, bà cũng thấy tội nghiệp, nhưng biết làm sao được, có lẽ đó là số mệnh của vị quan ấy rồi.

Nhìn thiếu phụ vẻ mặt hiền lành cầm túi quà đứng trước cửa, bà Mộc cũng bối rối, xuýt xoa mấy tiếng cảm ơn khách sáo. Nói qua nói lại vài câu thành thân thiết, bà bày tỏ:

"Con gan thật đấy, nhà bà ở đây bao lâu, giờ mới thấy có người dọn đến. Chắc hẳn lang quân (*) sức khỏe tốt lắm?"

(*) Lang quân: Từ dùng để chỉ người chồng trẻ và người trai trẻ nói chung.

Nghe nhắc đến lang quân, nét cười bên môi thiếu phụ thoáng nhạt đi, trả lời: "Lang quân nhà con đi làm ăn xa, có khi đến mười mấy ngày mới trở về. May rằng trong nhà đã có kẻ dưới canh giữ, không lo loạn lạc."

Bà Mộc vẫn hơi tò mò: "Gia cảnh con nghe có vẻ rất tốt, sao lại chuyển đến đây mà chịu khổ?"

Nàng thiếu phụ chỉ cười cười: "Nào có gì là chịu khổ? Con rất thích nơi gần gũi rừng núi thiên nhiên thế này, an tâm dưỡng thai hơn thành thị nhiều."

Bà Mộc bừng tỉnh: "Ra vậy, ra vậy. Chúc con sớm sinh quý tử."

Tất nhiên, nếu bà biết thân phận của thiếu phụ trước mắt, hai người chắc chắn không thể ngồi nhàn nhã nói chuyện thế này.

***

Đêm hôm trước.

Đoàn đưa rước Kinh lược sứ do Hưng Long đế phái đi nhận được tin báo rằng, sau khi đến nơi, phải lập tức trở về.

Dù bọn họ khó hiểu, tự hỏi Quan gia keo kiệt đến thế sao, chỉ có vài cấm quân cũng chẳng cho, nhưng cuối cùng vẫn im lặng tuân lệnh.

Ngay trong đêm đó, gần năm trăm đinh tráng (*) của Huệ Vũ vương Quốc Chẩn được cử đến, nhận nhiệm vụ bảo vệ, giúp đỡ Kinh lược sứ trị an.

(*) Đinh tráng: người con trai đến tuổi thành niên, có thể đi lính và làm các việc lao dịch khác thời xưa.

Đinh tráng ở phủ Huệ Vũ vương cũng rất tò mò, họ chưa từng được gặp, nên không biết mặt mũi vị Kinh lược sứ này thế nào, chỉ được nghe danh tiếng ở kinh thành, tuổi trẻ tài cao, nhân nghĩa đức độ, vô cùng hiếm có.

Đương nhiên, nếu trước đây họ chịu khó thay vợ mình ra chợ, hẳn sẽ được nhìn thấy dung nhan của Kinh lược sứ bày bán đầy rẫy, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu, là món hàng chạy nhất thời điểm ấy. Chỉ tiếc từ ngày trở thành Hành khiển, tranh mới bị tụt giá đi chút chút thôi.

Khi tất cả còn đang háo hức để chiêm ngưỡng, thì trước mắt bọn họ xuất hiện một cái mặt nạ đồng sáng chói.

Các đinh tráng: "..."

Từ đó về sau, trong phủ có lời đồn Kinh lược sứ mắc bệnh lạ, phải che mặt. May sao Kinh lược sứ không công khai đi lại rầm rộ thăm dân chúng, chỉ ở trong phủ, mỗi ngày lặng lẽ ra ngoài một hai canh giờ cho khuây khỏa rồi lại trở về, nên lời đồn này cũng chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường mà thôi.

Mà hiện tại, vị Kinh lược sứ tai tiếng này đang lén lút nhìn trước ngó sau, xác định không có ai rồi mới bước vào căn viện nhỏ bên hồ Yên Thủy.

Mặt nạ đồng bị quẳng xuống đất một cách thô bạo, để lộ ra khuôn mặt thanh tú, làn da trắng, đôi môi đỏ, chiếc mũi nhỏ xinh của người nọ. Tuy nhiên, lời hắn thốt ra sau đó vô cùng sát phong cảnh:

"Mợ nó chứ! Cái thứ đồng thau chết tiệt này khiến ông sắp ngạt thở rồi! Vướng víu kinh khủng! Thuấn Thần! Ngươi thật có số hưởng, lại còn ngồi mát ăn bát vàng thế này!"


Mắng chửi xong còn giẫm lấy giẫm để lên chiếc mặt nạ vô tội.

"Bớt giận, bớt giận." Một người cao lớn mặc trang phục thô sơ như đinh tráng, để lộ vòm ngực chắc chắn rộng rãi cùng màu da lúa mạch quyến rũ bước tới xoa xoa vai thanh niên thanh tú nọ.

Nào ngờ thanh niên kia vừa nhìn lướt qua, cơn giận lại đổi hướng: "Sao lại ăn mặc khoe da lộ thịt thế này? Đổi áo quần đi!"

Chân hắn tiếp tục trút giận, đá văng mảnh đồng đáng thương nọ,

Thuấn Thần chống cằm tựa trên bàn, tay phe phẩy quạt đuổi khí nồm, lười nhác lên tiếng nhắc nhở:

"Kìa Chu đại nhân, dù có giẫm bao nhiêu, lát nữa ngài vẫn phải đeo nó lên mặt kia mà."

"..."

Nhìn khuôn mặt thối hoắc, nàng nhịn cười tiếp tục: "Nói thật, Thuấn Thần rất biết ơn sự tương trợ của ngài. Cũng may có ngài là người thân cận, Quan gia mới yên tâm để ngài đóng giả thay ta một thời gian. Mong ngài đừng trách. Ta cũng bất đắc dĩ cả thôi..."

***

Những sự việc lằng nhằng ấy, vốn là thế này:

Ngay sau khi quyết định để Thuấn Thần rời chốn kinh thành, Trần Thuyên đã lập tức lên kế hoạch trù tính cho nàng an toàn đi khỏi.

Trước tiên, nơi Thuấn Thần đến cần ở vị trí càng xa càng tốt. Mà một đại thần đột nhiên được cử đến vùng xa xôi, thì phải có một lý do thích đáng.

Nơi tập hợp đủ điều kiện như vậy, chỉ có trấn Thuận Hóa nằm ở miền biên ải, dân cư lại loạn lạc, cần người trấn giữ.

Sau khi đến đó, làm sao để che giấu cái bụng ngày càng to? Thắt lưng bó bụng sẽ ảnh hưởng đến con, Trần Thuyên còn lâu mới dùng cái cách ngu xuẩn này.

Nếu nói là béo lên, thì quá khiên cưỡng, so với mang thai khác biệt rất lớn. Chẳng may có người nhìn ra sơ hở, hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Do đó, cách triệt để nhất là trộm long tráo phụng.

Thuấn Thần phải công khai rời đi cùng đoàn rước kiệu. Cấm vệ quân trong cung đều biết mặt nàng, không thể tiếp tục ở lại. Nên ngay sau khi Thuấn Thần được đưa đến nơi, Trần Thuyên triệu bọn họ về hết.

Trước đó, chàng nhờ Trần Quốc Chẩn giúp đỡ, phái đinh tráng trong phủ đi.

Các đinh tráng này chỉ là dân thường quen làm việc chân tay, hiển nhiên chưa từng vào cung, chứ đừng nói tới chuyện nhìn thấy Thuấn Thần.

Thế nên quá trình hoán đổi người diễn ra rất dễ dàng, ngay trong đêm ấy, khi các cấm vệ quân rời đi, cũng là lúc các đinh tráng đến.

Mà người "vinh dự" được đóng giả Thuấn Thần, phải có vóc dáng, màu da, giọng nói tương đồng, và đáng tin - ngoảnh tới ngoảnh lui chỉ có Chu Bộ.

Về Thuấn Thần, đã bình an chuyển ra căn viện nhỏ Trần Thuyên lệnh cho xây, có Sĩ Cố đi theo bảo vệ, chẳng còn gì phải lo lắng.

***

Chu Bộ quay đầu nhìn Thuấn Thần búi tóc cài trâm, áo lụa thướt tha, cố ý bĩu môi châm chọc: "Sao đến giờ ta vẫn chẳng thấy ngươi có một phần nữ tính nào thế? Chưa nói người ngợm, ngay cả giọng cũng trầm như đàn ông ấy."

Thuấn Thần nổi cáu, ưỡn thẳng lưng cãi: "Đó là giọng ấm áp, trước đây khi còn nhỏ các bạn gái thích nghe ta kể chuyện lắm đấy! Còn tranh nhau nhờ ta hái quả nữa!"

Thực chất đâu chỉ là nhờ hái quả, còn luôn miệng "Nhóc Đoàn, tên mập kia bắt nạt em, mau đánh hắn." nữa kìa! Nhưng cái này đàn ông quá, nàng nói ra chắc chắn sẽ bị hai người kia cười thối mũi.

Nàng tiếp tục mạnh miệng: "Với lại, ta có ngực mà, các ngươi không thấy ở đây nhô lên à?"

"Có ngực sao?" Chu Bộ đi vòng vòng nhìn kỹ, thở dài một tiếng rồi mới lắc đầu: "Thuấn Thần, ngươi đừng tự lừa mình dối người nữa."

"..."

Sĩ Cố hết cách với hai kẻ trẻ con này, giảng hòa: "Bỏ đi, chúng ta còn chính sự cần giải quyết nữa đấy."

Bấy giờ Chu Bộ và Thuấn Thần mới thôi làm loạn, nghiêm túc trở lại.


Chu Bộ hắng giọng: "Qua điều tra hôm nay nhận được, bây giờ hai châu này loạn lạc, một là do xa thiên tử, hai là nạn thổ phỉ, ba là nạn đói. Lòng dân không theo, ngoài những nguyên nhân trên, còn bởi hai châu mới sáp nhập Đại Việt, nên vẫn luôn mong ngóng về Chiêm Thành. Ngươi đã nghĩ ra cách gì chưa?"

Thuấn Thần khẽ nhíu mi, tay đặt trên bụng vuốt khẽ: "Có thực mới vực được đạo. Nếu đã đói vì mất mùa, còn bị cướp bóc, một cổ hai tròng, thật là quá khổ sở, dân chúng sao còn tâm trí để nghe ta giảng giải? May rằng, tuy ta không thể điều khiển thời tiết, ngay lập tức làm mưa thuận gió hòa, nhưng chặn thổ phỉ thì có thể."

Chu Bộ ồ lên một tiếng: "Nói cũng đúng. Ngươi muốn chặn thế nào? Dùng binh lính để diệt thổ phỉ?"

Ngờ đâu, Thuấn Thần lắc đầu, nói:

"Nhân chi sơ, tính bản thiện (*), dù là tướng cướp, cũng chẳng phải muốn làm điều ác, chẳng qua là thời thế bắt buộc mà thôi. Trước tiên dùng binh lính kiềm chế thổ phỉ, sau cần tìm cách để những thổ phỉ đó có công ăn việc làm. Thời buổi đói kém này, thưởng tiền người ta cũng chưa chắc đã thèm lấy. Thưởng lương thực mới là kế sách lâu dài."

(*) Nhân chi sơ, tính bản thiện: Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh, tức "bản chất của con người vốn là lương thiện".

Chu Bộ suy tư: "Thu phục rồi, nhưng thổ phỉ thì có thể làm gì? Số lượng người lớn như vậy, nếu chỉ làm việc vặt như rót nước pha trà, đâu khác nào nuôi không công? Sẽ rất hao tổn kinh phí."

"Tất nhiên là cần tới bọn họ. Việc này liên quan đến nạn thời tiết, cần rất nhiều sức người sức của mới có thể giải quyết được. Nếu nhờ vả dân chúng, dựa vào tình trạng hiện giờ, chưa chắc họ đã tận tình giúp đỡ. Nên so ra, thu phục thổ phỉ, chúng ta lời lớn."

Chu Bộ còn đang khó hiểu, Sĩ Cố nãy giờ im lặng đã thông suốt:

"Ngươi muốn xây đê?"

Sau đó hắn nhận được cái gật đầu chắc nịch: "Đúng vậy!"

Sĩ Cố xoa cằm trầm tư: "Trấn Thuận Hóa này tuy địa hình hiểm trở khắc nghiệt, dễ xảy ra ngập lụt, nhưng quan địa phương thông báo đã xây đê rồi mà?"

Thuấn Thần hiểu, hắn sợ hành động của nàng hóa thừa thãi, cuối cùng chẳng chiếm được lòng dân, lại còn hao tổn ngân khố. Nàng khẽ cười:

"Nếu đã xây đê sao còn mất mùa? Hơn nữa xây đê không chỉ để bảo vệ lúa, cần phải nghĩ cho an nguy lâu dài của dân chúng chứ? Tuy lâu rồi chưa có trận lụt nào nguy hiểm đến tính mạng, nhưng trước đây vài năm từng có, thì sao dám chắc năm nay, năm sau không có? Lo xa vẫn hơn."

Dù Thuấn Thần hy vọng điều nàng lo lắng sẽ chẳng xảy đến.

***

Đêm mờ trăng, cung Quan Triều bởi vậy mà thắp thêm vài ngọn nến.

Ánh vàng ấm áp phác họa khuôn cằm hoàn mỹ như tạc của Trần Thuyên, làm giảm bớt đi đường nét nghiêm nghị, lại tăng thêm dáng vẻ dịu dàng. Chàng tập trung phê duyệt tấu chương, bút lông trên tay linh hoạt di chuyển, họa nên từng nét chữ cứng cáp phóng khoáng.

Mở một văn kiện khác, Trần Thuyên tựa như nhớ ra điều gì, bèn mỉm cười nghiêng đầu sang nói: "Nàng nhìn cái này xem, Thuấn..."

Lời chưa dứt, chàng đã vội giật mình ngây ngốc nhận ra. Trước mặt, là một khoảng không trống vắng.

Nét cười trên mặt nhanh chóng lụi tàn, Trần Thuyên giống như đang vội vã né tránh mà cúi đầu nhìn chằm chằm vào tờ giấy trước mắt.

Đôi lúc, thói quen thật sự rất đáng sợ.

Đây là đêm đầu tiên sau khi Thuấn Thần rời đi.

***

Hôm sau, Thuấn Thần hẹn cùng đi chợ phiên với bà Mộc nhằm tiện cho việc xem xét dân tình. Nàng sợ thời gian tới sẽ vô cùng bận rộn, nên tranh thủ lúc này thăm thú xung quanh một chút.

Đường đường Kinh lược sứ hàng thật giá thật, thế nhưng Thuấn Thần có thể thoái mái đi nghênh ngang trên đường mà không bị ai phát hiện. Nàng bắt

đầu hiểu được cái thú vi hành của Trần Thuyên là do đâu mà sinh ra.

Tất nhiên, Thuấn Thần chỉ có thể quanh quẩn trong vòng bán kính năm cây số xung quanh phủ Kinh lược sứ.

Thôn La Thủy mất mùa triền miên, nên chợ cũng chẳng hề đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa nghèo nàn, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bất cứ loại thịt nào. Bà Mộc nói Thuấn Thần đang dưỡng thai phải ăn uống đầy đủ, nhất quyết muốn tặng trứng gà cho nàng. Trong lúc bà đang ngồi xuống chọn lựa tỉ mỉ, Thuấn Thần đứng cạnh bất giác rời mắt đi chỗ khác.


"Oa, anh Khương Điền giỏi quá! Là hình con dế! Là hình con dế!"

Chéo phía đối diện có một cậu bé phấn khởi reo lên, còn nhiệt tình vỗ tay. Tiếng cười ngân nga như chuông bạc, nhất thời khiến cho khu chợ vốn ảm đạm trở nên tươi sáng hơn vài phần. Một cậu bé khác lớn hơn ngồi bên cạnh, đang giơ tay ra hiệu cho em mình nhỏ tiếng lại: "Khương Mạch, đừng có ồn ào, nếu không lần sau anh sẽ không làm cho em chơi nữa."

Cậu bé nhỏ hơn được gọi là Khương Mạch kia tiu nghỉu đáp: "Vâng..."

Thuấn Thần vốn tưởng tình yêu trẻ con của mình đã bị Trần Mạnh vùi dập cho tắt ngúm, nhưng lập tức lại được hai đứa trẻ này khơi bùng lên. Nàng hào hứng mà tiến đến chỗ hai đứa trẻ kia, cười cười: "Hai đứa bán củ cải trắng sao?"

Khương Điền nhìn Thuấn Thần, ánh mắt sáng ngời: "Vâng."

Thuấn Thần xem xem lựa lựa, cuối cùng chọn được bốn củ. Nghe Khương Điền báo giá mà ngỡ ngàng, quá rẻ, nếu là ở Thăng Long chắc nàng chỉ mua được một sợi rễ cây.

Thuấn Thần đưa tiền, lại đưa thêm cho Khương Điền túi ô mai đào của nàng.

Thằng bé nhất quyết không lấy, hai người đang đẩy qua đẩy lại thì Khương Mạch đột nhiên đứng phắt dậy, kêu lên: "Anh Khương Điền, sao chú này lại mang Một, Hai, Ba, Bốn của nhà mình đi? Cha đã trồng chúng rất lâu mới lớn được như vậy mà!"

"..." Khương Điền nhất thời cảm thấy đau đầu dữ dội. Sao hôm nay cha lại bắt nó quản em trai một mình chứ?!

Thuấn Thần sớm đã hóa đá: Bốn củ cải trắng này còn có tên? Hơn nữa, nàng chỉ tùy tiện chọn bừa, nhưng lại vớ được chuẩn xác lần lượt Một Hai Ba Bốn? Sao lúc mua xổ số cũng không thấy đỏ như vậy đi?!

Ngoài ra, thằng bé còn gọi Thuấn Thần là "chú" cơ đấy! Không thấy người ta đang mặc đồ phụ nữ à?

Thuấn Thần bay sạch hảo cảm, rút gói ô mai đào về.

Khương Điền kiên nhẫn giảng giải: "Em không được quấy. Đưa củ cải trắng cho người ta, đổi lại em sẽ được ăn gà."

Khương Mạch im lặng, do dự giữa gà và củ cải trằng, cuối cùng bày ra vẻ mặt tiếc thương vô hạn: "Một, Hai, Ba, Bốn lên đường bình an. Kiếp sau nhớ đừng đầu thai làm củ cải trắng nữa nha."

Thuấn Thần: "..." Tui trả hàng nè.

Một, Hai, Ba, Bốn: "..."

Những củ cải trắng còn lại: "..."

Khương Điền bất lực thở dài. Em trai nhỏ rất thích diễn trò, phải làm sao đây?

Ba người còn đang huyên náo, đã thấy từ xa một người đàn ông bộ dạng rắn rỏi đi tới. Khương Mạch liền mừng rỡ gọi: "Cha! Cha về rồi!"

Người đàn ông cao lớn anh tuấn cúi xuống xoa đầu đứa nhỏ: "Sao nào? Hôm nay chơi với anh có vui không?"

Người bán đậu phụ phía đối diện cười hỏi: "Cậu Khương, sửa nhà cho ông Chử xong rồi à?"

Người đàn ông gật đầu lễ phép đáp: "Vâng, mái nhà chỉ bị dột một chút, sửa rất nhanh."

Nghe thế, thím bán bột mì bên cạnh cũng phụ họa: "Mấy năm nay may mà có cậu, nếu không chúng tôi cũng khó lòng xoay sở."

Bà lão bán nước chè lại thêm vào: "Thôi thôi, mấy người để cậu ấy về đi. Nhà cậu ấy xa như vậy, nếu bây giờ không về sẽ tối mất."

Khương thay con trai bọc củ cải lại cho Thuấn Thần, nàng nhìn hắn, không nhịn được bèn tò mò hỏi: "Nhà anh ở đâu mà xa như vậy?"

"Nhà tôi ở trấn Tây Bình, châu Minh Linh."

"Ồ, vậy là ngay cạnh trấn Thuận Hóa? Nhưng đường tới đây cũng không gần đâu." Thuấn Thần đi cả buổi sáng mới tới nơi đấy!

Nàng tiếp tục thắc mắc: "Nơi ấy cũng có chợ, sao anh lại lặn lội xuống tận dưới này?"

Khương chỉ cười không đáp. Đến khi Thuấn Thần về đến nhà rồi, bà Mộc mới nói cho nàng biết.

Mấy năm nay thôn La Thủy mất mùa, Khương toàn đem rau củ trồng được trên trấn xuống tận đây bán. Nói là bán, nhưng giá quá thấp, thực chất giống như cho không.

Hắn còn giúp đỡ mọi người trong khả năng của mình, dựng hàng rào trồng rau, cuốc đất vỡ ruộng, làm đường xá, vừa nãy còn giúp sửa sang nhà cửa... Người dân ở đây ai ai cũng quý mến hắn.

Thuấn Thần thầm cảm thán, đúng là thời thế tạo anh hùng.

***

Sang ngày tiếp theo, hai người Thuấn Thần cùng Sĩ Cố đi thị sát tình hình của đê điều, tra rõ nguyên nhân nhằm tìm biện pháp khắc phục. Nhưng khi hai người đến nơi, chưa kịp tra rõ cái gì, nguyên nhân đã dứt khoát đập thẳng vào mặt.


Thuấn Thần nhìn "con đê" cao đến ngang ngực mình, bàng hoàng há hốc mồm.

Đây nói là rào chắn gia súc đi lạc còn miễn cưỡng nghe được.

Sĩ Cố sa sầm mặt: "Quan lại hai châu từ ngày chúng ta đến tiếp nhận đã dọn đi từ lâu rồi, toàn phủ trống hoác. Ta còn tưởng bọn họ nặng lòng với Chiêm Thành, nhưng hóa ra là thế này đây."

Chu Bộ ngồi trong thư phòng tra tài liệu đến trưa, thấy Thuấn Thần và Sĩ Cố bực dọc trở về, liền bước tới hỏi han. Sau khi nghe kể rõ sự tình, người vốn dễ tính như hắn cũng không nhịn được mà mắng to:

"Khốn kiếp, hai người nhìn đống sổ sách này đi! Hàng năm vua Chiêm rót vào con đê này biết bao nhiêu tiền, quan lại cũng dâng sớ tâu lên là đã hoàn thành công việc xây dựng. Nhưng kết quả thì sao?!"

Sĩ Cố lắc đầu: "Vài năm gần đây Chiêm Thành chiến tranh liên miên, khó khăn lắm mới trụ vững, vua Chiêm đâu còn hơi sức quản mấy chuyện này."

Căm hận là vậy, tuy nhiên trước mắt cũng chỉ đành tạm thời bỏ qua cho những tên tham quan chạy trốn. Việc quan trọng hiện tại là tìm cách trà trộn vào đám thổ phỉ, thu phục bọn họ đầu quân cho triều đình.

Nếu là bình thường, Thuấn Thần chẳng ngại gì nguy hiểm. Nhưng hiện tại, còn có đứa con trong bụng, nàng không thể hành động tùy tiện được.

Thế nên, người vinh dự được trọng dụng là Sĩ Cố. Sau khi dặn dò kỹ lưỡng, Thuấn Thần để hắn rời đi.

Nàng rất tin tưởng vào khả năng của Sĩ Cố.

Nói xem, đối với một Đại học sĩ từng giảng kinh sách, việc thuyết phục đàm phán là dễ như trở bàn tay, sao có thể chịu thua người nông dân bần cùng được cơ chứ?

Mà hiện tại, Sĩ Cố cảm thấy mình sắp phải chịu thua thật!

Nhìn đống người lố nhố, rách rưới trước mắt đang chỉ trỏ, xâu xé chiếc giày, chiếc áo của hắn, Sĩ Cố vừa thương vừa giận, dở khóc dở cười.

Sĩ Cố có thể đối phó với những người cầm gậy gộc thô sơ này một cách dễ dàng, nhưng vì việc lớn, hắn phải nhịn! Phải nhịn!!!

Có tiếng gào lên: "Tên khốn này ăn mặc tốt như vậy, chắc chắn gia cảnh không tồi! Hẳn đều là bóc lột của dân chúng cả đấy! Đáng chém ngàn dao!"

Có kẻ ngăn lại: "Đừng ngốc vậy!Có câu gì ấy nhỉ? Phải rồi, là Thả con săn sắt, bắt con cá rô. Cứ mang hắn về giam ở trại, rồi đòi người nhà hắn đem tiền chuộc tới. Vậy mới lời to!"

Cuối cùng, Sĩ Cố với bộ dạng áo rách quần manh được đưa tới trước mặt trại chủ.

Trại chủ kia cao lớn vạm vỡ, râu tóc xồm xoàm, mũi lớn mặt lớn, đôi mắt sáng quắc.

Trại chủ nhìn Sĩ Cố, cười khẩy một tiếng:

"Không ngờ, đám con nhà địa chủ bây giờ trông cũng khỏe mạnh thật đấy. Cứ tưởng toàn một lũ ăn chơi đàng điếm, ra vào quán rượu lầu xanh, quần áo lượt là, da dẻ trắng bệch yếu nhớt thôi chứ!"

Sĩ Cố ngẩng cao đầu, lời đã sắp xếp sẵn tuôn ra: "Tuy tôi thật sự là con nhà địa chủ, nhưng từ lâu đã không ưa cách sống tiêu xài hoang phí, thế nên mới bỏ nhà ra đi, muốn tự tay gây dựng sự nghiệp, rồi đem tiền của phân phát cho người nghèo. Kế sách đã nằm cả trong bụng, anh đây liệu có muốn nghe tôi nói hay không?"

"Chậc, nghe cái cách nói năng sặc mùi đám quý tộc kìa! Thật ngứa mắt! Lôi hắn xuống, nhốt vào kho!"

Trại chủ cau mày phẩy tay, cũng phẩy ngược những lời Sĩ Cố vừa nói ra quay trở lại đập vào mặt hắn.

Bước đầu tiên đã vấp phải tảng đá lớn, Sĩ Cố cảm giác cuộc sống này ngày càng khó khăn rồi.

Đúng lúc đó, một đám thổ phỉ khác chạy vào, vẻ mặt hốt hoảng báo: "Trại chủ, nguy rồi! Nghe nói bên trại lão Lâm hôm nay bị rất nhiều lính tráng phục kích, bắt đi tới năm chục người! Chúng ta phải chạy trốn thôi!"

Trại chủ cau mày: "Chạy? Biết chạy đâu bây giờ? Chỗ chúng ta đã là an toàn nhất, nếu còn bị tìm ra..."

"Nhưng dù ở lại, cũng không thể địch với quân triều đình được! Chúng ta chỉ biết cầm gậy gộc đập lung tung, vài giây đã bị bọn họ hạ gục rồi!"

Trong khi đám thổ phỉ đang rối ren, một âm thanh "bịch" vang lên, theo đó là tiếng người kêu la thảm thiết.

Trại chủ giật mình đưa mắt nhìn, thấy gã công tử bột khi nãy còn đang bị hai tên thổ phỉ ép vai quỳ xuống, bây giờ đứng hiên ngang ngạo nghễ, còn hai thổ phỉ kia, đang nằm dưới đất ôm vai nhăn nhó.

Sĩ Cố nghĩ thầm, hẳn là binh lính của Huệ Vũ vương đã đến, Thuấn Thần bắt đầu hành động, giúp đỡ hắn rồi đây. Hắn mỉm cười tự tin, nói:

"Võ của triều đình, ta biết. Ta có thể dạy mọi người, để không bị quan binh bắt giữ."

- Hết chương 20 -

LỊCH ĐĂNG TRUYỆN LÀ THỨ TƯ HÀNG TUẦN. MỌI NGƯỜI BÌNH CHỌN (VOTE) VÀ THEO DÕI (FOLLOW) BỌN MÌNH NHA. CHÚC CÁC BẠN ĐỌC TRUYỆN VUI VẺ ^^

TianDiLingLing


trước sau
Bình luận văn minh lịch sự là động lực cho tác giả. Nếu gặp chương bị lỗi hãy "Báo lỗi chương" để BQT xử lý!
Sử dụng gói vip bạn sẽ được phép tắt hết quảng cáo khi đọc truyện