Chương 19: Kinh thành khuất bóng.
Tác giả: Thiên Địa Linh Linh
***
Năm Trùng Hưng thứ ba (*), kinh thành, phủ Học sĩ.
(*) Niên hiệu của Hiếu Hoàng Trần Nhân Tông (1278 - 1293).
Một cậu bé khoảng mười một, mười hai tuổi kéo tay áo vị quan trẻ mới ngoài ba mươi, đôi hàng mi cong dài rung rung, giọng nói còn non nớt cất lên: "Cha, lần này cha đi bao lâu mới trở về?"
Vị quan nọ cúi người xoa đầu con trai: "Chắc chỉ mươi ngày là cùng. Con ở nhà ngoan ngoãn, nhớ quan tâm Chu Bộ nữa nghe chưa?"
Cậu bé gật gật đầu, lại hỏi: "Vậy là Chu đại nhân cũng theo hầu Quan gia và Hoàng thái tôn ư?"
"Phải. Chu Bộ còn nhỏ tuổi đã phải xa cha mẹ, con phải biết nhường nhịn, coi như em trai mình đó."
Cậu bé mỉm cười ưỡn ngực: "Chuyện này cha cứ yên tâm!"
Ai mà biết được, nhiều năm sau đó, quan tâm chăm sóc thành thói quen, tình cảm anh em trai đã biến thành tương tư khắc cốt tự bao giờ.
"A! Phải rồi! Sao lần này các tiểu đồng không được theo hầu Hoàng thái tôn vậy cha?" Cậu bé như sực nhớ ra, kéo áo vị quan nọ hỏi.
Vị quan thở dài: "Lần này Quan gia vi hành thị sát tình hình dân chúng. Sau đại chiến đất nước còn loạn lạc, đường sá xa xôi, trập trùng, dễ gặp nguy hiểm. Mệt như vậy, các con còn nhỏ sao theo nổi."
Cậu bé xoắn xoắn góc áo, rầu rĩ nói: "Con không muốn xa cha đâu."
Đúng lúc ấy, có tiếng gọi bên ngoài cửa phủ: "Nguyễn đại nhân, chuẩn bị xuất hành thôi. Chúng ta phải nhập cung sớm diện kiến Quan gia đấy."
Vị quan nọ hắng giọng đáp: "Chu đại nhân, xin đợi một lát!" rồi sau đó nghiêm nét mặt nhìn cậu bé: "Tên con là Sĩ Khanh, tự là Quân Vệ, con phải sống sao cho xứng với tên của mình. Người quân tử đầu đội trời chân đạp đất, tung hoành bốn phương, lưu danh sử sách, để lại tiếng thơm muôn đời, chứ không thể lúc nào cũng dành chỗ cho những tư tình mềm yếu như vậy. Cha chí lớn chưa thành, còn phải cố gắng gây dựng cơ đồ, tuy lưu luyến con nhưng cũng chẳng có cách nào khác. Con hiểu chứ?"
Ngữ điệu ông dịu dần lại: "Ở nhà đợi cha, nhớ chăm chỉ luyện võ luyện chữ, rất nhanh cha sẽ về thôi."
Cậu bé chỉ ủ rũ gật đầu nghe theo, nào biết rằng lần chia ly này là vĩnh viễn.
***
Vài ngày sau đó, tin báo tử được gửi về, đôi tay nhỏ bé ấy run rẩy mãi không cầm nổi. Tờ giấy mỏng manh ấy sao nặng tựa ngàn cân, dấu đỏ in trên đó sao chói mắt tựa màu máu.
Người ấy nói, còn nghiệp lớn chưa thành.
Người ấy nói, phải lưu danh sử sách.
Người ấy nói, muốn để lại tiếng thơm muôn đời.
Không phải vậy sao?
Nhưng người đó đi rồi.
Đôi mắt khô khốc dường như chưa thể thích nghi với hiện thực tàn nhẫn, trân trân nhìn xuống, cố gắng đọc từng dòng chữ.
Liệu đây có phải một trò đùa? Chỉ là một trò đùa thôi phải không? Hay cha hết thương mình rồi, nên mới nghĩ ra cách này để bỏ rơi mình?
Trong đầu cậu bé ong ong những viễn cảnh hoang đường.
Đáng tiếc, nếu đây là một trò đùa, thì nó là trò đùa tàn nhẫn của số phận.
Một bàn tay lớn vỗ lên vai cậu, giọng người đàn ông trưởng thành ồm ồm vang lên: "Sĩ Khanh, hãy bớt đau buồn. Từ hôm nay ta sẽ là nghĩa phụ (*) của con, thay cha con chăm sóc cho con."
(*) Nghĩa phụ: Cha nuôi.
Cậu bé nhắm mắt, hàng mi rung rung một lát, rồi mở ra. Đôi mắt trong trẻo còn nét trẻ con ấy sáng bừng lên sự kiên định và mạnh mẽ, khiến Chu đại nhân phải kinh ngạc.
Cậu còn ghi nhớ những lời cuối cha mình nói, rằng quân tử chí lớn đội trời cao, không thể thừa chỗ cho những tư tình mềm yếu. Nghĩ vậy cậu quỳ xuống, cất giọng trầm trầm tựa tiếng tiêu, chẳng hề thấy bóng dáng khiếp nhược, mà mang theo khí thế của đại tướng quân khi ra trận:
"Chu đại nhân, trước khi nhận con làm nghĩa tử (*), người có thể đồng ý với con một điều không?"
(*) Nghĩa tử: Con nuôi.
Chu đại nhân dường như bị giật mình hoảng hốt, muốn đỡ đứa trẻ đáng thương này lên, nhưng khổ nỗi, đứa trẻ nhất định không chịu, gối vẫn dính chặt trên đất. Chu đại nhân luống cuống nói:
"Có việc gì con cứ nói, sao phải làm chuyện quỳ lạy thế này?"
Cậu bé ngẩng đầu, đôi mắt sáng quắc nhìn thẳng không hề trốn tránh: "Con muốn mang tên cha sống tiếp, giúp cha thực hiện nghiệp lớn chưa thành. Mong người chấp thuận."
Chu đại nhân lặng thinh. Người có hiếu như đứa trẻ này, thiên hạ dễ được mấy ai?
Ông thở dài, xoa đầu cậu: "Được, ta đồng ý. Vài hôm nữa sẽ đưa giấy tờ lên phủ, xin đổi tên cho con."
Như vậy nghĩa là, cho dù sau này lập được công lớn, được vinh danh sẽ là cái tên Nguyễn Sĩ Cố, chứ không phải Nguyễn Sĩ Khanh.
Nguyễn Sĩ Cố, lại được tiếp tục sống.
Mà Nguyễn Sĩ Khanh, từ ngày hôm nay, coi như đã chết, chẳng còn tồn tại nữa.
Cậu bé mỉm cười, ý nguyện được hoàn thành, dập đầu sát đất: "Tạ ơn người, cha nuôi."
***
Vài ngày sau đó, phủ Chu Hỏa đầu (*).
(*) Hỏa đầu: Đội trưởng cấm quân.
Một cậu bé trắng trẻo đáng yêu, bên má có lúm đồng tiền, rạng rỡ kéo tay áo người bạn trạc tuổi mình: "Quân Vệ cũng học ở Giảng Võ đường (*), tốt quá! Chúng ta vẫn có thể ở cạnh nhau."
(*) Trường học võ của thời Trần.
Người bạn cao hơn nửa cái đầu ấy chỉ mỉm cười gật đầu. Cũng chẳng rút tay áo lại, để mặc nó bị nhàu nhĩ trong tay cậu bé kia.
May mắn thay, Chu Hỏa đầu vừa tan buổi chầu trở về, nhìn thấy cảnh này, thở dài bước tới kéo tay đứa con tăng động của mình ra, dạy dỗ: "Con xem con kìa, học được một phần tính cách điềm tĩnh của bạn, cha đã mừng lắm rồi. Làm việc gì cũng láu táu, chẳng thấy khí phách quân tử ở đâu."
Cậu bé trắng trẻo cười trừ, rụt về phía sau. Bấy giờ, Chu Hỏa đầu mới hỏi Sĩ Khanh - hiện giờ là Sĩ Cố:
"Học ở Giảng Võ đường. Vậy...sau này, con định theo ban võ?"
Cậu bé trầm tư suy nghĩ một lát, kiên quyết trả lời: "Phải. Con sẽ theo ban võ. Cha vốn theo ban văn, đạt nhiều công trạng, vẫn luôn tiếc nuối khi ngày nhỏ không được học võ. Tới khi có thể học lại quá tuổi mất rồi. Thế nên, con sẽ giúp cha hoàn thành nguyện ước này."
"Thực chất, tuy cha nuôi chữ nghĩa kém cỏi, nhưng cũng biết con rất có thiên phú, bỏ đi thật sự rất đáng tiếc, đâu có như cái đứa con ngốc nghếch của cha chứ. Con chấp nhận sao?"
"Tuy theo ban võ, nhưng con vẫn sẽ trau dồi kinh sử. Coi như cái thú giải khuây vậy. Cha nuôi đừng lo." Cậu bé bình tĩnh đáp.
"Được, tương lai vốn do con quyết định. Cha nuôi sẽ luôn ủng hộ con."
Vì thế, Nguyễn Sĩ Khanh từ công tử nhà Học sĩ, trở thành một Nguyễn Sĩ Cố không có cha, được Chu Hỏa đầu nhận nuôi, rồi thành Ngự tiền hộ vệ thân thiết bên cạnh Thái tử, cuối cùng chính là Thiên Chương các Đại học sĩ của hiện tại.
Vậy mới biết, không có thành công nào đạt được dễ dàng cả. Mỗi con người đều mang một đoạn quá khứ muốn chôn vùi.
***
Chuyện sau đó, Thuấn Thần đều biết cả rồi.
Tay hơi run run, nàng hỏi: "Đã bắt được đám thích khách và kẻ chủ mưu chưa?"
Trần Thuyên mệt mỏi ngồi xuống long sàng: "Vẫn chưa."
Thuấn Thần hít sâu một hơi, cười khổ, giọng điệu lại rất nghiêm túc rõ ràng: "Có chuyện này ta muốn nói."
Chuyện gì đến cũng phải đến. Đây hẳn là thời điểm thích hợp nhất rồi. Nàng quyết định tiết lộ bí mật vẫn giấu sâu trong lòng bấy lâu nay:
"Nhà ta năm đó phát cháy, không phải vì sự cố, mà do có người cố tình phóng hỏa. Thời điểm...là sau khi ta gặp chàng."
Đúng vậy, năm đó, qua khe cửa sổ, nàng chính mắt nhìn thấy gian nhà giữa - nơi cha mẹ ở đổ sụp. Còn đang muốn hét lên rồi xông ngay ra, thì bị Mạc Đĩnh Chi bên cạnh bịt miệng, ra dấu im lặng.
Tuy cũng vô cùng hoảng sợ, nhưng hắn vẫn bình tĩnh hơn nàng rất nhiều. Mạc Đĩnh Chi chỉ ra ngoài. Theo hướng ấy, nàng thấy một toán người mặc thường phục, tay lăm lăm vũ khí dáo dác tìm kiếm.
Có lẽ ông trời thương tình hai đứa nhỏ, khi ấy Thuấn Thần và Mạc Đĩnh Chi đang chơi trốn tìm cùng đám trẻ trong làng, nên chui vào góc nhà kho, mà nhóm người kia không dám nán lại quá lâu, phóng hỏa xong, kiểm tra một chút cho có lệ rồi nhanh chóng bỏ đi.
Bấy giờ lửa đã bén đến nơi, Thuấn Thần và Mạc Đĩnh Chi vội vàng tìm cách xông ra. Trận hỏa hoạn tặng cho Mạc Đĩnh Chi một vết sẹo, còn nàng, mất đi hai người thân yêu nhất, và chính ngôi nhà của mình.
Sau đó, nàng giả trai, lên kinh thành, nương náu cửa Phật, vừa để tìm đường sống, vừa để đề phòng và qua mắt sự truy đuổi của đám người nọ.
Trước giờ nàng luôn tự hỏi nguyên nhân nhà nàng gặp họa sát thân, vẽ ra trăm giả thuyết. Mà sự thật trước mắt, từ khi biết Trần Thuyên là vị công tử mình cứu năm đó, nàng cũng đã lờ mờ lường đến.
Trần Thuyên sững sờ nhìn nàng. Thuấn Thần đọc được sự kinh hãi trong đôi mắt nâu trợn to ấy, mềm lòng. Nàng bước tới, ôm đầu chàng vào lòng, xoa khẽ mái tóc mượt mà kia, trấn an:
"Ta không trách chàng. Sao ta lại ngu muội thế được? Oan có đầu nợ có chủ. Ta chỉ muốn tìm thấy kẻ giết hại cha mẹ mình."
Trần Thuyên mãi sau mới run rẩy đưa tay ôm siết eo nàng, giống như níu giữ, sợ mất đi thứ quý giá nhất. Chàng vùi đầu thật sâu, giọng nói yếu ớt:
"Tất cả đều là lỗi của ta. Nếu ngày đó không phải do ta đi lạc, sẽ chẳng có ai bị liên lụy, chẳng có ai phải chết, chẳng có ai...phải mất đi người thân."
Thuấn Thần thở dài: "Không phải lần này thì lần khác, chúng cũng sẽ ra tay."
Chỉ khổ cho chàng, đã tự trách biết bao nhiêu năm qua. Vậy mà đến giờ nàng mới biết.
Trần Thuyên nhỏ giọng: "Dù cho từng ấy thời gian không có manh mối gì, nhưng trẫm tin chắc chắn đám người đó còn tiếp tục, nên vẫn luôn đợi chúng bấy lâu nay. Trẫm nhất định sẽ giúp nàng báo thù. Cũng là giúp Sĩ Cố báo thù nữa. Có điều, thời cơ vẫn chưa đến. Nàng tin trẫm chứ?"
Thuấn Thần mỉm cười đáp: "Ta tin chàng."
Yên lặng một lát, nàng tò mò hỏi: "Vậy...Nguyễn Học sĩ năm đó là người thế nào?"
"Ông ấy được xưng tụng là thần đồng." Trần Thuyên mỉm cười, đôi mắt mông lung nhìn về quá khứ: "Đỗ Trạng Nguyên năm Bảo Phù thứ hai (*), khi mới tròn mười tám tuổi. Ông nội (**) chỉ định ông ấy làm Nội thị Học sĩ, dạy học cho cha. Tính ra, vào thời điểm đó, ông ấy cũng chỉ hơn cha vài tuổi."
(*) Bảo Phù: niên hiệu của Nhân Hoàng Trần Thánh Tông (1273 - 1278).
(**) Chỉ Trần Thánh Tông, ông nội của Trần Thuyên.
"Quả thật là hậu sinh khả úy. Đáng tiếc biết bao..."
(*) Nguyễn Sĩ Cố sinh khoảng giữa thế kỷ 13, thông minh, chăm học, âm thầm dùi mài kinh sử mặc dù điều kiện rất khó khăn. Vì nghèo khó, nên tuy ông đỗ khoa thi Hội khi còn khá trẻ, cũng không có người nào nghênh đón Trạng Nguyên Nguyễn Sĩ Cố.
Năm 1274 ông được vua Trần Thánh Tông cho vời vào cung trao chức Nội thị học sĩ để dạy Thái tử Trần Khâm, tức vua Trần Nhân Tông sau này.
Đến năm 1306 dưới triều Trần Anh Tông, ông được thăng chức Thiên Chương các Học sĩ, trông coi việc giảng ngũ kinh ở gác Thiên Chương, thỉnh thoảng giảng sách cho vua học.
Lời tác giả: Nguyễn Sĩ Cố sinh vào giữa thế kỷ 13, thế nên chúng mình đã đặt năm sinh của ông là 1254. Tức khi được mời vào dạy Thái tử Trần Khâm (tức vua Nhân Tông sau này) ông khoảng 20 tuổi. Trần Khâm 16 tuổi.
Tuy nhiên từ năm 1274, ông không còn lần thăng chức nào, cho tới năm 1306 (32 năm sau đó) mới được làm Thiên Chương các Đại học sĩ. Chúng mình đã dựa vào lỗ hổng thời gian này để viết về một Sĩ Cố mới, chính là Sĩ Khanh - người con trai thay cha sống tiếp trong truyện.
Sĩ Khanh của chúng mình sinh năm 1275, hơn Trần Thuyên 1 tuổi :P
(Đọc Theo dòng lịch sử phần 6 để biết thêm chi tiết)
***
Trong buổi tối trăng thanh gió mát nọ, hương quỳnh thoảng đưa, có hai bóng người kì quái đang lén lén lút lút bắc thang leo lên mái của gác Triều Thiên.
Không phải trộm, cũng chẳng phải gián điệp, một người là đại thần triều đình hô mưa gọi gió, một người là thiên tử đứng trên vạn người, hiện tại đều lấm lét làm việc xấu.
Giọng nói trầm trầm khe khẽ phát lên: "Sao đột nhiên nàng lại nổi hứng trèo mái nhà ngắm trăng hóng gió thế? Trốn cấm quân vất vả lắm đấy."
Giọng nói thì thầm khác đáp lại: "Ta thấy dễ dàng lắm mà, có khó khăn gì đâu. Chắc chắn trước đây chàng đã trốn tới quen rồi đúng không?"
Chẳng là trong phim ảnh đều có cảnh nam chính ôm nữ chính, vèo một cái bay lên nóc nhà ngắm trăng. Thuấn Thần thích lãng mạn, cũng muốn thử một lần xem sao.
Tiếc rằng, tưởng tượng đẹp đẽ bao nhiêu, thực tế tàn khốc bấy nhiêu.
Bây giờ áp dụng phim ảnh lên nàng và Trần Thuyên lại đổi thành hai kẻ dở hơi bắc thang chổng mông trèo lên mái ngói. Một chút lãng